Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi: Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã họp trực tuyến với BHXH các tỉnh, thành phố và BHXH cấp huyện trên toàn quốc thông tin về nội dung này, đồng thời chỉ đạo các công việc, nhiệm vụ trong toàn Ngành để khẩn trương, kịp thời triển khai, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định mới.

Chú thích ảnh Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh tư liệu TTXVN

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT BHYT giải quyết các điểm nghẽn về thể chế và đồng bộ với các luật khác trong quá trình tổ chức thực hiện. Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cao nhất cho người khám chữa bệnh BHYT. Giao Chính phủ và các bộ quy định nội dung thuộc thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi khi cần thiết; hạn chế tối đa quy định trùng lặp với các nội dung đã được quy định tại các luật khác.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều điểm mới nổi bật mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, Luật đã sửa đổi hoàn toàn Điều 12 của Luật cũ về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng, đồng bộ với Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2024. Nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung cũng như nâng mức hỗ trợ.

Về mở rộng quyền lợi, Luật mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám bệnh, chữa bệnh (KCB) từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Một điểm nhấn là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính” trong KCB. Luật quy định đồng bộ với Luật Khám chữa bệnh về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: Chuyên sâu, cơ bản và ban đầu. Trong đó, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB.

Về đăng ký KCB ban đầu có quy định, tiêu chí rất rõ ràng. Trong đó, người đăng ký KCB ban đầu ở cấp cao sẽ được KCB ở cấp thấp hơn. Đặc biệt là việc người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở y tế cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng. Luật cũng quy định khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi phải mua thuốc bên ngoài…

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát và cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực BHYT, việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở KCB phù hợp yêu cầu chuyên môn và đưa ra giải pháp tăng cường năng lực KCB BHYT cho y tế cơ sở; bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử…

Để việc triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chỉ đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ động, bám sát các bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện; đồng thời chuẩn bị nội dung để truyền thông, tập huấn, hướng dẫn cho BHXH các địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động lên kế hoạch, phương án để triển khai Luật ngay từ những ngày đầu có hiệu lực; kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.