
Theo báo cáo, sự việc xảy ra tại TTYT huyện Thanh Ba, Phú Thọ khi các bác sĩ đang dồn toàn lực cấp cứu một bệnh nhân nguy kịch. Trong lúc nhân viên y tế thực hiện ép tim, một số người nhà bệnh nhân đã ra vào hỗn loạn, gào thét, chửi bới. Đặc biệt, một người đàn ông có hành vi xô đẩy, tấn công, dùng chân đá, đạp vào bác sĩ.
Chia sẻ với ông Vương Trường Thái – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết, ngay sau vụ việc, đơn vị đã thu thập tài liệu, gửi cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. May mắn, bệnh nhân – người bị tai nạn giao thông, sau đó sốc phản vệ do kháng sinh – đã được cứu sống.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định đây là hành vi "vô đạo đức", ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, an toàn của người bệnh và nhân viên y tế. Cục đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế Phú Thọ khẩn trương báo cáo kết quả xử lý vụ việc về Cục và Bộ Y tế. Quan tâm, động viên kịp thời sức khỏe và tinh thần của người bệnh và nhân viên y tế bị ảnh hưởng của vụ việc nêu trên.
Trước đó, chiều tối 25/4, bệnh nhi 12 tuổi, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông, được chuyển vào viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Qua phim chụp, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, vỡ xương trán, đa vết thương phần mềm..., chỉ định giảm đau, tiêm kháng độc uốn ván cùng kháng sinh.
Ngay sau khi tiêm kháng sinh, trẻ xuất hiện các dấu hiệu của sốc phản vệ như khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, dẫn đến ngừng tim, ngừng thở. Bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ và huy động mọi nhân lực cấp cứu.
Lúc này, người nhà có biểu hiện mất bình tĩnh, đứng quanh giường bệnh, liên tục kêu gào, tấn công, thậm chí đánh y bác sĩ. Theo video, bác sĩ yêu cầu người nhà ra ngoài, song gia đình liên tục lớn tiếng. Khi một nam điều dưỡng đi lấy dụng cụ y tế để phục vụ cấp cứu thì bị một người đạp vào bụng. Tuy nhiên, y bác sĩ vẫn tập trung làm việc, không ai rời bỏ vị trí hay có phản ứng lại và tiếp tục làm đúng quy trình để không bỏ lỡ thời gian vàng cứu người bệnh.
Theo các chuyên gia, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng trong cấp cứu ngừng tim. Kết quả cuối cùng của bệnh nhân phụ thuộc rất lớn vào việc các can thiệp cấp cứu được thực hiện nhanh chóng và đúng trình tự. Ngay từ phút đầu tiên, não và các cơ quan quan trọng sẽ bắt đầu bị tổn thương khi máu ngừng lưu thông, do đó cấp cứu càng sớm, khả năng hồi phục càng cao.
Sau ba phút cấp cứu, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Sau 5 phút, trẻ tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp đã đo được ổn định. 20 phút tiếp theo, bệnh nhân tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường với nhân viên y tế và người nhà. Khi ổn định, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi và can thiệp nếu cần thiết.