Chàng trai 8X Đà Lạt có khối tài sản trăm tỷ nhờ mô hình trang trại thông minh

Sau 6 năm xin nghỉ việc nhà nước, về làm trang trại nông nghiệp thông minh, đến nay chàng trai Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1984, ở phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập đều đặn 300 triệu đồng/tháng, cùng khối lượng tài sản trị giá ngót 150 tỷ đồng.

Tự lắp phần cứng, viết phần mềm cho Farm thông minh

Trong khi nhiều người mong muốn vào làm việc trong các cơ quan nhà nước thì anh Nguyễn Đức Huy lại đi ngược với số đông, xin ra ngoài lập Farm (trang trại) nông nghiệp thông minh. Chia sẻ về điều này, Huy vui vẻ nói: "Làm nhà nước không đủ tiền nuôi vợ con và thỉnh thoảng đi nhậu với bạn bè".

Cuối năm 2015, sau khi được cơ quan đồng ý cho nghỉ việc theo nguyện vọng, anh Huy đã vay ngân hàng 850 triệu đồng, xin nhượng lại quyền sử dụng 3ha đất đồi dốc tại phường 10 (TP.Đà Lạt) để xây dựng Farm nông nghiệp thông minh.

Vốn là thạc sĩ sinh lý thực vật và có khả năng sáng tạo cao, nên chưa đầy nửa năm sau, anh Huy đã xây dựng thành công Farm nông nghiệp thông minh, gồm hệ thống các nhà màng, nhà lưới cho sản xuất thủy canh rau, củ quả tự động. Trong đó có nhiều khâu kỹ thuật sản xuất và điều hành trang trại được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như cảm biến khí tượng, thủy văn, cảm biến dự báo sâu bệnh hại cây trồng…

7 năm làm nông trại thông minh, 8X có trăm tỷ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội ND Lâm Đồng thăm mô hình nông nghiệp thông minh của anh Huy. Ảnh: NGUYỄN HẢI TIẾN

"Hiện đã có nhà đầu tư muốn mua lại farm thông minh của tôi với giá 150 tỷ đồng, đính kèm chuyển giao công nghệ và mạng lưới bao tiêu sản phẩm của farm, nhưng tôi không bán. Bởi mọi thứ có thể làm mới được. Riêng thị phần tiêu thụ nông sản của farm rất khó xây dựng mới" - anh Huy bật mí.

Các cảm biến này sẽ cập nhật 24/24 giờ về sự thay đổi của nhiệt độ, ẩm độ không khí và cường độ ánh sáng ở bên trong và bên ngoài trang trại, đồng thời chuyển dữ liệu về bộ vi xử lý của trung tâm điều hành. Qua đó giúp nhà vườn đưa ra các giải pháp kỹ thuật tác động lên cây trồng một cách chính xác nhất, nhằm giảm thiểu tối đa các tác hại, tăng năng suất, chất lượng nông phẩm.

Nói về những ngày đầu tạo dựng Farm, anh Huy nhớ lại, nơi đây từng là thung lũng heo hút, đường đi lối lại khó khăn. Anh phải thuê máy bạt đất, san đồi, kéo điện lưới, làm đường giao thông kiên cố, xây dựng nhà lưới, nhà màng… Chính tay anh thiết kế, lắp đặt phần cứng và phần mềm cảm biến cho trang trại…

Anh Huy cho hay, khó khăn nhất trong những ngày đầu lập farm chính là việc viết phần mềm, xây dựng thuật toán bón phân, tưới nước, điều chỉnh pH và dự báo sâu bệnh hại cho từng đối tượng cây trồng. 

"Để làm được cái việc trái chuyên ngành này, tôi đã phải nhiều đêm thức trắng, tự học nâng cao trình độ tin học. Sau đó tôi mới viết lập trình cho từng cảm biến, rồi còn phải đưa vào thực tế kiểm nghiệm đi kiểm nghiệm lại nhiều lần. Khi đạt độ tin cậy cao mới tiến hành lắp đặt lên phần cứng và nối mạng với bộ xử lý, điều hành trung tâm Farm" - anh Huy chia sẻ.

Thu nhập ổn định gần 4 tỷ đồng/năm

7 năm làm nông trại thông minh, 8X có trăm tỷ - Ảnh 3.

Các loại rau củ, quả đều được bao gói đóng hộp đúng quy cách. Ảnh: HẢI TIẾN

Đi thăm khắp Farm thông minh của anh Huy, từ trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy tầng tầng lớp lớp nhà lưới, nhà màng nylon trắng muốt, được xây dựng trên các thửa ruộng bậc thang chạy dọc theo sườn núi xuống sát chân thung lũng, giống như những lớp sóng biển xô bờ, rất đẹp mắt. Đi theo từng bậc thang đất vào bên trong các nhà vườn, là cả một thế giới thu nhỏ, gồm nhiều loại cây rau, trái được trồng theo hàng, lối thẳng tắp, cây nào cũng sai hoa, trĩu quả.Anh Huy cho hay, nhờ thời tiết địa phương cho phép gieo trồng rau quanh năm, nên ngày nào Farm cũng cho "thu hoạch" hơn 10 triệu đồng (đã trừ hết mọi chi phí sản xuất), tương đương lợi nhuận đạt gần 4 tỷ đồng/năm.

Đạt được kết quả trên là do các loại rau, củ quả gieo trồng trong Farm thông minh đều cho năng suất cao gấp 2 lần so với sản xuất ngoài tự nhiên. Và đầu ra tiêu thụ sản phẩm của farm hầu hết là khách du dịch mua làm quà, biếu tặng.

"Các loại rau trong farm thông minh có năng suất cao, vì tất cả đều trồng thủy canh, đảm bảo đầy đủ, chính xác mọi yêu về cầu dinh dưỡng và môi trường phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Ví dụ trời mưa có nhà màng ngăn không gây úng ngập cục bộ; thiếu nắng có bóng đèn led chiếu sáng tiếp sức cho cây quang hợp; độ ẩm không khí quá cao có máy hút khí, thông gió… Tất cả đều được lập trình sẵn, cảm biến sẽ tự động điều khiển, không cần thêm bất cứ thao tác nào từ con người" - anh Huy tiết lộ.

Thấy chúng tôi việc ở farm vẫn có nhiều loại rau trồng trên giá thể xơ dừa, anh Huy liền giải thích: Thủy canh có nghĩa là trồng cây trên các giá thể trơ về mặt hóa học, bao gồm thủy canh hồi lưu/máng dinh dưỡng (trồng trong dung dịch dinh dưỡng có sục khí hoặc đảm bảo đủ ô xy hòa tan trong dinh dưỡng); thủy canh giá thể (trồng trong xơ dừa, đá, cát hoặc sỏi); và khí canh (trồng trong môi trường sương mù không khí).

Theo đó, anh Huy chọn các cây có thời gian sinh trưởng dưới 30 ngày như xà lách các loại trồng trong máng dinh dưỡng; những cây có thời gian sinh trưởng trên 30 ngày (cà chua, khoai tây, ớt chuông, cà rốt, củ dền, bắp nữ hoàng…) trồng trên giá thể xơ dừa, dễ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chia sẻ lý do chọn làm nông nghiệp thông minh, anh Huy cho biết: Sự biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, sẽ gây ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây trồng; quỹ đất canh tác đang bị thu hẹp dần làm giảm sản lượng nông sản; việc thuê mượn nhân công làm trong trang trại ngày một khó khăn và tốn kém…

Đây là những nguyên nhân chính thúc đẩy anh Huy đến với nông nghiệp thông minh. Mặt khác, Đà Lạt nằm ở độ cao cách mặt biển 1.500m, nếu sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống, cây trồng trực tiếp trên đất và sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học… thì khi gặp mưa, các dư lượng hóa chất nói trên theo cùng dinh dưỡng đất rửa trôi xuống đồng bằng, sẽ gây tác hại vô cùng to lớn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.