Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)

20/04/2023 15:35

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả thực thi chính sách của chính quyền đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã chính thức tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2022, 16.117 người dân và cũng là những cử tri đã tham gia khảo sát PAPI.

papi-1-1681979564.jpg

PAPI là hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009. Tham gia hỗ trợ kỹ thuật nền tảng công nghệ cho việc thu thập dữ liệu theo thời gian từ năm 2015 đến nay. Còn có các tổ chức như Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các địa phương và Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA).

Là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam với nội dung đánh giá xây dựng, thực thi, giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công, PAPI được xây dựng trên triết lý, coi người dân là “người sử dụng dịch vụ của cơ quan công quyền có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương. Đến hết năm 2020, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 146.233 người dân. Kết quả của chương trình nghiên cứu là những bộ dữ liệu đánh giá khách quan về chất lượng quản trị quốc gia từ trải nghiệm của người dân được chia sẻ. Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của ‘khách hàng’ đối với các ‘sản phẩm’ của toàn bộ quá trình ‘sản xuất’ của bộ máy nhà nước, PAPI đã cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý.

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở ViệtNam (PAPI) năm 2022 được công bố ngày 12 tháng 04 năn 2023 tại Hà Nội đã  cung cấp bức tranh sinh động về hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong những năm khởi đàu của giai đoạn 2021-2026. Qua đó cho thấy, sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng và những nỗ lực của hệ thống công quyền nhằm khắc phục tác động kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, giúp tăng thêm niềm tin của người dân về sự phát triển quốc gia . 

PAPI 2022 và những đóng góp nổi bật

Báo cáo PAPI 2022 đã tập trung vào những vấn đề cơ bản về kết quả đo lường chỉ số cơ bản; nội dung đáng quan ngại của người dân; thực hiện dân chủ cơ sở thông qua bầu cử và hiệu quả quản trị đất đai từ góc nhìn và trải nghiệm của người dân.

Nét nổi bật trong năm 2022 là sự chuyển dịch của đất nước sang thời kỳ sau đại dịch Covid-19, những vấn đề hệ trọng cần tập trung giải quyết của đất nước đã có những thay đổi. Khảo sát năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người lựa chọn y tế và bảo hiểm y tế là trọng số lớn nhất đã giảm mạnh từ 23,84% xuống còn 6,38%. Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người lựa chọn trong năm 2022. Nghèo đói cũng là chủ đề liên tục đứng đầu trong danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015.

2/3 số người được hỏi (trên 66,1%) đánh giá tốt tình hình kinh tế quốc gia, gia tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số người đánh giá điều kiện kinh tế “kém” giảm tới 13,7% so với tỉ lệ 19,8% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù 56% số người khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình tốt hơn trong năm 2022, song tỉ lệ này vẫn ở mức thấp kể từ năm 2012. Nhiều người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình kém đi so với mức gia tăng từ năm 2012. Điều này cho thấy mối quan ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó, người dân tộc thiểu số và phụ nữ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định còn cao ở hai nhóm này.

Năm 2022, số lượng tham gia phỏng vấn cao PAPI ở mức cao nhất, đạt 16.117 người từ lựa chọn ngẫu nhiên ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với kết quả đạt được, Báo cáo PAPI 2022 đã cung cấp những thông tin và dữ liệu phong phú về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong những năm đầu của thời kỳ 2021-2026, đặc biệt là đóng góp trưc tiếp vào việc xây dựng chính sách và pháp luật của năm 2023.

papi-2-1681979564.jpg

Quảng Ninh tỉnh dẫn đầu cả nước về PAPI (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trong bối cảnh đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là công tác trọng tâm, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 đã cho thấy, thái độ của công chúng đối đang thay đổi. Tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng Nhà nước cần tập trung giải quyết đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, Kiểm soát tham nhũng được ghi nhận với số người nhận thấy hiệu quả của chính quyền địa phương về kiểm soát đã sụt giảm kể từ năm 2016. Nguyên nhân là do tỉ lệ người dân phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước gia tăng và số người phải ‘chung chi’ khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng tăng cao. Ở địa phương và trong các tổ chức công quyền; công khai, minh bạch trong quyết định giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, góp phần quan trọng vào giảm thiểu tham nhũng. Kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy, chưa có chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chính sách cụ thể đối với chính quyền cấp để cơ sở tạo thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận trực tiếp với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhằm đóng góp vào chương trình xây dựng và thực thi pháp luật năm 2023, Báo cáo PAPI 2022 đã phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn liệu cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở trong năm 2022.

Luật Đất đai năm 2013 bao gồm các quy định liên quan đến các giao dịch mua bán, tịch thu, và bồi thường đất đai. Chỉ số PAPI 2022 đã tìm hiểu nhận thức và trải nghiệm của người dân về hiệu quả quản trị đất đai tại địa phương. Qua đó, đã phân tích một số chỉ tiêu đánh giá tính bình đẳng trong áp dụng những điều khoản của luật trên thực tế. Một phát hiện quan trọng là tỉ lệ hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tăng trên 4,1% trong năm 2022, cao hơn so với năm trước. Ở những đơn vị thôn/ấp/bản có ít nhất 30% cư dân làm nông nghiệp, tỉ lệ người được hỏi cho biết hộ gia đình họ bị thu hồi đất nông nghiệp tăng từ 5,4% năm 2021 lên 6,5% trong năm 2022. Điều này cho thấy, việc thu hồi đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn là một vấn đề nổi cộm cần được giải quyết bằng các quy định chặt chẽ hơn về minh bạch và tiếp cận thông tin đất đai  bình đẳng trong Luật Đất đai sửa đổi.

Người dân cho rằng, việc bồi thường thu hồi đất còn ở mức quá thấp và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới khiếu kiện liên quan tới thu hồi. Vấn đề này đã được đưa vào nhiệm vụ nghiên cứu PAPI năm 2022 để khảo sát người dân. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa giá mua bán quyền sử dụng đất (giá đất) trên thị trường với giá đất do chính quyền địa phương chính thức ban hành. Từ góc nhìn của người dân cho thấy, chính quyền địa phương chưa tính đến giá thị trường khi xác định giá bồi thường thu hồi đất. Do đó, bảng giá đất ở địa phương cần được cập nhật thường xuyên, thay vì bốn năm một lần, để theo kịp giá giao dịch quyền sử dụng đất trong dân cư vốn đã thay đổi nhanh chóng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, người dân ít biết đến giá đất, tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương quy định. Đây là hệ lụy của hạn chế nhận thức của cơ quan công quyền và thiếu sự tham gia của người dân vào công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Chỉ số PAPI năm 2022 đã đưa ra những dữ liệu cơ sở quan trọng để theo dõi việc thực hiện văn bản luật “lấy người dân làm trung tâm”, đặc biệt trong việc đảm bảo đại biểu dân cử ở cấp cơ sở, một cơ chế  phản ánh sát cơ cấu xã hội Việt Nam.

Phát hiện từ khảo sát năm 2022 còn cho thấy, cử tri có xu hướng ủng hộ việc bầu chọn các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số vào các vị trí dân cử từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở. Thực hiện dân chủ cơ sở được khai thác sâu trong bối cảnh bầu cử chọn trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong năm 2022. Kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy, tính cạnh tranh cho vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố có xu hướng giảm dần qua thời gian. Năm 2022, chỉ có 48% số người tham gia đi bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố.

Về hiệu quả quản trị điện tử, Baó cáo PAPI 2022 đã chỉ ra,các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Năm 2022, tỷ lệ người thực hiện dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021. Đối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), số người cho biết đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng DVCQG còn rất thấp, chưa đến 5% số người được hỏi có hoặc đã sử dụng Cổng DVCQG cho các mục đích khác nhau và mới có khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.

Nhìn nhận về kết quả đo lường các chỉ số tổng hợp, Báo cáo PAPI 2022  đã đề cập đến kết quả khảo sát ở cấp tỉnh trong tám chỉ số nội dung bao gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Trong số các tỉnh/thành phố thuộc nhóm phân vị ‘cao’ và phân vị thấp, đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, và theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh/thành phố không tăng so với năm 2021.

So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể; ở Chỉ số nội dung 2 ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’ và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 ‘Quản trị điện tử’. Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố lại giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 ‘Quản trị môi trường’, 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’, và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 ‘Cung ứng dịch vụ công’.

PAPI 2022 từ góc nhìn chính khách, các nhà quản lý và giới nghiên cứu

Phát biểu khai mạc Hội nghị PAPI 2022 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhận xét “Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.”

Đồng tình với đánh giá này, Đại sứ Australia tại Việt Nam, Andrew Goledzinowski chia sẻ: “Rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam theo dõi kết quả PAPI để điều chỉnh chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Điều quan trọng là PAPI thể hiện quan điểm, tiếng nói của đông đảo các tầng lớp dân cư, bao gồm phụ nữ và nam giới, cũng như người khuyết tật. Lắng nghe ý kiến công dân như vậy là rất cần thiết để cải thiện dịch vụ công. Australia đã và đang hỗ trợ sáng kiến quản trị quan trọng này suốt bảy năm qua bởi chúng tôi nhận thấy nghiên cứu này mang lại giá trị cho Việt Nam”.

Phó Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, Conor Finn, chia sẻ: “Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam đánh giá cao việc nghiên cứu PAPI ưu tiên tính hòa nhập của các nhóm dễ bị tổn thương. Chính phủ Ai-len cam kết ưu tiên hỗ trợ các nhóm cộng đồng thường bị bỏ lại phía sau, vì vậy chúng tôi trân trọng việc nghiên cứu PAPI tập trung lắng nghe ý kiến của dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật và cộng đồng. Chúng tôi cam kết tiếp tục ủng hộ những nỗ lực này bằng việc tăng mức tài trợ cho chương trình nghiên cứu PAPI trong năm 2023.”

Thay mặt cho giới nghiên cứu và các nhà quản lý việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết “14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước. Một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.”

Phát hiện từ nghiên cứu PAPI2022 ở cấp Quốc gia và cấp tỉnh, nhà nghiên cứu quốc tế TS Paul Schuler đã gợi ra những vấn đề đáng quan ngại. Theo đó, có thể thấy những vấn đề nổi bật từ góc nhìn của người dân. Trong năm khảo sát, PAPI đặt vấn đề để người dân tự nêu từ một đến ba nội dung họ cần để Nhà nước tập trung giải quyết. Kết quả khảo sát đã chỉ ra mối quan ngại về đại dịch COVID-19 đã dần lùi về phía sau để nhường chỗ cho chủ đề về phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể là t lệ quan tâm tới bảo hiểm y tế/sức khỏe đã giảm mạnh chỉ còn 4,86% so với 23,84% của năm 2021t lệ đói nghèo đã đứng đầu là 22,13%. Mặc dù chiến dịch phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, song mức độ quan ngại của người dân về tham nhũng chỉ tăng 4,80% so với năm 2021. Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng, công tác đăng ký đất đai còn thiếu minh bạch và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng

TS Edmund J.Malesky, thuộc nhóm nghiên cứu PAPI cho rằng, tác động của di cư đến hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến và tới người dân di cư, tạm trú là vấn đề rất đáng quan tâm. Kết quả phân tích dữ liệu năm 2022 cho thấy, người thường trú và người tạm trú có điều kiện và địa vị chính trị, kinh tế và xã hội rất khác nhau. Người tạm trú có xu hướng nghèo hơn, có ít tài sản và thu nhập thấp hơn so với người thường trú. Khác biệt lớn nhất là người tạm trú ít có mối quan hệ tương tác với chính quyền so với người thường trú. Người tạm trú dễ bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đang làm những công việc phải xa gia đình và khó tiếp cận được với dịch vụ công nơi tạm trú. Từ những khác biệt gợi ra, kỳ vọng của nhà nghiên cứu là Nhà nước tập trung giải quyết và nhìn nhận người tạm trú với điều kiện của kinh tế hộ gia đình như là điều kiện cần thiết.

Thay cho lời kết

Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn trong năm 2010, khảo sát PAPI đã được mở rộng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2022 đã có 16.117 người dân tham gia khảo sát. Trong suốt 14 năm qua, tới 178.243 lượt người dân cả nước được chọn ngẫu nhiên để tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

Là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu và quản lý Việt Nam với các nhà khoa học thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) những năm đã qua  PAPI đã đóng góp thiết thực vào những chương trình phục hồi kinh tế.

Từ những đánh giá của các nhà nghiên cứu, quản lý trong ngoài, nước, với sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân cùng với những nhận xét khách quan của chính khách và các học giả quốc tế, chúng ta có niềm ti và hy vọng PAPI sẽ đống góp ngày càng hữu ích và to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai./.

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)" tại chuyên mục TS. Lê Thành Ý. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309