Hoạt động thúc đẩy phát triển cộng đồng cải cách vì doanh nghiệp và cải thiện năng lực cạnh tranh ở các địa phương được xây dựng trên cơ sở thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Báo cáo PCI 2022 xây dựng từ kết quả nghiên cứu, khảo sát11.872 doanh nghiệp, bao gồm 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI.
Thay đổi lớn của năm 2022 là, lần đầu tiên VCCI và USAID cùng các đối tác đã công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng thân thiện với môi trường từ góc nhìn thực tiễn kinh doanh về mức độ ứng dụng công nghệ, trình độ quản trị, ứng xử với môi trường và sự quan tâm, sẵn sàng đầu tư về môi trường của chính quyền địa phương và các vấn đề môi trường quan trọng khác..
Bằng xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, các nhà hoạch định chính sách mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; cung cấp kịp thời thông tin hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường và định hướng cho các nhà đầu tư về bảo vệ, xây dựng nhiều dự án xanh hóa môi trường.
Chuyển đổi xanh nền kinh tế không dễ dàng nhưng là một hành trình tươi sáng. Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn hy vọng sẽ vững vàng và nhanh chóng vượt qua giông bão của kinh tế toàn cầu để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Thực trạng môi trường và những chủ trương của lãnh đạo nhà nước
Theo các nhà phân tích, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ gia tăng về Biến đổi khí hậu (BĐKH) và ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi đối với người dân, xây dựng lộ trình phát triển bền vững với mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng. Để hiện thực hóa mục đích này, cần có dữ liệu đáng tin cậy để đo lường tiến trình thực hiện và từ đó xác định các giải pháp chính sách phù hợp.
Với sự hỗ trự của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Dự án PCI Việt Nam đã được xây dựng theo phương pháp luận thống kê khoa học với sự am hiểu về bối cảnh quốc gia. Chỉ số PCI thực hiện hướng đến trở thành công cụ chính sách hữu ích cho các cơ quan, ban ngành và chính quyền các cấp, đồng thời cũng là nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước. Các nhà khoa học thuộc VCCI và USAID đã tiến hành nghiên cứu, phân tích và thử nghiệm công phu về cách thức xây dựng chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) để phát phát hiện những vấn đề cần bổ xung và hoàn thiện về bảo vệ môi trường. Kết quả thu nhận được từ cảm nhận của doanh nghiệp và các lĩnh vực hoạt động đã tạo nên những hiểu biết và nhiều nội dung phong phú.
Sau gần 40 năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam khiến thế giới phải kinh ngạc; thương mại quốc tế và thu hút vốn FDI đã và đang đạt được những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, sự năng động của nền kinh tế đang đi cùng với những hệ lụy. Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn từ BĐKH và ô nhiễm môi trường.
Suy thoái môi trường ở nhiều vùng nông thôn và ven biển đang là mối đe dọa sinh kế của nông dân và ngư dân; còn ô nhiễm không khí và nguồn nước lại là mối quan ngại hàng đầu của chính quyền và người dân đô thị. Việt Nam đứng thứ 141 trong 180 quốc gia được xếp hạng về chất lượng không khí và bảo vệ đa dạng sinh học trên thế giới. Công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng và nhiệt điện than, xây dựng và giao thông vận tải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây thiệt hại từ 4,45% đến 5,64% GDP hàng năm. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nếu Việt Nam tiếp tục duy trì cơ cấu năng lượng phát thải carbon cao như hiện nay, thì đến năm 2050, lượng phát thải của các ngành này sẽ chiếm tới 86% tổng lượng phát thải ròng của Việt Nam (ADB 2017).
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững. Định hướng này được thể hiện qua cam kết phát thải khí carbon thấp với việc phê chuẩn Thỏa thuận chung Paris và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tháng 11/2022, Chính phủ đã đưa ra mức NDC sửa đổi lần thứ hai. Theo đó, các lĩnh vực đầu tư quan trọng bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và tập trung vào quản lý chất thải. Nhằm đạt được mục tiêu NDC, đến năm 2030, cần huy động hơn 27 tỷ USD vốn đầu tư để đạt được các mục tiêu đề ra.
Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) đã ban hành Quyết định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn. Nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) là chính sách mang tính đột phá, điều chỉnh chung hoạt động bảo vệ môi trường đồng thời quy định chi tiết về giảm thiểu KNK. Năm 2022, Việt Nam đã ký thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với một nhóm các đối tác phát triển. Theo đó, sẽ huy động 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng tái tạo
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2 năm 2021) đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, nhấn mạnh thu hút FDI, công nghệ cao và các dự án đầu tư bảo vệ môi trường. Đến nay, năng lượng tái tạo chiếm 25-27% tổng công suất điện quốc gia. Quy hoạch Điện VIII xác định cụ thể các dự án thuộc diện ưu tiên lựa chọn và công suất thiết kế mong muốn. Vào tháng 10 năm 2021, Quy hoạch này đề xuất trong cơ cấu nguồn, tỷ trọng nhiệt điện than sẽ giảm từ 34% xuống còn 17% vào năm 2045; tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ nâng lên 53% tổng công suất điện. Quy hoạch Điện VIII gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, chuyển đổi từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí đồng thời với tăng tỷ lệ hấp thụ điện gió ngoài khơi và cho phép kết nối điện mặt trời mái nhà với lưới điện quốc gia.
Việt Nam đã công bố Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đầu tiên vào năm 2012 và Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh mới ở giai đoạn đầu, nhận thức về tăng trưởng xanh còn trong giai đoạn sơ khởi, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhiều tỉnh, thành phố chưa chú trọng đầy đủ đến yếu tố bền vững môi trường. Tính đến cuối năm 2021, mới có 34/63 tỉnh thành chính thức ban hành Kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã xác định huy động tài chính xanh từ khu vực tư nhân là cần thiết để triển khai các dự án quy mô lớn. (Tổng cục Thống kê 2021).
Cho đến nay, việc huy động đầu tư tư nhân cho các dự án xanh còn khá khó khăn bởi rào cản về khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, điều kiện huy động tài chính quốc tế thiếu thuận lợi, quyền sở hữu trí tuệ chưa đảm bảo, thiếu hụt lao động chuyên môn và thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Những rào cản khiến các nhà đầu tư tiềm năng còn ngần ngại, phải cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và rủi ro, đã hạ thấp kỳ vọng và giảm quy mô đầu tư. Trên thực tế, mặc dù đã có các chính sách ở cấp trung ương, song việc thực hiện ở cấp địa phương lại chưa có chuyển biến đáng kể.
Nhằm góp phần hiện thực hóa định hướng quốc gia về tăng trưởng xanh và tạo mối quan tâm ngày càng tăng của chính quyền các tỉnh thành và khu vực tư nhân về bảo vệ môi trường, VCCI khởi động Chỉ số Xanh cấp tỉnh nhằm khuyến khích các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến yếu tố bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng kinh tế. Từ những năm 2018-2019, tổ chức này đã thử nghiệm đưa các vấn đề môi trường vào nội dung điều tra PCI. Song song với đó, còn hợp tác với Quỹ Châu Á nhằm triển khai nghiên cứu đánh giá sức chống chịu của doanh nghiệp vớí BĐKH.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh một nhân tố mới
Với việc triển khai thực hiện Chỉ số Xanh (PGI) cấp tỉnh, VCCI đã chính thức coi PGI là một hợp phần quan trọng về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI với mong muốn, đây sẽ là công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới. Báo cáo PCI 2020 đã dành một chương đặc biệt về chủ đề môi trường, tìm hiểu động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chi phí và áp dụng các thực hành, quy trình sản xuất kinh doanh mới theo hướng thân thiện với môi trường. PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp (Edmund Malesky.2921).
Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu4 (BĐKH); xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh, chú trọng mua sắm xanh và khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Chỉ số PGI đo lường các tiêu chí thông qua bốn chỉ số thành phần được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố. Chỉ số này hướng tới thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển bền vững, đã nhận được những phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp là thành viên của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp. Từ những kết quả ban đầu, năm 2021 VCCI đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với USAID và Suntory Pepsi Co Việt Nam (SPVB) để chính thức triển khai PGI, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 về tăng trưởng bền vững và thu hút đầu tư xanh có chất lượng.
Trong tham luận Nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững GS TS E.Malesky Giám đốc ngiên cứu PCI nhấn manh động lực thúc đẩy đánh giá PGI là tăng trương phát triền kinh tế tư nhân và sự hợp tác với khu vực này, Việt Nam không tránh khỏi nhứng thách tức chưa tưng có về BĐKH.
Phân tích Chỉ số PGI, bao gồm: 1) Phương pháp luận PGI; 2) Chỉ số tổng thể; 3) So sánh dữ liệu điều tra PCI (dữ liệu “mềm”) và dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (dữ liệu “cứng”); 4) Sự khác biệt trong phản hồi điều tra của doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI và Phân tích mối tương quan giữa điểm PGI cao và khả năng ít bị rủi ro về thiên tai, BĐKH và ô nhiễm, các nhà nghiên cứu nhận thấy:
Hầu như bốn chỉ số thành phần của PGI không có mối tương quan nên khó xác định điểm số vượt trội trong chỉ số PGI tổng hợp. Thay vì cho việc tính điểm chỉ số PGI tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn và sử dụng cách tính điểm theo từng chỉ số thành phần.
Khi so sánh hai nguồn dữ liệu chính được sử dụng để xây dựng PGI các nhà phân tích đã sử dụng dữ liệu Điều tra là “dữ liệu mềm” và dữ liệu từ Chỉ số Bảo vệ môi trường (PEPI) 2021 do Bộ TNMT thực hiện. gọi là “dữ liệu cứng”, được tính điểm gộp theo phương pháp trung bình cộng có trọng số để có thể dung hòa điểm hạn chế của dạng dữ liệu điều tra dựa vào câu trả lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được kết quả PGI tổng thể ở mức tốt, một tỉnh cần có điểm số vượt trội ở ít nhất một trong hai thước đo này
Mặc dù doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về chất lượng quản trị môi trường của chính quyền địa phương so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. song lại có cảm nhận tiêu cực hơn ở một số chiều cạnh. Các nhà nghiên cứu đã tận dụng lợi thế của điều tra khảo sát PGI ở cả hai nhóm tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI để so sánh cảm nhận về các khía cạnh quản trị môi trường quan trọng.
Phân tích các đánh giá về công tác quản trị môi trường cấp tỉnh, giới nghiên cứu nhận thâý, đánh giá của doanh nghiệp tư nhân trong nước không mấy khác biệt, song nhìn nhận định của doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau lại có sự khác biệt,
Sử dụng biến dữ liệu về chất gây ô nhiễm cơ bản, bao gồm cả bụi mịn 2.5 (PM 2.5), ni-tơ đi-ô-xít (NO2) và lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2) tạo ra trong sản xuất công nghiệp; các nhà nghiên cứu đã thu nhận được số liệu về số vụ thiên tai do BĐKH và môi trường gây lũ lụt, sạt lở đất và hạn hán. Kết quả phân tích cũng cho thấy, có mối tương quan với việc giảm chỉ số bụi mịn PM 2.5.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh được xây dựng cung cấp thông tin đầu vào phục vụ công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp. Với mục đích đề ra, PGI đã được thiết kế như một chỉ số xếp hạng dựa trên các tiêu chí đầu vào hình thành từ một hệ thống chỉ tiêu đo lường các yếu tố chính sách đầu vào có mối tương quan với hiện trạng môi trường và khí hậu. Từng tiêu chí của bộ chỉ số PGI đều được tính toán để đảm bảo dung hòa được các đặc điểm của dữ liệu điều tra cảm nhận và dữ liệu cứng.
Dữ liệu điều tra doanh nghiệp có điểm mạnh là nắm bắt tốt các sắc thái cảm nhận của các doanh nghiệp trong mẫu điều tra và phản ánh chính xác trải nghiệm về môi trường và quản trị môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của loại dữ liệu này lại là dễ có sai số trong đo lường, bởi chịu ảnh hưởng của các yếu tố gây thiên lệch, như thiên kiến nhận thức hay đánh giá theo cảm tính.
Do tính chất đa chiều của hệ sinh thái kinh doanh thân thiện môi trường và tính phức tạp của việc xác định tương quan của các khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội của chỉ số thành phần PGI, nhóm nghiên cứu đã gán trọng số để tính toán chỉ số PGI tổng hợp. theo thứ tự từ các hoạt động truyền thống đến các hoạt động mới nhất và mang nhiều kỳ vọng, bao gồm:
. - Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH. Trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, trách nhiệm của chính quyền địa phương ngày càng lớn bởi họ được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó và giảm thiểu tác động ngày càng lớn của BĐKH đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Chỉ số thành phần này đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu tác hại môi trường bởi hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả của công tác quản lý càng trở nên cấp thiết trước các sự cố môi trường.
- Thúc đẩy thực hành xanh là chỉ số thành phần đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh, đó là sự lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường trong các hoạt động đấu thầu, mua sắm công với hoạt động hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật và các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa” quy trình hoạt động, sản xuất kinh doanh và hành vi của doanh nghiệp.
- Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Thành phần này đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện hành vi và quyết định tạo tác động môi trường, giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ xây dựng năng lực doanh nghiệp để xanh hóa hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh.
Kiến giải và đề xuất của các chuyên gia
Chỉ số PGI, do VCCI khởi xướng với sự hỗ trợ của USAID, được xây dựng và thực hiện, nhằm đánh giá tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong lộ trình phát triển và tăng trưởng Chỉ số PGI tập hợp “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp và chuyển tải cảm nhận, trải nghiệm của doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới các nhà hoạch định chính sách.
Với mục tiêu đưa ra khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng và khả thi để chính quyền các cấp tham khảo, có các quyết sách phù hợp nhằm giảm tác động BĐKH và ô nhiễm môi trường trong hoạt động bền vững của doanh nghiệp. PGI là chỉ số xếp hạng dựa trên thông tin đầu vào được xây dựng từ hệ thống chỉ tiêu phản ánh thước đo hành động của chính quyền cấp tỉnh có tiềm năng tương ứng với kết quả đầu ra về môi trường và khí hậu đang được quan tâm. Trong quá trình thử nghiệm các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số vấn đề, cần tập trung làm rõ và có giải pháp xử lý thích hợp, đó là
- 4 chỉ số thành phần của PGI không liên quan đáng kể với nhau. Nếu tính toán chỉ số PGI tổng hợp từ điểm số của từng chỉ số thành phần rất khó xác định địa phương đạt được điểm cao.
- Do dữ liệu điều tra và dữ liệu “cứng” ít có tương quan,để đạt được kết quả PGI tổng thể tốt, cần có điểm số vượt trội ở ít nhất một trong hai thước đo này
- Nhìn chung, về công tác quản trị môi trường địa phương, doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Mặc dù có sự khác biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, song vẫn có mối liên hệ chặt chẽ trong cách nhìn nhận của 2 loại doanh nghiệp này đối với công tác quản trị môi trường nơi họ hoạt động, đặc biệt là về giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo tuân thủ quy định môi trường.
- Cảm nhận của doanh nghiệp về công tác quản trị môi trường địa phương xét theo ngành, và lĩnh vực không có sự khác biệt về mặt thống kê.
- Trong giai đoạn đầu phát triển chỉ số Xanh cấp tỉnh, để đo lường tiến trình chuyển đổi xanh, tuy nghiên cứu PCI chưa tìm thấy mối quan hệ mạnh giữa chỉ số PGI tổng thể và thước đo về ô nhiễm và thiên tai hoặc chưa nhận tháy quan hệ có ý nghĩa giữa chỉ số thành phần với các chất gây ô nhiễm NO2 và SO2; song các nhà phân tích vẫn tin tưởng, đây là một công cụ chính sách hữu ích để đo lường các chuyển biến về môi trường và quản trị môi trường.Việc thực thi quy định tốt trong hiện tại sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai.
Sau thử nghiệm, các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể khởi động vòng đánh giá chuyên gia trên diện rộng về mặt phương pháp luận, tính khoa học và tác động chính sách của chỉ số PGI. Theo đó, cần thành lập Ban cố vấn để đánh giá và phản biện về bảng hỏi và hệ thống chỉ tiêu, đồng thời tham vấn ý kiến chuyên gia để hoàn thiện chỉ số. Cùng với việc làm này, cần tăng cường hoạt động tham vấn chính quyền các tỉnh, thành phố để tìm hiểu kỹ hơn về những chuyển động mới trong công tác quản trị môi trường hoặc những đánh đổi địa phương phải cân nhắc giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Về một số mặt còn hạn chế của PGI thử nghiệm, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện trong quá trình tham vấn, thảo luận với các chuyên gia môi trường.
Điểm số PGI có xu hướng ở mức trung bình thấp và độ chênh lệch còn thấp do hầu hết các địa phương mới ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh, chưa có nhiều không gian cho thay đổi và chưa có địa phương nào thành công trong hoạt động cần thiết để thực sự ngăn chặn được suy thoái môi trường và BĐKH.
Việc xác định địa phương thực sự có chất lượng quản trị môi trường tốt còn khá khó khăn bởi các yếu tố gây nhiễu. Trong phân tích tình hình, đánh giá mối liên hệ giữa điểm số PGI cao với tình trạng giảm ô nhiễm, thiên tai, một trong các biến nhiễu là “hiệu ứng lan tỏa”. Mặc dù các tỉnh có thể thiết kế và thực hiện tốt chính sách trên địa bàn quản lý, nhưng hầu như họ không thể làm được gì trước những rủi ro về ô nhiễm và môi trường gây ra bởi các tỉnh lân cận, nhiều thảm họa môi trường có thể xảy ra ngoài dự đoán bởi không thể ngăn chặn, xử lý được vi phạm xảy ra tại các khu vực giáp ranh như vùng rừng núi, sông suối hoặc các vùng tài nguyên chung..
Chỉ số Xanh cấp tỉnh mới được xây dựng, là dấu hiệu cho thấy khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ ràng về vấn đề môi trường cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Bằng xây dựng và công bố chỉ số Xanh PGI, các nhà hoạch định chính sách mong muốn cổ vũ chính quyền các tỉnh thành phố ở Việt nam quan tâm hơn trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và cung cấp thông tin kịp thời đến các nhà hoạch định chính sách nhằm thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường và nhiều dự án xanh hơn ở đất nước ta./.