Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

PV
Sáng nay (mùng 7 Tết Nhâm Dần 2022), người dân từ khắp nơi đã tới xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) để cùng xuống đồng, tham dự lễ hội Tịch điền.

Lễ hội được phục dựng theo tích Vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan tổ chức cày Tịch điền dưới chân núi Đọi (năm Đinh Hợi 987).

Lễ hội Tịch điền được khôi phục gần 15 năm nay nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã có mặt tại nơi tổ chức lễ hội để theo dõi và chứng kiến cảnh vua đi cày đầu năm. 

Sau màn múa trống khai hội cùng màn múa rồng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã dâng hương linh vị Vua Lê Đại Hành và Thần Nông.

66-1644218340.jpg
Chủ tịch nước xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền

Một lão nông tái hiện hình ảnh Vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo Vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau là các cô gái đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Người được lựa chọn vào vai vua phải là lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và phải là thành viên của gia đình văn hóa.

Tiếp đó, Chủ tịch nước cùng một số vị lãnh đạo thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm.

Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.

Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai Xuân động thổ,” cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc đã trở nên quen thuộc, là niềm mong đợi của người dân Hà Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ.