Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022

Đó là mục tiêu được đưa ra tại hội nghị giao ban về kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý IV-2021; kế hoạch thực hiện năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, về xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội còn 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới là: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mê Linh, Mỹ Đức và Ba Vì. Về xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong quý IV, thành phố đã ban hành quyết định công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (9 xã của huyện Ba Vì, 2 xã của huyện Mỹ Đức), đưa tổng số đến nay toàn thành phố có 379/382 xã (chiếm 99,21%) đạt chuẩn nông thôn mới. 

Đối với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thành phố hiện có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% số xã đạt nông thôn mới nâng cao. Trong quý IV, có 14 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND thành phố công nhận. 

thanhuy1-1644195482.jpg
Hà Nội phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022

Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngày 23-12, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đã tiến hành thẩm định đối với 5 xã của huyện Đan Phượng đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn thành phố đạt 39.568,4 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm trước. Trong đó, trồng trọt, chăn nuôi đạt 36.113,6 tỷ đồng, chiếm 91,3%; thủy sản đạt 3.356,3 tỷ đồng, chiếm 8,5%; lâm nghiệp đạt 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đến nay, toàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đáng chú ý, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2021, thành phố đề ra mục tiêu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm, đến nay, toàn thành phố có 595 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, vượt kế hoạch thành phố đề ra.

Về phát triển kinh tế nông thôn, đến nay, toàn thành phố có 1.303 hợp tác xã nông nghiệp gồm 1.078 hợp tác xã đang hoạt động và 225 hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã quan tâm đến liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, người sản xuất hình thành các chuỗi giá trị. Ngoài ra, Hà Nội hiện có 1.701 trang trại đạt tiêu chí quy định về trang trại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố; đại diện lãnh đạo các huyện đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào việc thực hiện Chương trình số 04 và những mục tiêu, định hướng kế hoạch thực hiện năm 2022.

thanhuy-sonn-1644195534.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ báo cáo tại hội nghị.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải kiến nghị các sở, ngành hỗ trợ huyện trong phát triển nông nghiệp cao, hữu cơ, phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp bối cảnh từ huyện thành quận, quỹ đất giảm nhưng hiệu suất, giá trị sử dụng đất phải tăng cao; đặc biệt hỗ trợ các hợp tác xã phát huy được vai trò kinh tế tập thể…

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt kiến nghị, thành phố, sở, ngành hỗ trợ các xã còn lại của huyện Mỹ Đức đạt xã nông thôn mới, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là các xã khu vực miền núi giải quyết tiêu chí về trường học; hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp gắn với du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận các huyện, sở, ngành đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả nổi bật về thực hiện Chương trình 04 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với những kết quả đạt được, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, việc chậm đưa các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đang là vấn đề cần tháo gỡ kịp thời để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. “Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, tồn tại, tiếp tục có giải pháp, quyết tâm tháo gỡ để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đáp ứng đúng thực tiễn. Ngoài ra, cần giải quyết vấn đề các hợp tác xã yếu, kém, dừng hoạt động, giải thể…”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Năm 2021, dù ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng ngành Nông nghiệp đã tăng trưởng 3,46% - đó là nỗ lực rất lớn. Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 04, nổi bật là kết quả về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; điển hình là huyện Đan Phượng đến nay đã có 100% xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đánh giá cao về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều sản phẩm làng nghề tham gia đánh giá, phân loại có giá trị, có tính bảo tồn, phát triển làng nghề.

batuyen-1644195410.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất tập trung chưa được áp dụng trong thực tiễn. Ngoài ra, vấn đề người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra cũng cần quan tâm. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các huyện, xã nông thôn mới nâng cao chưa rõ ràng; việc thực hiện các tiêu chí về trường học, nước sạch, tiêu chí về y tế còn vướng tại nhiều địa phương.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; nghiên cứu xây dựng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, đặc biệt là việc giải thể, chuyển đổi 225 hợp tác xã ngừng hoạt động. Ngoài ra, các huyện cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là hỗ trợ các xã đạt nông thôn mới nâng cao…

Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các sở, ngành cần rà soát lại những chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đã có của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp, hỗ trợ mở rộng được các mô hình này; giao chỉ tiêu cho các huyện về việc xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao để các huyện nỗ lực thực hiện.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu Đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; Đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Đối với 2 huyện Ba Vì và Mỹ Đức, cần tập trung xây dựng, hoàn thành tiêu chí, hồ sơ xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Hà Nội phấn đấu năm 2022 có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép": Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch, phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2022 đạt 2,5-3%.