Chương trình Nghệ thuật "Tinh Hoa Làng Nghề Việt"

Vào 19h30 ngày 14/02/2025, tại Hoàng Thành Thăng Long, sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc với tựa đề “Tinh Hoa Làng Nghề Việt” chào mừng Lễ công bố làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới.

Theo đó, Chương trình nghệ thuật đặc sắc với tựa đề “Tinh Hoa Làng Nghề Việt” do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chỉ đạo nội dung, Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật tổ chức thực hiện sẽ quy tụ dàn nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và hàng trăm diễn viên quần chúng là các nghệ nhân, thợ giỏi đến từ làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc. Bên cạnh những tác phẩm âm nhạc đặc sắc ngợi ca “Hào Khí Việt Nam”, “Khát Vọng Làng nghề Việt”, “Hà Nội Linh Thiêng Hào Hoa”…, là những tác phẩm múa “Phơi Lụa Đêm Trăng”, “Hồn của Đất và Nước” và “Uzbek national dance of Lazgi” của Uzbekistan. Điểm nhấn của Chương trình nghệ thuật là lễ rước tổ nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc, cùng với những hoạt cảnh nghệ thuật, tư liệu lịch sử, câu chuyện văn hóa được tái hiện xúc động sẽ đưa khán giả trở về miền ký ức của hành trình di sản tinh hoa làng nghề Việt với những nội dung chính như sau:   

Việt Nam – dải đất hình chữ S thiêng liêng bên bờ Thái Bình Dương hùng vĩ, quanh năm mưa thuận gió hòa, con người yêu lao động, quý sự thủy chung, thông minh, sáng tạo và trân quý hòa bình. Từ những giá trị cốt lõi đó, đó đã hun đúc nên bản sắc một dân tộc anh hùng, luôn vững vàng trước thử thách suốt hàng ngàn năm lịch sử oai hùng. Với “Khát Vọng Hùng Cường”, ông cha ta đã tạo dựng nên những mùa xuân Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững! Để hôm nay, trong không khí Mừng Đảng, Mừng Xuân, bầu bạn quốc tế, du khách thập phương, nghệ nhân thợ giỏi trăm miền hội tụ về Thăng long - Hà Nội ngàn năm, văn hiến mừng Đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ!

nt1-1738936408.jpg

Chương trình nghệ thuật hội tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi.  

Hà Nội miền đất trăm nghề, nơi tinh hoa hội tụ, nhân kiệt bốn phương tìm về. Với hơn 1350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát huy di sản văn hóa làng nghề gắn với chiến lược phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững cho khu vực nông thôn. Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc cùng với các làng nghề của Thủ đô và cả nước đang nỗ lực kết nối vào Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới là hoạt động thiết thực để khẳng định những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển, làng Dệt lụa Vạn Phúc được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động cho đến nay. Đức Thành Hoàng làng có công gây dựng trại Vạn Bảo xưa (nay là phường Vạn Phúc) từ thế kỷ 9, người có công truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa cho dân làng khiến vùng đất này ngày càng trù phú. Các cô gái thon thả vui tươi gánh lụa với đôi bàn tay khéo léo cần mẫn, cùng những người lao động đã tạo nên lụa Vạn Phúc nổi tiếng mượt mà, đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam, từng là vật phẩm cống vua các triều đại phong kiến, được tham gia đấu xảo tại Pari và được người Pháp công nhận là vật phẩm đệ nhất Đông Dương. Ngày nay, lụa Vạn Phúc được xuất khẩu khắp các châu lục. Nhắc đến Lụa Vạn Phúc là nhắc đến những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo, đặc trưng cho vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam với câu ca nổi tiếngDáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch/Tà áo dài nào không phải lụa Hà Đông”.

Là một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời nhất của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khi Lý Công Uẩn lựa chọn Thăng Long làm kinh đô mới, những nghệ nhân gốm tài hoa từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đã có cuộc hành trình trinh phục vùng đất hứa ven sông Hồng: “Ngược dòng Hồng Hà/Dựng phường Bạch Thổ/Mở mang gạch gốm nghề xưa/Theo đổi bút nghiên nếp cũ/Ơn thành hoàng sáu vị chở che/Đời dân chúng, một vùng trù phú”. Gốm Bát Tràng được lịch sử ghi nhận phát triển rực rỡ ngay từ thế kỷ 14 và đi vào hương danh đất Việt với câu ca dao: “Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng anh xây/Xây dọc rồi lại xây ngang/Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Ngày nay, nghề gốm là một trong những đặc điểm nhận diện văn hóa, phản ánh sự đa dạng văn hóa của cộng đồng cư dân thực hành nghề gốm tại làng Bát Tràng: “Gốm Bát Tràng mỹ lệ cao siêu/Dân Bát Tràng thông minh tài tú/Ngàn năm thắng lợi vẻ vang/Muôn dặm thành công rực rỡ”. Không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc sắc, thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đã khẳng định vị thế và tiềm năng trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Đất nước. Gốm Bát Tràng đã được xuất khẩu sang tất cả các châu lục trên thế giới và trở thành sứ giả lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt Nam trên trường Quốc tế.

Dòng chảy văn hóa Việt luôn gắn liền với các làng nghề truyền thống Việt Nam. Lễ rước tổ nghề đã trở thành truyền thống tốt đẹp ở các làng nghề Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn những bậc tiền nhân đã có công sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho dân làng. Cùng với đó là biểu dương lực lượng làng nghề, lịch sử văn hóa làng nghề, tiềm năng kinh tế của các làng nghề truyền thống. Đồng thời khích lệ các làng nghề với niềm tự hào tổ nghề, mong muốn một năm mới bình an và hạnh phúc. Lễ rước tổ nghề Gốm sứ Bát Tràng và tổ nghề Dệt lụa Vạn Phúc mùa xuân Ất Tỵ năm 2025 có một ý nghĩa đặc biệt khi hai làng nghề lâu đời bậc nhất của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đã được Hội đồng Thủ công Thế giới chính thức ghi danh là thành viên Mạng dưới các thành phố thủ công sáng tạo Thế giới.

Vậy nên, trong lễ rước tổ nghề, vị chủ lễ sẽ thay mặt hai làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc tuyên đọc chúc văn kính báo tổ tiên với nội dung: Hôm nay, Hội đồng Thủ công Thế giới, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban tổ chức Lễ đón nhận và vinh danh làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc của Thủ đô Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới, cùng nghệ nhân thợ giỏi trong và ngoài nước, quý khách thập phương, bạn bè quốc tế thượng hạ, đồng tạc cẩn dĩ nhân tâm, hoa đăng thành phẩm trình lên tiên tổ…Tổ quốc phồn vinh, vươn mình quốc tế. Nhân dân ấm no hạnh phúc. Ngàn năm phúc lộc thọ trường ơn nhờ công đức tiên tổ, khai sáng mở nghề lập nghiệp cho cháu con muôn đời vinh hiển…Hôm nay, trời đất giao hòa, khắp nơi hội tụ, hậu thế tuyên nguyện: Văn hóa di sản, nối nghiệp cha ông, đời đời lưu giữ. Kết nối giao thương, khơi nguồn sáng tạo. Văn hóa phục hưng, tôn phụng làng nghề. Sáng thêm công đức tổ phụ. Thập phương hội tụ, cháu con uống nước nhớ nguồn. Ghi lòng tạc dạ, ý Đảng lòng Dân, công thành tổ phụ, ân nghĩa bao la, mở hội làng nghề, vinh danh công quả. Hội đồng Thủ công Thế giới vinh danh làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc của Thủ đô Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo Thế giới…Ất Tỵ mùa xuân 2025, yết bái…Cẩn cáo…Cẩn cáo…Cẩn cẩn cáo!”

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam luôn khẳng định cam kết là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa làng nghề, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Việc hai làng nghề: Gốm Sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công Thế giới ghi danh là thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo Thế giới là cơ hội tốt để kết nối và phổ biến những giá trị văn hóa di sản Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tích cực đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, tiến bộ và sự thịnh vượng chung của nhân loại.

Chỉ đạo nội dung: Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội

Kịch bản: Nhà báo Vương Xuân Nguyên

Tổng đạo diễn: Thượng tá, NSƯT Hương Giang

Cố vấn nghệ thuật: Tiến sĩ, NSND Thanh Ngoan, NSND Quốc Anh

Biên đạo múa: Thiếu tá, Nghệ sĩ An Vi Oanh

Đạo diễn âm nhạc: Hoàng Tuấn Linh

Đạo điễn hình ảnh: Quang Thắng

Đọc lời bình: MC Chiến Thắng

Dẫn chương trình: MV Thùy Dương – Thanh Liêm

Với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Thanh Ngoan, NSND Quốc Anh, NSƯT Hương Giang, Quán quân Sao Mai 2022 Trịnh Núi, Á quân Giọng hát hay Hà Nội 2024 Mai Nguyễn Anh, Ca sĩ Tuấn Anh, Ca sĩ Hoàng Liên, Ca sĩ Như Quỳnh, Ca sĩ Ánh Nguyệt, Ca sĩ Diễm Thanh, Ca sĩ Hà Vy, Ca sĩ Yến Nhi, Nhà thư pháp Lê Thiên Lý Vũ đoàn Sen Việt và các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề Gốm sứ Bát Tràng, Dệt lụa Vạn Phúc và Trống hội Thăng Long.

Trang phục: Thạch Linh, Hạnh Silk

Tổ chức thực hiện: Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật