Chuyện làng - Chuyện phố: Hậu vận cả ba đứa “con nuôi” đều hẩm hiu ! - Kỳ 13

Làng Mè bên bờ Lô Giang có ba đứa “con nuôi” tiền vận từng nổi danh, thành đạt nhưng đến hậu vận đều hẩm hiu, trong đó hai trường hợp bị tù tội, một trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo, nguy cơ tuột dốc quan trường, chán nản xin nghỉ việc nhưng chưa được nghỉ?

 

dt1th1-1722443355.jpg

Tranh biếm họa. Nguồn:tuyengiao.vn.

 

Đầu tiên phải kể đến “con nuôi” tên là Lý Tân, có khi còn gọi là Lý Tơ có bố nuôi là Phạm Vấn từng làm đến Bí thư Tỉnh ủy khóa trước. Được em trai là chủ doanh nghiệp và “đại gia Tiền Nổ” tham mưu, chung chi đầu tư cho Lý Tân lo lót, cung phụng cho Phạm Vấn không thiếu thứ gì. Phạm Vấn chỉ hơn Lý Tân mấy tuổi nhưng đã nhận hắn làm “con nuôi” bị dư luận xã hội chê cười nhưng hai con người này bất chấp tất cả, gắn bó mật thiết với nhau bằng  “quyền và tiền”. Nhờ đó cung quan lộc của Lý Tân phất lên cứ như diều gặp gió. Từ Chi cục phó Cục thuế, Lý Tân trúng cấp ủy tỉnh vượt mặt cả Chi cục trưởng, được luân chuyển làm Bí thư huyện Đá Lập một nhiệm kỳ sau đó được điều động bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thường trực, đến nhiệm kỳ 2020 - 2025 leo lên Chủ tịch tỉnh. Trong khi đó, do dính dáng đến tiêu cực, tham nhũng, sau khi về nghỉ hưu, Phạm Vấn bị kỷ luật “cách tất cả chức vụ trong Đảng khi đương nhiệm”.

 Lý Tân leo cao ngã đau. Đầu tháng 3/2024, không chỉ Lý Tân, Chủ tịch tỉnh mà cả Thùy Lê là Bí thư Tỉnh ủy nối nhiệm từ Phạm Vân, cùng nhiều thuộc hạ bị bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc và nơi ở để điều tra về tội “nhận hối lộ” khủng từ “đại gia Tiền Nổ”, gây chấn động dư luận xã hội.

Còn hai vị “con nuôi” còn lại tên là Tiền Nổ và Viết Luận là của “bố nuôi” Trần Bố cũng là người từng Bí thư Tỉnh ủy tiền nhiệm của Phạm Vấn đều bị vận hạn nặng.

Tiền Nổ ở phủ Tường Vinh có biệt phủ rộng mênh mông bên bờ Sông Cái. Tuổi Tân Dậu  cầm tinh con gà, bố mẹ làm nghề nông. Hắn mới chỉ học hết cấp hai (trung học cơ sở), nghề nghiệp chính là chăn vịt và làm xe ngựa chở hàng thuê khi bán hết vịt vào mùa vụ cấy. Cái tên “Tiền vịt” đeo đẳng cho đến lúc trưởng thành. Khi tuổi ngoài đôi mươi, Tiền Nổ bỏ nghề nuôi vịt mà đi làm thợ xây dựng. Hắn được người bà con bên mẹ giới thiệu làm quen với vị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là Trần Bố, được ông này nhận hắn làm “con nuôi”. Từ đó, cuộc đời của “Tiền Nổ” chính thức bước sang một trang mới. Hắn đã trúng thầu nhiều dự án công ích, các công trình lớn của tỉnh như chợ búa, trường học, bệnh viện, công sở… Khi ông “bố nuôi” luân chuyển công tác về trên ở tầm vĩ mô, vượt tầm cấp tỉnh, hắn có thể chém gió với các doanh nghiệp cùng ngành nghề và hỗn danh  Tiền Nổ cũng thay thế cho “Tiền Vịt” một thời.

Tiền Nổ lại tìm mối kết tình với “bố nuôi” mới là “ông Tủ” còn oai hơn “bố nuôi” cũ Trần Bố. Nhờ đó, hắn mặc sức trục lợi, làm giàu. Thông qua “ông Tủ”, đại gia Tiền Nổ tiếp tục trúng thầu các dự án khủng được đầu tư cả ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước khắp cả ba miền đất nước và càng nổ giòn giã hơn trong thương trường cũng như các chốn ăn chơi với các ngón nghề mà các tay chơi phải lắc đầu lè lưỡi.

Cuối tháng 2/2024, Tiền Nổ đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Vì hắn mà cả lũ quan tham “nhận hối lộ” phải vào lò, trong đó có Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, một số Giám đốc sở. Các quan chức còn lại ở tỉnh này đều mất ăn mất ngủ, nghe tiếng xe cảnh sát hú còi lại ngồi dậy cả đêm chờ tiếng bấm chuông cổng. Tuy không bị bắt, thoát tù nhưng nhiều vị quan chức bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, bị hạ chức tước thê thảm. Không ít vị háo danh chạy chức, chạy quyền , chờ bố trí … đã giải ngân, đặt gạch giờ lại càng rối tinh rối mù biết hỏi ai bây giờ, còn khó hơn đi tìm chủ hụi khi bị giật. Có những vị chót nhận “đạn bọc đường” của Tiền Nổ bị triệu tập đã thừa nhận đang về rao bán nhà, bán đất, bán xe ô tô sang, xịn cùng nhiều tài sản khác để gom góp đủ nộp lại cho cơ quan chức năng nhằm gỡ tội, hưởng lượng khoan hồng. Tài sản của những vị quan tham vào thời điểm này dù giá rất hạ nhưng ít người mua, vì sợ lây xúi quẩy. Quan tham ngậm ngùi ngấm đòn đau của Tiền Nổ. Hắn đang trong giai đoạn bị điều tra, chờ ngày đưa ra xét xử.

Còn vị “con nuôi” thứ ba là Viết Luận được “bố nuôi” Trần Bố nâng đỡ từ nhiệm kỳ trước, cung “quan lộc” phất lên tới Phó chủ tịch tỉnh, chỉ đứng sau Lý Tân một bậc.

 “Bố nuôi” là Trần Bố đã hướng đạo cho “con nuôi” Viết Luận “đi tắt đón đầu” vào học Học viện Thanh thiếu niên, tốt nghiệp xong về nhận công tác ở Tỉnh Đoàn thanh niên, chỉ một năm sau trở thành Phó bí thư, sau đó 6 tháng được đôn lên Bí thư Tỉnh Đoàn thanh niên. Với cương vị này, vị “con nuôi” Trần Bố được luân chuyển về làm Bí thư thành phố thuộc tỉnh, là cán bộ nguồn trong quy hoạch cấp chiến lược. Là “con nuôi” của vị từng đứng đầu tỉnh, ai cũng phải kiêng rè, “cung quan lộ” cứ phất lên như diều gặp gió. Hắn chẳng phải vất vả gì, chỉ hơn một năm sau, vị con nuôi này đương nhiên trong cơ cấu, vào cấp uỷ tỉnh. Đây là con đường “thăng quan tiến chức” thần tốc, “đúng quy trình”, khó mà bắt bẻ được. Đúng như dân gian bàn luận “Cả đời phấn đấu không bằng một lần cơ cấu”.

Do chưa được tôi rèn trong thực tiễn, kiến thức rỗng tuếch, hôm đi dự khánh thành trường phổ thông trung học chuyên, vị “con nuôi” này phụ trách khối văn xã được mời phát biểu với khẩu khí bốc đồng: “Hôm nay tỉnh ta khánh thành trường phổ thông trung học chuyên, với đà này vài năm nữa sẽ khánh thành đại học chuyên cao cấp… đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Các cử toạ và học sinh nhao nhác “khánh thành đại học chuyên cao cấp” là gì nhỉ? Biết là bốc đồng bị hớ, vị này liền chống chế “đó là sự phát triển không ngừng của xã hội”.

Tối hôm đó, vị này tranh thủ đến thăm “bố nuôi” liền bị một trận mắng mỏ: Mày còn non lắm con ạ! Phải chịu khó học hành tử tế lấy kinh nghiệm, kiến thức mà làm việc. Cái dạng trưởng thành từ cán bộ đoàn đội như chúng mày nói nhiều làm ít, mồm miệng đỡ chân tay hết thời rồi con ạ!

Mặc dù vậy, được thăng quan tiến chức mau lẹ, “bố nuôi” cũng cảm thấy ấm lòng, mát mặt, thầm nghĩ: Con đẻ không phát về “cung quan lộ” nhưng đã có thằng con nuôi chen chân trót lọt ngon lành vào chốn quan trường. Sự bù đắp này cho “con nuôi” cũng an ủi phần nào… Chết nỗi thằng con nuôi chỉ số thông minh (IQ) đã thấp, chỉ số EQ (cảm xúc) lại càng thấp, khó có thể đứng vững bằng đôi chân của mình nếu không có bóng vía của “quý nhân phù trợ”, chỉ được cái sát gái giống “bố nuôi”.

Chăm chú lắng nghe “bố nuôi” phơi bày gan ruột, chỉ đường đi nước bước, ra tay vun vén “cung quan lộ” lộc phát, lộc phát…, đứa “con nuôi” này như mở cờ trong bụng. Hắn thầm cảm ơn “bố nuôi” đã hết lòng vì con. “Bố nuôi” nhớ lại cuộc tình thời sinh viên trăng hoa… mãi sau mới biết đã để lại “kết quả”. Vì không đi giám định ADN, “bố nuôi” không biết chính xác đứa tình nguyện làm “con nuôi” này có phải “con ruột” hay không? Nhưng hắn càng lớn lên càng có nét “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, được thăng quan tiến chức mau lẹ, “bố nuôi” cảm thấy ấm lòng và tự hào vì cái thời sinh viên đã gieo “hạt giống đỏ” cho hôm nay.

Càng nghĩ “bố nuôi” càng lo. Không biết thằng con nuôi đặt lên cương vị mới quá nhanh, chưa qua thử thách, ít kinh nghiệm, rất có thể bị cài bẫy “nhúng chàm” mà lộ lọt ra ngoài, bị báo chí và mạng xã hội làm rùm beng, coi như đi đứt.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Trần Bố cảm thấy không yên tâm khi con nuôi chưa biết cách gần gũi, thân thiện, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của giới truyền thông. Bài học nhãn tiền vẫn sờ sờ ra đó không biết thằng “con nuôi” có nhận ra không để rút kinh nghiệm? Bản thân Trần Bố vượt qua bao lực cản, vướng mắc nhưng vẫn “thành đạt” là có phần ủng hộ rất lớn của giới truyền thông. Trong khi giữa thành công và thất bại của “con nuôi” ở chốn “quan trường” tuy có thuận lợi bước đầu nhưng vẫn rất mong manh. Hàng loạt “công tử” học hành lỗ mỗ, mua điểm, mua bằng cấp, được các ông bố và các bạn bè của bố ưu ái bế lên đặt vào các chiếc ghế quyền lực nhưng rồi cũng sớm tàn lụi trước những cám dỗ của gái, của tiền, của quyền… sớm trở thành “củi” vào “lò”, làm ô danh truyền thống gia đình, dòng tộc. Có người đã rỉ tai rằng không phải “trứng rồng” nào cũng nở ra rồng, không phải con nhà tông nào cũng giống lông giống cánh! Vì thế, “bố nuôi” mừng vui lẫn lộn, mừng ít lo nhiều về thảm cảnh “leo cao ngã đau”, không khéo lại dính vào vòng lao lý.

Mấy vị cựu chiến binh bàn tán: Hết “người nhà” lại đến “con nuôi” vào quy hoạch cơ cấu, người tài là con em lao động không phải là “hậu duệ”, không có “quan hệ, tiền tệ” làm sao chen chân vào chốn ấy được. Thằng “bố nuôi” họ Trần dạy khôn “con nuôi” là vậy nhưng trước khi về nghỉ hưu ít ngày vẫn đè ra ký cho thằng “Quỳ còi” dự án phá rừng thông làm sân golf đã bị cấp có thẩm quyền đình chỉ dự án này, gây ra nhiều tai tiếng, cũng bị “sờ gáy”.

Cảm thấy mỏi mệt, Viết Luận “con nuôi” Trần Bố thốt lên: Làm lãnh đạo ai cũng ham, cũng muốn nhưng thời buổi kinh tế thị trường có lắm cạm bẫy, là “một nghề nguy hiểm”. Ám ảnh còng số 8 luôn treo lửng lơ trên đầu. Khoảng cách giữa vinh và nhục rất mong manh. Cầu mong cho “bố nuôi” thoát nạn, bình an.

Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Tuy đã nghỉ hưu nhưng cuối tháng 1/2024, Trần Bố đã bị kỷ luật khiển trách vì vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín tổ chức đảng và cơ quan quản lý Nhà nước. Còn Viết Luận - “con nuôi” Trần Bố thoát tù, không bị bắt để điều tra về tội “nhận hối lộ” như Lý Tân, chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, ghế Phó chủ tịch thường trực bị rung lắc mạnh, hồi sau sẽ rõ.

Dư luận dân chúng nơi đây cho rằng, cặp “bố nuôi” Trần Bố và “con nuôi” Viết Luận chỉ bị “Khiển trách” và “Cảnh cáo” là may mắn lắm rồi, không phải vào nhà đá bóc lịch như Thùy Lê và Lý Tân - nhục nhã quan tham xứ này !

(Còn nữa)
Q.Y