Cụ Huỳnh Thúc Kháng người bạn tri kỷ của Bác Hồ

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Công hoà non trẻ ra đời (nay CHXHCN Việt Nam), vấn đề cấp bách đặt ra cho các nhà Cách mạng là tổ chức bầu cử Quốc hội để thành lập Chính phủ. Vì vậy, Bác Hồ liền đánh điện ngay mời Cụ Huỳnh Thúc Kháng (đang phụ trách tờ báo “Tiếng dân” ở Huế ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Nhận được điện tín, Cụ điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết Huế xấu, tôi chưa thể đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng, nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”.

Vài ngày sau, Bác Hồ đánh bức điện thứ hai: “Chúng tôi khẩn khoản mời Cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Điều đặc biệt bức điện này không chỉ có Bác Hồ ký mà còn có chữ ký ông Võ Nguyên Giáp.

Sau khi suy nghĩ kỹ đồng thời tham khảo ý kiến của nhiều người bạn thân ở Huế, Cụ Huỳnh quyết định đi Hà Nội và trả lời: “Tôi vừa nhận được bức điện thứ hai, tôi chuẩn bị trời tốt sẽ lên đường”.

bo-truong-bo-noi-vu-huynh-thuc-khang-1680964914.png
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 23 tháng 01 năm 1945 (tức 23 Giêng, Bính Tuất), Uỷ ban Hành chính Trung Bộ cho xe đến tận toà soạn báo “Tiếng dân” đón Cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội cùng đi với Cụ còn có hai người giúp việc đi theo để chăm sóc sức khoẻ cho Cụ, trong đó có ông Nguyễn Xương Thái, người cùng quê Quảng Nam, thư ký tin cẩn của Cụ.

Xe vừa đến Hà Nội, đưa ngay Cụ đến thẳng Bắc Bộ phủ (nay nhà khách Chính phủ), nhưng tiếc thay Bác Hồ đi vắng, nên ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ niềm nỡ đón tiếp Cụ Huỳnh, đồng thời bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo cho Cụ Huỳnh và đoàn.

Sáng hôm sau, Cụ Huỳnh đang ngồi thưởng thức trà sáng, thì Bác Hồ đi công tác về, vừa thấy Cụ Huỳnh, Bác chỉ kịp bỏ chiếc gậy đi đường và mũ, rồi mừng rỡ giang rộng vòng tay ôm choàng lấy Cụ Huỳnh. Hai người mừng mừng, tủi tủi, rưng rưng lệ. Bác nói với Cụ Huỳnh: “Tôi tưởng đã phải bỏ thây ở nước ngoài và mấy chục năm qua tôi gặp không biết bao nhiêu gian nan, nguy hiểm”.

Trong lúc đó, Cụ Huỳnh kể trong nước mắt: “Khi còn ở Côn Lôn, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc vì án tù chung thân. Nay gặp Cụ hả lắm”. Cả hai Cụ cùng nhau chuyện trò tâm đầu hợp ý như những người bạn thân thiết, tri kỷ lâu ngày mới gặp lại. Sau hơn một giờ hàn huyên tâm sự, người phục vụ mời hai cụ dùng điểm tâm. Bác Hồ nhanh tay kéo chiếc ghế tựa có hai tay vịn mời Cụ Huỳnh ngồi, còn Bác và viên thư ký Cụ Huỳnh ngồi trên chiếc chõng tre.

Hôm sau, Bác Hồ lại đến thăm và không quên nói với Cụ Huỳnh về việc thành lập Chính phủ và trân trọng mời Cụ Huỳnh nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bác nói: “Đây là ý kiến chung của tất cả các đảng phái, chứ không phải ý kiến riêng của tôi, vì Cụ ở lại trong nước, Cụ biết rõ trình độ tiến bộ của đồng bào ba Kỳ, đồng thời đồng bào ba Kỳ đều tín nhiệm Cụ”.

Cụ Huỳnh một mực trả lời: “Tôi ra đây là cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất, mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc, lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang nổi súng ống. Cụ nên kiến nghị người trẻ, thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Bác Hồ liền thưa lại: “Chính phủ có 10 Bộ, 9 Bộ đã có người nhận rồi, nay xin Cụ nhận Bộ Nội vụ để Chính phủ kịp ra mắt đồng bào, vì quân Pháp đã đổ bộ ở Nam Kỳ”.

Cụ Huỳnh lại phân bua: “Tôi thấy ở các nước văm minh, khi không đủ người, thì ông Thủ tướng kiêm đỡ một thời gian ngắn, rồi tìm người thay thế sau, hoặc ông Bộ trưởng nào đó kiêm đỡ hai Bộ”.

Bác kiên trì đề nghị: “Cụ vui lòng giúp tôi! Bây giờ tôi có việc gấp phải đi, chúng ta sẽ gặp lại”.

Sáng hôm sau Bác đến sớm hơn mọi lần và gọi riêng viên thư ký của Cụ Huỳng ra và dặn: “Chú thưa với Cụ Huỳnh, khi xưa làm quan là hưởng đỉnh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước, gọi là công bộc của dân. Chú cũng nói Cụ biết là bọn Lư Hán còn đóng ở đây, chúng biết trong Chính phủ ta có một vị Tiến sỹ văn chương như Cụ, chúng cũng phải nể trọng. Cụ Huỳnh đã hy sinh nhiều, xin Cụ hy sinh thêm. Nay mai sẽ có một Hội nghị Liên tịch các chính đảng sẽ mời Cụ”.

Tối hôm đó, trong không khí cởi mở, vui vẻ, Nguyễn Xương Thái từ tốn thưa lại với Cụ Huỳnh lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Huỳnh nói: “Từ bữa ra đây đến nay thấy công việc quá nhiều và thương Cụ Hồ vất vả. Đành rằng mình vẫn một lòng với Cụ, chừ nhận Bộ trưởng thì “Tiếng dân” (báo Tiếng dân) ra sao”?

Ông Thái nói: “Tiếng dân sẽ có Ban Quản trị mới thay Cụ”.

Tại Hội nghị Liên tịch của các đảng phái với sự hiện diện đầy đủ các nhân vật, các chính đảng, khi Cụ Huỳnh tới, mọi người đều đứng dậy vổ tay nồng nhiệt chào đón Cụ. Bác Hồ bước nhanh ra tiếp Cụ Huỳnh và nhắc ngay đến vấn đề thành lập Chính phủ và không quên yêu cầu Cụ Huỳnh nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cụ Huỳnh lặp lại ý kiến mà Cụ đã nói với Bác Hồ hôm trước nhưng nói thêm: “Nếu Chính phủ cần thì tôi xin tạm nhận Bộ Nội vụ một thời gian”. Cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau ngày phổ thông đầu phiếu toàn quốc đầu tiên, bầu Quốc hội nước VN DCCH, Quốc hội họp phiên đầu tiên vào ngày 02 tháng 3 năm 1946, thông qua danh sách Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị, Cụ Huỳnh được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết, đó là Cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Cụ Huỳnh còn được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Cụ Huỳnh và Bác Hồ đều là những nhà yêu nước nồng nàn, thương dân tột độ, khát vọng độc lập, tự do cho dân đến cháy bỏng. Chính Cụ Huỳnh đã thổ lộ rằng, cụ đã rất nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do”. Còn Bác Hồ thì khẳng định “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, với một tư duy sắt đá “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bác Hồ đối với Cụ Huỳnh như người bạn thân thiết, tri kỷ. Từ khi ra Hà Nội, Bác Hồ luôn luôn hỏi han, quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho Cụ Huỳnh. Có món gì ngon, Bác mời Cụ Huỳnh đến cùng thưởng thức. Có lần Bác được bà Thanh, chị ruột của Người, đem từ Kim Liên, Nam Đàn, xứ Nghệ ra cho một chai tương (bởi dân gian có câu: nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, nổi tiếng ngon), Bác đã mời Cụ Huỳnh đến dùng cơm, để cùng thưởng thức hương vị quê hương. Một lần khác, nhân dân Thái Bình gửi biếu Bác hai chai mắm tôm đặc sản, Bác gửi biếu Cụ Huỳnh một chai. Tấm lòng chân thành đó của người bạn tri kỷ đã làm Cụ Huỳnh muôn phần yêu mến.

Vì thế ở tuổi 70, thất thập cổ lai hy, nhưng với tấm lòng vì dân, vì nước, vì sự kính nể và trước nhiệt tâm của Bác Hồ, Cụ Huỳnh đã nhận lời tham gia Chính phủ, trở thành người bạn, người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn “trứng nước”, Tổ quốc lâm nguy trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Trong cuộc sống đời thường, Cụ Huỳnh và Bác Hồ đôi lúc cũng rất hóm: Một lần gặp Bác Hồ, Cụ Huỳnh hứng khởi ứng tác câu thơ, muốn nhắc nhở Bác:

                                Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già,

                                Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không?

Nghe xong, bác chỉ cười, không nói gì! Thế rồi trong lần sang thăm chính thức nước Pháp, theo lời mời của Chính phủ Pháp, trong một buổi tối chợt nhớ tới người bạn, Bác làm một bài thơ gửi riêng cho Cụ Huỳnh:

                                  Ráng nghĩ ra thơ để trả lời,

                                  Nhớ Cụ Huỳnh lắm, Cụ Huỳnh ơi!

                                  Non sông một mối chung nhau gánh,

                                  Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.

Tình cảm Cụ Huỳnh đối với Bác Hồ vô cùng dạt dào, khăng khít, kính nể và tin tưởng. Bởi thế, từ Kinh thành Huế, sau khi nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945, Cụ Huỳnh vỡ oà trong niềm hứng khởi  và tin tưởng vào vận mệnh đất nước Cụ viết:

                                Hồn nước từ đây trời mở cửa,

                                Đố ai ngăn đặng ngọn Xuân trào?

Mừng Xuân 1946, Cụ Huỳnh làm câu đối để nói lên lòng yêu nước thương dân, lạc quan tin tưởng vào cách mạng:

Trẻ lại với Xuân, nước Tổ bốn nghìn năm lịch sử,

Đứng lên làm chủ, quyền người hai mươi triệu dân sinh!

Bác Hồ rất tin tưởng và quý trọng tài năng, tri thức cụ Huỳnh. Vì vậy, sau khi Hiệp định Sơ bộ 6/3, ký kết giữa Chính phủ ta và Chính phủ Cộng hoà Pháp, Bác nói với Cụ Huỳnh “Lư Hán sắp về nước, mà bên Tàu họ còn trọng câu đối và trướng lắm.Cụ nghĩ cho 4 chữ, để Chính phủ cho thêu bức trướng tặng Lư Hán”. Cụ Huỳnh ứng khẩu đọc ngay 4 chữ:

Bắc phương chỉ cường” (người phương Bắc mạnh). Bác Hồ khen: Hay! Hay lắm!

Nhưng chữ “cường” ở đây còn có một chữ khác nữa, nên thâm ý 4 chữ trên sẽ khác nghĩa (với nghĩa xấu: hung bạo, ngang ngược, hung tàn...).

Trong một bữa tiệc Chính phủ ta chiêu đãi Lư Hán, y ngỏ ý muốn nhờ Bác Hồ xin Huỳnh tiến sỹ một bài thơ làm kỷ niệm. Khi Bác Hồ đề nghị, Cụ Huỳnh đồng ý và bảo người phục vụ đem bút lông, giấy trắng và mực Tàu đến, rồi Cụ vung tay viết một bài thơ chữ Hán, đưa cho Bác Hồ xem, rồi đưa cho Lư Hán. Lư Hán đọc và không ngớt lời khen ngợi tài làm thơ xuất thần của Huỳnh Bộ trưởng. Lư Hán lại xin thêm một bài nữa. Cụ Huỳnh lại hạ bút, ứng tác bài thứ hai và đưa cho Bác Hồ xenm trước, rồi chuyển cho Lư Hán. Lư Hán lần này càng tấm tắc khen quá hay, đồng thời đề nghị xin Huỳnh Bộ truỏng thêm một bài nữa cho trọn “Bộ tam thi”. Không chút nề hà Cụ Huỳnh làm xong bài thứ ba.

ho-chu-tich-va-bo-truong-huynh-thuc-khang-trong-chinh-phu-dau-tien-1680964914.jpg
Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên

Theo lời mời của Chính phủ Pháp, ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Paris thăm chính thức nước Pháp. Hồ Chủ tịch uỷ nhiệm Cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng.

Trước khi lên máy bay, Bác nói với Cụ Huỳnh: “Tôi có việc phải đi, mọi việc ở nhà đều có Cụ”. Đồng thời dặn Cụ chỉ 6 chữ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không biến đổi kiên định vững vàng của mình để ứng phó với muôn vàn sự biến đổi). Cụ Huỳnh coi đây là phương châm hành động đối phó với mọi tình huống xảy ra trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đi vắng, tình hình trong nước vô cùng rối ren. Được sự ủng hộ của quân Tưởng, bè lũ Quốc dân Đảng âm mưu lật đổ chình quyền non trẻ của ta. Chúng gây ra “vụ bạo loạn Ôn Như Hầu”.

Với tư cách Quyền Chủ tịch nước, Cụ Huỳnh đã kiên quyết xử lý đúng pháp luật vụ Ôn Như Hầu. Cụ đã cùng với ông Võ Nguyên Giáp đến ngôi nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay đường Nguyễn Gia Thiều) là trụ sở của bọn Quốc dân Đảng.Tại đây, Cụ đã chứng kiến một sự thật rùng rợn. Bọn Quốc dân Đảng tổ chức bắt cóc, giam cầm, tra tấn dã man, thủ tiêu nhiều cán bộ ta, chúng giết người tống tiền... Cụ Huỳnh hết sức phẫn nộ, trước những hành động dã man đó của bọn côn đồ, tự nhận là kế thừa truyền thống anh hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, do lãnh tụ Nguyễn Thái Học chủ xướng.

Mấy ngày sau, một số người của Quốc dân Đảng kéo tới Bắc Bộ phủ xin gặp Cụ Quyền Chủ tịch nước, để thanh minh cho “đường lối cách mạng” của chúng.Được cán bộ vào báo cáo, Cụ Huỳnh hỏi: “Chúng nó ở đâu”? Lập tức Cụ chống gậy đi ra. Vừa thấy bọn chúng lết bết đến cầu thang, Cụ chỉ gậy thẳng mặt bọn chúng và quát: “Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia cái gỉ? Dân tộc cái gì chúng mày”! Cụ tức giận, quay ngay về phòng làm việc. Bọn chúng chưng hửng ra về, không nói được câu nào!

Tại kỳ họp Quốc hội lần 2 (11/1946), trả lời các đại biểu Quốc hội về “vụ Ôn Như Hầu”. Cụ Quyền Chủ tịch nước nói: “Nước nhà đã vượt qua được nhiều khó khăn đó là nhờ công lao của Cụ Hồ, nhưng trong nước còn có những việc không hay đó là lỗi của tôi”.

Dựa vào phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Quyền Chủ tịch nước đã giải quyết thành công các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong tình hình hiểm nghèo thù trong giặc ngoài, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích của các thế lực phản động.

Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước VNDCCH, Cụ đã ký Sắc lệnh cho công an và tự vệ thủ đô thi hành phép nước đưa “vụ Ôn Như Hầu” ra ánh sáng, diệt trừ bọn Việt gian phản động bán nước.

 Trong khi Bác Hồ ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp tại Paris, một số người phân vân, dị nghị, Cụ Huỳnh dõng dạc giải thích:

Tôi xin thông báo vắn tắt với anh em, đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả Pháp và Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là một tay cao cờ. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào mình cũng thắng thế”.

Khi tiếp xúc với bà con quê hương Tiên Phước, Cụ tâm tình: “Tôi đã vào loại sáng, nhưng Cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều...Cụ Hồ rất vĩ đại, có đội ngũ giúp việc rất tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng...Ở Hà Nội, Cụ tiết kiệm lắm. Mỗi bữa cơm, Cụ chỉ dùng có một quả trứng...”.

Đầu năm 1947, với danh nghĩa Hội trưởng Hội Liên Việt Nam, Cụ Huỳnh viết bức thư dài bằng chữ Hán nhan đề: “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư”, trong đó có đoạn nói về Bác Hồ:

“...Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sỹ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân chính đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm...”. Trong lần chuyện trò thân mật với anh em trong cơ quan, Cụ khẳng định: “Cụ Hồ không phải như người khác, mượn hai tiếng cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to như các ông tướng đâu! Cụ Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp, thì Cụ Hồ không là tiến sỹ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Sự hiểu biết của Cụ Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước và cả việc thế giới nữa. Nước này tương lai sẽ đi về đâu, nước kia rồi sẽ thế nào...Cụ nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán”.

Đáp lại sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách Quyền Chủ tịch nước, Cụ Huỳnh đã làm một bài thơ ca ngợi công đức và uy tín của Bác:

                                  Tung hoành bể Sở với sông Ngô,

                                   Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ,

                                   Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt,

                                   Nước non xây dựng nổi cơ đồ.

                                   ......

                                   Khắp cả ba miền đều tín nhiệm,

                                   Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô.

Về phần mình, sau khi đi thăm Pháp về, ngày 23 tháng 10 năm 1946, Hồ Chủ tịch đã chia sẽ niềm tin và cảm ơn Cụ Huỳnh: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh Quyền Chủ tịch nước, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, Cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ đi kinh lý Trung Kỳ “để nắm bắt tình hình và truyền đạt đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Hồ Chủ tịch, kêu gọi quốc dân đồng lòng đoàn kết thành một khối thống nhất hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp”. Nhưng không may, khi vừa đến Quảng Ngãi, do tuổi cao sức yếu, Cụ Huỳnh lâm bệnh. Nằm trên giường bệnh nghĩ mình khó qua khỏi, Cụ đọc cho thư ký ghi bức thư gửi Bác Hồ:

Kính gửi Hồ Chủ tịch!

Tôi bệnh nặng, chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập, tự do, dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được giúp Cụ lần cuối. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh biệt!

Trước khi qua đời, Cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sỹ, trí thức và mọi tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hô Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Được tin Cụ Huỳnh mất, ngày 29 tháng 4 năm 1947,  Chính phủ tổ chức lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang. Cùng ngày, Hồ Chủ tịch gửi thư tới toàn thể đồng bào để nêu tấm gương chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, với những lời xúc động, thống thiết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ, nhưng lòng gan, dạ sắt, yêu nước, thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn, lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân tộc được tự do, đất nước được độc lập”./.