Cung cấp, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công nhân, công đoàn

Trong các ngày 7-8/10, tại Thái Nguyên, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức. Hội nghị cung cấp, trao đổi thông tin và nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công nhân, công đoàn cho phóng viên báo chí năm 2024.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Lực lượng công nhân lao động ngày càng phát triển, với số lượng đông đảo. Tuy nhiên, việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn. Phần lớn người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng lao động, việc làm bấp bênh, nguy cơ mất việc làm cao; thu nhập thấp, phải làm thêm nhiều, thời giờ làm việc kéo dài. Do đó, không có điều kiện chăm sóc gia đình; dẫn tới tình trạng nhiều người lao động phải sống độc thân hoặc là mẹ đơn thân…

Chú thích ảnh Quang cảnh hội nghị.

Theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 7/6/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dự án Luật Công đoàn đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Hiện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10,11/2024).

Từ thực tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng quyền chủ động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ; Kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; Về quyền chủ động giám sát mang tính xã hội của Công đoàn Việt Nam; Về phản biện xã hội của công đoàn; Về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Về thời gian thực hiện nhiệm vụ công đoàn của cán bộ công đoàn không chuyên trách

Định hướng tuyên truyền trọng tâm trong thời gian tới, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Tuyên truyền bất cập về chính sách liên quan đến công nhân, công đoàn; Việc làm bấp bênh, không bền vững và các nguy cơ mất việc làm cho người lao động; Vấn đề kỹ năng nghề và chuyển đổi nghề cho lao động, nhất là việc học nghề, quyền được học tập của người lao động để có việc làm bền vững; Cơ hội tiêp cận nhà ở, hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hoá; Đời sống vật chất, tinh thần và nguy cơ nghèo hoá của công nhân; Vấn đề an ninh, toàn (gồm an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, phòng cháy nổ…) trong công nhân lao động; Việc phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt; Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở…