Thành phố Đà Lạt là địa phương đứng đầu trên địa bàn tỉnh về số dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước với 201 dự án, đã được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tổng mức vốn đầu tư của những dự án trên gần 35.000 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất trên 5.000 ha. Qua rà soát, cơ quan chức năng xác định có có 33 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chưa đưa đất vào sử dụng). Trong đó, có 4 dự án chưa sử dụng đất để triển khai do mới cấp chủ trương đầu tư; 2 dự án chưa sử dụng đất do có văn bản gia hạn tiến độ đầu tư và 27 dự án chưa sử dụng đất do chậm tiến độ đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư chậm tiến độ, gặp khó khăn, cuối tháng 10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã đi kiểm tra thực tế một số dự án đầu tư công và cả dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt. Qua kiểm tra, các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt, trong khâu giải phóng mặt bằng do người dân và chủ đầu tư chưa thống nhất được giá đền bù, hỗ trợ, tiền giao đất, khó khăn về vốn.
Đơn cử tại Dự án Khu đô thị mới số 6 (Phường 11) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung. Dự án này được gia hạn tiến độ đến hết ngày 15/7/2023 nhưng do nhiều nguyên nhân, chủ đầu tư chưa triển khai dự án theo cam kết. Theo báo cáo, chủ đầu tư cam kết tiến độ đến 15/10/2022 dự án hoàn thành triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 1, hoàn thiện xây dựng hạ tầng khu tái định cư...). Đến thời điểm đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra, chủ đầu tư chưa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên nhân do một số người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường và chưa có quỹ đất, nhà để bố trí tái định cư tại dự án dẫn đến dự án kéo dài.
Hay tại Dự án Robin Dalat Resort của Công ty TNHH Khu du lịch đồi Rô-bin, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư báo cáo dự án thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng được 17,25 ha trong tổng số 17,41 ha. Riêng 0,16 ha chưa thực hiện do các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng, tiếp tục kiến nghị.
Hiện nay, nhà đầu tư đang xin điều chỉnh tiến độ theo thời gian được UBND tỉnh gia hạn đưa đất vào sử dụng (đến tháng 5/2023), đồng thời, xin điều chỉnh quy mô theo chỉ tiêu quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình. Qua kiểm tra dự án, nhà đầu tư đang thực hiện tổ chức thi công các hạng mục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, theo đánh giá về tính tổng thể dự án vẫn chậm tiến độ.
Riêng về Dự án Khu dân cư - tái định cư 5B (nằm trên Phường 3 và Phường 4) với tổng mức đầu tư công được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010 trên 398 tỷ đồng với diện tích sử dụng đất gần 100 ha, UBND TP Đà Lạt báo cáo việc quyết toán công trình đang được triển khai nhưng công tác bố trí tái định cư với tổng số 129 lô đang gặp khó khăn. Đến nay chưa bàn giao đất tại hiện trường do cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, hệ thống cấp điện và cấp nước chưa được đầu tư đến vị trí các lô đất. Trong khi đó, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất 20.950 m2 để tạo quỹ đất sạch đầu tư nhà ở xã hội do nguồn ngân sách của tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để tổ chức thực hiện. Việc quyết toán dự án (giai đoạn 1) còn chậm, việc bàn giao bố trí tái định cư chưa được thực hiện dứt điểm.
Để khẩn trương triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cũng như triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ được giao, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp yêu cầu các sở, ngành, địa phương, nhà đầu tư dự án nêu trên phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng phương án được duyệt và quy định pháp luật hiện hành. Thực hiện phân kỳ đầu tư, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại vị trí quỹ đất bố trí tái định cư, xây dựng khu nhà ở xã hội tại dự án để đảm bảo có quỹ đất, nhà bố trí tái định cư theo đúng quy định. Các đơn vị, sở, ngành, địa phương có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp phát sinh những khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.