Đà Nẵng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

UBND thành phố đã giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai một số nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó yêu cầu thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề thành phố quan tâm.
anh-chup-man-hinh-2023-05-05-luc-094852-1683254950.png

Tại Đà Nẵng, thành phố đã đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa. Đến nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả. 

UBND thành phố cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các quận, huyện và đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố; tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái trên địa bàn thành phố.

Thành phố đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức về phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường….

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ ở bước đầu, chưa tạo sự đột phá trong tái cơ cấu từng lĩnh vực cụ thể để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Hạn chế về quy mô diện tích đất sản xuất, điều kiện khí hậu, thời tiết và tình hình dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi vẫn đang là thách thức của ngành nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố chưa tạo được sự đột phá trong việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy được phát triển nhưng thiếu bền vững, số lượng còn khá hạn chế. Thành phố đã có chủ trương phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã ban hành chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhưng còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ do nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu từ nguồn ngân sách có hạn, quy mô đầu tư còn thấp so với nhu cầu. Việc chủ động trong việc phát triển sản phẩm hướng tới thị trường tại các cơ sở làng nghề và hợp tác xã, tổ hợp tác chưa nhiều.

Do vậy, thành phố cần đổi mới tư duy, nhận thức và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường…