Đắk Lắk: Tiềm năng phát triển nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch

Đắk Lắk có nhiều dân tộc sinh sống, nền văn hóa đa dạng và có chiều sâu; đồng thời, là tỉnh nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp, với vùng nguyên liệu quy mô lớn như sầu riêng, cà phê, ca cao; có hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP du lịch.

Theo Quyết định 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thì dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch thuộc nhóm sản phẩm thứ sáu của chương trình.

thac-dray-nur-1728442278.jpg

Thác Dray Nur - một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở Đắk Lắk

Ở vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có thế mạnh là có nhiều dân tộc sinh sống, nền văn hóa đa dạng và có chiều sâu. Bên cạnh đó, Đắk Lắk là tỉnh nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp, với vùng nguyên liệu quy mô lớn như sầu riêng, cà phê, ca cao; có hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... Riêng những điều đó đã là lợi thế rất lớn để phát triển sản phẩm OCOP du lịch nơi này nhằm thu hút du khách; cũng như là khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; các sản vật lợi thế của địa phương và danh lam, thắng cảnh… để xây dựng sản phẩm dịch vụ, du lịch. 

Trong khi đó, sản phẩm OCOP không đơn thuần là sản phẩm của ngành nông nghiệp mà còn thuộc các ngành khác như: công thương (sản phẩm thủ công mỹ nghệ); y tế (sản phẩm thảo dược); văn hóa - thể thao và du lịch (sản phẩm dịch vụ du lịch) ... Do đó, cần có sự tham gia các ngành trong Chương trình OCOP, trong đó ngành Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN - PTNT) là đầu mối.

Tuy nhiên, hiện ngành NN-PTNT hầu như vẫn đang “đơn thương độc mã” trong hành trình này, nên nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch phát triển một cách manh mún, bởi bản thân ngành nông nghiệp không có thế mạnh về lĩnh vực du lịch. Mặc dù nhiều đơn vị hiện đang từng bước đầu tư cơ bản để khai thác theo hướng vừa sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp du lịch trải nghiệm; khai thác các điểm văn hóa truyền thống gắn với bản sắc đồng bào các dân tộc thiểu số như: văn hóa cồng chiêng, bến nước, các lễ hội gắn với đời sống, tập quán canh tác nông nghiệp... Song các mô hình đều thiếu sự độc đáo, khác biệt nên vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Mặc dù có thế mạnh rất lớn về nhóm sản phẩm du lịch, tuy nhiên đến nay Đắk Lắk vẫn chưa có sản phẩm nào đạt chứng nhận OCOP. 

PGS.TS Trần Văn Ơn, Cố vấn quốc gia Chương trình OCOP Việt Nam chia sẻ, “mấu chốt vấn đề là sự hợp tác của hai ngành NN-PTNT và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa chặt chẽ, dẫn đến các sản phẩm thuộc nhóm du lịch ít có cơ hội tận dụng nguồn lực to lớn từ Chương trình OCOP để phát triển bền vững.”

Để giúp tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ những "điểm nghẽn", PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết, dịch vụ du lịch là một sản phẩm và khi gọi là sản phẩm thì phải làm nó tốt mới bán được, mới tăng sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân. Có điều chúng ta cần sáng tạo, đừng bắt chước người khác làm, chú ý những lợi thế của mình trong lĩnh vực du lịch, phát hiện, khai thác và phát triển lên thì mới tạo ra bản sắc riêng của mình, lúc đó mới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP giai đoạn 2 (2021 - 2025) là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Do đó, Đắk Lắk cần nỗ lực vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là sự liên kết liên ngành để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện, bởi giai đoạn 2 là giai đoạn đi vào chiều sâu, cần nhiều đến kiến thức chuyên ngành của các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ du lịch. Có như vậy Đắk Lắk mới xây dựng được sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch xứng tầm với tiềm năng sẵn có, góp phần mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp cộng đồng ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.