Đến với FESTIVAL hoa Đà Lạt 2022: Đi tìm giá trị văn hoá trà B'lao, tơ lụa Bảo Lộc

Năm 2022 không còn Lễ hội hay Tuần văn hóa Trà – Tơ lụa Bảo Lộc - Sự kiện đã từng được tổ chức hai năm một lần từ 2006. Thay vào đó, một chương trình nghệ thuật mang tên “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” và “Hội chợ thương mại và triển lãm, trưng bày sản phẩm trà và tơ lụa” nằm trong khuôn khổ 9 hoạt động của Festival Hoa Đà Lạt 2022 (từ 1/11 đến 31/12/2022) sẽ diễn ra ngày 10/12 tại Công viên 28/3 thành phố Bảo Lộc.

Khẳng định giá trị thương hiệu Trà B’Lao, Tơ lụa Bảo Lộc.

Theo sử liệu và địa chí Lâm Đồng[*], khoảng năm 1890, bác sĩ, nhà vi trùng học và là nhà thám hiểm người Pháp Alexander Yersin trên đường thám hiểm cao nguyên Langbian đã phát hiện ra vùng đất B’Lao.

Lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển B’Lao xưa – Thành phố Bảo Lộc ngày nay in đậm giá trị của ngành sản xuất trà (chè) và dâu tằm tơ, dệt lụa, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của Bảo Lộc.

trang-trai-san-xuat-nong-nghiep-do-thi-trong-che-olong-o-tp-bao-loc-1670060576.jpg

Theo thống kê, Lâm Đồng có diện tích, sản lượng và ngành công nghiệp chế biến trà lớn nhất cả nước, chiếm 27% sản lượng trà toàn quốc; tập trung chủ yếu ở thành phố Bảo Lộc với gần 200 doanh nghiệp; huyện Bảo Lâm, Di Linh và thành phố Đà Lạt mỗi nơi khoảng 20 – 30 doanh nghiệp. Thương hiệu “Trà B’lao” nổi tiếng trong và ngoài nước ra đời từ những năm đầu thập niên 1950 của thế kỷ trước với các danh trà (nhãn hiệu) nức tiếng một thời như: Đỗ Hữu, Quốc Thái.... Sau này, nhiều danh trà khác lần lượt ra đời như: Hương Kim Thảo, Trâm Anh, Thiên Hương, Thiên Thành, Tâm Châu..., mang đến những nét độc đáo, thi vị cho văn hóa trà B’Lao, Bảo Lộc.

Thành phố Bảo Lộc cũng là trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam, với 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tơ, lụa. Sản lượng tơ đạt khoảng 1.000 - 1.200 tấn/năm, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu m2/năm, chiếm 80% sản lượng tơ, lụa cả nước. Tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn được nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tin dùng; được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Ý, Braxin…

Rõ ràng, thương hiệu “Trà B’Lao”, “Tơ lụa Bảo Lộc” được kết tinh trong quá trình lao động và trí tuệ tự bao đời, có chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ, là tài sản có giá trị hữu hình và vô hình của địa phương không thể đánh đổi, thay đổi một cách áp đặt, duy ý chí. Có thể khẳng định rằng, vượt xa giá trị sản lượng ngành hoa, rau, củ, quả của cả tỉnh cộng lại ... Ngành trà, tơ lụa Bảo Lộc là nhân tố hàng đầu, chiếm tỷ trọng đóng góp cao nhất cho sự phát triển, phồn thịnh của tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Bảo Lộc cũng như các huyện nói riêng; tạo nên bản sắc đô thị Bảo Lộc, Lâm Đồng xưa và nay; là “chất” của sự tăng trưởng, là “mô hình tăng trưởng” phát triển kinh tế bền vững hiện tại, tương lai.

Có thể là hình ảnh về 6 người và ngoài trời

Vì sao bãi bỏ Lễ hội trà – Tơ lụa Bảo Lộc?

Đó là câu hỏi mà chắc không ít người trăn trở, nhất là những người từng gắn bó với mảnh đất này, những người từng sáng kiến tổ chức lễ hội, những nông dân, công nhân, nghệ nhân ngành trà, dâu tằm, tơ lụa “một nắng hai sương” mang đến cho đời những búp trà tươi non, những tấm lụa đào. Để “Cho em thơm mãi bờ môi/ Cho anh ngọt giọng bồi hồi nhớ nhau.” (Tình trà - Nguyễn Đức Tuấn). Và “Mồ hôi mà đổ xuống vườn/ Dâu xanh lúa tốt vấn vương tơ tằm.”(Ca dao).

Nhìn lại, Lễ hội văn hóa Trà Bảo Lộc hai năm một lần được tổ chức từ năm 2006, nhằm tôn vinh người làm trà, quảng bá các sản phẩm trà, xúc tiến thương mại và hợp tác phát triển nghề trà, góp phần xây dựng văn hóa trà Việt. Sau 3 lần do thành phố Bảo Lộc chủ trì tổ chức, vì kinh phí ngân sách tỉnh chi có hạn, “vất vả mà chẳng được gì” như ai đó từng nói, có ý kiến đề nghị nên 4 năm tổ chức một lần nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh lúc bấy giờ không đồng ý, cho rằng: “Vậy thì Bảo Lộc làm gì để ‘khuấy động’, quảng bá hình ảnh, tôn vinh ngành sản xuất lớn nhất của tỉnh trong 4 năm đó?”

Không có mô tả ảnh.

Các năm 2012 và 2014,  “Lễ hội văn hóa Trà Bảo Lộc” được đổi tên thành “Lễ hội văn hóa Trà Lâm Đồng”(?!) do UBND tỉnh chủ trì. Đến năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định “khai tử” Lễ hội văn hóa Trà theo đề nghị của UBND thành phố Bảo Lộc!?. Từ năm 2017 và 2019 “Tuần văn hóa trà – Tơ lụa Bảo Lộc” được tổ chức lồng ghép trong chương trình của Festival hoa Đà Lạt hàng năm và cũng đổi tên thành “Tuần văn hóa trà – Tơ lụa Lâm Đồng”. Riêng năm nay 2022, “Tuần văn hóa trà – Tơ lụa Lâm Đồng” cũng bãi bỏ luôn, thay vào đó là một chương trình nghệ thuật gọi là “Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ” và một “Hội chợ thương mại và triễn lãm, trưng bày sản phẩm trà và tơ lụa” tại Bảo Lộc, “nhẹ nhàng” hơn trong tổ chức và thưởng lãm (!...).

Nhiều cán bộ và người dân Bảo Lộc băn khoăn không biết căn cứ khoa học nào mà tỉnh đổi tên “Trà – Tơ lụa Bảo Lộc” thành “Trà – Tơ lụa Lâm Đồng”? Vì sao bãi bỏ sự kiện văn hóa này? Vất vả hay tốn kém ư? Cũng là để cống hiến đền đáp công sức của bao đời làm nên giá trị thương hiệu và đáng là bao so với sự đóng góp to lớn của 2 ngành kinh tế chủ lực này trong cơ cấu kinh tế địa phương. Phải chăng, không cần lễ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ địa lý “Trà B’Lao”, “Trà Bảo Lộc”, “Lụa tơ tằm Bảo Lộc” nữa (!?)...Hay vì Lâm Đồng có nhiều nơi trồng, sản xuất trà, tơ lụa chứ không riêng gì Bảo Lộc (như một số ý kiến) nên phải xây dựng thương hiệu mới là “Trà - Tơ lụa Lâm Đồng” (?!). Có người đề xuất, vậy có nên chăng đổi tên thành “Festival hoa Lâm Đồng” vì đâu chỉ có Đà Lạt trồng hoa, mà hoa trồng ở các huyện mang về Đà Lạt cũng nhiều đấy chứ (!?) ...

Đành rằng, việc thay đổi tên hay bãi bỏ tổ chức một sự kiện có nhiều nguyên nhân, nhưng nó đã bộc lộ sự loay hoay trong việc thiết kế tổ chức, kế thừa, xây dựng, phát triển, nâng tầm chất lượng, uy tín thương hiệu có giá trị kết tinh từ lịch sử phát triển lâu đời.

Có lẽ để trả lời vì sao “khai tử” Lễ hội trà – Tơ lụa Bảo Lộc phải cần thời gian, cần những tấm lòng, những trăn trở, dấn thân của những con người cháy bỏng khát vọng nâng tầm thương hiệu trà B’Lao, tơ lụa Bảo Lộc./.

 [*]. NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội, 2001.

ThS.Nguyễn Vân Hậu