Độc đáo, hấp dẫn Lễ hội Sen Hà Nội 2024!

Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 với chủ đề “Sắc sen Hà Nội” diễn từ ngày 12/16/7/2024 tại Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước. Dù được diễn ra lần đầu, nhưng Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là độc đáo, hấp dẫn!

Đến dự lễ khai mạc, có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó trưởng ban Thường trực Ban đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Thành uỷ viên, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội; lãnh đạo các sở ngành của thành phố Hà Nội cùng đông đảo cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ và du khách.

b14-1721551381.jpeg

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân và các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền, khẳng định giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc của hoa sen trong đời sống người Việt. "Sen đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca, âm nhạc, hội họa và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sen cũng là chất liệu cho nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống hàng ngày" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quyền cho biết.

Cây sen hiện được trồng tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, gắn liền với du lịch sinh thái và sản xuất nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu và tinh bột. Những sản phẩm nổi bật từ sen như tơ sen độc đáo của nghệ nhân Phan Thị Thuận, trà sen Tây Hồ với hương vị tinh túy, và mâm cỗ sen đặc sắc ở làng cổ Đường Lâm đã thu hút nhiều du khách.

b9-1721551547.jpeg

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc

Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần của chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một phần trong Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về "Xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2021-2025", Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" và Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh rằng hoa sen không chỉ có giá trị văn hóa mà còn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, nông nghiệp và du lịch, nâng cao đời sống người dân và xây dựng hình ảnh Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tại lễ khai mạc, bà Latana Siharaj, đại biện lâm thời Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội, nhất là vai trò quan trọng của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội trong việc tổ chức nhiều hoạt động góp phần gắn kết đoàn ngoại giao, trong đó có Lễ hội Sen Hà Nội. “Chúng tôi luôn coi trọng việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, như Lễ hội Sen này, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước. Những sự kiện như thế này không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của nước chủ nhà, mà còn tạo cơ hội để chia sẻ những giá trị và kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau” - bà Latana Siharaj bày tỏ.  

4-1721555520.jpg

b3-1721551740.jpg

Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” đặc sắc

Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 lần đầu tiên tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong chương trình khai mạc, Ban tổ chức trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và Sen; trao 2 kỷ lục là Số người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam" (1.000 người) và kỷ lục Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất Việt Nam (7.000 người).

Ngoài ra, người dân và du khách được thưởng thức Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” tại sân khấu nổi trên mặt nước. Chương trình gồm 4 chương, tương ứng với 4 bối cảnh lịch sử cũng như giai đoạn vòng đời của một bông hoa sen cũng như một con người. Đó là câu chuyện về sự sống của loài sen được kết tụ tinh hoa của đất trời, từ lúc ươm mầm, lớn lên, kết nụ, nở hoa… từ đó tóm lược ngắn gọn câu chuyện về cuộc sống của người dân Việt từ xưa đến nay. Chương trình sử dụng nhiều bài hát quen thuộc đan xen cùng những tác phẩm mới, như: “Phố cổ”, “Quê hương Việt Nam tôi”, “Hồn sen”…

b11-1721551676.jpeg

Trao 2 kỷ lục là Số người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam" (1.000 người) và kỷ lục Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất

Tại sự kiện, UBND quận Tây Hồ khai trương “Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ” với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành trong cả nước trưng bày quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền; Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Đêm nhạc "Mùa Sen về nhớ Bác";  Giao lưu văn hóa nghệ thuật Hà Nội (Việt Nam) - Venezuala; Triển lãm ảnh nghệ thuật "Tình Sen"; Bức tranh "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được sáng tác từ trên 2 vạn bông hoa sen lần đầu tiên ra mắt người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, sự kiện thu hút bởi nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm trà ướp sen, nghệ thuật pha, thưởng trà sen độc đáo của người Hà Nội như: Gian giới thiệu tinh hoa trà Việt của nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, gian hàng giới thiệu sản phẩm và thưởng thức trà sen của nghệ nhân Lưu Thị Hiền…

Đặc biệt, tại lễ hội, Viện Kinh tế, Văn hoá và Nghệ thuật đã ra mắt bức tranh kính chân dung Bác Hồ được ghép từ 1.944 tấm ảnh hoa sen chụp từ các vùng miền của đất nước. Tác phẩm đã được ban tổ chức trao tặng cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế tại đêm chương trình nghệ thuật “Tình Sen” chào mừng Lễ hội Sen Hà Nội 2024. 

bac-1-1721552395.jpg

b4-1721551511.jpg

Hai tác phẩm ấn tượng trên lần đầu tiên ra mắt người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Sen Hà Nội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thanh tao và giá trị văn hóa của quốc hoa Việt Nam, mà còn là cơ hội vàng để khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP và thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa các vùng miền. Sự kiện quy tụ những sản phẩm độc đáo từ Sen, tạo nên không gian trải nghiệm tuyệt vời cho người dân Thủ đô và du khách thập phương, khuyến khích sáng tạo, đổi mới trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và văn hóa của Hà Nội. Lễ hội Sen Hà Nội 2024 còn là điểm đến của sự giao lưu văn hoá, là nhịp cầu nối tình hữu nghị, hợp tác quốc tế khi các quốc gia có cơ hội giới thiệu về hình ảnh hoa Sen trong văn hóa nước mình, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Đến thăm quan, động viên và giao lưu với các chủ thể tham gia Lễ hội Sen Hà Nội 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, cùng sự phối hợp với quận Tây Hồ và một số đơn vị tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự kiện này được tổ chức quy mô, ấn tượng, lan tỏa những giá trị thiết thực. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mỗi sản phẩm OCOP là sự chung tay của rất nhiều người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn và chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới việc “kích hoạt” sự năng động và “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, qua đó đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa và thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.

botruongleminhhoan150724-1-1721553502.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đến thăm quan động viên các chủ thể tham gia Lễ hội Sen Hà Nội

Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc sự kiện, ông Nguyễn Xuân Đại, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, phát triển cây sen là gắn với thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, thu hút du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Hà Nội hiện có trên 600 ha trồng sen gắn với các mô hình khai thác chuỗi giá trị từ hệ sinh thái kinh tế sen. Trong số hơn 2.700 sản phẩm OCOP có 18 sản phẩm từ cây sen. Với những ý nghĩa đó, Thành phố Hà Nội quyết định tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 và sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh phía Bắc là dịp để tôn vinh những giá trị nhiều mặt của cây sen trong đời sống. Và với sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng các cơ quan phối hợp tất cả các mục tiêu của Lễ hội đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.  

Theo đó, Lễ hội đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (doanh thu bán hàng trực tiếp trong những ngày diễn ra sự kiện khoảng trên 6 tỷ đồng). Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, hướng tới mục tiêu định vị thương hiệu văn hóa, du lịch Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước.

Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước. Lễ hội cũng mở ra định hướng tiến tới xây dựng lễ hội sen định kỳ mang thương hiệu của Thủ đô. Đồng thời, là một hoạt động cụ thể hóa Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 06- Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội”.