Sự kiện do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOPIA) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Mô hình sản xuất giống vừng VS-1 nằm trong dự án “Tuyển chọn giống vừng có năng suất cao và phát triển kỹ thuật canh tác chuẩn tại tỉnh Đồng Tháp” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp cùng thực hiện.
Dự án diễn ra trong Vụ Xuân Hè 2023 (từ tháng 1-6/2023) tại xã Phong Mỹ, Cao Lãnh và xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò với quy mô diện tích là 5 ha và 28 hộ tham gia mô hình. Mục tiêu dự án là nhằm huấn luyện cho nông dân cách tuyển chọn được giống vừng mới có năng suất cao và biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp góp phần nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất vừng tại tỉnh Đồng Tháp.
Thực hiện dự án, dự kiến năng suất của giống vừng mới VS-1 đạt trung bình 1,7-1,9 tấn/ha, cao hơn vùng đối chứng từ 20-38,4%. Lãi thuần khi áp dụng giống vừng mới và các biện pháp kỹ thuật mới đi kèm dự kiến đạt 59 triệu đồng/ha, tăng 26,6-49,7% so với giống vừng cũ. Tỷ suất lợi nhuận cận biên của mô hình so với đối chứng dự kiến đạt 6,2-9,8%. Kết quả cho ra đều cao hơn so với giống vừng được đối chứng, đáp ứng yêu cầu của dự án.
Giống vừng mới VS-1 cùng với kỹ thuật canh tác phù hợp có thể làm gia tăng giá trị sản xuất cây vừng tại tỉnh Đồng Tháp, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân vùng nông thôn. Điều này mở ra cơ hội trong tương lai về sản xuất vừng bền vững, kéo theo nhiều ngành dịch vụ đi kèm, tạo thêm công ăn việc làm cho người sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất thân thiện với môi trường.
Kết quả của dự án đã chứng minh sự tích hợp thành công của tổng hợp các yếu tố, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất và áp dụng quy trình kỹ thuật của người sản xuất. Dự án đã cho ra những kết quả rõ rệt, đây chính là bước đầu chứng tỏ tính thích ứng của giống vừng mới trên địa bàn huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương trồng vừng có diện tích lớn nhất cả nước. Trước đây, địa phương sử dụng phổ biến giống vừng ĐT-1 (hạt đen) và ĐT-2 (hạt nâu), tuy giống vừng này có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của khu vực, song năng suất không cao. Nguyên nhân là do công tác giống tại tỉnh Đồng Tháp từ lâu chưa được quan tâm đúng mức, nông dân thường sử dụng vừng thương phẩm để làm giống cho vụ sau nên độ thuần và sức sống hạt giống không cao đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất.
Việc áp dụng giống vừng mới và kỹ thuật canh tác tiên tiến tại tỉnh Đồng Tháp là cần thiết. Dự án mong muốn tuyên truyền và nhân rộng mô hình sản xuất giống vừng VS-1 trong những năm tiếp theo tại tỉnh Đồng Tháp, khuyến khích nông dân trên địa bàn áp dụng rộng rãi để nâng cao năng suất sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.