Đầu những năm 2000, người dân ở xã Hồng Vân phát triển mạnh nghề trồng cây cảnh. Năm 2008, làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Năm 2012, xã tiến hành dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời năm 2014 là hạt nhân làm du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Nhiều năm qua, với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là trồng hoa, cây cảnh, HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã thu hút nhiều thành viên tham gia. Hoạt động hiệu quả của HTX không chỉ mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ thành viên chuyên trồng hoa và cây cảnh, mà còn góp phần làm cảnh quan thêm sạch - đẹp và thu hút nhiều khách du lịch về xã Hồng Vân tham quan và du lịch “chữa lành”.
Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND TP. Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề và năm 2022 điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Các điểm du lịch ở xã Hồng Vân vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Xã đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Từ đó, đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế và góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Sau gần 10 năm thành lập và hoạt động hiệu quả, đến nay HTX có 24 thành viên và nhiều hộ liên kết. Với mô hình HTX kiểu mới, HTX hoạt động theo kim chỉ nam là phát huy thế mạnh của từng hộ để tạo thành một chuỗi mắt xích. Mỗi hộ chịu trách nhiệm một khâu, hộ thì làm giống, hộ trồng nguyên liệu, hộ thu gom để sơ chế, hộ đầu tư công nghệ, máy móc đóng gói sản phẩm để bán ra thị trường.
Để hạn chế tác động của thời tiết đến sự sinh trưởng và phát triển của hoa, cây cảnh, gần 70% số nhà vườn của HTX đã đầu tư hệ thống sản xuất công nghệ cao, lắp đặt giàn phun tưới tự động giúp tiết kiệm nước và bảo đảm độ ẩm cho các loại cây trồng. Do đó, hoạt động sản xuất hoa, cây cảnh diễn ra quanh năm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khai thác hiệu quả giá trị đất nông nghiệp.
Hiện nay, các sản phẩm hoa, cây cảnh chủ lực của HTX chia thành các nhóm gồm: Cây trang trí hàng nền, hàng thảm; hoa giỏ treo; cây công trình… Hàng năm, các HTX chủ động tìm kiếm và đưa về gieo trồng các giống hoa mới, góp phần làm phong phú các chủng loại hoa, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường như: dạ yến thảo cánh kép, hoa hồng ngoại, hoa giấy…
Ngoài ra, HTX còn làm chủ phương pháp nhân giống chiết, ghép nhiều loại hoa thân gỗ nên chủ động được nguồn giống; các loại hoa, cây cảnh phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp nên hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh được thuận lợi.
Mỗi năm, các thành viên HTX thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, góp phẩn cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế địa phương.
Liên kết, tạo chuỗi tham quan đặc sắc
Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã Hồng Vân đã có nhiều thay đổi tích cực. Xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Hồng Vân cũng thẳng thắn nhìn nhận, do mới phát triển du lịch, nên địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vì điểm du lịch tại xã đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Hiện du khách đến địa phương chủ yếu tham quan trong ngày, ít khách lưu trú qua đêm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp cũng chưa có nhiều. Do đó, xã đã nhiều lần kiến nghị với huyện, thành phố cho phép khai thác điểm dịch vụ trên đất nông nghiệp.
Trong thời gian tới điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, với chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân sẽ liên kết với các làng nghề đặc trưng của các xã xung quanh như làng Chiếu hạt của xã Nhị Khê; làng Tranh tứ quý gỗ mít của xã Tô Hiệu, làng Túi vải thêu tay của xã Nguyễn Trãi, làng “Khoai tây” của Hợp tác xã nông nghiệp Hà Hồi... để tạo thành chuỗi tham quan đặc sắc, độc nhất vô nhị, khiến du khách nhất định phải đến Hồng Vân khi du lịch Hà Nội.
Phát triển du lịch làng nghề hoa, cây cảnh chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được địa phương ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc tạo thêm việc làm cho lao động mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, của địa phương.
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI