Giá trị của hoà bình

Hai cụ thân sinh ra ông Nguyễn Viết Minh, nhà ở phố Thuốc Bắc (Hà Nội) sinh được 5 người con trai. Cũng như nhiều gia đình khác trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, liên tục từ các năm 1963 đến 1965, mỗi năm, hai cụ lại tiễn một người con lên đường đánh giặc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Chụp ảnh thờ trước ngày nhập ngũ

Đầu những năm 1960, đế quốc Mỹ chịu thất bại nặng nề trong chiến tranh đặc biệt, chúng ồ ạt đưa quân vào miền Nam nhằm chặn đường chi viện của miền bắc. Sau đó dựng lên sự kiện "vịnh Bắc bộ" để leo thang phá hoại hậu phương lớn của ta. Nhưng sự gây hấn của giặc Mỹ chỉ làm tăng thêm lòng căm thù, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

dt1-minh1-1745200795.jpg

Ông Nguyễn Viết Minh chụp ảnh để lại gia đình trước khi vào mặt trận.

 

Tại Hà Nội, tinh thần thanh niên lên cao, sẵn sàng nhập ngũ vào nam đánh giặc, có những thanh niên đã viết đơn tình nguyện bằng máu.

Ông Nguyễn Viết Minh khi ấy đang là công nhân cơ khí thuộc Xí nghiệp đo lường Hà Nội cũng hừng hực khí thế, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in  ngày 28-2-1964, khi chính thức trở thành "Anh bộ đội Cụ Hồ".

dt2-minh2-1745200899.jpg

Ông Nguyễn Viết Minh phục viên trở về.

 

Chiến tranh ác liệt, nhiều thanh niên ra đi mà không trở về. Ông Minh cũng xác định, hy sinh vì Tổ quốc là cao cả và thiêng liêng nhất. Sát ngày lên đường, ông rà Bờ Hồ chụp nhiều bức ảnh, để lưu giữ kỷ niệm với mảnh đất Hoàn Kiếm linh thiêng, in đậm ký ức tuổi thơ của chàng trai phố cổ. Sau đó, vào hiệu ảnh Hàng Khay chụp một bức chân dung để lại gia đình, như một thông điệp ngầm, nếu ông không may trở về thì còn có di ảnh để thờ cúng.

Từ một thợ cơ khí chỉ quen cà-lê, mỏ-lết, chân tay dầu mỡ, nhưng do yêu cầu của quân đội, ông được cử đi học lớp quân y làm quen với xi-lanh, máu và các kĩ năng sơ cứu, băng bó thương binh. Học xong, ông được phiên chế vào Đội điều trị 15, phục vụ thương binh, bệnh binh tại chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ là mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị.

dt3-minh-3-1745200943.jpg

Chân dung cựu chiến binh Nguyễn Viết Minh

 

Là bộ đội ở chiến trường nóng bỏng nhất, lại được chứng kiến tận mắt  phút sinh - tử của người lính, ông không chai sạn với sự hy sinh của đồng đội, mà nén đau thương vào trong, biến đau thương thành sức mạnh để cùng tập thể các y bác sĩ quân y, tận tình chăm sóc, cứu chữa những đồng đội, mở ra cơ hội sống, trở về với gia đình...

Giá trị  của hòa bình

Tiễn ba người con lên đường vào bộ đội vào thời điểm chiến tranh leo thang cả ở miền nam và miền Bắc. Hai cụ thân sinh ra ông Minh đau đáu chờ tin tức của các con từ chiến trường.

Năm 1972, ông Minh được phục viên xuất ngũ, lành lặn trở về trong niềm vui mừng khôn tả của hai cụ thân sinh. Nhưng gia đình ông vẫn còn anh Nguyễn Viết Công (anh trai ông Minh), nhập ngũ năm 1965, chiến đấu tại chiến trường Quân khu 7 biền biệt tin tức.

dt4minh-4-1745201001.jpg

Liệt sĩ Nguyễn Viết Công (anh trai ông Nguyễn Viết Minh)

Mùa xuân năm 1975, tin vui chiến thắng liên tiếp "bay" về Hà Nội khiến lòng người xốn xang. Ngày 30-4, tin thống nhất non sông tràn ngập báo chí và loa truyền thanh, khiến quân và dân cả nước vỡ òa cảm xúc. Người Hà Nội đổ ra đường tìm mua báo đọc đi đọc lại  những bài tường thuật của phóng viên chiến trường gửi về tòa soạn cùng bức ảnh trên trang nhất các tờ báo: Xe tăng bộ đội ta húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam được cắm lên, đánh dấu chấm hết chế độ Việt Nam cộng hòa.

Ông Minh hòa cùng niềm vui chung đó mà không để ý đến nỗi niềm của hai cụ thân sinh. Những ngày sau, trên đường phố xuất hiện nhiều bộ đội, ba-lô trên vai từ chiến trường trở về. Mỗi khi thấy anh bộ đội thấp thoáng từ đầu phố, ánh mắt hai cụ đăm đắm dõi theo xem có phải anh Công trở về hay không? Chỉ khi cầm giấy báo tử trên tay, ghi rõ tên Liệt sĩ Nguyễn Viết Công đã hy sinh ở mặt trận phía Nam, hai cụ mới đau đớn chấp nhận sự thật.

dt5minh-5-1745201067.jpg

Ông Nguyễn Viết Minh cùng gia đình thắp hương bên mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Phước Long, tỉnh Bình Phước.

 

Năm 1987, cụ ông thân sinh ông Minh qua đời; đến năm 2003, cụ bà cũng về với tổ tiên. Trước khi hai cụ nhắm mắt xuôi tay, đều có chung một nguyện vọng, làm sao tìm được hài cốt của Liệt sĩ Nguyễn Viết Công.

Thực hiện nguyện ước đó, ngay từ thập niên 90 anh em ông Minh đã lặn lội vào chiến trường, nơi liệt sĩ Công chiến đấu và hy sinh tại khu vực Đồng Xoài, Bình Phước, nhưng không có tin tức gì về nơi chôn cất liệt sĩ. Đến năm 2005, được sự trợ giúp của nhà ngoại cảm, gia đình xác định hài cốt liệt sĩ Công là ngôi mộ khuyết danh nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ Phước Long (Bình Phước), nhưng gia đình để liệt sĩ yên giấc ngàn thu mà không giám định ADN. Thôi thì, nếu không phải hài cốt của anh trai mình, thì cũng là hài cốt đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Bằng lòng với suy nghĩ đó, ông Minh và gia đình đã gắn bia liệt sĩ vào ngôi mộ khuyết danh tên Liệt sĩ Nguyễn Viết Công.

Ông Nguyễn Viết Minh năm nay đã ngoài 85 tuổi, nhưng sức khỏe còn khá tốt, ông tham gia vào hội cựu chiến binh để có điều kiện cùng đồng đội đi thăm lại chiến trường xưa. Tới những địa danh lịch sử, nơi nhuộm máu đào của bao nhiêu người lính, ông đều chụp lại ảnh lưu niệm, rồi in thành những cuốn sách ảnh. Mục đích là để lại cho thế hệ con cháu sau này biết được, một giai đoạn hào hùng của lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã chiến đấu, hy sinh anh dũng như thế nào mới có được cuộc sống hòa bình như hôm nay.