Giáo sư Đào Duy Anh - người đặt nền móng cho địa lý học lịch sử việt nam hiện đại

Nếu Lịch sử là môn khoa học về thời gian, thì Địa lý là về không gian. Nếu các sử gia khẳng khái rằng không thể hiểu được lịch sử nếu không có địa lý, các nhà địa lý học cũng lịch thiệp nhận định: “Địa lý cũng chẳng thể hiểu được nếu không có lịch sử”[1]; thì Địa lý học Lịch sử là bộ môn khoa học về cả không và thời gian, khớp nối giữa cả hai chiều cạnh đó. “Địa lý học Lịch sử là một phân ngành của Địa lý Nhân văn quan tâm đến các khu vực địa lý trong quá khứ và ảnh hưởng của quá khứ trong việc hình thành các khu vực địa lý của hiện tại và tương lai[2]. Tuy cùng với Địa lý học Kinh tế, Địa lý học Xã hội, Địa lý học Văn hóa, Địa lý học Chính trị (Địa chính trị), Địa lý học Khu vực, Địa lý học Tôn giáo, Địa lý học Ngôn ngữĐịa lý học Dân số, Địa lý học Lịch sử là một phân ngành của Địa lý Nhân văn, nhưng có thể coi chúng là một cặp “anh em song sinh”: Địa lý học Lịch sử chính là Địa lý học Nhân văn được “chia ở thời quá khứ”; còn Địa lý học Nhân văn lại là Địa lý học Lịch sử được “chia ở thời hiện tại hoàn thành tiếp diễn”[3]. Mặc dù thế, càng ngược về quá khứ, để nghiên cứu Lịch sử và Địa lý học Lịch sử, nhà khoa học còn phải nắm được cả các vấn đề tư tưởng triết học, đặc biệt là triết lý tôn giáo quan niệm về địa lý, hay chính “thế giới quan” hoặc “vũ trụ quan”, những cấu trúc tư tưởng mà mỗi một tôn giáo đều xây dựng cho mình để hình dung về thế giới. Chính vì vậy, một nhà Địa lý học Lịch sử phải vừa quảng bác vừa uyên thâm, nhất là đối với truyền thống sử địa Nho gia thời đại quân chủ Việt Nam và Đông Á, đề cao vương quyền, sở hữu tối thượng của hoàng đế (vương thổ), gắn với thiên mệnh, và sự “bảo hộ truyền thống” của các bậc thánh hiền đời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, do đó những điển cố, điển tích cũng như thiên văn học cổ đại Trung Hoa cũng phải tường tận. Trong lịch sử hơn một thế kỷ Địa lý học Lịch sử Việt Nam, Đào Duy Anh là một tên tuổi như vậy. Ở bài viết này, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh những thành tựu và cống hiến của học giả Đào Duy Anh đối với chuyên ngành Địa lý học Lịch sử Việt Nam, ở cả hai khía cạnh: tinh thông quá khứ và gây dựng tương lai. Chúng tôi sẽ trình bày hai nội dung: Tổng quan về Địa lý học Lịch sử trong lịch sử của Việt Nam; và những cống hiến của Đào Duy Anh với chuyên ngành này ở thời kỳ đương đại, thông qua công trình Đất nước Việt Nam qua các đời và những khảo cứu khác. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định rằng Đào Duy Anh là người đặt nền móng cho Địa lý học Lịch sử Việt Nam hiện đại.

1. Địa lý học Lịch sử trong lịch sử Việt Nam

Môn Địa lý học Lịch sử của Việt Nam chắc chắn đã xuất hiện sớm hơn thế kỷ XV, tồn tại với tư cách là những ghi chép về địa dư cũng như những khắc họa (địa đồ) của các triều đại quân chủ Đại Việt về “vương thổ”, vì vậy nó nghiêng nhiều về Địa - Chính trị. Theo sử chép, năm 1075 là niên điểm đầu tiên được ghi nhận về hoạt động vẽ bản đồ của nhà nước quân chủ Đại Việt, dưới thời Lý (1009-1226): “Sai Lý Thường Kiệt tổng lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành, không thắng được. Thường Kiệt bèn họa địa đồ hình thế núi sông của ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh là châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đấy ở”[4]. Cũng ở triều đại Lý, đầu thập kỷ 1170, vua Lý Anh Tông nhiều lần “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ bà đường đi xa gần thế nào”, năm 1172, vua lại đi tuần các hải đảo “ở địa giới các phiên bang Nam Bắc” và cho “vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”[5].

Sang thời Trần (1226-1400), sách An Nam chí lược của Lê Trắc (Lê Tắc), gồm 19 quyển, cũng có những nội dung về địa lý lịch sử, tập trung ở Quyển thứ nhất, bao gồm các mục: Quận - Ấp, Châu, Huyện, Núi, Sông, Cổ tích, Các châu, quận nguyên thuộc An Nam đô hộ đời Đường, Phong tục, Biên cảnh phục dịch, Trắc ảnh (đo bóng)...

Tuy nhiên, thư tịch cổ nhất, chính thức về địa lý lịch sử và còn lại đến ngày nay là Dư địa chí (An Nam vũ cống) của Nguyễn Trãi (1380-1442), là Quyển thứ sáu trong Ức Trai di tập, niên đại Thiệu Bình thứ hai (1435). Tác phẩm được viết theo thể văn của thiên “Vũ cống” trong Kinh Thư của Trung Quốc; văn bản còn để lại đến nay bao gồm cả những lời tập chú của Nguyễn Thiên Túng, lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích và lời thông luận của Lý Tử Tấn. Cả ba tác gia và Nguyễn Trãi đều sống cùng thời đại với nhau. Công trình được Đào Duy Anh nhận xét: “là tác phẩm địa lý học chuyên môn xưa nhất của chúng ta, tác phẩm ấy là một nguồn tài liêu chủ yếu cho sự nghiên cứu địa lý học lịch sử”[6].

Sau Dư địa chí, cũng từ sớm, cuối thế kỷ XV, là Thiên Nam dư hạ tập, gồm 100 quyển, nhưng còn lại đến ngày nay chỉ còn 08 quyển, trong đó có 01 quyển về địa lý hành chính dưới thời Lê Thánh Tông (cai trị: 1460-1497). Cũng chính triều đại Lê Thánh Tông đã có một bước ngoặt lớn trong hoạt động dựng vẽ bản đồ dưới sự chỉ đạo của nhà nước quân chủ, lần lượt vào các năm 1467[7], 1469 và 1490[8]. Lần đầu tiên, và còn lưu giữ các phiên bản đến ngày nay, là cả bộ bản đồ toàn quốc, kinh đô, cũng như của từng đơn vị hành chính vùng (“thừa tuyên”) được dựng vẽ[9].

Cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, sách Lê triều hội điển cũng có một quyển “Hộ thuộc” ghi chép về địa lý hành chính Đại Việt thời Hậu Lê (1428-1789) trong các thập niên 1730-1770. Về không gian cụ thể Xứ Nghệ, Hoan Châu ký của họ Nguyễn Cảnh cuối thế kỷ XVII và Nghệ An ký do Bùi Dương Lịch (1757-1828) biên soạn vào đầu thế kỷ XIX là những công trình tiêu biểu.

Về không gian địa lý Phương Nam, các sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (1514-1591) thời Mạc (thế kỷ XVI) có chép về hình thế núi sông, tên gọi, sản vật, lề thói, phong tục, vốn quý của đất và người xứ Thuận Hóa. Cuối thế kỷ XVIII, khi nhậm chức ở Đàng Trong, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ghi chép tổng hợp về vương quốc cũ của Chúa Nguyễn, đặc biệt là hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam trong thập kỷ 1770 để thành sách Phủ biên tạp lục gồm 08 quyển. Cũng của Lê Quý Đôn, công trình Kiến văn tiểu lục cung cấp nhiều thông tin về các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, nhất là hệ thống sông ngòi và đường giao thông đương thời. Những tác phẩm này tuy chỉ khảo cứu về những vùng cụ thể, nhưng cũng đều là các sách địa lý học lịch sử tiêu biểu của Đại Việt - Việt Nam giai đoạn Sơ kỳ Cận đại (thế kỷ XVI-XVIII).

Triều Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) là thời kỳ nở rộ của các công trình văn-sử-địa của Việt Nam, ở cấp độ nhà nước quân chủ, cũng như các trước tác của cá nhân. Đây có thể coi là giai đoạn phát triển trội vượt của Địa lý học Lịch sử Việt Nam đến trước thời kỳ hiện đại. Hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng xuất hiện như: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, Hoàng Việt dư dịa chí (hay “Dư địa chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí) của Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông, Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, Hưng Hóa phong thổ chí của Hoàng Bình Chính, Hưng Hóa kỷ lược của Phạm Thận Duật, Cao Bằng kỷ lược của Phạm An Phủ, Đại Nam quốc cương giới vựng biên của Hoàng Hữu Xứng, Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, Bắc Thành địa dư chí của Lê Chất, Đại Nam quốc cương giới vựng biên (1887) của Hoàng Hữu Xứng, các công trình địa chí về Thăng Long - Hà Nội[10], và nhất là các tập đại thành do triều đình tổ chức biên soạn: Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí. Trong đó, tác phẩm Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức là bộ sách tiêu biểu nhất cho lối viết địa chí truyền thống, đúng như Đào Duy Anh đã nhận xét: “là bộ địa chí đầy đủ nhất về tất cả các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam”[11].

Ngoài ra, còn phải kể đến các sử ký của tăng đạo Phật giáo, các ghi chép địa lý thuộc phạm vi thực hành tôn giáo của các thầy phù thủy Đạo giáo[12], các ghi chép, nghiên cứu, bản đồ, du ký của các giáo sĩ, nhà thám hiểm, sĩ quan và thương nhân Phương Tây trong giai đoạn sau thế kỷ XVI[13].

Thời kỳ Pháp thuộc chính là lúc ngành Địa lý học Lịch sử Việt Nam hiện đại manh nha hình thành. Đầu tiên phải kể đến Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) với các tác phẩm “Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine” (Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ, 1875), Dư đồ thuyết lược (Précis de géographie, 1887), và các địa đồ 31 tỉnh thành của Đại Nam thời Nguyễn (1888, 1889) và nhất là “Cours de géographie générale de l’Indochine” (Bài giảng Địa lý tổng quát Đông Dương, 1894). Trong đó Dư đồ thuyết lược gồm 05 phần: “Phần thứ nhứt” về các khái niệm “Phép Địa dư”, “Trái đất”, “Chơn trời và 4 Phương Trời”, “Trái cầu và Bản đồ”, “Những đường gạch bày ra phân Trái đất”, “Tên kêu các phần Đất”, “Tên kêu các phần Nước Biển”, “Đất chia ra thế nào” và “Về Nước Sông Biển”; Phần thứ hai là “Nói lược qua về 5 Phương Thiên hạ”; Phần thứ ba “Nói lươc qua về nước An Nam”; Phần thứ bốn về Nam Kỳ; và Phần thứ năm là “Nước An Nam”. Tập Bài giảng Địa lý tổng quát Đông Dương gồm 06 chương về địa lý Đông Dương: 1. La Cochinchine - Française, 2. L’Annam central, 3. Le Tonkin, 4. Le Cambodge, 5. Le Siam, 6. La Birmanie. Đây là những kiến thức giáo khoa, bài giảng mà Trương Vĩnh Ký soạn dạy ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XIX. Cũng là sách giáo khoa trong thời đại mới, có thể kể đến các phiên bản của Nam quốc địa dư như Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư (của Lương Trúc Đàm, 1875-1908), Nam quốc địa dư chí (1908).

Tác phẩm Việt sử kính (1909)[14] của Hoàng Cao Khải (1850-1933), được dịch ra quốc ngữ là Gương sử Nam (1910) tuy “bàn việc nước ta giao thiệp với nước Lang Sa [tức nước Pháp]” (Thiên thứ nhất), “với nước Tầu” (Thiên thứ hai), với “nước Siêm Thành cùng nước Chân Lạp” (Thiên thứ ba, tức không hẳn là một nghiên cứu về Địa lý học Lịch sử, nhưng đây là một cuốn sách quan trọng cho phép tìm hiểu về tư tưởng chính trị và nhận thức Địa Chính trị của một chính trị gia đương thời[15].

Đặc biệt, trong học giới nước ngoài, đặc biệt là Tây Phương, xuất hiện nhiều tác giả như Gustave Dumoutier (1850-1904), Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang, 1856-1947), Léopold Michel Cadière (1869-1955), Henri Paul Gaston Maspéro (1883-1945), Léonard Aurousseau (1888-1929), Claudius Madrolle (1870-1949), Pierre Gourou (1900-1999) và những tác giả khác. Đáng lưu ý là “Le protectorat général d’Annam sous les Tang: Essai de Géographie Historique” (An Nam đô hộ phủ thời Đường: Tiểu luận về Lịch sử Địa lý, 1910) và “Etudes d’histoire d’Annam” (1916) của Henri Maspéro đăng trên Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Trong đó tiểu luận thứ hai tuy tên là “Nghiên cứu Lịch sử An Nam”, nhưng thực chất là một khảo cứu về địa chính trị Việt Nam thế kỷ VI-XV với hai nhà nước Đại Việt và Cambodge, gồm 03 phần: “La Dynastie des Lí Antérieurs (543-601)” (Triều Tiền Lý), “La Géographie politique de L’Annam sous les Lí, les Trần et les Hồ (Xe-XVe siècles)” (Địa lý Chính trị An Nam thời Lý, Trần và Hồ) và “La commanderie de Siang” (Quận Tượng)[16]. Léonard Aurousseau thì có bài “La première conquête Chinoise des pays Annamites (IIIe siècle avant notre ère)” [Cuộc chinh phục đầu tiên của Trung Quốc vào nước An Nam (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên)] năm 1923[17]. Đây là những nghiên cứu quan trọng, làm tiền đề cho các nghiên cứu Địa lý học Chính trị Việt Nam trong suốt thế kỷ XX[18]. Trong giới khoa học Pháp cuối thập niên 1980, cuốn sách về Địa Chính trị Việt Nam trên đất liền Les frontières du Vietnam: Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise do Pierre-Bernard Lafont (Paris, 1989) chủ biên cũng là một thành tựu đáng lưu tâm.

Vào nửa sau thế kỷ XX, khi Sử học và các ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam hiện đại hình thành dưới chế độ mới (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - CHXHCN Việt Nam), tuy có nhiều thành tựu có tính nền tảng và ảnh hưởng lớn của Sử học Việt Nam đương đại, cũng có các công trình lớn quan tâm đến Địa lý học Lịch sử Việt Nam và các vấn đề Địa - Hành chính, Địa - Văn hóa, Địa - Quân sự, Địa - Kinh tế… nhưng hầu như chưa có mấy tác giả coi Địa lý Lịch sử là đối tượng nghiên cứu trực tiếp. Có học giả từ sớm (thời điểm 1959) đã luôn đề cao và đã thành danh bởi cách tiếp cận địa lý đối với các vấn đề của lịch sử và văn hóa Việt Nam là Trần Quốc Vượng, Người vốn luôn tự hào tốt nghiệp Cử nhân Sử - Địa, và các bài viết của Ông được tập hợp thành cuốn sách Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa (1998). Trần Quốc Vượng cũng đã định nghĩa: “Địa lý học Lịch sử là một môn học xuyên ngành (cross/trans-disciplinaire [hay cross/trans-disciplinary]), phối cả đối tượng Không - Thời gian, phối cả cách nhìn đồng lịch đại với cả hai phương pháp tiếp cận bản đồ học và điền dã”; tuy nhiên, Ông cũng khẳng định: “Đứng đầu về Địa lý học Lịch sử (Géographie - Historique [hoặc Historical Geography]) vẫn là Thầy tôi, Giáo sư Đào Duy Anh, với tác phẩm bất hủ để đời Đất nước Việt Nam qua các đời[19].

Ở cấp độ địa phương, ngay từ đầu thế kỷ XX, nhất là những năm 1980 đến nay, đặc biệt là với các Đề tài cấp Nhà nước, thuộc Nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ Đặc biệt cấp Quốc gia “Nghiên cứu và xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Nhiệm vụ Quốc chí) của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, trong đó có tập “Địa phương chí”, đã, đang và sẽ có rất nhiều các công trình tỉnh chí, huyện chí, xã chí[20] và chắc chắn không ít trong số đó là những tác phẩm Địa lý học Lịch sử có giá trị. Hơn thế nữa, sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và Hải dương 981 năm 2014 đã thúc đẩy vấn đề Địa Chính trị Biển Đông và nhu cầu nghiên cứu lịch sử chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa trở nên bức thiết. Từ “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” trên Tập san Sử Địa (1975) đến nay có rất nhiều các học giả trong và ngoài nước, với rất nhiều các công trình đa ngành về lĩnh vực này. Tuy nhiên, những công trình đó mới chỉ đề cập đến những khu vực cụ thể và những thành tựu của các công trình đóng góp thêm vào môn Địa lý học Lịch sử Việt Nam đang trên đà phát triển[21].

Nhìn lại toàn bộ một thế kỷ nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam, chúng tôi cho rằng chỉ có Đào Duy Anh là người không chỉ lấy Địa lý học Lịch sử Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu trực tiếp, mà Ồng chính là người khéo kết hợp hài hòa giữa tri thức uyên bác của một học giả lỗi lạc với truyền thống và kinh nghiệm khảo cứu Địa lý học Lịch sử của Việt Nam và Phương Đông, cùng phương pháp tiếp cận mới, chính xác và hiệu quả của học giới Phương Tây. Chính sự kết hợp này đã nâng tầm các công trình của Đào Duy Anh trở nên nổi bật, trội vượt so với các công trình của các tác giả đi trước, cũng như bảo lưu được các giá trị tham khảo đối với các thế hệ độc giả từ thập kỷ 1960 đến hiện nay, cả giới hàn lâm, cũng như đối với đại chúng.

2. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời và Địa lý học Lịch sử hiện đại

Đào Duy Anh trước sau chỉ coi mình là một nhà sử học, lấy “nghiên cứu sử học là lẽ sống”[22] của cả cuộc đời mình. Để phục vụ cho nghiên cứu lịch sử, Ông không thể không đi sâu vào nghiên cứu Địa lý học Lịch sử, vì “Địa lý học lịch sử là một địa hạt chưa mấy ai đụng đến mà đối với Sử học của ta nó lại rất cần thiết”[23]. Trong tổng thể di sản đồ sộ của Đào Duy Anh, Ông không phải là người chuyên viết hoặc hay viết về Địa lý học Lịch sử. Các công trình Địa lý học Lịch sử của Đào Duy Anh với số lượng không nhiều, có thể kể ra một số bài khảo cứu như Cổ sử Việt Nam (1956) với những chương về Việt tộc, Bách Việt, Tượng Quận, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam…, “Những cọc lim đào được với sự đổi dòng của Bạch Đằng” (1969), “Lai lịch thành Sài Gòn (Tư liệu địa lý lịch sử)” (1971), Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (1972-1974) trong đó có phần “Nghiên cứu Địa lý học Lịch sử và tiếp tục làm Từ điển”…[24] Tuy nhiên, các công trình của Đào Duy Anh vừa có tính tổng hợp, tổng kết cao, vừa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể với những phát hiện và đóng góp mới, mà cho đến hiện nay, nhiều quan điểm của Ông vẫn còn nguyên giá trị và chưa thể bị vượt qua.

Đối với Địa lý học Lịch sử Việt Nam, Ông cho rằng phải “xác định cương vực của nước ta và vị trí của các khu vực hành chính trải qua các đời”[25]. Vì thế, Đào Duy Anh đã dành nhiều thời gian và công sức tập trung khảo cứu, từ cương vực của nước Văn Lang đời Hùng Vương, nước Âu Lạc đời An Dương Vương, trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ Đại Việt đến quá trình mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của các vương triều về sau. Trong số những công trình chuyên khảo về Địa lý học Lịch sử của Đào Duy Anh thì cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời phải được coi là tiêu biểu nhất.

Có thể nói, năm 1964 với Đất nước Việt Nam qua các đời đánh một dấu mốc quan trọng cho nghiên cứu Địa lý học Chính trị, Địa lý học Lịch sử ở Việt Nam đương đại. Chuyên luận được chia thành 16 chương với những nội dung cụ thể như sau:

Chương 1. Nước Văn Lang;

Chương 2. Nước Âu Lạc;

Chương 3. Nước Âu Lạc dưới ách đô hộ của nhà Hán;

Chương 4. Nước Âu Mạc dưới ách đô hộ ngoại tộc trong thời Tam Quốc và thời Lưỡng Tấn;

Chương 5. Nước Âu Lạc dưới ách đô hộ ngoại tộc trong thời Nam Bắc triều;

Chương 6. Nước ta dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường;

Chương 7. Cương vực nước ta ở bước đầu sau thời khôi phục tự chủ (họ Khúc, nhà Ngô và Thập nhị Sứ quân);

Chương 8. Cương vực nước ta thời Đinh Lê;

Chương 9. Cương vực nước ta thời Lý - nước Đại Việt;

Chương 10. Nước Đại Việt ở đời Trần và đời Hồ;

Chương 11. Những thay đổi về địa lý hành chính qua các đời Lê Nguyễn;

Chương 13. Các tỉnh nước Việt Nam ở đời Nguyễn’

Chương 14. Sự mở mang lãnh thổ vào Nam qua các đời Lý Trần Hồ Lê;

Chương 15. Biên giới nước ta qua các đời;

Chương 16. Nhìn chung về lãnh thổ nước ta.

Các chương trên đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực như cương vực của quốc gia, vị trí các khu vực hành chính qua các thời kỳ, triều đại, quá trình mở rộng lãnh thổ và ổn định biên giới, các cuộc chiến chống ngoại xâm để bảo toàn lãnh thổ như chiến tranh chống Tống thời Lê Hoàn, chiến thắng trước quân Thanh của Quang Trung, hoặc một số địa danh, địa lý quan trọng cần thảo luận như Sông Bạch Đằng, thành Thăng Long, quần đảo Hoàng Sa, đảo Côn Lôn, và lịch sử đường thủy bộ Việt Nam qua các đời… Đặc biệt, dựa vào kết quả nghiên cứu tổng thể, ở phần cuối của cuốn sách, Đào Duy Anh đã phác dựng 08 tấm bản đồ để người đọc có thể hình dung toàn bộ quá trình phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian kéo dài gần 2 thiên niên kỷ, tính từ đầu Công nguyên trong thời kỳ Thuộc Hán cho đến đầu triều Nguyễn. Cho dù khó có thể tránh khỏi những vấn đề do hạn chế của thành tựu khoa học vào đầu những năm 1960, khi tác giả viết sách, hoặc vì những lý do phức tạp và tế nhị khác mà trong Lời dẫn của cuốn sách, Đào Duy Anh đã đề cập đến, chúng ta vẫn không thể không khẳng định Đất nước Việt Nam qua các đời là công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống hơn cả về không gian lãnh thổ, diễn biến của hệ thống các đơn vị địa phương, các trung tâm hành chính Việt Nam trong dọc dài lịch sử của giới nghiên cứu Địa lý Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Đất nước Việt Nam qua các đời không chỉ là công trình vừa có tính tổng hợp, tổng kết, vừa chuẩn bị và vạch hướng cho tương lai phát triển của Địa lý học Lịch sử Việt Nam. Đào Duy Anh, vì thế, phải được coi là nhà Địa lý học Lịch sử tiêu biểu nhất và nổi bật nhất ở thế kỷ XX. Ông cũng chính là người đắp móng xây nền cho môn học Địa lý học Lịch sử Việt Nam hiện đại.

Bên cạnh Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh còn có các nghiên cứu, bản thảo, tư liệu chưa xuất bản. Đó là Địa lý học lịch sử về những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là tổng hợp những phát hiện mới về địa lý học lịch sử phụ vụ cho yêu cầu phát huy truyền thống quân sự trong lịch sử cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ; Những đường giao thông lớn của nước ta trong thời cổ nhằm chứng minh tính kết nối lãnh thổ “miền rừng miền biển, miền Bắc miền Nam”, “miền xuôi miền ngược” phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước của Việt Nam thế kỷ XX; và các bài viết về Địa lý học Lịch sử khu vực Thăng Long - Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cảng Hải Phòng và Địa chí Thanh Hóa. Các công trình quan trọng này không xuất bản thành sách, và học giả cũng tự an ủi rằng “tôi đã đem dùng vào phần chú giải của sách Đại Việt sử ký toàn thư do tôi hiệu đính và khảo chứng nên bản thảo ấy mà không được in ra thì cũng không thiệt thòi gì lắm”[26]. Đối với Địa chí Thanh Hóa, khoảng cuối những năm 1940 - đầu đâu 1950, Đào Duy Anh đã từng đi điền dã ở Thanh Hóa và triển khai nghiên cứu biên soạn cuốn địa chí tỉnh, tuy nhiên Ông được điều động ra công tác ở Việt Bắc vào mùa hè năm 1950, khi công việc này chưa hoàn thành. Đào Duy Anh chỉ kịp in “thạch bản (li tô)” một tập tài liệu, và tất cả các tài liệu thu thập được Ông bàn giao lại cho thường trực Chi hội Văn hóa Thanh Hóa[27].

Có thể nói, công trình Đất nước Việt Nam qua các đời và các khảo cứu Địa lý học Lịch sử của Đào Duy Anh kết hợp được “ba trong một”[28], vừa tiếp nối truyền thống sử học - địa lý học bản địa, vừa áp dụng và kế thừa phương pháp luận của giới nghiên cứu thời Viễn Đông Bác cổ Pháp, lại vừa thống thuộc lý thuyết của giới khoa học Xô Viết đang thịnh hành đương thời. Ông đã trích dẫn quan niệm của các học giả Liên Xô trong Đại bách khoa thư Xô Viết một cách tinh tế. Những ảnh hưởng trực tiếp từ giới nghiên cứu Trung Quốc cũng hiện diện dù không hiển hiện trong Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (1938). Cũng với công trình về văn hóa và cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, cả Trần Trọng Dương và Liam Christopher Kelley đều thấy, về lý thuyết và thao tác luận, tác giả đã sử dụng và kế thừa các thành tựu của Địa lý học Nhân văn Pháp, trong đó, nổi bật là Paul Vidal de La Blache (1845-1918), Cha đẻ của Địa lý học Nhân văn, Địa lý học Chính trị Pháp, cũng như là người có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của địa lý hiện đại, người sáng lập và vận hành tạp chí Annales de Géographie (Biên niên sử Địa lý) từ 1893 đến cuối đời[29]. Ngày nay, chúng ta đang sống trong Kỷ nguyên Số, với công nghệ thông tin và Internet phủ sóng toàn cầu, thế giới phẳng có thể chạm đến các thông tin, tài liệu càng ngày càng đơn giản, tiện lợi. Nhưng ở các thập niên 1930-1960 của thế kỷ trước, Đào Duy Anh, bằng những nỗ lực phi thường, tinh thần tự học không biết mệt mỏi, bằng sự đam mê cho bản thân, những cống hiến cho xã hội, đã bất chấp mọi nghịch cảnh của chiến tranh, bệnh tật và những khó khăn vật chất (và cả tinh thần), để hội nhập, kết nối, kế thừa, cập nhật và sáng tạo đến bất ngờ.

Các học giả Âu Mỹ Úc đương đại, như Liam C. Kelley, Haydon L. Cherry, đã luôn ngỡ ngàng với sự bắt kịp cũng như đi trước thời đại của Đào Duy Anh. Trong Sử học, không giống như Trần Trọng Kim và Hoàng Xuân Hãn trước đó, vẫn duy trì cách viết sử theo triều đại như cũ, Đào Duy Anh là người mở đầu phương pháp viết sử mới với phân kỳ kiểu mới (mà trước đó, có chăng là chỉ thấy manh nha trong Việt sử yếu (1914) của Hoàng Cao Khải), và nhất là đã quan tâm đến lịch sử xã hội. Trong vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Đào Duy Anh (1946, 1950, 1956-57, 1957) cũng đóng vai trò tiên phong và sự nghiệp khoa học của Ông nói chung phản ánh sức ảnh hưởng của hai nền học thuật lớn trên thế giới là: dấu ấn học thuật Pháp (1930-1940), và sức ảnh hưởng của nền hàn lâm khoa học Liên Xô (từ 1950-1960 trở đi). Đào Duy Anh cho rằng không nên hiểu lý luận của Marx, Engels và Lenin một cách khuôn sáo, cứng nhắc, mà “phải hiểu một cách minh xác, sáng tạo và luôn luôn đối chiếu nó với điều kiện lịch sử cụ thể”[30]. Đào Duy Anh là học giả hiện đại đầu tiên bắt đầu kiến giải về lịch sử nguồn gốc dân tộc Việt Nam thoát khỏi những kịch bản huyền sử trong suốt nền sử học quân chủ. Học giả họ Đào có thái độ rất khách quan trước sự thực lịch sử. Tác giả đã phân biệt được rách ròi tinh thần ái quốc với quan điểm khoa học, và trân trọng những thực tiễn của quá khứ.

Đối với Địa lý học Lịch sử, công trình Đất nước Việt Nam qua các đời là đầu tiên cũng như cho đến nay vẫn gần như là duy nhất và đứng vị trí số một của chuyên ngành. Sách được tái bản nhiều lần, và vẫn luôn là tài liệu tham khảo chuyên sâu của giới nghiên cứu hàn lâm, cũng như đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của độc giả đại chúng:

Thống kê những lần tái bản của Đất nước Việt Nam qua các đời:

Stt

Năm tái bản

Nhà xuất bản

Ghi chú

  1.  

1994

Thuận Hóa

268 trang

  1.  

1996

Thuận Hóa

270 trang

  1.  

2005

Văn hóa - Thông tin

275 trang

  1.  

2006

Thuận Hóa

412 trang

  1.  

2015

Hồng Đức và Công ty Alpha

 

  1.  

2016

Hồng Đức và Công ty Nhã Nam

 

  1.  

2017

Khoa học Xã hội và Công ty Omega Plus

Bản đầy đủ nhất, tương tự bản 1964

  1.  

2021

Hồng Đức và Công ty Nhã Nam

380 trang

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả

Thế kỷ XXI đã bước sang thập niên thứ ba, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, các khoa học chuyên ngành vừa có nhu cầu đi vào lĩnh vực chuyên sâu nhưng cũng có nhu cầu mở rộng liên kết, liên ngành và nghiên cứu khu vực học cũng như toàn cầu ngày càng trở nên bức thiết. Nghiên cứu liên ngành và khu vực học, cũng như tiếp cận toàn cầu, không chỉ nâng tầm các thành tựu nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành, mà chính nó lại đổ chắc chân đế, tạo thêm nền tảng cho nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành tiếp tục phát triển và vươn lên tầm cao mới. Trong công cuộc xây dựng đất nước hùng cường, hội nhập quốc tế, và nhất là trong một thế giới đang biến động, vấn đề đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, lãnh hải luôn thường trực, cơ sở khoa học về Địa - Chính trị, Địa - Quân sự, Địa - Kinh tế, Địa - Văn hóa… luôn tối cần thiết cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, môn học Địa lý học Lịch sử (03 tín chỉ) đã được đưa vào Khung Chương trình Đào tạo Đại học ngành Lịch sử từ năm 2020, do Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Bộ môn do Giáo sư Đào Duy Anh sáng lập và điều hành trong những năm 1956-1958, đảm nhiệm. Tuy thiết lập và đứng đầu Bộ môn trong hai năm, nhưng đó là hai năm nở rộ sau thời gian dài tích lũy và ấp ủ của Giáo sư về lịch sử sớm của Việt Nam, thể hiện bằng cụm công trình Lịch sử Việt Nam (1956), Cổ sử Việt Nam (1956), Lịch sử Cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam (1957) và Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (02 tập, 1958). Phần lớn trong số đó, cùng với Đất nước Việt Nam qua các đời ở đầu thập kỷ 1960, một vấn đề “hiền lành” bên cạnh công việc biên dịch, khảo đính các bộ thư tịch cổ của Giáo sư ở những năm về sau, hợp thành Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000, và lại càng tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong, người xây nền đắp móng cho các chuyên ngành và Địa lý học Lịch sử Việt Nam đến hiện nay. Các thế hệ học trò con-cháu-chắt và cả mai sau nữa, được thừa hưởng di sản vô giá của Giáo sư, cả thành tựu khoa học và tinh thần say mê, sức sáng tạo, cần noi gương Ông, tiếp bước Ông, để đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, mở mang chuyên ngành Địa lý học Lịch sử, không chỉ ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, mà nhiều Trường đại học, Viện nghiên cứu khác trên cả nước.

 

[1] Alan R. H. Baker (2003), Geography and History: Bridging the Divide (Cambridge Studies in Historical Geography 36), Cambridge University Press, Cambridge, p.XI.

[2] Michael Heffernan (2009), “Historical geography”, in Derek Gregory et al. (Eds.), The Dictionary of Human Geography, Fifth edition, Wiley-Blackwell, Oxford, p.332; Mona Domosh, Michael Heffernan & Charles W. J. Withers et al. (Eds.) (2021), The SAGE Handbook of Historical Geography, 1st edition, SAGE, Los Angeles, p.XVII.

[3] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (144), tr.5.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư (1993), bản dịch, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.278. Ba châu này là không gian lãnh thổ từ nam Đèo Ngang đến sông Thạch Hãn, tương đương tỉnh Quảng Bình và một phần tỉnh Quảng Trị ngày nay.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư (1993), bản dịch, tập I, Sđd, tr.324-325.

[6] Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời Nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học, Hà Nội, tr.6.

[7] Sử chép về sự kiện “Làm bản đồ địa dư” vào ngày tháng 6 âm lịch: “Ra lệnh cho 12 thừa tuyên điều tra hình thế sông, núi, sự tích xưa nay của các nơi trong hạt mình, vẽ thành bản đồ ghi chú rõ ràng rồi gửi về Hộ Bộ để làm bản đồ địa lý”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư (1993), bản dịch, tập I, Sđd, tr.422.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.1007, 1035-53, 1135-37. Trong đó, lần điều chỉnh các đơn vị hành chính “13 xứ” năm 1490 dưới niên hiệu Hồng Đức có “định thể lệ chia xã” để “cho bản đồ được rộng thêm”.

[9] Xem Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thúy, Tạ Quang Phát và Trương Bửu Lâm (1962), Hồng Đức bản đồ, Tủ sách Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 276 trang. 

[10] Được tập hợp trong công trình: Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Văn Nguyên (Đồng chủ biên) (2007), Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1169 trang.

[11] Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr.10.

[12] Những tư liệu văn bản về phong thủy trước thế kỷ XX được Momoki Shiro tập hợp, nghiên cứu và công bố trong: Momoki Shiro (2010), “Nation and Geo-Body in Early Modern Vietnam: A Preliminary Study through Sources of Geomancy”, in Geoff Wade & Sun Laichen (Eds.) (2010), Southeast Asia in the Fifteenth Century: The China Factor, National University of Singapore Press, Singapore, pp.126-153. Xem bài đánh giá của Liam Christopher Kelley (2012), “The Geo-body of Vietnam”, trên https://leminhkhai.blog/the-geo-body-of-vietnam/, đăng tải ngày 13/3/2012, truy cập ngày 11/4/2024.

[13] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.9.

[14] Số hóa trên Website Quỹ Bảo tồn Nôm Việt, đường dẫn: https://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/130/, truy cập ngày 16/4/2024.

[15] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.10.

[16] Henri Maspéro (1910, 1916), “Le protectorat général d’Annam sous les Tang (I) & (II): Essai de Géographie Historique”, “Etudes d’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, tome 10, 16, pp.539-584 & 665-682, pp.1-55.

[17] Léonard Aurousseau (1923), “La première conquête Chinoise des pays Annamites (IIIe siècle avant notre ère)”, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, tome 23, pp.136-264.

[18] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.10.

[19] Trần Quốc Vượng (1960), “Địa lý lịch sử miền Hà Nội (Trước thế kỷ thứ XI)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 15 & 17, tháng 6 & 8/1960, tr. 48-57 & 44-53; Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn Địa - Văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 495 trang.

[20] Xem thống kê về Địa lý học Khu vực (Regional Geography) của Việt Nam những thập kỷ qua trong Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.22-23. Về tổng kết tình hình ở Nam Bộ hơn 100 năm trước, xem Nguyễn Thanh Lợi (2017), “Sách Địa chí ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (138), tr.87-95

[21] Trong giới nghiên cứu trẻ hiện nay, đã có một số chuyên luận về lĩnh vực, có thể kể đến Trần Trọng Dương (2018) đã dẫn ở đây. Ngoài ra còn có: Vũ Đức Liêm (2023), “Việt Nam: Nhìn từ Địa - Lịch sử”, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Sử học trẻ: Những nghiên cứu mới, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 166-199.

[22] Đào Duy Anh (2000), Hồi ký Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Nxb. Trẻ, Hà Nội, tr.147.

[23] Đào Duy Anh (2000), Hồi ký Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Sđd, tr.147.

[24] Đào Duy Anh (1956), Cổ sử Việt Nam, Tâp san Đại học Sư phạm, Chuyên san, Hà Nội, 192 trang; Đào Duy Anh (1969), “Những cọc lim đào được với sự đổi dòng của Bạch Đằng”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 129, tr.10-18;

[25] Đào Duy Anh (2000), Hồi ký Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Sđd, tr.147.

[26] Đào Duy Anh (2000), Hồi ký Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Sđd, tr.153.

[27] Đào Duy Anh (2000), Hồi ký Đào Duy Anh (Nhớ nghĩ chiều hôm), Sđd, tr.114-123.

[28] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.11.

[29] Trần Trọng Dương (2018), “Tổng thuật 100 năm nghiên cứu Địa lý học Lịch sử Việt Nam”, Bđd, tr.11; Liam Kelley (2016), “Đào Duy Anh and Vidalian Geography”, đăng tải trên https://leminhkhai.wordpress.com/2016/12/04/dao-duy-anh-and-vidalian-geography/, ngày 04/12/2016, truy cập ngày 23/4/2024; Liam Kelley (2016), “Dancing With Đào Duy Anh: Vidalian Geography”, đăng tải trên https://leminhkhai.wordpress.com/2016/12/04/dancing-with-dao-duy-anh-vidalian-geography/, ngày 04/12/2016, truy cập ngày 23/4/2024.

[30] Đào Duy Anh (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam, Xây dựng Xuất bản, Hà Nội, tr. 30.