GS.VS. Đào Thế Tuấn là một con người quốc tế. Đây là nhật xét của một đồng nghiệp quốc tế. Với khả năng ngoại ngữ đa dạng, sử dụng thành thạo tiếng Nga, Anh, Pháp cũng như tiếng Trung khá tốt, GS.VS Đào Thế Tuấn luôn coi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu nông nghiệp là chìa khoá quan trọng để mở cửa ra thế giới. Vào đầu những năm Đổi mới, khi mà nền kinh tế nước ta chưa thật sự hội nhập thì hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam do GS.VS Đào Thế Tuấn lãnh đạo được coi như một hình mẫu. GS. Bùi Huy Đáp, nguyên Viện trưởng Viện KHKTNNVN đã nhận xét: “Anh Tuấn là người luôn đem lại những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của thế giới về nghiên cứu áp dụng thành công ở Việt Nam”.
Trong sự nghiệp hợp tác quốc tế, GS.VS Đào Thế Tuấn đã để lại trong lòng các đồng nghiệp quốc tế, và sau này trở thành những người bạn quốc tế nhiều kỷ niệm vô cùng tốt đẹp. Ngay từ lúc còn là sinh viên ở Liên xô, GS. VS. Đào Thế Tuấn đã chú ý đến tiếp cận với quốc tế, qua việc xuất bản các bài viết về Việt nam .
Đối với Viện khoa học nông nghiệp Việt nam, GS.VS. Đào Thế Tuấn là người đặt các cột mốc khởi đầu trong hợp tác với Pháp và Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp, những đối tác mà cho đến hơn 30 năm sau, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hợp tác bền vững. Các kỷ niệm tốt đẹp với GS. VS. Đào Thế Tuấn thông qua quá trình hợp tác quốc tế đã được ông Ad Spijker (Hà lan), TS. Pascal Bergeret và các ông Richard Petris, Pierre Vuarin kể lại trong phần sau của cuốn sách với tình cảm và sự ngưỡng mộ.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, những năm sau Đổi mới, GS.VS. Đào Thế Tuấn tham gia rất tích cực trong các hoạt động phát triển xã hội vì nông dân. Giới nông học Pháp coi ông là “cha đẻ của Cách mạng xanh ở Việt Nam” và tặng ông Giải thưởng René Dumont, một giải thưởng quốc tế của các tổ chức Phi Chính phủ Pháp vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp phát triển của nông dân Việt Nam và thế giới.
Trong bài phát biểu bằng tiếng Pháp trong buổi lễ nhận Giải thưởng René Dumont, GS.VS. Đào Thế Tuấn tự nhận rằng “Cuộc đời của tôi gắn liền với nông dân”. Ông đã kể về những gắn bó và hiểu biết về nông dân của ông như sau:
“… Sau chiến tranh, tôi có cơ hội đi thăm các nước khác và đọc các tài liệu về nông nghiệp nước ngoài. Tôi đã khám phá ra phương pháp tiếp cận “hệ thống canh tác” gần với hệ thống canh tác của tôi và tham gia vào mạng lưới hệ thống canh tác của Châu Á. Nhưng ngay sau đó tôi phát hiện ra rằng cách làm này vẫn còn quá kỹ thuật.
Nền nông nghiệp của đất nước ngày càng phát triển. Nhưng trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nông nghiệp tập thể, dù đã nỗ lực cải tiến kỹ thuật sản xuất nhưng nông dân vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh đói kém. Lúc đầu chúng tôi nghĩ đó là chiến tranh, nhưng thậm chí 10 năm sau chiến tranh, tình hình kinh tế còn thảm hại hơn.”
Ngay từ năm 1971, GS. VS. Đào Thế Tuấn được cử tham gia một phái đoàn của Đảng đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungary và Bulgary, những nước xã hội chủ nghĩa tốt nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mối quan tâm của các nước lúc này là tìm cách khuyến khích vật chất cho công nhân và nông dân, vì ai cũng đồng ý rằng nông dân ở các nước xã hội chủ nghĩa không quan tâm đến sản xuất. Nhưng không ai dám đề nghị trở lại làm ruộng gia đình vì nó trái với nguyên tắc cộng sản: Giai cấp tiểu nông sẽ dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp để giải quyết câu hỏi nông nghiệp, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã phát hiện ra những nghiên cứu của Tchayanov và bắt đầu quan tâm đến nông nghiệp nông dân. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nhớ lại: “Kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp nông dân phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan... buộc chúng ta phải xem xét lại hệ thống nông nghiệp của mình. Đến thăm Trung Quốc đã cho chúng tôi rất nhiều bài học thú vị và cho tôi rất nhiều ý tưởng, để thúc đẩy việc quay trở lại làm nông nghiệp gia đình. Tôi đã ủng hộ nông nghiệp gia đình từ đó”.
Trong những năm 1970, Việt Nam đã chiến thắng hai cuộc chiến tranh chống đế quốc, nhưng không thể giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Lúc này chính những người nông dân Việt nam đã gợi ý cho các cấp lãnh đạo cách thức phát triển nông nghiệp. Người nông dân đã khởi xướng Công cuộc Đổi mới, thông qua những giải pháp bí mật gắn với sự trở lại của nền kinh tế hộ, đã cho thấy hiệu quả và họ là người đã tìm ra lối ra cho hệ thống XHCN của nước ta. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã trao đổi với các bạn nước ngoài “Thật ngạc nhiên là mô hình đã giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này không đến từ nước ngoài, mà từ thực tế của đất nước. Bài học này rất quan trọng đối với các nhà nông học chúng tôi. Trong thời kỳ này, chúng tôi đã làm việc ở một số làng, giúp các hợp tác xã phát triển. Chúng tôi ủng hộ sáng kiến quay trở lại canh tác gia đình, cố gắng chứng minh rằng hệ thống này có thể tồn tại ở một nước xã hội chủ nghĩa, bởi vì không nơi nào trên thế giới mà giai cấp nông dân nhỏ có thể dẫn đến chủ nghĩa tư bản. Gia đình canh tác không phải là mối nguy cho chủ nghĩa xã hội, mà ngược lại có thể cứu được chủ nghĩa xã hội vốn “đang khủng hoảng với hệ thống canh tác tập thể”.
Trong các bài báo, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã giới thiệu phương pháp luận của Tchayanov với Việt Nam, giải thích rằng ở Châu Âu, tầng lớp nông dân nhỏ không dẫn đến chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp, mà là một hệ thống canh tác gia đình với các trang trại gia đình rất hiệu quả.
Với tư cách là cán bộ nghiên cứu tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp (VASI), GS.VS. Đào Thế Tuấn thường thấy việc đưa các kỹ thuật mới vào HTX gặp nhiều hạn chế? Cuộc khủng hoảng của hệ thống nông nghiệp tập thể trong những năm 1970 và cải cách kinh tế trong những năm 1980 cho thấy rằng sự phát triển nông thôn cần được xem xét một cách tổng thể. Những trở ngại chính ngăn cản nông dân áp dụng kỹ thuật không phải là kỹ thuật, mà là kinh tế và xã hội. Thực tế của những cải cách ở nông thôn cho các nhà nghiên cứu thêm bằng chứng về nhận định này. Chỉ cần sửa đổi một chính sách hoặc một thể chế là đủ để truyền cảm hứng cho nông dân, với sự nhiệt tình cần thiết cho sự phát triển của sản xuất; bản thân họ sẽ tìm kiếm những kỹ thuật mới, mà không cần nhờ quá nhiều đến cơ quan khuyến nông.
Vào cuối những năm 1980, lấy cảm hứng từ cách tiếp cận “hệ thống nông nghiệp” và “hệ thống canh tác”, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã thành lập Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp tại INSA. Sau đó, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu phát triển nông thôn bằng cách tham gia vào một chương trình hợp tác Pháp - Việt có tên là “Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng”. Chương trình này dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, “từ dưới lên” và đa ngành. Nghiên cứu cần được thực hiện cùng với nông dân, tích hợp khoa học kinh tế - xã hội với khoa học kỹ thuật. Bằng uy tín quốc tế của mình, GS. Tuấn đã thiết lập quan hệ hợp tác khoa học với các tổ chức nghiên cứu của Pháp (INRA, GRET, CIRAD, IRD, INAPG...) như một phần của Chương trình hợp tác Lưu vực Sông Hồng. Nghiên cứu này cho phép GS.VS. Đào Thế Tuấn và các đồng nghiệp đã xác định những hạn chế của sự phát triển của các hệ thống nông nghiệp, chủ yếu là kinh tế xã hội hơn là kỹ thuật. Vì vậy, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã thực hiện một loạt nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân, mở ra một thời kỳ mới trong nghiên cứu nông nghiệp….
Vào đầu những năm 1990, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã biết đến mạng lưới Quốc tế Nông nghiệp và Hiện đại hóa (APM) do Quỹ vì Sự Tiến bộ của Con người (FPH) thành lập. Mạng lưới này tập hợp các nhà lãnh đạo nông dân từ một số quốc gia, hoạt động để thúc đẩy chăn nuôi gia đình trên thế giới. Sự tham gia này đã giúp GS Tuấn “mở rộng tầm mắt”, theo cách nói của GS. Tuấn, về thế giới nông dân ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, về những vấn đề của chính sách nông nghiệp, về những vấn đề của nông dân trong thời kỳ toàn cầu hóa này. Thông tin thu thập được trong quá trình làm việc với mạng lưới này rất hữu ích cho công việc của GS. Tuấn về các tổ chức nông dân. Chúng tôi cũng đã hợp tác với các tổ chức của nông dân Pháp như FNSEA, AFDI. Với sự hỗ trợ của FNSEA, GS. Tuấn đã xuất bản bản tin hàng tháng "Phát triển Nông thôn". Trong đó, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, sinh viên và đặc biệt là nông dân, thông tin về các vấn đề nông dân trên thế giới, chính sách nông nghiệp, hoạt động của các tổ chức nông dân và xã hội công dân. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã từng nói với các bạn bè quốc tế: “Bạn đang đưa thông tin từ các nước khác, nhưng chúng tôi nhận thấy vấn đề từ Việt Nam”. Bản tin miễn phí này được ca ngợi rộng rãi, bởi những người quan tâm đến thông tin không tồn tại trên báo chí chính thức. Với mạng lưới APM, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã tham gia Diễn đàn Xã hội Thế giới ở Porto Alegre vào năm 2001. Điều này cho phép GS.VS. Đào Thế Tuấn tiếp cận với phong trào chống toàn cầu hóa.
GS.VS. Đào Thế Tuấn đã phát biểu ở diễn đàn xã hội thế giới: “Ở các nước XHCN, trong thời kỳ Đổi mới, xã hội công dân hay các tổ chức cộng đồng nông thôn đang tự phát triển. Nhiều người tin rằng xã hội công dân là một chủ đề cấm kỵ ở các nước XHCN. Đây không phải là sự thật. Sau Đổi mới, sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa, tôn giáo, giáo dục và y tế được khuyến khích. Các tổ chức chính trị quần chúng như liên minh nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh cũng phát triển các hoạt động xã hội như xã hội dân sự. Đây là cách chúng tôi phải hỗ trợ sự phát triển của các tổ chức nông dân để phục vụ cho nông dân”.
Ngay sau khi Nghị quyết về Tam nông ban hành, cuối năm 2008, GS.VS. Đào Thế Tuấn và PHANO đã mời GS. Ôn Thiết Quân, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về Tam nông cùng các Giáo sư Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc tổ chức Hội thảo kết hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) về “Các vấn đề về Tam nông ở Trung Quốc và Việt Nam”.
Năm 2012, PHANO đã kết hợp với tổ chức du lịch của nông dân Pháp là “Tiếp đón nông dân”, tổ chức Hội thảo quốc tế về du lịch nông thôn tại Hồ Ba Bể, Bắc Kạn; nhằm trao đổi kinh nghiệm và chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn. PHANO cũng đã tham gia gia phản biện các chính sách về phát triển nông thôn, hợp tác chặt chẽ với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Văn phòng Điều phối Quốc gia Nông thôn mới.
Có thể nói các bài học cuộc đời về cố gắng hiểu biết sâu hơn về nông dân, thông qua các nghiên cứu thực tế trong nước và Hợp tác quốc tế, mà GS.VS. Đào Thế Tuấn đã truyền dạy cho chúng tôi thực sự rất hữu ích. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà nền kinh tế cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp đã hội nhập quốc tế ở mức cao hơn giai đoạn Đổi mới, vai trò của hợp tác quốc tế trong nâng cao năng lực con người và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu là hết sức quan trọng với các viện nghiên cứu trong điều kiện đầu tư của nhà nước còn hạn hẹp.
Tấm gương của GS.VS. Đào Thế Tuấn về tinh thần tự học nhiều ngoại ngữ, tích cực đọc sách, để có hiểu biết sâu rộng về các đối tác và khiêm nhường trong hợp tác với các đối tác, đã mạng lại hiệu quả rất tích cực trong việc thu hút các đối tác. Các cán bộ nghiên cứu của Viện KHNNVN học tập tấm gương của thầy, sẽ tiếp tục nâng cao ngọn cờ hợp tác quốc tế về nông nghiệp, mà GS.VS. Đào Thế Tuấn đã trao lại cho các thế hệ sau; nhằm xây dựng Viện KHNNVN thành đơn vị hàng đầu trong hợp tác quốc tế và có uy tín trên trường quốc tế.