Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - người mở đường cho nghiên cứu Nông nghiệp ở Việt Nam

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - người mở đường cho nghiên cứu Nông nghiệp ở Việt Nam” của tác giả TS. Trịnh Văn Tuấn Giám đốc Trung tâm NC & PT Hệ thống Nông nghiệp trong cuốn sách quý nói trên
Thế hệ chúng tôi không phải là những học trò đầu tiên của GS.VS. Đào Thế Tuấn, nhưng là thế hệ học trò mà giáo sư tuyển chọn trong giai đoạn đầu xây dựng và thành lập Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI) vào đầu những năm 1990. May mắn nhất là đúng lúc cả nước thực hiện Khoán 10, giao  đất cho nông dân, lấy hộ nông dân làm đơn vị sản xuất tự chủ. Căn dặn chúng tôi, giáo sư nói: “Những cán bộ của bộ môn này không thể làm nghiên cứu tốt nếu không hiểu được nông dân, suy nghĩ của họ, cách họ làm và những gì họ không mong muốn”. Vì thế, khi chúng tôi về công tác tại Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, việc đầu tiên giáo sư yêu cầu tất cả các cán bộđi  thực tiễn; làm việc, sinh hoạt, ăn ở cùng  nông dân.

Hai địa bàn là huyện Nam Thanh thuộc tỉnh Hải Hưng và huyện Chợ Đồn thuộc Bắc Kạn thời đó, là những nơi GS.VS. Đào Thế Tuấn gửi chúng tôi xuống làm việc. Một vài tháng chúng tôi mới về Hà Nội, nhưng không tháng nào giáo sư không về địa phương để trao đổi, dạy bảo các học trò  tại nhà nông dân. Với ông, thực tiễn là trường học, nông dân là người thầy dạy lớn nhất của những người làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp được thành lập năm 1989, và hoạt động nghiên cứu gắn liền với Chương trình Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng, hợp tác Pháp - Việt với Viện Khoa học Nông nghiệp Pháp và tổ chức Phi Chính phủ GRET. Nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp là lĩnh vực nghiên cứu mới và non trẻ của khoa học nông nghiệp Việt Nam. Những năm 1980, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp do GS.VS. Đào Thế Tuấn là viện trưởng đã hợp tác với nhiều viện và tổ chức nghiên cứu quốc tế như IRRI, để triển khai các chương trình nghiên cứu mang tính chất hệ thống như Chương trình Hệ thống Nông trại (Farming system), Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng với INRA, GRET, CIRAD (Pháp). Đây là  những điều kiện tốt  giúp cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành của viện, xây dựng phương pháp tiếp cận về hệ thống nông nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong điều kiện Việt Nam. Từ kết quả của các chương trình hợp tác quốc tế, kết hợp với chuyến công tác học tập kinh nghiệm ở Châu Âu và Nga vào năm 1988, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã quyết định thành lập và chỉ đạo trực tiếp Bộ môn Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp vào ngày 15 tháng 6 năm 1989, trên cơ sở sáp nhập hai bộ môn Sinh thái và Thuỷ nông. Đây chính là Bộ môn Nghiên cứu về Hệ thống Nông nghiệp đầu tiên của nước ta.

ss2-1664781887.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp sử dụng tiếp cận liên ngành để nghiên cứu hỗ trợ hộ nông dân phát triển nông nghiệp; sau khi kinh tế hộ nông dân được thừa nhận ở Việt Nam năm 1988, với Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng. GS.VS. Đào Thế Tuấn lúc đó là Trưởng Bộ môn, nói với chúng tôi rằng cần một nhóm kỹ sư trẻ đa ngành để làm việc cùng với nông dân, hỗ trợ họ tìm giải pháp phát triển kinh tế hộ. Một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I gồm nhiều chuyên ngành khác nhau như: Trồng trọt, Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Kinh tế Nông nghiệp, Quản lý Ruộng đất, đã được giáo sư tuyển vào và đưa về Trạm Nghiên cứu Nam Sách, Hải Dương, để đào tạo và thực hành về nghiên cứu hệ thống nông nghiệp vùng đồng bằng của Lưu vực sông Hồng. Hai trạm nghiên cứu khác của chương trình là Tam Đảo, Vĩnh Phúc đại diện cho vùng đồi và Chợ Đồn, Bắc Kạn, đại diện cho vùng núi. Có thể nói GS.VS. Đào Thế Tuấn đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, đưa nghiên cứu kinh tế - xã hội cùng với nghiên cứu kỹ thuật bằng tiếp cận từ dưới lên vào phát triển nông nghiệp vùng ĐBSH.

Vai trò và chức năng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp lúc mới ra đời bao gồm: 

  • Nghiên cứu  quy luật phát triển của hệ thống nông nghiệp ở các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, phục vụ cho việc phát triển nông thôn bền vững.
  • Nghiên cứu, thử nghiệm các hình thức và phương pháp tác động vào môi trường nông thôn và ảnh hưởng của các tác động này tới môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội nông thôn.
  • Xây dựng phương pháp luận về nghiên cứu môi trường nông thôn trên cơ sở tiếp cận hệ thống, biên soạn tài liệu về các phương pháp nghiên cứu này.
  • Tham gia công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ làm phát triển về các phương pháp nghiên cứu và phát triển trong môi trường nông thôn.

Về phương pháp tiếp cận nghiên cứu hệ thống nông nghiệp: Các nghiên cứu của Bộ môn mang đặc điểm chung là phải bám sát các yêu cầu của thực tế; vì thế cách đặt vấn đề nghiên cứu phải thích ứng kịp thời với sự thay đổi của môi trường tự nhiên, cũng như kinh tế xã hội của vùng được nghiên cứu. Để có thể trả lời được yêu cầu trên, tiếp cận nghiên cứu cần mang tính động và tổng hợp. Tiếp cận hệ thống nông nghiệp có thể đáp ứng được các đòi hỏi trên, cần thiết phải thể hiện được ba đặc điểm chính sau đây:

1. Tiếp cận từ dưới lên

Tiếp cận này dùng phương pháp phân tích hệ thống nông nghiệp để tìm ra điểm hạn chế có thể can thiệp của hệ thống. Trong vấn đề nghiên cứu nhằm mục đích phát triển nông thôn, tiếp cận này cho phép tìm hiểu lôgic ra quyết định, cũng như nhu cầu của hộ nông dân trước khi đề xuất các can thiệp về kỹ thuật hay chính sách. Tiếp cận này có ba giai đoạn nghiên cứu: Chẩn đoán - Thiết kế và thử nghiệm - Triển khai. Việc áp dụng tiếp cận dưới lên đòi hỏi các nghiên cứu được tiến hành trên thực địa, và gắn liền với thực tiễn sản xuất.

2. Coi trọng các mối quan hệ xã hội

Tiếp cận hệ thống nông nghiệp phải luôn coi trọng đến các nhân tố kinh tế xã hội, như một yếu tố của hệ thống. Tiếp cận này tập trung vào phân tích mối quan hệ qua lại giữa hệ phụ sinh học và hệ phụ kinh tế xã hội trong  tổng thể của hệ thống nông nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu về phát triển nông thôn, có thể các hạn chế về kinh tế xã hội sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu các kỹ thuật mới của hộ nông dân. Nếu các hạn chế về kinh tế xã hội được tháo gỡ, sẽ tạo điều kiện cho nông dân áp dụng rất dễ dàng các kỹ thuật mới.

3. Phân tích động thái của sự phát triển

Việc nghiên cứu lịch sử phát triển của hệ thống nông nghiệp là cần thiết, nhằm xác định được phương hướng phát triển của hệ thống trong tương lai và giải quyết được các cản trở phù hợp với xu hướng phát triển ấy. Khái niệm hệ thống nông nghiệp động trong tiếp cận nghiên cứu hệ thống nông nghiệp là thường xuyên. Các nghiên cứu trong hệ thống nông nghiệp, đều phải bắt đầu bằng việc mô tả cấu trúc của hệ thống nông nghiệp, trong đó phải luôn xem hộ nông dân  có vai trò trung tâm, nhưng được đặt trong các mối quan hệ với môi trường tự nhiên và rộng hơn là kinh tế xã hội xung quanh.

ss1-1664781104.png
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Trong tiếp cận hệ thống nông nghiệp, tuỳ theo mục đích nghiên cứu ta có thể đề cập sâu hơn đến các mối quan hệ của từng phần trong hệ thống, hay trong toàn bộ hệ thống. Một điểm đáng chú ý là tầm quan trọng của các thể chế, khi đề cập đến các mối quan hệ của các thành phần trong hệ thống.

Cách đặt vấn đề về nội dung và phương pháp sẽ thể hiện các hướng ưu tiên nghiên cứu, tuỳ theo nhu cầu phát triển của từng giai đoạn khác nhau của nền kinh tế nông thôn. Đối với giai đoạn phát triển tự cấp của nền kinh tế nông dân, hướng nghiên cứu tập trung vào  vấn đề cải thiện việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của hộ nông dân. Trái lại, trong giai đoạn sản xuất hàng hoá, hướng nghiên cứu sẽ ưu tiên vào các mối quan hệ của hộ nông dân với môi trường kinh tế xã hội xung quanh, thông qua các nghiên cứu về thể chế, chứ không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu về kỹ thuật.

Vấn đề nghiên cứu nhằm hỗ trợ kinh tế hộ nông dân phát triển, được đặt ra dựa trên các khó khăn của họ  từ thực tế sản xuất. Cần nói thêm là các nghiên cứu kinh tế nông nghiệp ở giai đoạn này đang bế tắc, do thể chế chính sách thay đổi nhanh với Khoán 10; trong khi cán bộ nghiên cứu chưa được trang bị kịp thời về phương pháp nghiên cứu phù hợp. Đây chính là những nghiên cứu góp phần phục vụ cho chính sách Tam nông, mà GS.VS. Đào Thế Tuấn đã ấp ủ từ những năm 1980. Ông quan niệm rằng, để chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, thì cần có những thể chế nông thôn phù hợp. Tài liệu về kinh nghiệm “Cải cách kinh tế của Trung Quốc” của GS.VS. Đào Thế Tuấn xuất bản năm 1987, đã đóng góp vào việc ra đời của Khoán 10 năm 1988.

Một số định hướng nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp của GS.VS. Đào Thế Tuấn vào những năm 1990:

  • Trong việc phát triển nông thôn, nhiều kinh nghiệm cho thấy cần phải có cách nhìn tổng hợp, vì các tác động riêng lẻ vào môi trường nông thôn không mang lại hiệu quả lâu dài.
  • Sau giai đoạn thâm canh tăng năng suất cây trồng và vật  nuôi, từ sau Khoán 10 cho đến khoảng 1993, nông dân đồng bằng đã đạt mức tự cấp về lương thực, chuyển dần sang sản xuất hàng hoá. Để có thể tham gia vào thị trường một cách có hiệu quả, hộ nông dân không thể đơn độc hoạt động; mà phải có các thể chế của Nhà nước và của thị trường, để tạo môi trường hoạt động cho họ. Vậy các thể chế này là gì và  được hình thành như thế nào?
  • Trong điều kiện mật độ dân số cao của Việt Nam, vấn đề khai thác hợp lý tài nguyên để có một sự phát triển bền vững, là một câu hỏi lớn cho các vùng sinh thái khác nhau.

Để có thể trả lời được các câu hỏi nêu trên, thầy Tuấn đã định hướng cho Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp theo cách tiếp cận về Nghiên cứu - Phát triển (Recherche - Developpment). Một số định hướng của thầy Tuấn về các nhóm chủ đề sau đây là các cách đặt vấn đề khác nhau, để nghiên cứu đối tượng là môi trường nông thôn, nhưng đều mang đặc điểm chung là áp dụng tiếp cận nghiên cứu hệ thống nông nghiệp:

  1. Hoạt động kinh tế của hộ nông dân.
  2.  Động thái của hệ thống kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và các kỹ thuật dịch vụ, đặc biệt là thuỷ lợi.
  3.  Phương thức điều phối trong các ngành hàng nông sản, và vấn đề quan hệ của hộ nông dân với thị trường.
  4.  Hình thức hợp tác của hộ nông dân, như là  phương tiện để đối phó với thị trường.
  5.  Tổ chức không gian nông thôn và quan hệ của các hoạt động kinh tế nông nghiệp cũng như phi nông nghiệp ở quy mô vùng.
  6. Nghiên cứu tổng hợp và đánh giá ảnh hưởng của các dự án phát triển, chính sách nông nghiệp đến môi trường tự nhiên, kinh tế xã hội, con người.

Bên cạnh một số định hướng nghiên cứu chính như trên, GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng cho rằng, mục đích của việc nghiên cứu hệ thống nông nghiệp là xác định cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn. Hiện nay, ở nước ta có nhiều dự án phát triển nông thôn, do nhiều tổ chức khác nhau tiến hành. Nói chung các dự án này hiệu quả không cao. Chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến cho các dự án này kém hiệu quả, để có biện pháp cải tiến. Có thể có ba loại nguyên nhân khác nhau:

  • Do tiếp cận phát triển nông thôn không đúng hoặc không đầy đủ.
  • Do nội dung phát triển nông thôn chưa đúng hoặc chưa đầy đủ.
  • Do cách quản lý và tiến hành không đúng.

Về Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp là chúng tôi phải tích cực học tập các phương pháp tiếp cận chẩn đoán hệ thống nông nghiệp, nghiên cứu liên ngành. GS.VS. Đào Thế Tuấn chủ trương đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trẻ. Cán bộ mới ra trường cần làm việc trực tiếp với hộ nông dân 2-3 năm, tại các trạm nghiên cứu để hiểu các nhu cầu, khó khăn của họ. Đồng thời, để nâng cao trình độ cho  cán bộ trẻ cả về chuyên môn và ngoại ngữ; GS.VS. Đào Thế Tuấn đã kết hợp với Chương trình Hợp tác Việt - Pháp đón nhiều sinh viên Pháp sang Việt Nam thực tập; đồng thời kết hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ trẻ, thông qua tổ chức Không Biên giới (Sans Frontier). Với cách làm đó, trong giai đoạn 1990-1995, Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp đã gửi đi đào tạo sau đại học ở Cộng hòa Pháp 12 người  , sau này  học tiếp tiến s và chúng tôi may mắn là một trong số các cán bộ đó. Tất cả các cán bộ sang Pháp đào tạo đều làm thực tập với chủ đề nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình hợp tác Pháp - Việt, và trở về Việt Nam thực tập. Như vậy, trong quá trình học tập vẫn gắn liền với các nghiên cứu của chương trình hợp tác. Công tác đào tạo cán bộ của Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã thành công ngoài mong đợi; cụ thể đã đào tạo được 6 tiến sĩ, 19 thạc sĩ ở nước ngoài. Tất cả các cán bộ này sau khi kết thúc khóa học đều trở về bộ môn công tác, đóng góp cho sự phát triển của bộ môn cho đến nay. Bên cạnh đó, nhiều người  đã trở thành cán bộ lãnh đạo của các cơ quan trong Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ, ngành khác, là cán bộ nghiên cứu có uy tín của nhiều  viện nghiên cứu

Trong những năm 1990-1995, GS.VS. Đào Thế Tuấn vừa lãnh đạo Chương trình Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng, vừa làm Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu về Phát triển Nông thôn KX-08. Trong chương trình này, đã nghiên cứu sự phát triển của kinh tế hộ nông dân và đề xuất các chính sách phát triển kinh tế hộ nông dân của nước ta. Ông cũng chỉ đạo nghiên cứu vấn đề tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới, đề xuất các chính sách thúc đẩy việc xây dựng các tổ chức này. Kết quả được tổng kết trong cuốn sách: "Kinh tế hộ nông dân, NXB CTQG, 1997". Cuốn sách này có tác dụng mở ra một hướng nghiên cứu mới, phục vụ việc phát triển kinh tế hộ nông dân trong thời kỳ sau Đổi mới.

Có thể nói bác Kim Ngọc, cố Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, là người tiên phong khởi đầu cho chính sách Khoán trong nông nghiệp ở Việt Nam từ năm 1966, và Khoán hộ chính thức được thừa nhận vào năm 1988; thì công trình Kinh tế Hộ nông dân của GS.VS. Đào Thế Tuấn là một công trình đầu tiên về lý luận Kinh tế Hộ nông dân ở Việt Nam. Từ năm 1988, sau chính sách quay trở lại nền kinh tế hộ nông dân, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để chuyển từ một nền kinh tế hộ tự cấp tự túc, sang kinh tế hộ sản xuất hàng hóa. Các vấn đề thể chế nông thôn sau đây được thực nghiệm rộng ở các vùng sinh thái khác nhau và đã được tổng kết trong cuốn sách với những nội dung sau đây:

  1. Các thể chế tổ chức nông dân  giúp nông dân chuyển từ kinh tế tự cấp, sang kinh tế hàng hóa ở các vùng khác nhau như đồng bằng, trung du và miền núi.
  2. Mô hình HTX chuyên ngành kiểu mới ở Nam Thanh, Hải Dương, tập trung vào các dịch vụ thị trường được nông dân rất hoan nghênh và tự mở rộng rất nhanh, lan ra các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Phòng… và là tiền đề cho Luật HTX 2012.
  3. Phát triển ngành hàng của các sản phẩm chủ yếu như lúa gạo, ngô, sắn, đậu đỗ, rau, mía đường, chè, cà phê, quả, chăn nuôi... Nhờ hiểu biết  ngành hàng nên đã giải quyết được các cản trở, giúp nông dân bán hàng với giá cao hơn và xây dựng các thể chế ngành hàng phù hợp với thị trường.
  4. Thể chế quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu (Tên gọi xuất xứ và sau này gọi là Chỉ dẫn địa lý), nâng cao chất lượng sản phẩm bản địa như lúa Tám xoan Hải Hậu và vải Thiều Thanh Hà, Mật ong Bạc hà Hà Giang... chiếm lĩnh thị trường, chống hàng giả và tăng giá bán cho nông dân.
  5. Hệ thống dịch vụ tín dụng vi mô do nông dân tự quản lý. Chương trình này được thực hiện ở đồng bằng, trung du và miền núi đã giúp các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội mở rộng ra các vùng khác nhau, giúp nông dân giải quyết tình trạng thiếu vốn và xây dựng thể chế tín dụng nông thôn.
  6. Hệ thống quản lý nước có sự tham gia của nông dân ở Nam Thanh, Hải Dương và vùng Bắc Hưng Hải. Chương trình này đã xây dựng được thể chế quản lý thủy nông của các trạm bơm của Nhà nước và của nông dân đặt cơ sở cho hệ thống do Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng, cùng với các chương trình đầu tư của nước ngoài.
  7. Nghiên cứu chính sách dồn điền đổi thửa, chính sách ruộng đất để giúp việc tập trung ruộng đất cho các hộ chuyên sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. 

Nhiều nhận định của GS.VS. Đào Thế Tuấn trong giai đoạn này về định hướng như, kinh tế hộ cần gắn liền với phát triển HTX kiểu mới, phát triển ngành hàng (hiện nay gọi là chuỗi giá trị) cho đến nay vẫn còn có giá trị, và nó đang dần trở thành những định hướng chủ lực của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Từ năm 2000, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã lãnh đạo Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, nghiên cứu việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; đề xuất các chính sách và thể chế, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nghiên cứu việc phát triển nông nghiệp miền núi, và tìm phương hướng, giải pháp phát triển bền vững, thông qua xây dựng các hệ thống canh tác nương định canh chống xói mòn và nông lâm kết hợp. GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng bắt đầu nghiên cứu về cơ sở để xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, đóng góp cho chính sách Tam nông của Nghị quyết 26 năm 2008. GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng đã viết nhiều tài liệu, về cơ sở khoa học của việc phát triển nông thôn và đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực này, hướng dẫn nhiều luận văn sau đại học có kết quả tốt, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2004, khi đã 73 tuổi.

Sau khi nghỉ hưu, GS.VS. Đào Thế Tuấn vẫn đau đáu với sự nghiệp phát triển nông thôn và thấy cần có nhiều hơn nữa đóng góp của các lực lượng khoa học vào phát triển nông thôn bền vững. Ông đã trực tiếp vận động để ra đời Hội Khoa học Phát triển Nông thôn (PHANO) vào năm 2006. Đây là tổ chức Phi Chính phủ, trực thuộc Bộ Nội vụ. Hội là một tổ chức nghề nghiệp cấp quốc gia, bao gồm các nhà khoa học, các cá nhân sẵn sàng hỗ trợ  nông dân nghèo và cộng đồng nông thôn, xây dựng và cải thiện khả năng thực hiện các chương trình phát triển nông thôn mới một cách bền vững.

Trở ngại làm cho nông dân khó tiếp thu kỹ thuật không phải về mặt kỹ thuật, mà về mặt kinh tế xã hội. Thực tế của công cuộc đổi mới ở nông thôn càng củng cố thêm nhận định này. Chỉ cần thay đổi một chính sách, một thể chế là nông dân phấn khởi phát triển sản xuất, tự tìm lấy kỹ thuật để sử dụng mà không cần nhiều đến hoạt động của cơ quan khuyến nông. Điều này cho thấy việc phát triển nông thôn cần phải tiếp cận đa dạng, hệ thống thì mới giải quyết được các vấn đề nông thôn hiện tại:

  • Nông nghiệp phải được coi như một hệ thống, bao gồm cả môi trường sinh thái cũng như kinh tế xã hội Trung tâm của hệ thống này là hộ nông dân. Vì vậy, việc nghiên cứu phải thống nhất cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội.
  • Nghiên cứu phải theo tiếp cận liên ngành, các bộ môn khoa học khác nhau sẽ cùng nhau nghiên cứu để giải quyết vấn đề. Công tác nghiên cứu phải tiến hành đồng thời với việc phát triển.
  • Cán bộ nghiên cứu phải cùng tiến hành với nông dân, để tìm cách giúp nông dân giải quyết được các vấn đề của mình; thay thế xu hướng từ trên xuống bằng tiếp cận từ dưới lên. Việc nghiên cứu phải bắt đầu bằng một bước chẩn đoán, để xác định trở ngại chủ yếu của việc nông dân tiếp thu kỹ thuật là gì? Phải tìm hiểu các kiến thức và cách giải quyết các vấn đề của nông dân, để kết hợp với kỹ thuật mới. Các vấn đề của phát triển phải giải quyết một cách tổng hợp, cả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, thể chế, và chủ yếu phải do nông dân tự làm lấy.

Chúng ta cần phải thay đổi tiếp cận phát triển nông thôn, đào tạo lại cán bộ nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội có liên quan đến nông thôn và cán bộ khuyến nông thông qua các dự án phát triển nông thôn theo kiểu mới.

Liên quan đến các hoạt động phát triển nông thôn của GS.VS. Đào Thế Tuấn, đã được thực hiện bởi PHANO, tổ chức đã tập hợp gần 200 nhà khoa học, cán bộ cả đã nghỉ hưu và đương chức do GS.VS. Đào Thế Tuấn làm chủ tịch ngay trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã đề xuất một số vấn đề cần ưu tiên trong phát triển nông thôn: “Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế và phát triển xã hội tách rời nhau. Mục tiêu của phát triển nông nghiệp là tăng giá trị gia tăng nông sản, còn mục tiêu của phát triển nông thôn là tăng sinh kế cho nông dân và phát triển xã hội. Các vùng phát triển nông nghiệp mạnh mẽ thì không chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nông thôn, không tạo thêm được việc làm và không tăng được năng suất lao động, dẫn đến thu nhập của nông dân không được cải thiện nhiều. Muốn phát triển nông nghiệp thì phải chuyên môn hoá, nhưng muốn phát triển nông thôn thì lại phải đa dạng hoá sản xuất. Phát triển nông nghiệp sẽ mâu thuẫn với phát triển nông thôn, nếu không có một chiến lược toàn diện. Chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp sẽ làm cho khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa. Muốn thu hẹp khoảng cách này cần áp dụng  chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn liền quá trình đô thị hoá với phát triển nông thôn, áp dụng chiến lược đô thị hoá phi tập trung, vừa đô thị hoá vừa thúc đẩy phát triển nông thôn. Việc phát triển du lịch nông thôn cho phép chuyển dịch được cơ cấu thu nhập nông thôn sang dịch vụ, một trong những vấn đề chính của Nông thôn mới.

Các định hướng phát triển của PHANO mà GS.VS. Đào Thế Tuấn hướng đến là, khẳng định vai trò của du lịch nông thôn trong nông thôn mới: Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu không có các chương trình bảo vệ môi trường kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cộng đồng nông thôn cùng thực hiện, thì việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường là không khả thi. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu giao việc này cho các tổ chức nông dân, thì có thể biến việc bảo vệ môi trường trở thành những hoạt động kinh tế, tạo việc làm và tạo thu nhập cho nông dân. Việc phát triển du lịch nông thôn đã nâng cao được chất lượng môi trường. Du lịch nông nghiệp - nông thôn đã được coi là một trong các giải pháp, để giải quyết được sự hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và nông thôn. Điều này là trọng tâm của chiến lược Nông thôn mới ở Việt Nam, vì phát triển du lịch sẽ là một lựa chọn tốt cho nhiều địa phương; thỏa mãn được các tiêu chí về cơ cấu thu nhập, phát triển hài hòa giữa nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo được vai trò đa chức năng của nông nghiệp.

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, GS.VS. Đào Thế Tuấn còn rất chú ý đến vấn đề thông tin khoa học về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Từ năm 1999, với sự trợ giúp của tổ chức Phi Chính phủ Thụy Sỹ FPH, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã xuất bản  tờ tin “Phát triển nông thôn” ra hàng quý với nhiều thông tin về kinh nghiệm quốc tế và trong nước, được phát hành tới nhiều cơ quan và địa phương. Đến năm 2012, tờ tin đã chính thức phát triển thành Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, ra hàng tháng, do chính GS.VS. Đào Thế Tuấn là Tổng Biên tập. Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, và hiện nay là một diễn đàn có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu và phản biện chính sách nông nghiệp và nông thôn, có mặt trong danh mục tạp chí của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Có thể nói, các công trình nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã đóng góp rất to lớn và kịp thời vào việc xây dựng các chính sách, thúc đẩy phát triển nông thôn trong giai đoạn Đổi mới; cũng như đã đặt nền móng về cơ sở khoa học cho các vấn đề nghiên cứu kinh tế xã hội, phục vụ cho phát triển  nông nghiệp và Nông thôn mới sau này như:

  • Kinh tế hộ nông dân và tiếp cận thị trường cho hộ nông dân nhỏ.
  • Đa dạng hóa sản xuất, thúc đẩy Sản phẩm bản địa, Đặc sản địa phương, Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu cộng đồng quản lý.
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thể chế dịch vụ sản xuất nông nghiêp phục vụ hộ nông dân.
  • Phát triển chuỗi giá trị/ngành hàng nông sản, thể chế quản lý chất lượng nông sản và thương mại công bằng.
  • Đa dạng hóa các tổ chức nông dân kiểu mới như HTX chuyên ngành, hiệp hội, tổ hợp tác....
  • Phát triển kinh tế nông nghiệp và nông nghiệp ven đô, đô thị, du lịch nông thôn.
  • Phát triển nông thôn bền vững.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ bảo của GS.VS. Đào Thế Tuấn, nhiều cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD) và PHANO   không chỉ dừng lại ở nghiên cứu lý luận; mà còn xây dựng được các mô hình thực tiễn về thể chế tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường, có giá trị cho thực tiễn ở khắp các vùng miền của cả nước, được Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương, bà con nông dân đánh giá cao và đang áp dụng rộng rãi vào sản xuất.

Có thể nói sự nghiệp nghiên cứu về kinh tế xã hội nông thôn liên quan đến Tam nông từ đầu những năm 1980 được chia thành 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn từ 1986 đến 2000: Nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân.
  • Giai đoạn từ 2000 đến 2006: Nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
  • Giai đoạn 2006 đến  2011: Nghiên cứu về phát triển nông thôn.

GS.VS. Đào Thế Tuấn là tấm gương về nghiên cứu và tự học cho tất cả các cán bộ khoa học nông nghiệp, trong đó có chúng tôi. GS.VS. Đào Thế Tuấn thực sự đã làm việc đến tận hơi thở cuối cùng. Trên giường bệnh, GS.VS. Đào Thế Tuấn vẫn hoàn thành nốt bản thảo bài góp ý: “Giải quyết quan hệ vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam để gửi cho Hội đồng Lý luận Trung ương

Trên cơ sở ý tưởng của GS.VS. Đào Thế Tuấn, PHANO đã cùng với FAO tổ chức hội nghị quốc tế về: “Cách tiếp cận phát triển nông thôn mới của Việt Nam với các kiến nghị chính sách gửi cho Chính phủ. Tháng 7/2015, PHANO đã cùng với World Bank tổ chức Hội thảo Quốc tế về HTX để chia sẻ kinh nghiệm chính sách phát triển HTX.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS.VS. Đào Thế Tuấn là tấm gương học tập, nghiên cứu không ngừng và sự gần gũi với thực tế, với nông dân và nông thôn của một nhà khoa học nông nghiệp tầm cỡ thế giới mãi mãi là một tấm gương sáng cho các nhà nghiên cứu khoa học nói chung và cho tập thể cán bộ của CASRAD  nói riêng. Các thế hệ học trò của giáo sư Tuấn ngày nay vẫn đang phát huy được truyền thống, nghiên cứu và công tác gắn với nông dân

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp đã trở thành đơn vị nghiên cứu đầu ngành về tiếp cận đa ngành, vẫn tiếp tục được truyền thống nghiên cứu mà GS.VS. Đào Thế Tuấn đã định hướng.   Trong gần 30 năm qua,   Trung tâm đã tham gia tích cực trong giải quyết các vấn đề nóng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam như: phát triển HTX nông nghiệp, chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu cộng đồng, xây dựng Nông thôn mới bền vững, an ninh lương thực, không còn nạn đói…. Các định hướng chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp trong giai đoạn tới sẽ dựa trên cơ sở kế thừa và tiếp tục các hoạt động nghiên cứu đã thành công hiện nay và mở rộng sang các lĩnh vực khác bao gồm:

  1. Tiếp tục nghiên cứu kinh tế hộ nông dân ở  các vùng sinh thái khác nhau để phát huy lợi thế so sánh về hệ thống sản xuất nông hộ.
  2. Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới một hệ thống nông nghiệp bền vững, phát triển các hệ thống sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0
  3. Nghiên cứu và phát triển chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của các tác nhân, đặc biệt là đẩy mạnh việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, gắn với các vấn đề cấp thiết chung như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, phát triển chất lượng, thương hiệu và liên kết chuỗi.
  4. Nghiên cứu, tư vấn và phát triển các hình thức sở hữu trí tuệ về Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể theo chuỗi giá trị.
  5. Tăng cường năng lực về tổ chức sản xuất và thị trường cho hộ nông dân nhỏ, thông qua các mô hình quản lý kinh tế tập thể Tổ hợp tác và  HTX....
  6. Tư vấn phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị phục vụ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới.
  7. Nghiên cứu phát triển kinh tế nông nghiệp và nông nghiệp ven đô, đô thị, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với  sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương.
  8. Nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Tóm lại, trong suốt 30 năm qua, định hướng của GS.VS. Đào Thế Tuấn về  tiếp cận liên ngành, hệ thống, kết hợp nghiên cứu khoa học  và kinh tế xã hội, giữa nghiên cứu và phát triển;  nghiên cứu bám sát vào  vấn đề  của nông dân, nông nghiệp và nông thôn vẫn đang được các thế hệ học trò của thầy ở CASRAD và PHANO đang và sẽ tiếp tục triển khai và phát huy, trong sự nghiệp Tam nông của nước ta trong giai đoạn tới. Đây là những xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định: Cần phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trên cơ sở của Hợp tác - Liên kết - Thị trường.