Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Người mở đường cho tư duy phát triển Nông nghiệp gắn với thị trường phát triển bền vững

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Người mở đường cho tư duy phát triển Nông nghiệp gắn với thị trường phát triển bền vững” của tác giả TS. Vũ Trọng Bình cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong cuốn sách quý nói trên.

Nhớ lại hơn mười năm về trước, khi tôi vào thăm GS.VS. Đào Thế Tuấn trong bệnh viện ông vẫn dặn dò tôi: Cậu phải đi dự mấy hội thảo sắp tổ chức để làm rõ hơn một số vấn đề về phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong cuộc đời làm việc của tôi, chưa thấy một người nào có sự tâm huyết và trăn trở với khoa học nông nghiệp, các vấn đề nông dân, nông thôn như thầy Đào Thế Tuấn.

Thời gian tôi làm việc phục vụ GS.VS. Đào Thế Tuấn là quãng thời gian đầy ắp kỷ niệmCó nhiều câu chuyện vui về thầy mà đến tận bây giờ khi chúng tôi (những học sinh của thầy) gặp nhau, vẫn đem ra kể. Nhưng có lẽ, những kỷ niệm sâu sắc nhất, chính là phương thức  tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn mà thầy là người tiên phong hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp cùng chúng tôi nghiên cứu. Những tiếp cận đó không chỉ định hướng cho khoa học phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn ảnh hưởng quan trọng tới xây dựng thể chế, chính sách đến tận ngày hôm nay.  Đó là quãng thời gian tôi được đào tạo, giúp tôi trưởng thành, hình thành nhân cách làm khoa học của tôi và nhiểu thế hệ anh chị và bạn bè tôi, mà nhiều người trong ngành nông nghiệp vẫn gọi là “nhóm học trò cụ Tuấn”.

gs1-1642495818-1666425637.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Tôi được may mắn, là thế hệ được thầy chọn lọc, gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài và thầy trực tiếp dẫn dắt đào tạo qua công việc, trực tiếp làm việc với thầy nhiều năm liền. Qua đó, tôi nhận thức được nhiều vấn đề được thầy đặt ra, đưa ra nghiên cứu và đề xuất chính sách, xây dựng mô hình tại thực tiễn mà tới bây giờ vẫn là những nội dung còn tính thời sự.

Từ thập niên 80 thế kỷ XX, GS.VS. Đào Thế Tuấn là người đặt nền móng đưa vào Việt Nam tiếp cận phát triển nông nghiệp, không chỉ nhìn dưới góc độ công nghệ sinh học và kỹ thuật sản xuất, mà đặt công nghệ và kỹ thuật đó trong một hệ sinh thái cụ thể; và hơn nữa một bối cảnh điều kiện kinh tế xã hội nông thôn cụ thể. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã phát triển ở Việt Nam  việc tiếp cận phát triển nông nghiệp, gắn với kinh tế xã hội nông thôn và nông dân trên địa bàn, là cơ sở nền tảng tư duy quan trọng mà ông đã phát triển sau này và đề xuất chính sách về Tam Nông. Tiếp cận hệ thống nông nghiệp được GS.VS. Đào Thế Tuấn trực tiếp chỉ đạo, tổ chức hợp tác nghiên cứu, xây dựng đội ngũ để đặt nền móng lĩnh vực này cho nước ta. Thời đó, những tư duy hệ thống nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, nông nghiệp có chức năng kinh tế, rồi quan hệ nông dân và sản xuất nông nghiệp… còn mới lắm, nhiều nhà khoa học và người làm chính sách chưa mường tượng đó là gì; cũng nhiều tiếng nói phản đối, cản trở, không ủng hộ. Không phải là một nhà khoa học có tầm, có tâm và thực sự vì khoa học, vì nông dân, trăn trở với nông nghiệp, có sự say mê vô tận; thì không thể triển khai được và có thành tựu như ngày hôm nay.

Tới hiện nay, khái niệm và Tiếp cận Hệ thống Nông nghiệp vẫn có tính thời sự với việc quy hoạch, phát triển nông nghiệp bền vững theo địa bàn. Tiếp cận này đặt vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với nông dân (chủ thể) và hệ sinh thái (điều kiện tự nhiên); chính là nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện tại, nhiều câu hỏi nghiên cứu, quy hoạch, chính sách đặt ra với phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía bắc, Tây Nguyên…, cần tiếp tục sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

gg-1666425671.png
TS. Vũ Trọng Bình cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Gần đây, báo chí đưa tin không gọi là “sản xuất nông nghiệp” mà phải đặt vấn đề “kinh tế nông nghiệp”. Vấn đề này, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã cho nghiên cứu từ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ XX . Nông nghiệp mang trên nó nhiều chức năng, ngoài chức năng kinh tế, còn chức năng sinh thái, an sinh xã hội, tài nguyên… Nhận thức sản xuất nông nghiệp không chỉ là sản lượng, mà là giá trị gia tăng tạo ra, quản lý chất lượng, thương hiệu đã triển khai trong các chương trình nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam từ 30 năm trước.

Các nghiên cứu về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp, ngành hàng sản xuất nông nghiệp, với sự chỉ đạo của GS.VS. Đào Thế Tuấn từ những năm 90 thế kỷ 20 đã được các thế hệ học trò của thầy thực hiện; kéo dài tới hiện nay đã thúc đẩy sự phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, hội nghề nghiệp ngành hàng sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Những kết quả nghiên cứu đó vẫn tiếp tục sử dụng cả ở trong xây dựng luật, chính sách và mô hình thực tiễn hiện nay.

 Ngay từ năm 1993, khi tôi còn là lưu học sinh  tại Pháp về Việt Nam thực tập, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã hợp tác với các đối tác của Pháp trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu Lưu vực sông Hồng, hướng dẫn nghiên cứu về ngành hàng nông sản, cũng gần tương tự với khái niệm chuỗi giá trị dịch từ tiếng Anh mà hiện nay dùng phổ biến. Như vậy những tiếp cận nông nghiệp sản xuất gắn với thị trường, nhìn góc độ nông nghiệp không phải chỉ là ngành sản xuất, mà còn là một ngành kinh tế, được nhìn nhận rất sớm.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nên có người nhầm tưởng là có thể xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại chỉ từ doanh nghiệp. Nhưng ngay từ những năm 1990, GS.VS. Đào Thế Tuấn, người đi tiên phong nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân, đã khẳng định: Nền tảng của thể chế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và xây dựng giai cấp nông dân hiện đại, chính là phát triển kinh tế hộ nông dân hiện đại. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi do GS.VS. Đào Thế Tuấn dẫn dắt đã xác định: Vấn đề quan trọng của phát triển nông nghiệp hiện đại là phát triển kinh tế hộ nông dân quy mô nhỏ có tính chất gia đình, sang kinh tế hộ nông dân là đơn vị sản xuất hiện đại - kinh tế nông trại gia đình quy mô lớn. Kinh tế nông trại, kết hợp với doanh nghiệp ở các khâu công nghệ cao, dịch vụ đầu vào và đầu ra, chế biến sâu, sẽ phát triển ngành nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm hiện đại.

Cuộc đời GS.VS. Đào Thế Tuấn, là một nhà khoa học, người làm chính sách, một nhà báo, một người thầy đầy sáng tạo, luôn tìm tòi những cái mới, luôn gắn nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn. Lịch sử Nông nghiệp Việt Nam khi có GS.VS. Đào Thế Tuấn tham gia, luôn có dấu ấn, sự sáng tạo và đóng góp quan trọng cả về chính sách, khoa học và tiếp cận mới. Những thành tựu đóng góp của GS.VS. Đào Thế Tuấn đến hôm nay vẫn còn tính thời sự về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Học trò của thầy khắp mọi nơi, ảnh hưởng tư tưởng của thầy vẫn lan tỏa đến các thế hệ mai sau, hình thành một hướng đi mới trên con đường phát triển một nền nông nghiệp và nông thôn hiện đại. Tiếp cận mà GS.VS. Đào Thế Tuấn phát triển ở Việt Nam, là một tiếp cận hiện đại, sẽ vẫn có giá trị và tiếp tục ảnh hưởng tới khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay và mai sau.

Những đóng góp lớn nhất của GS. VS. Đào Thế Tuấn theo nhận thức của tôi là về  Hệ sinh thái nông nghiệp, cũng như mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường

GS.VS. Đào Thế Tuấn rất thành công với nghiên cứu về sinh thái nông nghiệp, sinh lý cây lúa và là người có công trong việc chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp những năm 70 và 80 của thế kỷ XX.

Năm 1983, ông đã đưa chuyên ngành  Hệ thống Nông nghiệp vào Việt Nam, hình thành một lĩnh vực nghiên cứu mới trong phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm hệ sinh thái và hệ thống kinh tế - xã hội ở các vùng khác nhau.

Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã có nhiều công trình nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Năm 2006, khi đã nghỉ hưu, GS.VS. Đào Thế Tuấn vẫn miệt mài cùng cộng sự tiến hành nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các mô hình để mô phỏng sự phát triển, đặt cơ sở cho việc phát triển phương pháp nghiên cứu mới và tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường để giúp nông dân giải quyết khó khăn lớn nhất cho sự phát triển kinh tế hộ…

Từ những nghiên cứu thành công đó, ông có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết vào đề án Tam nông do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai.

Trong cuộc đời mình, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã gửi đi đào tạo nước ngoài được một đội ngũ đông đảo các cán bộ nghiên cứu đầu ngành, về hệ thống nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam.