Đối với tôi, GS.VS. Đào Thế Tuấn để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi được biết giáo sư từ những năm 70 của thế kỷ trước khi tôi vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Ra trường, tôi tham gia Đoàn Chỉ đạo Sản xuất của Bộ Nông nghiệp giúp tỉnh Hòa Bình do ông Nguyễn Công Tạn làm Trưởng đoàn; khi đó, GS. VS. Đào Thế Tuấn làm Trưởng đoàn của Bộ giúp tỉnh Nghệ An. Tôi mua được cuốn sách “Sinh lý ruộng lúa năng suất cao” của GS.VS. Đào Thế Tuấn xuất bản 1970 và đọc thật say sưa.
Tôi quan tâm nhất đến cách tính năng suất lý thuyết của cây lúa và viết thư hỏi GS. Tuấn, rồi tự tính thử đạt khoảng 14 tấn/ha/vụ với giống lúa NN8 vừa được nhập vào nước ta (lúc đó giống lúa cũ chỉ đạt năng suất thực tế khoảng 3 tấn/ha/vụ). Năm 1980, tôi thi đỗ lớp nghiên cứu sinh khóa 2 của Trường ĐHNN Hà Nội và đến gặp 2 thầy hướng dẫn là GS.VS. Đào Thế Tuấn và GS. Nguyễn Văn Luật ở Viện KHKTNN Việt Nam.
GS.VS. Đào Thế Tuấn nêu cho tôi đề tài “Ứng dụng phương pháp mô hình hóa toán học để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng lúa cho cấp huyện” - một đề tài thật mới mẻ khi đó, nhằm chính xác hóa dần kỹ thuật nông nghiệp. Năm 2006, GS.VS Đào Thế Tuấn đã góp ý và viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động khuyến nông trong sản xuất hàng hóa” của tôi.
Nói về đóng góp của GS.VS. Đào Thế Tuấn với nông nghiệp nước ta mấy chục năm qua, với giác độ người chỉ đạo sản xuất ở địa phương và ở Bộ, tôi thấy trước hết phải nói tới việc đóng góp trong lĩnh vực đào tạo cán bộ khoa học nông nghiệp. Với vốn ngoại ngữ phong phú của mình, GS.VS. Đào Thế Tuấn có thể nói là người chuyển dịch khoa học công nghệ nông nghiệp của nước ngoài vào nước ta với khối lượng tài liệu hàng đầu. Giáo sư là người trực tiếp giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ khoa học nông nghiệp ở Học viện Nông lâm, ĐH Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,… Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ đầu đàn tiếp nối trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp.
Thứ hai, cả cuộc đời GS.VS. Đào Thế Tuấn tập trung nghiên cứu công trình khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh là “Hệ thống Nông nghiệp lưu vực sông Hồng” một trong hai vùng sản xuất lúa lớn nhất của nước ta (mà trong lịch sử vùng này năm 1945 đã chết đói 2 triệu người, một trong những thảm họa lớn của thế kỷ). Là giáo sư chuyên ngành về sinh lý thực vật, ông đã nghiên cứu công nghệ sản xuất lúa trên cơ sở sinh lý cây lúa ở vùng đất chật, người đông; và đã giải quyết thành công việc tiếp biến, vượt gộp, Việt Nam hóa và chuyển giao công nghệ cho nông dân, góp phần đưa vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành nơi có năng suất lúa cao nhất của nước ta.
Thứ ba, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã góp phần nghiên cứu “Hệ thống nông nghiệp phát triển bền vững”, nghiên cứu cách tiếp cận toàn diện kể cả xã hội học ở nông nghiệp ĐBSH. Hệ thống nông nghiệp này lấy cây lúa làm trung tâm, chỉ rõ thế mạnh thật của nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng dù còn nhiều rủi ro.
Thứ tư, GS.VS. Đào Thế Tuấn là nhà khoa học nông nghiệp đi đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn trong thời kỳ đổi mới, lấy nông dân làm trung tâm. Trong khoa học nông nghiệp, cái khó nhất là chuyển được thành tựu khoa học vào thể chế thị trường. Các công trình nghiên cứu của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã góp phần chỉ ra giá trị nông nghiệp, cách tổ chức sản xuất trong thị trường, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hội nhập hiện nay.
Khi ở địa phương hay công tác ở Bộ, có nhiều dịp làm việc với GS. Đào Thế Tuấn, tôi nhớ mãi câu nói của ông : “Thực chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phát triển công nghệ”.
Có thể nói rằng, GS.VS. Đào Thế Tuấn là một trong những nhà khoa học nông nghiệp nghiên cứu toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giáo sư đã góp phần xứng đáng vào sự tiến hóa của nông nghiệp nước ta trong suốt quá trình đổi mới, hòa nhập vào thể chế thị trường và hội nhập.