Giới thiệu: Theo quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28 tháng 7 năm 2014 về việc phê duyệt Biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, Bộ Bách khoa Toàn thư Việt Nam sẽ gồm 36 cuốn thuộc các chuyên ngành tri thức khác nhau. Chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi được giới thiệu ở quyển 9; theo đó, mục từ Đào Thế Tuấn đã được chuẩn bị và giới thiệu như sau:
GS.VS. Đào Thế Tuấn sinh ngày 4 tháng 7 năm 1931 (Tân Mùi) tại Huế, mất ngày 19 tháng 1 năm 2011. Mẹ là Trần Như Mân. Cha là GS. Đào Duy Anh. Quê gốc ở Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội).
Học tập và kháng chiến
Theo hồi ký để lại, ông đã học theo các cách học khác nhau từ việc tự học ở tủ sách gia đình, học theo kháng chiến, học ở các giảng đường đại học, các phòng thí nghiệm, các thư viện nổi tiếng của thế giới và đến gần cuối đời là học qua internet. Trong cuộc đời trên 80 năm, chưa bao giờ giáo sư ngừng nghĩ về học tập, nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với một mục đích cuối cùng là làm sao cho nông dân bớt khổ, làm sao cho các tiến bộ khoa học của loài người đến được với nông dân.
Cậu bé Tuấn đến trường mẫu giáo ở Huế lúc 5 tuổi, theo học ở bậc tiểu học chủ yếu bằng tiếng Pháp. Vốn tiếng Việt tự học thêm ở nhà. Chiến tranh Thế giới Thứ 2 nổ ra, việc học tập cấp tiểu học bị nhiều gián đoạn, phải thay đổi nhiều trường, nhiều nơi. Đến năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, chuyển ra học cấp 2 ở miền Trung trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và bắt đầu cuộc sống tự lập. Đầu tiên ông học ở Thanh Hóa (trường Đào Duy Từ) những năm cuối cấp 2, tiếp đó tự một mình đi bộ vào Hà Tĩnh để xin vào học trường Huỳnh Thúc Kháng; không được, lại chạy ra Diễn Châu (Nghệ An) xin học trường Nguyễn Xuân Ôn; sau đó năm 1948 ra Ninh Bình rồi lại vào Thanh Hóa để được học hết cấp 3 (trường Nguyễn Thượng Hiền). Từ tháng 5-1950, ông vào quân đội, hành quân lên Việt Bắc công tác ở phòng Chính trị Bộ Tổng Tham mưu Tiền phương tham gia chiến dịch Đông Bắc, chiến dịch Trung Du. Trong thời gian này ông tự học thêm khoa học Quân sự và được đi học ở Trường Quân sự đóng ở Vân Nam - Trung Quốc. Năm 1952, ông về nước và tham gia chiến dịch Tây Bắc giải phóng Sơn La.
Tháng 8 năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn cuối, ông cùng 50 anh chị em cán bộ khác được cử sang Liên Xô (cũ) để học đại học, đào tạo thành những nhà khoa học, những trí thức cách mạng phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước lâu dài.
Đến Matxcơva cuối năm 1953, chỉ sau một tháng học tiếng Nga, ông được chuyển về Tashkent học Đại học Nông nghiệp. Ông đã có nguyện vọng học sử để nối tiếp truyền thống gia đình, nhưng cuối cùng đã theo phân công của tổ chức, ưu tiên ngành nông nghiệp. Vào năm 1955, khi đang học đại học năm thứ 3, sinh viên Đào Thế Tuấn đã bắt đầu nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Ông đã chọn công trình đầu tiên “Cây trồng ở Việt Nam”.
Chúng ta hiểu rằng cây trồng ở Việt Nam cơ bản là cây trồng nhiệt đới ẩm và dễ thấy rằng Đào Thế Tuấn đã rất khoa học khi chọn một chủ đề thật gần gũi, thật phù hợp, rất có ích cho áp dụng sau này ở Việt Nam. Nó lại mới lạ cho cả chính ông (vì gia đình không làm nghề nông) và trường đại học nơi các vị giáo sư ở Liên Xô (cũ) ngày đó chỉ quen các cây trồng ôn đới. Rõ ràng tư duy và tầm nhìn của sinh viên Tuấn đã có tính mới và tính thực tiễn cho đến hôm nay, trong các hội đồng chấm luận án tiến sĩ hay các nhiệm vụ khoa học bao giờ câu hỏi về tính cấp thiết của đề tài, bao gồm cả tính mới và khả năng áp dụng, cũng được đặt ra. Khi chọn chủ đề này, ông là một người tự học là chính, không chỉ đơn giản dựa vào thầy. Rõ ràng ngay từ khi ông còn là sinh viên, những người thầy đã là đồng nghiệp, cùng nghiên cứu, cùng khám phá.
Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về sinh lý cây lúa nước
Khi chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp Đại học, Đào Thế Tuấn xin về thực tập ở Trạm Nghiên cứu Lúa Uzbekistan dưới sự hướng dẫn của GS. Belov - là người ủng hộ và theo trường phái Vavilov (ủng hộ học thuyết Mendel-Morgan), nguyên Viện trưởng Viện Di truyền học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô (cũ), nên Đào Thế Tuấn đã tiếp cận được rất nhiều tài liệu nghiên cứu về tài nguyên di truyền và nguồn gốc cây trồng.
Với cách chọn đề tài nghiên cứu có tầm chiến lược rất rõ ràng và sự say sưa tìm tòi sáng tạo, sinh viên Đào Thế Tuấn đã xuất bản được một tài liệu “Sinh thái và Nguồn gốc cây lúa” và là cuốn sách đầu tay của một nhà khoa học đầy triển vọng. Tiếp đó để hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học, ông xin về thực tập ở Trạm Nghiên cứu Lúa Trung ương Krasnodar dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS. Eryghin, một nhà nghiên cứu sinh lý nổi tiếng toàn Liên Xô thời bấy giờ. Với sự xuất sắc của các ý tưởng trong luận văn tốt nghiệp đại học, ông nhanh chóng được các giáo sư đương thời cổ vũ và tiếp tục cho làm việc thêm 6 tháng để luận văn tốt nghiệp đại học của ông chuyển thành luận án phó tiến sĩ vào năm 1958. Như vậy, chỉ sau 5 năm Đào Thế Tuấn đã hoàn thành đồng thời cả chương trình đại học và nghiên cứu sinh và là vị phó tiến sĩ (ngày nay là tiến sĩ) đầu tiên của Việt Nam được Liên Xô đào tạo.
Thiết lập cơ sở khoa học của ruộng lúa năng suất cao
Vào cuối năm 1958, Tiến sĩ Đào Thế Tuấn từ Matxcơva về Hà Nội ông được phân công giảng dạy môn Sinh lý Thực vật và là Trưởng phòng Khoa học ở Học viện Nông Lâm. Ông đã tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở sinh lý học trong việc hình thành năng suất cao và để xây dựng luận chứng khoa học cho thâm canh lúa nước. Nhiều câu hỏi, vấn đề nghiên cứu được đặt ra: Tại sao lúa lốp đổ khi cấy dày hoặc bón nhiều đạm? Quan hệ giữa nhu cầu dinh dưỡng phân lân và sinh lý cây lúa? Tại sao cây trồng cần lân nhưng bón lân lại không hiệu quả? Quan hệ giữa phân lân và đạm trong việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón cho lúa.
Năm 1963, khi Học viện Nông Lâm lại tách thành Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tiến sĩ Tuấn được làm Trưởng ban Trồng trọt kiêm Trưởng phòng Sinh lý Cây trồng. Từ đó các nghiên cứu của ông càng thêm chuyên sâu về sinh lý cây lúa và trực tiếp phục vụ chọn giống và thâm canh lúa nước.
Từ nghiên cứu cây lúa năng suất cao, kiểu giống lúa năng suất cao đến ruộng lúa năng suất cao đã dần được ông và các đồng nghiệp khám phá, đúc rút và tổng kết. Tại các cơ sở của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, một loạt giống lúa mới ra đời: Cây thấp, ngắn ngày, chống rầy, chống chua, chống phèn, chống hạn có nguồn gốc từ sự hiểu biết cặn kẽ nguyên lý “ruộng lúa năng suất cao”. Và vào những năm 1970 ở miền Bắc Việt Nam, đã có các ruộng lúa đạt 10 tấn/ha. Cuốn sách “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao” của tác giả ĐàoThế Tuấn ra đời, đã trở thành cẩm nang khoa học không thể thiếu của nhiều thế hệ nghiên cứu về cây lúa, của nhiều sinh viên và cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp.
Rõ ràng nghiên cứu cơ bản có định hướng đã là đòn bẩy, là động lực không thể chối cãi cho lịch sử thâm canh lúa của Việt Nam và cho sự hình thành văn minh lúa nước của thời kỳ hiện đại. Cho đến hôm nay, chúng ta đang bàn về nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu (Climate Smart Agriculture) thì các nền móng cơ sở khoa học, sự hiểu hiết về các cây trồng chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn, chịu chua, chống rầy, kháng bệnh của hơn nửa thế kỷ trước vẫn đang rất còn có tác dụng và có tính thời sự cao. Đó là những giá trị cơ bản, các cơ sở mấu chốt mà công tác khuyến nông hay các kỹ thuật trồng lúa cụ thể không thể không áp dụng.
Từ Hệ sinh thái cây trồng đến Hệ thống nông nghiệp
Khi đã trở thành một nhà khoa học nông nghiệp thực thụ, GS.VS Đào Thế Tuấn hiểu rằng ngành trồng trọt của Việt Nam không phải chỉ có cây lúa và các hộ nông dân không chỉ có sản xuất trồng trọt. Trồng lúa năng suất cao đã tốt nhưng như thế vẫn chưa đủ mà cần phải phát triển đa dạng hệ thống cây trồng và trồng trọt phải được phát triển hài hòa trong hệ thống nông nghiệp. Nghiên cứu sinh thái cây trồng từ đó đã trở thành một xu hướng tất yếu trong khoa học nông nghiệp và là bước đi đầu tiên có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu hệ sinh thái, vùng sinh thái ở Việt Nam. Việc chọn lọc giống cây trồng, ngoài tính chất di truyền muốn đi vào thực tiễn phải phù hợp với yếu tố sinh thái và đặc biệt quan trọng đối với nền nông nghiệp nước nhà, vì chúng ta có đến 8 vùng sinh thái khác nhau phân bố từ nam chí bắc. Có những vùng nóng, khô hạn, nhưng cũng có những vùng cao quanh năm ẩm ướt; có các vùng đất “bờ xôi ruộng mật”, nhưng có những vùng chua phèn đặc biệt khó khăn. Việc chọn giống cây trồng theo hướng thích nghi với điều kiện sinh thái thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về quan hệ đất đai - cây trồng và khí hậu và đất trở thành xu hướng tất yếu của thời kỳ hiện đại và là tiền đề khoa học cho các nghiên cứu đa dạng cây trồng, đa dạng hóa nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau này.
Vào những năm chiến tranh, các nhà khoa học trong đó có cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam phải sơ tán về các “vùng nông thôn, cùng sống và nghiên cứu với nông dân trong hợp tác xã”, nó rất khác xa với kiểu Đánh giá nhanh nông thôn bây giờ (PRA). GS.VS. Đào Thế Tuấn sớm nhận ra rằng, muốn hiểu biết các vấn đề nông nghiệp, muốn hiểu và giúp được nông thôn và nông dân có lẽ con đường nhanh nhất và tốt nhất của một nhà khoa học nông nghiệp là tiếp cận và cùng nghiên cứu với nông dân, sát với yêu cầu của nông dân; kết hợp nghiên cứu và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, các nghiên cứu theo trường phái Đào Thế Tuấn đã rất gắn với đa dạng hoá các giống cây trồng. Không chỉ có cây lúa nước, cây trồng cạn mà còn các loại cây đậu đỗ (sau này là Trung tâm Nghiên cứu Cây đậu đỗ), cây có củ, các cây thức ăn chăn nuôi. Một phát hiện hết sức quan trọng của ông là muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn thì phải phát triển trên cơ sở hệ thống, bao gồm các hệ sinh thái cây trồng, hệ thống sinh thái chăn nuôi, nông lâm kết hợp và cả hệ sinh thái kinh tế - xã hội. Ngay từ những năm 1970, GS.VS. Đào Thế Tuấn sớm nhận ra rằng không chỉ có các thông số về các chỉ tiêu của cây con là quan trọng mà nó phải bao gồm đầy đủ các số liệu liên quan đến một ngành sản xuất nông nghiệp. Bây giờ ta gọi là cơ sở dữ liệu lớn và dứt khoát phải có dự tính, dự báo thông qua vai trò của toán học.
Vào những năm đầu 1980, GS.VS. Đào Thế Tuấn làm việc và điều hành trực tiếp nhóm máy tính về các yêu cầu nhập số liệu và mô hình hóa. Nhóm công tác này là tiền thân của Phòng Toán kinh tế tối ưu (Toán máy tính/Computer mathematic) mà chính giáo sư đã là cha đẻ đặt ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương sau này. Từ sinh thái ruộng lúa năng suất cao ông đã tiến đến hệ thống cây trồng, hệ thống nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế - xã hội theo cách như vậy.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa vào đòn bẩy kinh tế thị trường và hướng về nông dân
Các nghiên cứu cơ bản, với cơ sở khoa học đầy thuyết phục, các mô hình thực tiễn được áp dụng, minh chứng nhưng không thể phát triển với qui mô lớn và thiếu tính bền vững, có những điểm nghẽn của hệ thống cần phải nhận dạng một cách khoa học và phải phát triển thành chính sách để giảm đi các rào cản, các điểm nghẽn. Mặt khác đối với nông dân khi nền sản xuất đã manh nha vượt ra khỏi tự cung tự cấp thì yếu tố thị trường sẽ đóng vai trò quyết định cho một nền sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang một nền sản xuất kinh tế thị trường thương mại hóa sản phẩm. Để đảm bảo sản xuất bền vững thì sản lượng hàng hóa của nông dân sản xuất ra phải bán được, phải mang lại lợi nhuận cho nông dân.
Rất nhiều chuyến công tác ở nước ngoài, với nhận xét và các trao đổi khác nhau trong nhiều loại hình sản xuất nông nghiệp kể cả hộ nông dân và hợp tác xã ở các nước Châu Âu (Nga, Hungari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Pháp) và khu vực Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh) mà GS.VS. Đào Thế Tuấn được tham gia để có ý kiến góp phần hoạch định chính sách quản lý nông nghiệp. Ngay từ những năm 1980, GS.VS. Đào Thế Tuấn nhận ra rằng, muốn thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, muốn đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rất cần có thể chế thích hợp. Các đóng góp của ông đã là những cơ sở khoa học rất tin cậy để Nhà nước ta thực hiện các chính sách mới trong quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó đáng chú ý là sự ra đời của Nghị quyết 10 năm 1988. Với cách nhìn nông nghiệp toàn diện và hiểu biết sâu rộng về cả kỹ thuật, kinh tế, xã hội và thể chế chính sách, GS.VS. Đào Thế Tuấn được mời tham gia vào tổ xây dựng chiến lược phát triển của nước ta dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông tiếp tục đã vận dụng sáng tạo mô phỏng, mô hình hóa trong nghiên cứu mô phỏng chiến lược phát triển nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, bao gồm cả phát triển nông nghiệp và nông thôn. Với sự giúp đõ và hợp tác của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp (INRA), ông đã cùng với các đồng nghiệp ở Viện Thổ nhưỡng Nông hóa hình thành Chương trình Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực Sông Hồng bao gồm cả hệ thống nông nghiệp vùng đồng bằng, vùng trung du và miền núi. Một chương trình nghiên cứu hợp tác kéo dài trên 20 năm, đào tạo được hàng chục cán bộ đầu ngành về nghiên cứu hệ thống nông nghiệp ở Việt Nam. Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp do ông thành lập từ năm 1989, đã trở thành Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp đầu ngành trong hệ thống nghiên cứu khoa học nông nghiệp của Việt Nam. Nơi đây cũng là trường đào tạo cho nhiều thế hệ cán bộ đầu ngành và lãnh đạo ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.
GS.VS. Đào Thế Tuấn là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô. Ông được tặng Huân chương Công Trạng Nông nghiệp Pháp hạng 1, 2, 3; Huân chương Cành cọ Hàn Lâm và Giải thưởng René Dumont của Cộng hòa Pháp. Đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, GS.VS Đào Thế Tuấn là Anh hùng Lao động (năm 2000) và đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về (năm 2005).