Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong vấn đề Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn và sự nghiệp phát triển đất nước

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong vấn đề Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn và sự nghiệp phát triển đất nước" của tác giả TS. Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trong cuốn sách quý nói trên.

Đây là mảng nghiên cứu lớn mà Giáo sư Đào Thế Tuấn say mê đóng góp trong nhiều năm, tuy nhiên  cũng lại là lĩnh vực mà ông chưa công bố thành tài liệu hoàn chỉnh. Dựa trên những  ghi chép tại các cuộc thảo luận với ông, sau khi trao đổi và đọc bài viết của những học trò gần gũi, một số bài phỏng vấn ông qua báo chí, chúng tôi xin mạnh dạn sắp xếp lại các suy nghĩ của ông theo cách hiểu của mình như những gợi mở cho các nghiên cứu nghiêm túc tương lai.

gg1-1662863167.jpg

Giáo sư Đào Thế Tuấn là một nhà khoa học tổng hợp. Nền giáo dục truyền thống, bác học trong gia đình và kiến thức uyên thâm được đào tạo một cách bài bản cùng với lòng ham học, năng lực sử dụng nhiều ngoại ngữ đã giúp ông có năng lực đặc biệt, cho phép kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật với khoa học xã hội, nhìn nhận sự vật bằng tư duy hệ thống. Giáo sư bắt đầu từ nghiên cứu sinh lý cây trồng, đi đến xem xét hệ sinh thái nông nghiệp rồi tìm hiểu cả hệ thống canh tác của hộ gia đình, sau đó ông nghiên cứu các vấn đề phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong tổng thể nền kinh tế. Từ mối quan hệ giữa tự nhiên với con người, giữa hộ nông dân với nền kinh tế, ông đã mở ra một mảng nghiên cứu khoa học hoàn toàn mới có tính ứng dụng cao cho công tác xây dựng chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

Giáo sư Đào Thế Tuấn là người tiên phong đưa các nghiên cứu hệ thống canh tác vào miền Bắc Việt Nam. Năm 1983, đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam; đồng thời Giáo sư cũng xây dựng nên bộ môn Sinh thái Canh tác, sau này là bộ môn Hệ thống Nông nghiệp và trực tiếp làm trưởng bộ môn. Đây cũng là thời kỳ ông tham gia vào tổ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo. Thông qua các hoạt động nghiên cứu kinh tế trên quy mô cả nước, Giáo sư đã nhận thấy rõ nhu cầu ứng dụng các căn cứ của nghiên cứu kinh tế và xã hội vào xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho Việt Nam.

Ngay từ giữa thập kỷ 1980, khi các cơ quan nhà nước đang trăn trở để đi đến quyết sách giao khoán đất đai và tư liệu sản xuất cho hộ gia đình nông dân, thì Giáo sư Đào Thế Tuấn thấm nhuần tư tưởng của nhà kinh tế Liên Xô Chai-a-nov, đã khẳng định sức mạnh quan trọng của hộ nông dân với vị trí như những tế bào cơ bản của tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Ông đề nghị, một khi đã nhìn nhận hộ nông dân là chủ thể quá trình sản xuất nông nghiệp, thì Nhà nước phải đóng vai trò  kiến tạo  cơ chế, chính sách và các thể chế (doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn…) nhằm cung ứng dịch vụ (tín dụng, dạy nghề, khoa học công nghệ, thông tin thị trường…) có hiệu quả cho hộ nông dân phù hợp với quy luật thị trường.

Nhìn xa hơn con mắt đương thời, ông khẳng định: Nếu được tổ chức tốt trong các tổ chức hợp tác cộng đồng, thì chính nông dân mới là lực lượng xây dựng nên nền kinh tế sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn, chứ không chỉ thuần túy trông đợi vào các doanh nghiệp nông nghiệp. Ông tính toán rằng, nếu hệ thống hợp tác xã chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh, nhất là phân phối nông sản, thì sẽ tạo ra kênh bán lẻ nông sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng, cắt giảm được các khâu trung gian, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, không để hệ thống buôn bán của các doanh nghiệp chiếm thế độc quyền trong việc tiêu thụ nông sản. Vấn đề khó khăn nhất là làm thế nào tổ chức quy tụ được đông đảo nông dân nhỏ lại trong các hợp tác xã kiểu mới đủ mạnh?

Để có căn cứ trả lời câu hỏi này ở Việt Nam, Giáo sư đã tổ chức một lực lượng nghiên cứu gồm một nhóm cán bộ được đào tạo chính quy và các chuyên gia Pháp đóng cơ sở tại tỉnh Hải Dương trong nhiều năm. Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng sức mạnh to lớn của xã hội nông thôn Việt Nam nằm ở cộng đồng thôn bản, thông qua mối quan hệ gia đình, đồng hương, ngành nghề,… Chính đây là nền tảng cơ sở để đưa các hộ nông dân riêng lẻ vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã kiểu mới cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ. Đây là căn cứ để thập kỷ 1990-1995, Giáo sư Tuấn đề xuất những chính sách về hỗ trợ nhiều hơn cho phát triển hệ thống hợp tác xã thông qua cung cấp tín dụng, quản lý đất đai, nguồn nước, xây dựng sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh thương mại của chính tổ chức nông dân.

Từ nghiên cứu nông thôn Châu Âu, nhất là thực tế nước Pháp, Giáo sư Đào Thế Tuấn đã chỉ ra yếu tố mấu chốt để thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nông dân phải trở thành chủ thể quá trình phát triển, đồng nghĩa là không nên coi nông dân chỉ bị động đi theo. Để người nông dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hình thành cho được các tổ chức hợp tác của nông dân. Ông cho rằng phát triển tổ chức hợp tác xã trong nông nghiệp là mặt mạnh tích cực quan trọng nhất của loại hình xã hội dân sự ở nông thôn. Trước thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác chậm chạp ở Việt Nam, Giáo sư chỉ ra sự suy thoái của quan hệ cộng đồng ở nông thôn, khi các tổ chức đoàn thể cơ sở chạy theo xu hướng hành chính hóa, tách khỏi các quyền lợi thiết thân và nỗi suy tư của người dân.

gg22-1662863198.png
TS. Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn 

Liên hệ giữa truyền thống cộng đồng trong nông thôn Việt Nam với xã hội dân sự ở Châu Âu, Giáo sư chỉ ra rằng, trong cơ chế thị trường luôn hình thành động lực toàn xã hội chạy theo lợi nhuận, ngay cả quyền lực của nhà nước cũng khó điều chỉnh nổi. Muốn cân bằng lại cả quan hệ xã hội và cơ cấu kinh tế, tạo ra sức đề kháng, sự chủ động của nhân dân thì cần phải dựa hẳn vào sức mạnh của tổ chức cộng đồng. Giáo sư Đào Thế Tuấn kết luận: Cần hình thành một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách dựa trên huy động sự tham gia của quần chúng, không thể lẫn lộn thị trường hóa với tư nhân hóa.

Nhìn nhận một cách khoa học cả lý thuyết và thực tế phát triển công nghiệp hóa của các nước xã hội chủ nghĩa, ông đối chiếu với tình hình phát triển tư bản ở các nước Tây Âu và nhận thấy dù các chế độ chính trị khác nhau, quá trình phát triển này luôn gắn liền với sự thu hẹp của tỷ trọng kinh tế nông nghiệp và biến đổi của xã hội nông thôn theo hướng bất lợi cho các đối tượng yếu thế. Được điều khiển bằng sức mạnh nhà nước kế hoạch hóa hay cơ chế thị trường tự phát, thì các chủ thể của quá trình phát triển cũng là các lực lượng từ bên ngoài áp đặt vào cho giai cấp nông dân. Trong trạng thái bị động, phụ thuộc và lấy đi các tài nguyên căn bản, sản xuất nông nghiệp mất dần lợi thế, số lượng và chất lượng nông dân thu hẹp nhanh chóng, xã hội nông thôn biến đổi, mất cân bằng và rạn vỡ.

Dường như bần cùng hóa và thiếu công bằng là lời nguyền khó tránh của quá trình công nghiệp hóa. Giáo sư Đào Thế Tuấn lo lắng chỉ ra tình trạng tương tự tuy mới ở mức độ khởi đầu nhưng rõ rệt và tăng nhanh tại Việt Nam: Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp phát triển và nông thôn thay đổi với tốc độ chậm hơn nên vị thế và thu nhập, điều kiện sống của người dân nông thôn ngày càng tụt hậu. Chênh lệch về phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế, ô nhiễm môi trường, về chất lượng và giá cả đầu vào, về khó khăn đầu ra, về cơ sở hạ tầng yếu kém, về thiếu cơ hội học hành và việc làm chính thức, “cánh kéo giá” trong đó mọi thứ của nông thôn (giá đất nông nghiệp, giá lao động, giá nông sản,…) luôn luôn thấp hơn giá dịch vụ và hàng hóa từ đô thị và công nghiệp, làm kiệt lực dần nông thôn. Ông kết luận rằng tình trạng nông nghiệp bị lép vế, nông dân bị thua thiệt là hậu quả và bằng chứng của tình trạng rút tài nguyên nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp hóa.

Thấy được đặc thù của quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, để không mắc phải những “sai lầm” dẫn đến tình trạng “bỏ rơi” nông nghiệp của nhiều nước đã công nghiệp hóa, đô thị hóa,  từ hai mươi năm trước, Giáo sư Tuấn đã từng phát biểu: “Việt Nam phải quan tâm phát triển nông nghiệp, không làm nông nghiệp là chết, thế thôi”. Câu nói chân thực ấy thể hiện nhãn quan khoa học của nhà nghiên cứu độc lập. Theo Giáo sư, ở Việt Nam nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cả trước, trong và sau thời kỳ công nghiệp hóa, đó là nét đặc thù phải chú ý khi áp dụng các lý thuyết kinh tế thế giới và học tập kinh nghiệm quốc tế. Thời gian đang chứng minh cho quan điểm, nhận định rất quan trọng này.

Không dừng lại ở mức độ phát hiện và cảnh báo, trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về kinh tế hộ và sức mạnh cộng đồng nông thôn, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, Giáo sư Đào Thế Tuấn đã tổ chức các đề tài nghiên cứu để tìm ra giải pháp xử lý mâu thuẫn này bằng chủ trương phát huy chính lợi thế về tài nguyên con người tại đây. Ông tìm hiểu các làng có ngành nghề, sinh kế đa dạng (làng chuyên thu gom phế liệu, làng chuyên làm giúp việc gia đình, làng chuyên làm nghề vận chuyển, các địa phương xuất khẩu lao động,…) và đề xuất đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch nông thôn và các dịch vụ khác một cách chuyên nghiệp và có tổ chức theo hiệp hội ngành nghề. Tách lao động ra khỏi nông nghiệp, đưa sang các ngành nghề phi nông nghiệp, tạo điều kiện để kinh tế hộ, kinh tế cộng đồng tích lũy phát triển thành doanh nghiệp (khi đó chưa sính dùng từ khởi nghiệp) là con đường đa dạng hóa kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa. Và đó là cách khép lại khoảng cách nông thôn - đô thị.

Một trong những tư duy sáng tạo của ông là trao quyền làm chủ để mở ra cơ hội phát huy năng lực phát triển nông thôn của tự thân nông dân. Tiếp cận được nguồn lực, kinh tế hộ nông dân sản xuất nhỏ sẽ từng bước tách ra làm 2: Lực lượng lao động đông đảo, rời khỏi nông thôn chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp và số nhỏ nông dân có năng lực sẽ phát triển lên thành kinh tế trang trại. Tiếp theo, các trang trại có tích lũy lại tách tiếp ra, những người kinh doanh khởi nghiệp thành công trở thành doanh nghiệp siêu nhỏ ngay tại nông thôn, số nông dân ít dần và có quy mô sản xuất tăng lên, áp dụng được cơ giới hóa và công nghệ. Như vậy, để có doanh nhân nông nghiệp, không chỉ dựa trên một con đường thu hút đầu tư từ bên ngoài mà phải tạo điều kiện để nông dân làm ăn giỏi tích lũy chuyển mình trở thành doanh nhân ngay trên địa bàn nông thôn.

Song song với quá trình thay đổi của hộ nông dân nhỏ là quá trình chuyển mình của cộng đồng làng xã. Các cộng đồng thôn bản sẽ nhắm vào chức năng kinh tế để phát triển thành các hợp tác xã. Nếu được phân cấp, trao quyền và tạo điều kiện phát triển thì các hợp tác xã sẽ thay thế  thương lái trung gian và kết nối với các doanh nghiệp chế biến,  doanh nghiệp kinh doanh lớn. Từng bước, chính bản thân các hợp tác xã cũng hoạt động nhiều dịch vụ phục vụ các thành viên của mình như các doanh nghiệp xã hội. Như vậy, trong lý thuyết phát triển của Giáo sư Đào Thế Tuấn, quá trình chuyển dịch của lao động ra đô thị diễn ra song song với hình thành kinh tế trang trại gia đình và khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Tế bào sản xuất là các hộ nông dân sẽ tiến hóa lên hình thành các cơ thể hoàn chỉnh là các hợp tác xã, gắn bó với nhau trong hệ sinh thái cộng đồng.

Nhìn tổng thể, Giáo sư Đào Thế Tuấn chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp và nông thôn, không chỉ dưới khía cạnh là một ngành kinh tế có lợi thế chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm và đóng góp tài nguyên cho xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn đóng vai trò lĩnh vực nền móng tạo ra việc làm và thu nhập ban đầu, để từng bước chuyển lực lượng dân cư nông thôn đông đảo sang các ngành nghề phi nông nghiệp và xã hội đô thị một cách đều đặn và ổn định, không tạo nên các mâu thuẫn xã hội, không tạo nên các chênh lệch kinh tế như đã xảy ra ở các nước tư bản trong thời kỳ công nghiệp hóa. Về lâu dài, nông nghiệp nông thôn đóng vai trò đa mục tiêu về sinh thái, môi trường, văn hóa,… đảm bảo điều kiện sống không phải chỉ cho cư dân nông thôn mà đảm bảo cân bằng cho phát triển cả đất nước. Điều này ngày nay càng sáng tỏ trong tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xuất hiện nhiều biến động khó lường toàn cầu.

Khác với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn không thể ỷ lại vào hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước hay đầu tư to lớn của doanh nghiệp, mà chủ yếu phải dựa vào nội lực của chính cư dân nông thôn. Chính vì thế, trong giai đoạn đầu cần áp dụng các chính sách cách “khoan sức cho dân” tạo điều kiện tiếp cận tư liệu sản xuất, thị trường vận hành thông thoáng. Trong các giai đoạn phát triển về sau, phải phân cấp, trao quyền để nông dân thông qua các tổ chức của mình làm chủ cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, với năng lực và vị thế công bằng với khối doanh nghiệp. Phải coi các tổ chức của nông dân là đại diện chính đáng, thay mặt nhà nước bảo vệ quyền lợi và phục vụ các nhu cầu cơ bản của người sản xuất kinh doanh ở nông thôn. Khi nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng, thì hợp tác xã là hình thức tổ chức nông dân chính. Khi sinh học đã trở thành một nền kinh tế, thì các hiệp hội ngành hàng chuyên nghiệp sẽ đóng vai trò chính giúp nông dân tham gia thị trường hiệu quả.

Những thay đổi trên thế giới hôm nay đang chứng tỏ những suy nghĩ của Giáo sư Đào Thế Tuấn đã đi trước rất xa thực trạng Việt Nam thế kỷ 20, với việc khẳng định vai trò đa dạng và đặc biệt của nông nghiệp, nông thôn; với yêu cầu xác lập vị thế và quyền hạn của nông dân; với việc nhấn mạnh sức mạnh đặc biệt của tổ chức cộng đồng; với cách chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa công nghiệp với nông nghiệp; sự phát triển hòa hợp và kết hợp cả về kinh tế, xã hội và môi trường; giữa đô thị hóa với phát triển nông thôn; với đề xuất tạo điều kiện cho giai cấp nông dân, xã hội nông thôn, kinh tế nông nghiệp tự chuyển mình tiến hóa về thể chế, tư duy; tự tích lũy đầu tư về nội lực tư bản và trí tuệ… Đây là những tư tưởng mới mẻ, có ý nghĩa thực tế hướng đến sự phát triển của đất nước trong thế kỷ thứ 21.

Từ mong muốn tối ưu hóa sinh trưởng cây trồng, sang cố gắng điều khiển đồng ruộng, rồi hiệu quả hóa kinh tế hộ nông dân, Giáo sư Đào Thế Tuấn đã hướng tới những phác thảo con đường phát triển xã hội nông thôn Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Kết hợp giữa các lý thuyết kinh tế mới của thế giới đang toàn cầu hóa và những kiến thức bản địa cổ truyền của dân tộc, nhà khoa học trong sáng Đào Thế Tuấn không ngại ngần đặt mọi vấn đề nhạy cảm làm đối tượng nghiên cứu khi đề cao các tổ chức xã hội dân sự, khi phê phán tình trạng bóc lột nông thôn, khi than phiền về sự yếu kém của ngành nông nghiệp trong công tác phát triển nông thôn… Trái tim nhân hậu của ông bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc, đồng cảm với tầng lớp lao động nông thôn đông đảo đang chủ động lột xác đi vào xã hội tương lai. Tư tưởng đó sẽ tiếp tục truyền nguồn cảm hứng cho các thế hệ mãi tiếp nối con đường chân lý khoa học.