Giữ gìn hương vị ngọt ngào trong văn hoá ẩm thực chè truyền thống

Chè từ lâu đã trở thành một món ăn thân thuộc mang theo hương vị đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam với sự giản đơn, dễ chế biến như chè đậu xanh, chè sen, chè trôi nước... Nhưng sau hàng chục năm phát triển cùng thời đại, món chè đã có những biến tấu đa dạng dẫn tới việc mất đi hương vị truyền thống và có nguy cơ bị “soán ngôi” bởi các thương hiệu chè hiện đại.
img-0085-1733806274.jpeg
Món chè sen bùi mát. Ảnh: Khánh Huyền cung cấp

Giữ gìn “vị ngọt” của một thức quà truyền thống

Được làm từ nhiều nguyên liệu gần gũi như đậu, trái cây, bột gạo, đường nâu…chè truyền thống đã từng bước đi vào đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam như một thức quà giải nhiệt. Mỗi loại chè, mỗi vùng miền đều có lựa chọn riêng để chế biến tạo nên sự đa dạng, phong phú, mang lại nhiều lựa chọn cho người thưởng thức. Giống như bát chè sen truyền thống của người Hà Nội, chỉ từ những nguyên liệu đơn giản bao gồm sen, bột năng, dừa nạo và thạch đen, người dân địa phương biến tấu theo cách riêng đã góp phần mang đến hương vị đặc biệt, phảng phất mùi thơm ngọt nhẹ nhàng cùng hậu vị tươi mát phù hợp để giải khát giữa những ngày hè oi bức.

Điều độc đáo của món chè sen là có thể thưởng thức quanh năm, tùy theo mùa và sở thích. Vào mùa hè, hầu hết thực khách ưa chuộng các món chè thanh mát, ít ngọt như chè bưởi, chè đỗ đen, chè đỗ xanh, dễ ăn và làm dịu mát cơ thể. Ngược lại, mùa đông lại thu hút người ta đến với những bát chè ấm nóng, nghi ngút khói, vừa ngon miệng vừa giúp làm ấm cơ thể. Chính điều này đã tạo nên một hương vị đặc trưng của chè trong nền ẩm thực Việt Nam.

Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu của người thưởng thức, thức quà này còn mang một giá trị văn hóa sâu sắc. Các món chè như chè trôi nước trong dịp Tết Nguyên Đán, chè đậu xanh trong dịp lễ mừng thọ... không chỉ là món ăn giải khát mà còn là thức quà dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn đối với cội nguồn. Những món chè giản dị nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc và sự kết nối giữa các thế hệ.

Nhưng theo thời gian, chè truyền thống hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh của hàng loạt những thương hiệu chè hiện đại, dần bị mất đi vị ngọt thanh đặc trưng, sự bình dị, gần gũi vốn có. Những thương hiệu chè hiện đại ngày nay không lựa chọn việc phát triển theo hướng hương vị xưa. Thay vào đó, họ đầu tư vào cả hình thức và chất lượng trong một bát chè với nhiều topping như phô mai, trân châu, sương sáo...thu hút sự yêu thích của giới trẻ bởi vị thơm đậm đà, béo ngậy cùng màu sắc hấp dẫn.

Xu hướng thời đại đã khiến cho chè truyền thống có nguy cơ bị xóa mờ khi những hạt đậu căng tròn, bùi béo giờ đây  đã được ăn cùng nhiều loại thực phẩm mới bằng những sự thể hiện sáng tạo của con người và thỏa mãn nhu cầu của giới trẻ.

Giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống

Dẫu vậy, đâu đó dưới lòng những thành phố, ta vẫn thấy có sự lẩn khuất của những gánh chè giản dị trong những con hẻm, hay những hàng chè ven đường mang đậm dư vị ngọt thanh truyền thống. Một trong những quán chè có tuổi đời ở Hải Phòng tại phố Hàng Kênh của cô Hồng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng thực khách.  

img-0086-1733806274.jpeg
Tiệm chè 269 Hàng Kênh. Ảnh: Phương Thảo

“Ban đầu, khi mẹ tôi mở bán chỉ có những món chè đơn thuần như chè đỗ đen, đỗ xanh. Hồi đó, khi thực phẩm, ăn uống còn khan hiếm, các món chè với kết cấu ba phần đỗ, bảy phần nước trở thành món giải khát chung cho mọi người. Đến nay mẹ tôi đã 76 tuổi nhưng vẫn hàng ngày nấu những thức quà mà bà tâm huyết. Quán tuy nhỏ nhưng vẫn đông người đến ăn với nhiều lứa tuổi khác nhau.”, cô Hồng chia sẻ.
 
Quán chè cô Hồng mở từ 8 giờ sáng đến 18 giờ tối tại Hàng Kênh. Mỗi ngày cô bán từ 150-200 cốc, cao điểm mùa hè có thể bán tới 300 cốc chè. Đến nay cô đã gắn bó với địa chỉ này tròn 34 năm với thực đơn bình dị đi cùng biết bao thế hệ.

img-0087-1733806274.jpeg
Các món chè tại quán chè cô Hồng. Ảnh: Phương Thảo

Chè truyền thống nấu cầu kỳ và mất nhiều thời gian, chẳng hạn như chè ngô phải nấu trong nhiều tiếng nhưng chi phí cho món ăn giải nhiệt này vẫn giữ mức giá hợp lý chỉ từ 6.000 - 15.000 tùy từng loại.

Chia sẻ của một thực khách khi tới quán chè của cô Hồng: “Tuy chỉ là một quán chè nhỏ nhưng mỗi khi tới đây cô cảm nhận được vị ngọt thanh đặc biệt của tuổi thơ mà hiện nay rất hiếm có được. Chè đỗ đen ở quán của chị Hồng mang vị ngọt thanh, bùi béo, thơm ngậy rất khó tả. Chính điều đó đã khiến cô ấn tượng và gắn bó tại nơi này hơn chục năm nay”.
 
Mỗi ngày, mẹ cô Hồng đều dậy từ rất sớm để có thể nấu được những nồi chè thơm ngậy, đặc sánh cho kịp lúc để cô mang ra bán. Những nồi chè tuy giản đơn đó nhưng đã gắn bó với cô Hồng và mẹ của cô trong chặng hành trình dài và trở thành món ăn truyền thống của gia đình. Chính vì vậy, những cốc chè béo ngậy ấy không chỉ mang theo sự tỉ mỉ, chăm chút của người nấu mà còn chất chứa cả những niềm hạnh phúc cùng giá trị đầy ấm áp mà họ gửi gắm vào với mong muốn có thể giữ gìn thức quà truyền thống của dân tộc mình.

img-0088-1733806274.jpeg
Chè đỗ đen thơm mùi dầu chuối, vị ngọt thanh của đỗ đen mềm, bùi kết hợp cùng dừa nạo tại quán chè cô Hồng. Ảnh: Phương Thảo

“Những quán chè truyền thống điển hình như chè cô Hồng cần được gìn giữ bởi nét truyền thống của dân tộc vốn là thứ cần được bảo tồn và phát huy. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại sẽ mang đến những giá trị tươi mới hơn cho nền văn hóa ẩm thực nước nhà” bạn Minh Phương - khách tại quán chè cô Hồng chia sẻ.

Có thể thấy, những thương hiệu chè hiện đại ngày nay càng được nổi lên nhiều hơn với những chiến lược quảng bá mới, thu hút thực khách ở mọi nơi. Dẫu vậy, chè truyền thống vẫn giữ cho mình một vị thế riêng trong lòng của mỗi người, mang theo những nét đẹp đặc trưng trong hương vị văn hóa của xứ Việt, ẩn chứa những ý nghĩa riêng cùng giá trị thời gian đáng quý. Và trong tương lai, chúng ta hứa hẹn có thể thấy được thức quà cổ xưa này sẽ có thể trở thành một di sản ẩm thực của thế giới -  tinh hoa bản sắc dân tộc, nâng tầm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.