Hà Tĩnh: Vùng đầm lầy bỏ hoang được hồi sinh nhờ trồng sen

Từ những vùng đầm lầy hoang hóa, người dân thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã biến thành những đầm sen lộng lẫy, mang lại không chỉ vẻ đẹp cho thành phố mà còn tạo ra nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, những vùng thấp trũng, ao hồ ở đây không thể sản xuất hoặc chỉ sản xuất kém hiệu quả, bị bỏ hoang nhiều năm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và sáng tạo của người dân đã đưa cây sen vào canh tác tại những vùng đất này và đạt hiệu quả cao.

Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Duy Đại ở xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh. Sau khi tham quan mô hình trồng sen tại Bắc Ninh, ông quyết định thuê lại đất của nhiều hộ dân để trồng sen. Chỉ sau hơn một tháng rưỡi, sen đã phủ đầy ruộng và gia đình ông bắt đầu thu hoạch ngó sen, sau đó là gương sen. Ngoài ra, gia đình ông còn có thêm nguồn thu từ hoa sen vào những dịp lễ, tết do nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Sau 1 năm trồng thử nghiệm, ông Đại đã thành công với mô hình này, các sản phẩm từ sen như hoa, hạt, ngó và củ đều cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh tế gấp đôi so với trồng lúa.

z5568071109488-af9ef21a3f19c468a3593b06ea9d54cd-1719885696.jpg

Từ đầm lầy hoang hóa đã trở thành các đầm sen đẹp đẽ, tươi xanh

Ông Nguyễn Hữu Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ cho biết, trước đây do đồng sâu trũng, thường xuyên ngập úng nên nhiều người dân không còn mặn mà canh tác, cánh đồng bị bỏ hoang. Nhưng kể từ khi đưa cây sen vào trồng, các cánh đồng này đã thực sự hồi sinh, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. So với trồng lúa, sen tốn ít chi phí đầu tư, tỉ lệ hao hụt thấp, ít sâu bệch và không tốn công chăm sóc. 

Tại xã Thạch Hưng, Hội Nông dân phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Thạch Hưng đã thành lập Tổ hợp tác trồng sen Thạch Hưng và triển khai mô hình trồng sen trên diện tích hơn 2ha. Anh Bùi Đình Hoàng (Tổ hợp tác trồng sen Thạch Hưng) cho biết: Sen bách diệp Hồ Tây là giống sen được Tổ hợp tác lựa chọn trồng. Đây là giống sen có hương rất thơm, chủ yếu lấy hoa để ướp trà, ướp rượu và trang trí.

Theo ông Nguyễn Chí Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hưng, mỗi năm Tổ hợp tác trồng sen xã Thạch Hưng cung cấp cho Hợp tác xã sen Hào Thành (thành phố Hà Tĩnh) từ 40 - 50 nghìn bông hoa sen, mỗi bông có giá từ 1.500 - 2.000 đồng (tùy thời điểm). Ngoài trồng sen, Tổ hợp tác còn kết hợp nuôi cá. Nguồn thu từ sen và cá đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Năm 2019, Tổ hợp tác trồng sen Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) đã triển khai trồng 0,7 hecta sen giống Tứ thời. Đến năm 2023, Tổ hợp tác đã chuyển sang trồng giống sen Bách diệp Hồ Tây. Ngoài cung cấp hoa cho HTX sen Hào Thành, Tổ hợp tác còn đầu tư phát triển các mô hình dịch vụ tổng hợp để khai thác triệt để sản phẩm từ sen và tre. Đoàn Thanh niên xã Thạch Linh đã xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm sen và nước uống; khai thác hồ sen cảnh quan và khu vực công viên tre trúc. Mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và thu hút được lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nơi đây đón khoảng 200 - 300 lượt khách mỗi ngày.

z5568071109490-0911fb83bd757bce2616aa27dceffc8d-1719885696.jpg

Người dân trồng sen vừa có thêm thu nhập vừa thay đổi cảnh quan đô thị của thành phố

Ông Hoàng Ngọc Quân - Phó Bí thư Đảng ủy phường Thạch Linh cho biết, phường Thạch Linh đã khuyến khích và vận động người dân chuyển đổi 3 hecta ao, hồ, ruộng trũng kém hiệu quả sang trồng sen với các giống như sen Bách diệp Hồ Tây, sen Quan âm. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, mở ra triển vọng sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Tĩnh theo hướng đa canh.

Dự án "Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại thành phố Hà Tĩnh" do Sở KH-CN Hà Tĩnh hỗ trợ đã được triển khai từ năm 2021. Hiện nay, thành phố Hà Tĩnh có hơn 30 hecta trồng sen, biến những vùng đầm lầy hoang hóa thành các ao sen lộng lẫy, không chỉ làm đẹp thành phố mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị trên thị trường.

Để nâng cao thu nhập từ cây sen, việc khai thác, chế biến sâu nhiều sản phẩm từ sen như hạt, ngó, lá, hoa, củ... cùng với đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị là điều cần thiết. Việc đưa cây sen vào canh tác tại những vùng đất hoang hóa, trũng thấp ở Hà Tĩnh đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố, vừa đẹp vừa mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương.