Dù đã qua gần 1 năm, nhưng nay nhớ lại vụ sạt lở núi Cấm vào đêm 12/11/2021, những người dân ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn còn nguyên nét kinh hoàng. Hàng chục ngàn khối bùn đất trên núi cùng với đá cùng lúc đổ ập xuống hàng trăm nhà dân sống dưới chân núi Cấm. Hiện nay, nhìn lên núi Cấm, chúng tôi vẫn còn thấy nguyên vẹn những vệt sạt lở hằn lên nền xanh của rừng keo.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, điểm sạt lở có chiều cao 300m, rộng 120m, sâu 3m với lượng đất đá sạt lở hơn 6.000m3. Vết sạt lở cách khu dân cư khoảng 30m, nước mưa cuốn theo lượng lớn đất đá, cây cối xuống khu vực dân cư. Toàn thôn Chánh Thắng có 245 hộ dân với 974 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi Cấm, trong đó có gần 50 hộ với gần 200 nhân khẩu nằm trong khu vực nguy hiểm do sạt lở núi.
Nhà anh Dương Quang Thắng (46 tuổi) dù không bị ảnh hưởng vụ sạt lở núi Cấm đêm hôm ấy, nhưng bây giờ kể lại chuyện cũ, anh Thắng cũng không khỏi bàng hoàng. “Đêm ấy mọi người đang say ngủ thì đột nhiên trên núi phát ra tiếng ầm ầm. Đến khi biết ấy là âm thanh sạt lở núi thì bà con sống dưới chân núi ai nấy đều bỏ của chạy lấy người, táo tác đổ về trường học ở cuối thôn hoặc chạy sang nhà bà con tá túc để giữ mạng sống. Hiện nay, những căn nhà bị đất đá vùi lấp chủ nhà vun thành đống để ở tạm. Những thửa ruộng bị đất đá theo nước tràn xuồng bồi lấp phải bỏ hoang mấy vụ sản xuất vì không canh tác được”, anh Thắng cho hay.
Đưa chúng tôi ra cánh đồng có tục danh Vườn Cũ ở thôn Chánh Thắng, anh Dương Quang Thắng chỉ về những thửa ruộng giờ đã biến thành đất thổ do đất đá bồi lấp trong vụ sạt lở núi Cấm. Đất nông nghiệp ở đây chẳng có là bao, mỗi nhân khẩu được nhận chưa tới 1 sào ruộng (500m2/sào), ấy vậy mà giờ ruộng nương bị bồi lấp, những nông dân chủ ruộng lâm cảnh khốn đốn.
Người dân mong chốn an cư
Trước tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại núi Cấm. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Phù Cát và UBND xã Cát Thành tập trung khắc phục hậu quả thiên tai sạt lở tại núi Cấm và xây dựng khu tái định cư, sơ tán khẩn cấp 117 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tỉnh Bình Định cũng đã mời chuyên gia nghiên cứu các giải pháp hạn chế sạt lở; chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, từng bước khôi phục hiện trạng rừng tự nhiên ở khu vực núi Cấm. Huyện Phù Cát có trách nhiệm thông báo, cảnh báo cho người dân biết vị trí trên đường giao thông dưới chân núi Cấm bị ảnh hưởng do sạt lở; tạm dừng các hoạt động khai thác gỗ keo và các loại cây trên núi.
“Rừng keo trên núi Cấm do người dân trong thôn Chánh Thắng trồng để kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Thế nhưng hiện nay chính quyền không cho khai thác, để rễ cây giữ kết cấu của nền đất núi nhằm tránh sạt lở thêm. Bây giờ mà khai thác rừng cây ấy thì nạn sạt lở càng thêm nghiêm trọng”, anh Dương Quang Thắng cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện nay những hộ dân nằm trong diện di dời khỏi vùng nguy hiểm dưới chân núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn. Mùa mưa bão năm 2022 đã cận kề, những hộ dân này đang sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, không biết những vết sạt lở cũ của năm trước năm nay có còn tiếp tục “trút” đất đá xuống nữa không? Và trên núi Cấm có phát sinh thêm vết sạt lở mới hay không? Trong phương án phòng chống thiên tai năm nay, chắc chắn huyện Phù Cát và xã Cát Minh đã đưa 117 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm vào diện di dời đến nơi an toàn để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, những hộ dân này vẫn mong mỏi được di dời đến đến nơi định cư an toàn để an tâm sinh sống, làm ăn.