Thuở nhỏ được học với các thầy giáo yêu nước, Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy và các sỹ phu yêu nước. Nhờ đó dần dần Nguyễn Tất Thành hiểu được thời thế. Đặc biệt Nguyễn Tất Thành thấm thía trước cảnh nước mất nhà tan, nên đã tâm đắc với hai câu thơ của cụ Phan Bội Châu để tự răn mình :
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị (preparatoire) Trường tiểu học Pháp bản xứ, Vinh. Tại đây lần đầu tiên cậu Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
Năm 1908, Tất Thành vào học Trường Quốc học Huế, đúng lúc cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên, cậu đã tham gia, nên đã bị thực dân Pháp theo dõi. Tháng 6-1909, Nguyễn Tất Thành rời Huế theo cha vào Bình Khê. Cuối năm 1909, Thành vào học Trường tiểu học Quy Nhơn. Tháng 6-1910, Thành học xong tiểu học, được tin cha bị cách chức tri huyện, triệu hồi về Huế. Thành quyết định đi vào Nam, đến Phan Thiết dạy học ở Trường Dục Thanh.
Trong hồi ức của mình, Nguyễn Ái Quốc viết (1923 ): “Khi tôi đọ 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái …Từ thưở ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy”.
Tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn, lấy tên là Văn Ba. Với tài giao thiệp chân thành của mình, ngày 3-6-1911, được chủ tàu đồng ý, Văn Ba được làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Treville để được sang tìm hiểu văn minh Pháp.
Ngày 5-6-1911, tàu nhổ neo đi Marseille. Trên tàu anh Ba làm việc quần quật suốt ngày, không nề hà một việc gì. Tuy là “một thằng nhỏ” giúp việc , nhưng anh Ba nhiệt tình nhã nhặn, lại sẵn sàng giúp những thủy thủ mù chữ viết thư về nhà, nên được mọi người trên tàu quý trọng.
Ngày đầu đến Marseeille, anh Ba nhận xét: “Người Pháp ở Pháp tốt hơn người Pháp ở Đông Dương”.
Văn Ba theo tàu đi Martinique, Argentina… Cuối năm 1912, anh dừng lại ở Mỹ, tuy không lâu nhưng Nguyễn Tất Thành đẫ nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ.
Đầu năm 1913, Thành rời Mỹ đi London, để kiếm sống anh nhận quét tuyết cho một trường học, đêm về học Anh ngữ. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Tại đây Thành làm nghề chụp ảnh để sinh sống và hoạt động. Ngoài ra anh còn viết báo và đọc sách văn học.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, cùng với Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Verseille bản “Yêu sách 8 điểm của nhân dân Annam”.
Tại Đại hội lần thư XIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc tán thành Quốc tế III ( Quốc tế Cộng sản ) và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Công sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam
Để làm vũ khí đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa, ngày 20-7-1922, Nguyễn Ái Quốc cùng các công sự lập Hội Liên hiệp thuộc địa và ra báo Le Paria (Người cùng khổ ).
Các hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp, được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá rất cao. Uy tính và vai trò của Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản biết đến và Người được Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva.
Tháng 10-1923, Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất do Quốc tế Cộng sản triệu tập họp tại Matxcơva Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương .
Do Lenine ốm nặng nên Đại hội V Quốc tế Cộng sản đến ngày 17-6-1924 mới khai mạc. Sau khi tham dự Đại hộiV Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc hoàn thành cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và gửi cho Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris. Tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Quảng Châu Trung Quốc. Tại đây, tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, ra báo Thanh niên và viết cuốn “Đường Kách mệnh”.
Trung tuần tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản cử đi Pháp công tác. Đầu tháng 12- 1927, Người đi dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng chống đế quốc tại Brussel, Bỉ. Do bị mật thám Pháp theo dõi, Người bí mật trở lại Đức làm phóng viên cho báo Die Welt (Thế giới ). Đầu tháng 6- 1928, được Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản đồng ý, Nguyễn Ái Quốc rời Berlin về Xiêm ( Thái Lan ) hoạt động dưới cái tên Thầu Chín.
Nhận thức được nguy cơ phân liệt của các tổ chức Cộng sản Việt Nam, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc đi Hồng Kông triệu tập các tổ chức Cộng sản Việt Nam sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất. Đại hội Đảng họp do Người chủ trì quyết định lấy ngày 3-2-1930 là ngày thành lập Đảng. Đại hội thông qua “Chính cương”, “Sách lược”, “Điều lệ”, “Chương trình vắn tắt”.
Ngày 6-6-1931, dưới cái tên Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt tại số nhà 186 phố Tam Lung. Nhờ sự giới thiệu của Quốc tế Cứu tế đỏ, Luật sư F.H. Loseby can thiệp qua 9 phiên tòa, cuối cùng buộc Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ.
Mùa Xuân 1934, Nguyễn Ái Quốc rời Thượng Hải đi Liên Xô, tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản với tư cách đại biểu tư vấn.
Được sự chấp thuận của đồng chí Dimitrov, Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản, đầu tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc đến Lan Châu, được văn phòng Bát Lộ quân cấp chứng minh thư Trung Quốc mang tên Hồ Quang, cấp bậc Thiếu tá. Sau đó Người về Quảng Tây.
Ngày 28-1- 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn tùy tùng về nước qua cột mốc 108, đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ngày 8-2-1941, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó thôn Pắc Bó, lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công.