Hóa học hóa hay hữu cơ hóa nông nghiệp Việt Nam (Phần II)

23/04/2022 17:43

Nongthonvaphattrien - Hóa học hóa hay hữu cơ hóa nông nghiệp Việt Nam là một vấn đề được luận bàn nhiều tại hầu hết diễn đàn nông nghiệp. Đây là vấn đề được đặt ra gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết về chủ đề này của PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của sản xuất nông nghiệp là cung ứng cho thị trường sản xuất đủ về số lượng và chủng loại, đúng về thời điểm và chất lượng tốt nhất.

Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh trên hầu hết các loại đất, phân bón vô cơ có mối quan hệ qua lại rất chặt với phân hữu cơ. Bón phân hữu cơ làm tăng hiệu suất sử dụng phân đạm 30 - 40%, phân lân 20 - 25% và thay thế được 30 - 40% phân kali với lượng bón 10 tấn/ha. Như vậy, cực đoan vô cơ hay hữu cơ đều mang lại hiệu quả tiêu cực về kinh tế và môi trường. Con đường duy nhất đúng là cân đối giữa vô cơ và hữu cơ cả về tỷ lệ và liều lượng cho mỗi loại cây trồng trên mỗi loại đất... Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng để vừa đảm bảo tăng năng suất, chất lượng vừa góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Do vậy, cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới, có hiệu quả sử dụng cao sẽ là rất cần thiết.

1. Phát triển phân bón vô cơ thế hệ mới

bang1-1650709026.jpg

Hiện tại Việt Nam đang sử dụng phân bón vô cơ dạng đơn hoặc NPK chủ yếu dạng phối trộn, hiệu suất sử dụng còn rất thấp (trung bình chỉ 45 - 50% với phân đạm, 35 - 40%

với phân lân, bao gồm cả hiệu lực tồn dư và 55 - 60% với phân kali. Như vậy, nhìn chung chúng ta mất đi khoảng 50% lượng phân bón vô cơ sử dụng. Điều này không chỉ tổn thất về kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính.

Xu thế của thế giới hiện nay là sử dụng phân bón vô cơ chậm tan (Slow release fertilizer- SRF), phân bón có kiểm soát (Controlled Release Fertilizer-CRF) và phân bón mang tính ổn định (Stabilized Fertilizer-SF). Đặc điểm chung và các dạng sản phẩm điển hình của các loại phân SRF, CRF và SF được trình bày trong Bảng 11.

Bảng 12 cho thấy, trong các nhóm phân bón thế hệ mới, thì phân bón ổn định (SF) chiếm tỷ lệ cao nhất (68,1% năm 2016 và 68,8% năm 2018) và cũng chủ yếu tập trung vào nhóm ức chế chuyển hóa urea và nitrat. Phân bố sử dụng phân bón SF thể hiện tại Bảng 10, theo đó, Bắc Mỹ và Bắc Á sử dụng nhiều loại phân bón này nhất, chiếm tương ứng 5,45 triệu tấn và 2,33 triệu tấn. Các hoạt chất sử dụng phổ biến là NBPT và DCD, trong đó NBPT là chất ức chế chuyển hóa urea còn DCD ức chế quá trình chuyển hóa nitrat.

bang12-1650709107.jpg

Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng Hydroquinone (HQ) không hiệu quả do giá thành tăng cao vì phải phối trộn tối thiểu 1% khối lượng phân urea nên chỉ có các nước Đông Á sử dụng. NBPT là hoạt chất sử dụng phổ biến nhất tại tất cả các châu lục, do chi phí thấp hơn các hoạt chất khác. Tuy nhiên, NBPT lại rất nhạy cảm với nhiệt độ, độ ẩm và pH (khi pH bằng 4 thì NBPT chỉ tồn tại được 12 giờ) nên rất khó đảm bảo tính ổn định và gần như không thể sử dụng cho phân bón NPK.

Để giải quyết tồn tại của NBPT, các công ty phân bón đã đưa ra chế phẩm N- PROTECT, chứa 18 - 50% NBPT song có bổ sung dung môi nguồn gốc sinh học nên thời gian ổn định có thể tới 1 năm. Còn để hạn chế tồn tại của DCD (phải sử dụng tỷ lệ cao khí phối trộn), có thể dùng NH4 PROTECT trên cơ sở cải tiến DCD từ dạng bột thành dung dịch chứa 30% a.i của DCD. Việc phối hợp DCD và NBPT hay N PROTECT với NH4 PROTECT cũng cho hiệu quả cao. Ngoài ra, còn có thể sử dụng Avail và các chế phẩm tương tự để nâng cao hiệu quả sử dụng lân.

Như vậy, ngoài việc nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón (để giảm chi phí vận chuyển, bón phân), sản xuất phân bón chuyên dùng phù hợp với từng cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng, từng loại đất thì chỉ riêng việc sử dụng phân bón chậm tan, phân bón có kiểm soát và đặc biệt là phân bón ổn định có thể nâng cao thêm hiệu quả sử dụng 15 - 20% hay nói cách khác, giảm sử dụng phân bón 30 - 35%, vừa cải thiện thu nhập cho nông dân vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

2. Phát triển phân bón hữu cơ chất lượng cao

bang123-1650709176.jpg

Hiện nay, chúng ta đang sử dụng các nguồn thông tin khác nhau để cho rằng hàng năm Việt Nam mới sử dụng khoảng 1,2 triệu tấn phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, thực chất không phải như vậy. Hiện nay, phân bón hữu cơ của Việt Nam có từ 5 nguồn chính:

i) Phân hữu cơ sản xuất công nghiệp, gồm: hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng; ii) Phân chuồng do nông dân, trang trại tự ủ dạng compost; iii) Phân bắc và nước tiểu; iv) Phân xanh và v) Tàn dư thực vật và phụ phẩm. Do vậy, nếu chỉ tính phân bón hữu cơ chế biến công nghiệp, có đăng ký là chưa đầy đủ, làm cho định hướng sản xuất bị sai lệch. Số lượng phân hữu cơ do nông dân, trang trại, doanh nghiệp tự sản xuất, phân xanh, tàn dư thực vật và phụ phẩm nông nghiệp chưa được thống kế đầy đủ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng khối lượng phân hữu cơ các loại sử dụng bón cho cây trồng đang ngày càng giảm đi và mất cân đối nghiêm trọng so với phân bón vô cơ, do các nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón hữu cơ đang bị lãng phí nghiêm trọng.

bang1234-1650709309.jpg

Ghi chú: % so phân tươi: - N: Lợn thịt: 0,72; Gia cầm: 1,11; trâu và bò: 0,44; N-NH4: Lợn thịt: 0,42; Gia cầm: 0,52; trâu và bò: 0,22.

- P2O5: Lợn thịt: 0,18; Gia cầm: 0,39; trâu và bò: 0,07; K2O: Lợn thịt: 0,60; Gia cầm: 0,44; trâu và bò: 0,51.

Theo điều tra của Dự án nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) tại 10 tỉnh vào năm 2013 (Bảng 14) thì có tới 62,1% lượng chất thải chăn nuôi bị bỏ đi/thải ra môi trường và chỉ có 10% được sử dụng để ủ phân compost. Điều này liên quan chủ yếu đến công nghệ chăn nuôi lợn thịt sử dụng quá nhiều nước và khan hiếm lao động. Một phần nữa do người dân chưa ý thức được vai trò của phân hữu cơ cũng như quản lý chăn nuôi và chất thải chăn nuôi còn lỏng lẻo. Tương tự, với phụ phẩm trồng trọt có khối lượng lớn nhất là rơm rạ thì cũng có tới 49% bị đốt bỏ, có tỉnh đốt tới 75% và số lượng sử dụng cho ủ phân compost cũng chỉ đạt 8,8% (Bảng 15). Đây chính là nguyên nhân mà lượng phân hữu cơ cung ứng cho sản xuất nông nghiệp ngày một suy giảm.

Như vậy, với việc lãng phí phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi như hiện nay thì hàng năm chúng ta đã mất đi hàng triệu tấn chất dinh dưỡng (Bảng 16).

Nếu lấy tỷ lệ tối ưu dinh dưỡng từ nguồn hữu cơ là 30% thì để cân đối với khoảng 4 triệu tấn chất dinh dưỡng (từ 9 triệu tấn phân bón vô cơ) đang sử dụng thì chúng ta cần khoảng 2 triệu tấn chất dinh dưỡng từ nguồn phân hữu cơ các loại, tương đương 50 - 60 triệu tấn phân chuồng truyền thống7.

Xét về tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất đủ số lượng phân hữu cơ nêu trên để có trung bình 4 tấn phân hữu cơ/ha gieo trồng với nguồn nguyên liệu chất lượng cao là 60 - 65 triệu tấn phân gia súc, gia cầm (chứa khoảng 800 ngàn tấn chất dinh dưỡng), 50 - 55 triệu tấn phụ phẩm cây trồng (chứa khoảng 1 triệu tấn chất dinh dưỡng). Đó là chưa kể một lượng lớn phân bắc (khoảng 3,5 - 4 triệu tấn) chưa được tận dụng... Do vậy, chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường sản xuất phân hữu cơ cho mục tiêu 50 triệu tấn/năm như sau:

i) Luật hóa về sử dụng các nguồn hữu cơ sẵn có, trước mắt đưa vào Nghị định thực hiện Luật Trồng trọt và Luật chăn nuôi, coi phân gia súc, gia cầm là tài nguyên, thay vì coi là chất thải cần xử lý để xả ra môi trường. Với cách làm hiện nay, chúng ta vừa tốn chi phí cho xử lý chất thải lại vừa lãng phí nguồn dinh dưỡng rất lớn trong các phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi.

ii) Có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật thì hiện nay (2019) có 137 doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ và 88 doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phân bón hữu cơ vừa vô cơ với tổng công suất đăng ký gần 3,2 triệu tấn phân bón hữu cơ. Tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể, song có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ trên nền than bùn, dinh dưỡng thấp. Số lượng doanh nghiệp có công suất trên 20 ngàn tấn/năm là 29 (12,8%) và doanh nghiệp công suất trên 50 ngàn tấn/năm chỉ là 8 (3,6%). Nếu chúng ta hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp với tổng công suất 200 - 500 ngàn tấn/năm để có10 triệu tấn phân bón hữu cơ chế biến, đáp ứng 20% nhu cầu phân hữu cơ của cả nước, phần còn lại các trang trại, doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi sẽ sản xuất phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp có bộ chủng giống VSV chuyển hóa chất hữu cơ chuẩn cho mỗi loại chất thải; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm... cũng như liên kết với trang trại chăn nuôi để thu gom chất thải và phương tiện vận chuyển chất thải phù hợp, đảm bảo VSMT.

iii) Điều chỉnh cơ cấu chăn nuôi, tăng tỷ lệ đại gia súc ăn cỏ, giảm tỷ lệ đàn lợn để vừa giúp tái cơ cấu sử dụng đất hiệu quả hơn sang trồng cây thức ăn gia súc (nhất là tại miền núi, trung du), đồng thời cũng khai thác hiệu quả hơn phụ phẩm trồng trọt, kể cả ngô sinh khối (làm thức ăn tươi và ủ chua). Hiện nay, tỷ lệ thịt lợn trong cơ cấu thịt của Việt Nam rất bất hợp lý, chiếm khoảng 72% tổng sản lượng thịt các loại là quá cao, trong khi thịt đỏ (trâu bò, dê cừu) mới chỉ đạt 8,35%. Thêm nữa, đại gia súc ít chịu ảnh hưởng dịch hại trên quy mô lớn như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi.

iv) Hiện nay, trong chăn nuôi lợn thịt, phần lớn nông dân sử dụng quá nhiều nước để rửa chuồng, tắm và làm mát cho lợn với khối lượng 30 - 50 lít nước/con/ngày. Đây là công nghệ (nhập nội) giảm chi phí lao động song lại tạo ra gánh nặng cho việc xử lý chất thải vì việc thu gom rất khó khăn vì không ai hòa loãng chất thải xả ra môi trường. Do vậy, phát triển và mở rộng ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước trong chăn nuôi lợn là rất cần thiết. Những kết quả nghiên cứu của dự án “Nông nghiệp cacbon thấp” (LCASP) đang triển khai cho thấy nhiều mô hình chăn nuôi tiết kiệm nước rất hiệu quả, giảm trung bình từ 30 - 35 lít nước/con/ngày xuống còn 5 - 6 lít/con/ngày. Mô hình này cho phép thu gom triệt để chất thải rắn, không xả chất thải lỏng ra môi trường. Phương thức chăn nuôi này còn giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh, có hộ còn thấy tăng trọng nhanh hơn. Các trang trại, hộ gia đình đang hợp đồng gia công chăn nuôi lợn với doanh nghiệp, nếu vẫn sử dụng công nghệ lãng phí nước cần yêu cầu bên thuê phải trả thuế tài nguyên nước và chi phí xử lý môi trường, thay vì phần lợi nhuận về kinh tế họ hưởng, còn phần xử lý hậu quả môi trường thì xã hội phải gánh chịu.

v) Với chất thải lỏng trong chăn nuôi, cần có các quy định hợp lý để người dân, trang trại được sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng sau khi đã tuân thủ các bước xử lý phù hợp. Trước mắt, khi thẩm định dự án phát triển chăn nuôi trang trại, cần có các cam kết sử dụng toàn bộ nguồn phân bón hữu cơ (rắn và lỏng) thải ra để bón cho chính trang trại của mình hoặc liên kết với trang trại trồng trọt xung quanh để sử dụng. Các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích sử dụng chất thải chăn nuôi lỏng bón trực tiếp vào đất trên cơ sở hạn mức về lượng đạm quy đổi cho 1 hecta (khoảng 180 - 200 kgN/ha).

bang123412-1650710060.jpg

Luật Chăn nuôi hiện nay đã quy định mật độ chăn nuôi cũng như khối lượng chất thải tính trên số lượng vật nuôi căn cứ trên diện tích đất nông nghiệp cho từng vùng sinh thái. Khi chốt mật độ, nếu số lượng vượt quá sẽ không được nuôi nữa mà buộc phải giảm cho đúng quy định. Tuy nhiên, quy định này rất khó khả thi trong thực tiễn. Chúng tôi cho rằng, cần có chính sách

khuyến khích hộ/trang trại chăn nuôi xây dựng tại các vùng có khả năng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi để sử dụng hết nguồn chất thải lỏng cũng như chất thải rắn. Các quy định bắt buộc tổ chức và cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lí chất thải ở dạng rắn, lỏng, khí cần giám sát thực hiện nghiêm túc.

Hiện tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62- MT:2016/BTNMT) của Bộ TN&MT là văn bản quy định về tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải chăn nuôi khi xả thải ra nguồn tiếp nhận bên ngoài khu vực trang trại. Tuy nhiên, Quy chuẩn 62 nêu trên lại không có điều khoản quy định đối với nước thải chăn nuôi khi sử dụng cho mục đích làm phân bón, tưới cây, do vậy có thể cần làm rõ hơn hướng dẫn này cho nông dân. Tất nhiên, nước thải chăn nuôi sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng phải được hiểu là từ chăn nuôi an toàn sinh học, không có dịch bệnh.

vi) Hiện nay, chúng ta có khoảng trên 500 ngàn công trình khí sinh học các loại, chủ yếu quy mô nhỏ (< 10 m3). Tuy nhiên, với phương thức vận hành như hiện nay chưa đáp ứng mục tiêu vừa xử lý chất thải chăn nuôi vừa cung cấp khí sinh học cho sinh hoạt và đời sống. Rất nhiều công trình bị quá tải, chất thải không được xử lý, khí sinh học không được sử dụng, xả ra môi trường. Theo báo cáo đánh giá của Ban quản lý dự án Nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) thì các hầm biogas đem lại tỷ suất lợi nhuận không cao (chỉ tối đa khoảng 17% một năm đối với hầm biogas có dung tích khoảng 9 m3) và hầu hết các hầm biogas có dung tích trên 50 m3 đều cho tỷ suất lợi nhuận âm (tức là lợi nhuận thu được không đủ bù đắp chi phí vận hành bảo dưỡng hầm biogas)8. Do vậy, Chính phủ cần điều chỉnh mục tiêu của chương trình khí sinh học, lấy nhu cầu sử dụng khi sinh học làm đích, bằng không, cần có giải pháp thu gom chất thải làm phân bón hữu cơ.

vii) Phát triển công nghệ tái sử dụng tối đa nguồn phụ phẩm cây trồng cả trong quá trình sau thu hoạch và chế biến. Một nguyên lý đã được thừa nhận, mỗi cây trồng đều có sự lựa chọn trong quá trình hút chất dinh dưỡng. Do vậy, nếu tái sử dụng được các phụ phẩm này là chúng ta đã phần nào trả lại cho đất đúng với những gì cây trồng đã lấy đi và việc bổ sung dinh dưỡng từ phân bón sẽ dễ dàng hơn và ít hơn. Đặc biệt phụ phẩm cây trồng (nhất là rơm rạ và trấu) rất giàu kali có thể giảm được lượng phân kali bón tới 25 - 30%, loại phân mà chúng ta hàng năm phải nhập khẩu 100% (khoảng 1,04 triệu tấn năm 2018). Do vậy, tái sử dụng phụ phẩm của cây trồng vụ trước cho cây vụ sau là rất cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa khi trong cơ cấu luân canh có cây bộ đậu. Phát triển nấm ăn cũng là giải pháp xử lý chất hữu cơ hiệu quả, đa mục tiêu.

viii) Có lẽ đã đến lúc cần đầu tư cho công nghệ xử lý phân bắc (trên 5 triệu tấn/năm). Cần thiết loại bỏ dần công nghệ “hòa loãng” chất thải hiện này, thay vào đó là các công nghệ xử lý khô vì đây cũng là nguồn chất dinh dưỡng rất giá trị của ngành trồng trọt.

ix) Đa dạng hóa nguồn phân xanh là giải pháp căn cơ, hiệu quả, nhất là trên đất dốc, đất cát và đất xám bạc màu. Trong các trang trại cây lâu năm cần tăng cường trồng xen cây phân xanh hoặc các cây bộ đậu. Tại các vùng sản xuất cây lương thực, nhất là tại phía Bắc nên hỗ trợ người dân trồng các cây họ đậu (nhất là đậu tương) để vừa tạo ra sản phẩm vừa góp phần cải tạo đất, vì nếu chỉ xét về hiệu quả kinh tế thì rất ít người trồng, đất bị bỏ hoang trong thời gian khá dài.

x) Khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ khoáng để nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón, nhất là phân hữu cơ chất lượng cao, tỉ trọng lớn (dạng viên nén, ép) để giảm chi phí vận chuyển, sử dụng. Hiện nay, các nước phát triển đều phát triển phân bón hữu cơ dạng này, hàm lượng chất hữu cơ trên 60 - 70%, thậm chí cao hơn.

xi) Việt Nam có vùng biển rộng lớn, phù hợp cho phát triển rong biển, do vậy Nhà nước cần sớm có chiến lược phát triển nuôi trồng rong biển phục vụ đời sống và trong đó có nguyên liệu cho sản xuất phân bón hữu cơ.

xii) Kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường nguồn nhân lực để giám sát chất lượng phân bón hữu cơ một cách hiệu quả từ điều kiện và công nghệ sản xuất, nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm để đảm bảo các doanh nghiệp chân chính được bảo vệ... vì phân hữu cơ sử dụng nguyên liệu và công nghệ rất đa dạng, chất lượng khó ổn định. Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt cũng như vai trò phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp để họ tự nguyện thu gom, sản xuất và sử dụng.

KẾT LUẬN

Phân bón có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Từ ngàn năm nay, thế hệ cha ông đã đúc kết: Nhất nước, nhì phân... Gần đây, tỷ phú công nghệ, tưởng rằng không liên quan và không quan tâm gì đến phân bón cũng có phát biểu rất tâm huyết và khách quan là: “Tôi phần nào đó bị ám ảnh bởi phân bón. Có nghĩa là tôi rất thích thú với vai trò của nó chứ không phải là cách sử dụng nó... Cứ hai trong năm người trên trái đất này được sống nhờ sản lượng cây trồng tăng lên do phân bón. Phân bón giúp động lực cho cuộc cách mạng xanh, bùng nổ năng suất để đưa hàng trăm triệu người trên toàn cầu thoát khỏi nghèo đói. Những ngày gần đây, tôi giành nhiều thời gian cho sáng tạo công nghệ mới để cải thiện cuộc sống của con người như phân bón đã và đang làm. Cho tôi nhắc lại điều này: 40% dân số thế giới đang còn sống hôm nay là vì vào năm 1909, nhà hóa học người Đức Fritz Haber đã phát minh ra phương pháp tổng hợp ammoniac”9. Còn tập đoàn Nông nghiệp Agrium thì nhận định “Nếu không có phân bón, chúng ta cần tăng thêm ít nhất 50% diện tích đất canh tác, tương đương khoảng 25% diện tích rừng toàn cầu để có đủ lương thực cho 10 tỷ dân vào 2050. Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) thì cho rằng, đến 2050 sản xuất lương thực cần tăng thêm 60% trên toàn cầu và 77% ở các nước đang phát triển trong khi diện tích đất không thể tăng thêm10.

Để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, Việt Nam cần tiếp cận nông nghiệp một cách thông minh, đó là: i) Thông minh với thị trường, ii) Thông minh với đặc thù điều kiện tự nhiên và khí hậu để khai thác tốt nhất lợi thế và iii) Thông minh với năng lực đầu tư, trình độ công nghệ của doanh nghiệp, người dân, trong đó có thông minh với nguồn chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Do vậy, trong lĩnh vực phân bón, không nên cực đoan vai trò của loại phân bón nào. Mục đích của sản xuất nông nghiệp là tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tính đa dạng của nhu cầu thị trường. Trên quan điểm này, cân đối và cân bằng giữa các nguồn. 

dinh dưỡng phù hợp với đất đai, khí hậu, cây trồng và thị trường sẽ có vai trò quyết định. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Phát triển và hội nhập”, ngày 16/12/2017 tại Hà Nội là: “Trong Nông nghiệp, nông nghiệp phi hữu cơ (dựa vào hóa học) vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.

Nhưng bón phân bao nhiêu và ở dạng nào, tỷ lệ ra sao là cả một vấn đề lớn. Chúng ta đã đảm bảo đủ về số lượng và chủng loại phân bón vô cơ, song chúng ta còn thiếu rất nhiều phân bón hữu cơ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, chúng ta lại đang lãng phí phần lớn nguồn nguyên liệu hữu cơ, vừa gây tổn thất về kinh tế lại tăng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi mong muốn, vấn đề phân bón hữu cơ sẽ được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp quan tâm thật sự với một đề án phát triển mang tính khả thi cao, thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân vì một nền “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh” như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai giảng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 30/9/2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. AgroMonitor, 2019. Báo cáo thường niên: Thị trường phân bón 2018 và triển vọng 2019.
2. Burton C.H, & Turner C. “Manure Management” - Silsoe Reseach Institute (p.74, 178, 307, 344), 2003, UK
3. Bùi Văn Chính, Lê Thị Xuân Thu, 2017. Sử dụng chất thải chăn nuôi lỏng cho cây trồng trên thế giới và ở Việt Nam. Báo cáo Hội thảo: “Sản xuất và sử dụng chất thải chăn nuôi theo chuỗi giá trị” do dự án Nông nghiệp cacbon thấp (LCASP) tổ chức ngày 15 - 16 tháng 12 năm 2017 tại Khách sạn Lâm Nghiệp, Đồ Sơn, Hải Phòng.
4. Đài KT-TV khu vực Nam Bộ (Trung tâm KT-TV Quốc gia). Diễn biến chất lơ lửng và nguy cơ sạt lở vùng ĐBSCL. Báo cáo Hội thảo: Đánh giá nguy cơ lũ sớm, lũ lớn năm 2017 ở ĐBSCL. Đồng Tháp, ngày 2/6/2017.
5. Organic Fertilizers Market. https://www.persistencemarketresearch.com/market- research/organic-fertilizer-market/toc.
6. The World Oganic Agriculture, 2018.
7. Balu L. Bumb and Carlos A. Baanante, 1996. The Role of Fertilizer in sustaining Food Security and Protecting the Environment to 2020. International Food Policy Research Institute, Washing ton D.C., 1996.
8. Nguyễn Văn Bộ. Những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ phân bón. Kết quả nghiên cứu khoa học. Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Q.3. NXB Nông nghiệp, 1999.
9. Nguyen Van Bo, E. Mutert, Cong Doan Sat, 2003. Balanced Fertilization for Better Crops in Vietnam. PPI-PPIC Publication, 2003.
10. Helen Gu, 2019. Stabilized fertilizers in Asia: challengesand opportunities. Paper presented at the “Argus NPK & Value Added Fertilizer Conference, HCMC, June 26 - 28, 2019.
11. Trần Minh Tuấn, Viện KHTL Miền Nam. Một số vấn đề về dòng chảy và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Báo cáo HT: Xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt, thích ứng với BĐKH tại các tỉnh ĐBSCL”, Cần Thơ, 21/7/2017.

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Nguyên giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "Hóa học hóa hay hữu cơ hóa nông nghiệp Việt Nam (Phần II)" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309