Hội thi "Người Vận Hành Máy Cấy Giỏi Vụ Mùa Năm 2024" tại Phú Xuyên: Mưa lớn không làm chùn bước nông dân

Cơn mưa xối xả bất ngờ khiến những chiếc flycam phải hạ cánh khẩn cấp, trống đánh không còn nghe rõ, nhưng đám đông vài trăm người vẫn cổ vũ nhiệt tình. Tiếng hò reo "Nam Phong cố lên", "Nam Tiến cố lên" lấn át cả tiếng mưa. 10 đội thi đấu tại hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024” do Sở NN-PTNT Hà Nội và UBND huyện Phú Xuyên tổ chức, không ngừng nỗ lực trên cánh đồng xã Nam Phong vào sáng ngày 26/6.
 

Mưa đổ ào ào như thùng nước lớn từ trời khiến một số khán giả lo lắng: “Không khéo lại nổi cả mạ ông ạ”. Mưa cũng làm cho máy cấy không người lái trình diễn cùng lúc với 10 đội thi bắt tín hiệu kém, di chuyển chậm chạp và loạng choạng. Tuy nhiên, sự khéo léo và tinh thần quyết tâm của người điều khiển đã giúp cả 10 chiếc máy cấy tạo những đường mạ non thẳng tắp trên mặt ruộng ngập nước.

dsc-9090-165028-505-201125-1719719378.jpg
Dù mưa to nhưng rất đông người xem hội thi

Tham gia cuộc thi là 10 đội đến từ 3 huyện: Phú Xuyên (8 đội), Ứng Hòa (1 đội) và Thường Tín (1 đội). Mỗi đội nhận 60 khay mạ để cấy trên diện tích 5 sào (1.800m2) bằng máy cấy 6 hàng trong thời gian tối đa 25 phút. Ngay từ phút đầu tiên, chiếc máy cấy số 3 của HTX Nông nghiệp Phú Thịnh, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên đã vượt lên dẫn đầu. Trong khi các máy khác mới chỉ đi được một đường, nó đã kịp hoàn thành một đường rưỡi. Tiếng trống, tiếng chiêng vang dội làm không khí thi đấu trở nên sôi động.

dsc-9070-165027-614-201126-1719719418.jpg
Các thí sinh và giám khảo vẫn kiên trì dưới mưa

Dù khán giả không có áo mưa, ô dù phải trú dưới mái bạt nhỏ, các thí sinh và giám khảo vẫn kiên trì dưới mưa, tập trung điều chỉnh máy, tiếp khay mạ, đo mật độ khóm trên mỗi mét vuông. Phần thi thực hành này chiếm 90 điểm, được đánh giá dựa trên 6 tiêu chí: số dảnh/khóm, độ sâu cấy, độ đồng đều, khoảng trống đầu bờ, độ thẳng hàng và thời gian hoàn thành.

Ông Đỗ Công Chiến, một nông dân 75 tuổi và là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Nam Phú, xã Nam Phong, dù tóc đã bạc nhưng vẫn tươi cười dưới chiếc ô phần phật. Ông chia sẻ: “Chi hội tôi có 669 thành viên, ai cũng làm ruộng nhưng không bỏ nhờ có máy cấy. Như tôi, 75 tuổi mà vẫn làm 8 sào ruộng. Cấy máy nhàn lắm, năng suất lắm, mỗi sào chỉ mất có 130.000 đồng thôi”.

dsc-9099-165029-350-201126-1719719458.jpg
Những thân mình ướt nhẹp, có đội đi chân trần lấm lem bùn đất bước lên sân khấu

Xã Nam Phong bắt đầu sử dụng mạ khay, cấy máy từ năm 2011, khởi đầu bằng máy dắt tay. Đến năm 2017, gần 100% diện tích đã cấy máy nhờ sự hỗ trợ của huyện và hiệu quả tăng năng suất, giảm chi phí, thuốc BVTV.

Đến phút thứ 21, đội đầu tiên hoàn thành bài thi, sau đó các đội khác cũng hoàn thành chỉ sau vài phút. Trời vẫn mưa như trút nước. Phần thi tự giới thiệu về đội tại hội trường với mỗi đội có 5 phút để trình bày. Những thân mình ướt nhẹp, có đội đi chân trần lấm lem bùn đất bước lên sân khấu, nhiều người mới bắt đầu run vì không quen thuyết trình. Những gương mặt căng thẳng, lời nói không mạch lạc, nụ cười gượng gạo thể hiện đúng bản chất người nông dân ít khi bước ra khỏi lũy tre làng. May mắn là phần thi này chỉ chiếm 10 điểm.

Khi phần thi giới thiệu kết thúc gần trưa, một màn văn nghệ “cây nhà lá vườn” của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức để giám khảo có thời gian chấm điểm. Cuối cùng là phần công bố kết quả. Những tràng vỗ tay chúc mừng tăng dần từ giải Khuyến khích, giải Ba, giải Nhì đến giải Nhất của HTX Nông nghiệp Phú Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên rồi bùng nổ khi giải Đặc biệt thuộc về HTX Nông nghiệp Phú Thịnh xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên. Niềm vui vỡ òa trên gương mặt của 5 thành viên đội xã Nam Tiến. Đội trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Chúng tôi đã làm quen với mạ khay máy cấy cả chục năm nay, vẫn cấy phục vụ bà con suốt tuần rồi, hàng ngày dậy từ 4 giờ sáng làm đến trưa nghỉ chút rồi tiếp tục đến 6 giờ chiều, có khi vì tiến độ mà bật đèn làm tới 10 giờ đêm. Đi thi cấy cũng chỉ chuẩn bị kỹ hơn một chút ở khâu mạ và căn chỉnh máy. Tôi bảo với anh em rằng phải nghiêm túc, bình tĩnh để hoàn thành tốt cuộc thi. Dù về nhì nhưng chất lượng đội tôi cấy là tốt nhất”.

Anh Phạm Minh Đức - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Hưng - cho biết xã Nam Tiến có 2 đội tham gia. Anh cùng mọi người đã luyện tập mất 3 hôm với kỹ thuật như cấy thông thường nhưng trong thời gian và diện tích hạn chế hơn: “Chúng tôi tham gia hội thi này để đẩy mạnh phong trào cơ giới hóa trong sản xuất giúp bà con nông dân đỡ vất vả. Máy cấy rất phù hợp ở đồng cao, chân vàn, còn đồng lầy thì không phù hợp. Đầu tư cho mỗi bộ máy cấy khoảng 1 tỉ đồng, khâu làm mạ cũng vất vả nên không phải ai cũng làm được. HTX của tôi có 5 máy cấy, mỗi vụ cung cấp 10 vạn khay mạ đủ diện tích cấy cho hơn 400ha. Ngoài đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, mỗi năm HTX còn lãi được khoảng 1 tỉ đồng”.

Hà Nội mỗi năm gieo cấy khoảng 160.000ha lúa, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90% nhưng khâu gieo cấy mới đạt trên 3%. Làm sao để giải phóng những tấm lưng nông dân vẫn còng gập, chân ngâm trong bùn dưới giá lạnh vụ xuân, nắng như đổ lửa vụ mùa luôn là nỗi trăn trở của Hà Nội. Bởi vậy năm 2023, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố, từ đó Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành nghị quyết 08 về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có cơ giới hóa đồng bộ, đặc biệt là khâu mạ khay, máy cấy như hỗ trợ lãi suất vay mua máy, hỗ trợ phí quản lý quỹ khuyến nông, hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ công thuê cấy máy.

Chị Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - đơn vị thực hiện hội thi cho biết: “Cấy máy có nhiều lợi ích như giảm lượng giống, mật độ thưa nhưng đảm bảo năng suất, hạn chế sâu bệnh, giảm thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết 08, sớm đưa nghị quyết vào thực tế sản xuất; đồng thời rút kinh nghiệm để tổ chức hội thi sản xuất mạ khay và vận hành máy cấy giỏi vụ xuân năm 2025 trên quy mô lớn, toàn thành phố”.