Trên cơ sở đó, từng địa phương không "mặc đồng phục" trong xây dựng nông thôn mới mà đã có giải pháp, lộ trình triển khai hiệu quả.
Người dân ở ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, Tây Ninh, luôn ý thức về việc giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Bám sát đặc thù địa phương
Thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những chương trình mục tiêu được tỉnh Tây Ninh chú trọng thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Tây Ninh thành tỉnh phát triển khá của Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, từ thực tế nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh từng bước xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi hơn 36.200 ha đất cho năng suất thấp từ các cây trồng như lúa, cao su, mía sang các loại cây ăn quả, sắn… phù hợp thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nông dân.
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Hiện nay, tỉnh có có 55/71 xã đạt chuẩn thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 50% đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2050, đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường, nông thôn Tây Ninh không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Cũng thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu là 1 trong 8 tỉnh, thành phố của cả nước đã có 100 % số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với đặc thù nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lợi thế phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, tỉnh chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao cao đời sống người dân.
Nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được hình thành và phát triển tại địa phương. Các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Hiện, toàn tỉnh có trên 16.400 ha đất canh tác được thực hiện liên kết với sản lượng đạt gần 58.850 tấn/ năm.
Vườn mai của vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Hairi, khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, xây dựng nông thôn mới, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn. Đến nay tỉnh có 89 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường.
Cùng đó, tỉnh xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, chuyển đổi số được Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm triển khai. Hiện nay, gần 24.400 hộ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đã được số hóa dữ liệu thông tin; trong đó, trên 1280 hộ có tài khoản gian hàng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử, thuận lợi trong giới thiệu, chào bán các loại nông sản, hàng hóa.
Còn theo UBND tỉnh An Giang, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi song cũng gặp nhiều thách thức. Xây dựng nông thôn mới, An Giang đã có những giải pháp thực hiện phù hợp. Tỉnh tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tại An Giang đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với sự đầu tư của các doanh nghiệp như vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao, vùng sản xuất cá tra công nghệ cao, vùng sản xuất chuối công nghệ cao. Đến nay, An Giang có 68/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Không dừng lại ở kết quả đạt được, UBND tỉnh An Giang ban hành Quy định "Xã nông thôn mới kiểu mẫu" tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 với nhiêu tiêu chí nâng cao như: thu nhập bình quân đầu người của xã nông thôn mới kiểu mẫu cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người xã nông thôn mới nâng cao, có ít nhất một mô hình ấp thông minh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên...
Giữ nét đẹp văn hóa
Hội viên Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp mai vàng Bến Kéo tuốt lá, tỉa cành mai vàng. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Theo các chuyên gia, nông thôn là nơi lưu giữ, bảo vệ, trao truyền nhiều giá trị văn hóa của dân tộc qua các thế hệ, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của nông thôn Việt Nam.
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, mỗi địa phương trong xây dựng nông thôn mới cần dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng, tạo hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí của chuẩn nông thôn mới mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa .
Long An là tỉnh cửa ngõ nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, có nhiều lợi thế phát triển làng nghề. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới, tỉnh quan tâm bảo tồn, tạo thuận lợi phát triển làng nghề, vừa giúp người dân tăng thu nhập, vừa góp phần bảo tồn những nét văn hóa từng làng quê; trong đó, làng nghề trồng mai xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) được tỉnh lập Đề án Phát triển làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030. Với trên 260 ha trồng mai, bình quân mỗi ha trồng được khoảng 2.000 gốc mai vàng, sau 4 năm chăm sóc, trừ chi phí, người dân Tân Tây thu được lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha/năm.
Chủ tịch UBND xã Tân Tây Phạm Thị Mỹ Phụng cho biết, thuộc địa bàn vùng Đồng Tháp Mười, xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy những kết quả đạt được, Tân Tây tiếp tục là xã tiên phong trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thạnh Hóa.
Từng bước thực hiện Đề án Phát triển làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030, làng nghề định hướng phát triển hài hòa giữa du lịch theo hướng sinh thái và giá trị nông nghiệp địa phương, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội – môi trường. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cư dân nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và nghề truyền thống của cộng đồng địa phương, giao lưu văn hóa nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi, bản sắc.
Các hộ trồng mai ở địa phương đang bố trí, quy hoạch lại vườn trồng mai để phát triển làng nghề gắn với đảm bảo cảnh quan, bố trí các điểm trải nghiệm cho du khách từ nông nghiệp, làng nghề, hài hòa với thiên nhiên. Thời gian tới, Tân Tây sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách.
Ở miền Đông Nam Bộ, xã nông thôn mới Hòa Hiệp, huyện biên giới Tân Biên (Tây Ninh) cũng đang thực hiện hiệu quả việc xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới mang đậm bản sắc vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phùng Thị Mai Huyền thông tin, Hòa Hiệp có trên 1.000 người dân tộc Khmer sinh sống. Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo thuận lợi để đồng bào Khmer đến chùa sinh hoạt tín ngưỡng, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc.
Xã có Đội múa cổ truyền Chhay - dăm của đồng bào Khmer, do các thành viên Chi đoàn thanh niên dân tộc trong xã đảm nhận. Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn động viên, hỗ trợ kinh phí để đội luyện tập, biểu diễn, tham dự các liên hoan nghệ thuật, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc, tạo thêm nét đẹp cho vùng quê nông thôn mới.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời phát huy bản sắc, gìn giữ nét đẹp văn hóa, nhiều xã nông thôn mới đã thực sự trở thành những miền quê đáng sống.