Kinh tế vĩ mô vững mạnh- yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh

25/09/2022 10:44

Trong báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2022, nhận định về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, đã tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm được khôi phục đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm, tuy nhiên chi phí đầu vào cao đã kìm hãm sự phục hồi của  nhiều lĩnh vực. Theo thông cáo báo chí phát đi từ Hà Nội ngày 21 tháng 9 năm 2022, ADB giữ nguyên triển vọng dự báo tăng trưởng với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Phân tích tình hình phát triển kinh tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy, do nhu cầu thế giới yếu đi đã làm chậm đà tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ từ mức 54,0 của tháng 6 xuống 52,7 trong tháng 8. Tuy nhiên, triển vọng của ngành công nghiệp vẫn khả quan do giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn .

Trong trung hạn, nền kinh tế có nhiều triển vọng phát triển, song đang phải đối mặt với những rủi ro gia tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu; thiếu hụt lao động sẽ tác động đến sự phục hồi của ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, Andrew Jeffries nhận xét “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong những tháng đầu năm 2022, và còn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.”. Nhằm làm rõ vấn đề gợi ra, bài viết tổng hợp những nội dung cơ bản trong chương Việt Nam của báo cáo cập nhật ADO do Ngân hàng Phát triển châu Á mới công bố.

Phục hồi kinh tế Việt Nam, điểm sáng trong nền kinh tế toàn càu

Theo ADB, những cân đối vĩ mô đạt được đang tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng.  Trong xu thế lạm phát toàn cầu giảm nhẹ, áp lực tăng chi phí dịu xuống, tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát giá cả hiệu quả và nguồn cung lương thực bình ổn;các nhà nghiên cứu dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho dù kinh tế toàn cầu có tác động đến sự phục hồi và gây áp lực lên cán cân vãng lai trong ngắn hạn.

Những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế đã phục hồi nhanh hơn so với dự kiến; trong 6 tháng tăng trưởng bình quân đạt tới 6,4%’, cao hơn so với cùng kỳ của năm 2021 và 2020, Theo đà tăng trưởng, trong quý II năm 2022 mức tăng trung bình cả nước đã lên 7,7%, là mức tăng cao nhât trong vòng 10 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp đóng góp 2,3 % vào tốc độ gia tăng GDP cả nước. Mặc dù vậy, chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã làm tốc độ tăng trưởng xây dựng giảm từ 6,5% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 3,7%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực dịch vụ phục hồi trở lại, đưa  mức tăng trưởng từ 3,9% của cùng kỳ năm 2021 lên 6,6%. Nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng trên 60,8 triệu lượt người, gấp 1,9 lần 6 tháng đầu năm 2021,đã kéo dịch vụ liên quan đến du lịch tăng 7%. Khả năng phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính ngân hàng, đưa mức tăng lên 9,5% so với 9,1% của  cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

r1-1664077405.png

Phát triển bền vững kinh tế Việt Nam

Tiêu dùng cuối cùng hàng hóa và dịch vụ đã tăng từ 3,6% lên 6,1%, đưa mức chi tiêu dùng tăng 6,5%. Nền kinh tế hồi phục đã thúc đẩy bán lẻ phát triển, trong tháng 8 đầu năm, doanh số  tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm tăng 20,6% .

Môi trường được cải thiện và hoạt động kinh tế phục hồi đã thúc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp kinh doanh. Trên 101.300 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số lượng và 16,2% về lao động so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, 48.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động lên 149.500, tăng 31,1%. Mặc dù nguồn cung lao động đã trở lại bình thường, song những ngành sử dụng nhiều nhân công như dệt may vẫn trong tình trạng thiếu lao động,đã phản ánh thị trường lao động Việt Nam đang dịch chuyển sang những ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Cung ứng lương thực thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu; chuỗi cung ứng trong nước phục hồi và kiểm soát được giá cả hàng hóa và dịch vụ chủ chốt (xăng dầu, điện, y tế và giáo dục) nên đã kìm chế được lạm phát ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm. Trong bối cảnh giá hàng hoá toàn cầu liên tục gia tăng, Việt Nam vẫn duy trì được lạm phát cơ bản ở mức bình quân 1,6%.

Với vai trò của một Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì thành công chính sách tiền tệ mở rộng nhưng linh hoạt, tạo điều kiện cho vay vốn với chi phí thấp nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế đồng thời với kìm chế lạm phát. NHNN vẫn giữ nguyên mức lãi suất chính sách kể từ lần cắt giảm cuối cùng vào tháng 10 năm 2020. Đến tháng 6 năm 2022, tín dụng mở rộng tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhằm giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã hút được 100 nghìn tỷ đồng vốn khả dụng bằng cách bán tín phiếu NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần làm chậm mức tăng tổng phương tiện thanh toán từ 14,2% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 9,2% . NHNN cũng bắt đầu kiểm soát tác động của tăng giá đồng đô la Mỹ thông qua bán ra thị trường 7 tỷ $ trong 7 tháng đầu năm 2022, để ổn định tỷ giá hối đoái, giúp tiền đồng chỉ giảm 2% so với đô la Mỹ. Nhờ dó, ổn định được giá trị VNĐ  so với những đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thặng dư thương mại hàng hóa từ mức 2,7% của cùng kỳ năm 2021 đã  giảm xuống 0,4% GDP trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhờ kinh tế phục hồi và tỷ giá hối đoái ổn định, xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đạt trên 250,8 tỷ $, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất trong nước phục hồi kéo nhập khẩu tăng 13,6%, đạt 246,8 tỷ $ và có thặng dư thương mại 4,0 tỷ $.

Do nhu cầu thế giới và kiều hối suy giảm cán cân vãng lai 6 tháng đầu năm 2022 thâm hụt khoảng 1,5% GDP nhưng vẫn thấp mức thâm hụt 3,7% của cùng kỳ năm trước.

Phân tích thực trạng kinh tế cho thấy, giá nguyên liệu đầu vào toàn cầu tăng cao đã tác động bất lợi đến tăng trưởng của nhiều ngành. 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng nông nghiệp từ mức 3,8% giảm xuống còn 2,8%; sản lượng cây trồng chỉ tăng 2,3% nhưng thấp hơn so với mức 3,6% của cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với sử dụng vốn trong nước, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến triển mạnh. Trong 8 tháng đầu năm, giải ngân được12,8 tỷ $ , cao hơn 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vốn cam kết FDI mới lạị giảm tới 12,3% do những căng thẳng về địa-chính trị và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt .

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,5 tỷ $, bằng 27% kế hoạch cả năm, làm giảm tăng tổng đầu tư trong nước, từ 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 3,9%. Cùng với chậm giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế cũng chỉ giải ngân được khoảng 2 tỷ $ trong tổng số dự kiến 15 tỷ $.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu gia tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt làm giảm kiều hối ước tính khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Cầu trên thị trường thế giới suy yếu và kiều hối giảm khiến cán cân vãng lai 6 tháng đầu năm thâm hụt khoảng 1,5% GDP so với mức 3,7% của cùng kỳ năm trước.

Giải ngân vốn vay đạt thấp đã thu hẹp thặng dư tài chính từ 8,8% của cùng kỳ năm trước xuống 3,8% GDP trong 6 tháng đầu năm. Cán cân vãng lai thâm hụt và thặng dư cán cân tài chinh giảm khiến cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt khoảng 1,5% GDP.Do thặng dư thương mại thu hẹp và NHNN phải bán đô la Mỹ để ổn định tỷ giá hối đoái nên dự trữ đã giảm.Dự trữ ngoại hối chỉ tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021.

Phân tích hoạt động kinh té vĩ mô còn cho thấy, lợi nhuận từ dàu thô và xuất, nhập khẩu giúp nguồn thu Ngân sách gia tăng 19,4% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ của năm 2021. Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu ngân sách giảm từ 81,4% xuống còn 79%. Thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng mạnh từ 8% tổng doanh thu lên 13%. Chi cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập tăng nhẹ ở mức 4,2%. Cân đối tài khóa sơ bộ có thặng dư 5% GDP trong 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 2% của cùng kỳ năm 2021.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ tầm nhìn của định chế tài chính trong khu vực

r2-1664077411.png

Việt Nam trong 4 nèn kinh tế lớn ở Đông Nam Á

Được hỗ trợ bởi những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa; báo cáo Cập nhật ADO của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, nền Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2022. Theo đó, đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nêu trong ADO 2022 là 6,5% cho năm 2022 và 6,7% trong  năm 2023.

Theo các nhà phân tích, cho dù tình trạng thiếu lương thực và sự hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong năm nay, nhưng do chi phí đầu vào cao hạn chế nên tăng trưởng nông nghiệp đã được điều chỉnh từ mức dự báo 3,5% trước đó xuống 3,0%,

Mặt khác, nhu cầu yếu hơn của thị trường thế gới làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo và chỉ số quản trị mua hàng.Trong tháng 8 năm 2022, PMI đã giảm từ  mức 54,0 của tháng 6 xuống còn 52,7 và dự báo tăng trưởng công nghiệp cũng giảm từ 9,5% xuống 8,5%, Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn có xu hướng đi lên do giải ngân vốn FDI mạnh mẽ hơn trong khu vực này.

Đi lại trong nước trở lại bình thường và việc gỡ bỏ hạn chế đối với du khách nước ngoài sẽ hỗ trợ phục hồi du lịch trong 6 tháng cuối năm. Ngành du lịch sẽ tăng trưởng cao hơn mức dự kiến; điều này sẽ thúc đẩy mạnh tăng trưởng. Khu vực dịch vụ từ mức tăng dự báo 5,5% trước đó sẽ lên 6,6% trong năm 2022.

Cầu trên thị trường thế giới yếu hơn nên xuất khẩu chậm lại, VNĐ giảm làm giá trị hàng nhập đắt hơn hàng xuất khẩu dẫn đến thâm hụt thương mại. Mặc dù lạm phát toàn cầu dần chậm lại, song điều kiện tài chính thắt chặt làm giảm lượng kiều hối, cán cân vãng lai sẽ thâm hụt 1,5% GDP năm nay và  được dự báo ở mức 1,7% GDP trong năm 2023..

Mặc dù căng thẳng về địa-chính trị toàn cầu và các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục hạn chế dòng vốn FDI chảy vào, nhưng giải ngân vốn FDI sẽ tăng mạnh do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, đồng thời với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Việc Chính phủ quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư côngvà thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế, sẽ bù đắp lại phần xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới.

NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng bằng cách giữ nguyên các mức lãi suất chính sách. NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng, như hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ và gia hạn nợ theo quy định mà không điều chỉnh nhóm nợ, có thể trì hoãn việc phân loại các khoản vay khó đòi và những nỗ lực giữ tỷ giá hối đoái ổn định để hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng có thể gây áp lực cho dự trữ ngoại hối.

Bội chi ngân sách dự báo có thể tăng lên mức 4% GDP trong năm  do tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm thuế, hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu,chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, nợ công được kiểm soát tốt nên còn dư địa tài khóa. Theo ước tính, nợ công ở mức 43,1% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với luật định 60%. Nợ nước ngoài của quốc gia được dự báo là 38,4% GDP, nằm trong giới hạn 45,0%. Vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp hỗ trợ đáng kể cho phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng.

Chính sách tiền tệ thận trọng và thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục sẽ góp phần kim chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2022 và 4,0% trong năm 2023. Đầu tư tăng, lạm phát được kiểm soát và các điều kiện tài khóa và tiền tệ mở rộng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phục hồi kinh tế trong năm 2022. Tiêu dùng tăng trong 6 tháng cuối năm và khả năng tăng giá một số mặt hàng do chính phủ quản lý có thể sẽ làm tăng áp lực lạm phát.Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện trong 8 tháng đầu năm, nhưng  đà kinh doanh bắt đầu chững lại và số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ trong tháng 8 cho dù số lũy kế doanh nghiệp mới vẫn tăng. Sự suy giảm này cũng phản ánh những thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng.

Rủi ro triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này làm cán cân tài khoản vãng lai có thể xấu đi.

Mặc dù động thái tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương những nền kinh tế lớn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, nhưng  sự gia tăng bất ổn địa-chính trị lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát. Dịch COVID-19 có thể tái bùng phát trong bối cảnh hệ thống y tế chưa đủ sẵn sàng do thiếu nhân viên y tế và tình trạng khan hiếm thuốc. Lao động thiếu hụt sẽ cản trở khả năng phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu sử dụng nhiều lao động. Việc không thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và chi tiêu xã hội theo kế hoạch có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và những năm sau.

 

Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế vĩ mô vững mạnh- yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh" tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309