Lâm Đồng: Phát triển đô thị - thành tựu và thách thức

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng kể, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã tăng lên, hạ tầng kỹ thuật và xã hội được cải thiện rõ rệt, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa của Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế và thách thức cần được giải quyết nhằm hướng tới phát triển đô thị hiện đại, bền vững.

quang-truong-lam-vien-da-lat-1726627601.png

Góc trung tâm TP Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh internet.

• THÀNH TỰU NỔI BẬT

Theo số liệu của Sở Xây dựng Lâm Đồng, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến nay đạt 40,2%, cao hơn mức trung bình cả nước. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Các đô thị trong tỉnh đã có sự liên kết, tạo động lực phát triển cho khu vực. Trong đó, xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; TP Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II; huyện Đức Trọng thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại III, thị trấn Di Linh, Thạnh Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại IV; quy hoạch và xây dựng đô thị Liên Khương - Prenn và các đô thị khác thành chuỗi các đô thị vệ tinh cho TP Đà Lạt và Bảo Lộc. 

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 15 đơn vị hành chính được công nhận cấp đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. 

Hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng... đã được đầu tư nâng cấp đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhiều tuyến đường đô thị, đường vành đai tại các đô thị được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực. Các vấn đề hạ tầng khác như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị... đều có những chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại và dịch vụ... tại các đô thị được quan tâm đầu tư. Nhiều địa phương đã triển khai các chương trình trồng mới, trồng bổ sung và bảo tồn cây xanh nhằm hướng đến xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Diện tích nhà ở bình quân tăng, tỷ lệ thất nghiệp và hộ nghèo giảm, cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội rất tích cực. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 24,5 m2/người (tại nông thôn là 22,5 m2/người). Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Những kết quả đạt được nêu trên có sự đóng góp một phần rất quan trọng của hệ thống các quy định pháp luật, hành lang pháp lý về quản lý phát triển đô thị được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện, đã giải phóng, đa dạng hóa nguồn lực nhất là nguồn lực của xã hội, thu hút đầu tư phát triển đô thị, định hướng các mô hình phát triển, phát huy tính chủ động của các cấp chính quyền ở đô thị.

• THÁCH THỨC ĐẶT RA

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn thách thức như: Tiến độ lập các đồ án quy hoạch chậm, một số quy hoạch chưa phù hợp với thực tế. Nguồn vốn đầu tư công còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư tư nhân còn hạn chế. Việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất chậm, thủ tục pháp lý rườm rà, gây khó khăn cho các dự án.

Hiện nay, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của nhà nước, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh chậm triển khai do thiếu vốn. Trong khi nguồn vốn huy động từ khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế; vị trí địa lý của Lâm Đồng không thuận lợi, cách xa các trung tâm kinh tế lớn trong nước; cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh chưa được hoàn thiện; môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc thu hút đầu tư các dự án chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa thu hút được các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực để triển khai các dự án lớn; thu hút đầu tư FDI còn rất hạn chế.

Việc phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm, nhiều quy hoạch không phù hợp với thực tế; hiệu quả sử dụng đất của một số dự án còn thấp; các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai còn rườm rà, phức tạp.

Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng như việc xây dựng phương án giá đất, thực hiện thu hồi đất, thực hiện thỏa thuận bồi thường...

Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương còn hạn chế; việc cung cấp thông tin để lập quy hoạch của địa phương chưa đầy đủ,… nên quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trình thẩm định còn nhiều thiếu sót; phải tiến hành rà soát, điều chỉnh nhiều lần trước khi phê duyệt.

Hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở một số khu vực. Trên địa bàn tỉnh còn thiếu các công trình hiện đại, tiêu chuẩn kỹ thuật cao; các tuyến quốc lộ chậm được đầu tư nâng cấp; đô thị Đà Lạt đã có biểu hiện ùn tắc giao thông cục bộ trong giờ cao điểm và các lễ, hội; hệ thống đường giao thông nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; mạng lưới đường bộ còn tồn tại một số điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhưng chưa được xử lý dứt điểm. 

Các đô thị còn xảy ra tình trạng ngập úng do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện do phát triển đô thị nhanh nhưng hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống thoát nước chậm được đầu tư dẫn đến quá tải, thiếu đồng bộ, những năm gần đây các đô thị thường xuyên xảy ra tình trạng ngập cục bộ, đặc biệt tại 2 đô thị lớn là TP Đà Lạt và Bảo Lộc.

Phát triển đô thị là một quá trình lâu dài và phức tạp. Mặc dù vẫn còn những thách thức cần phải vượt qua nhưng với những tiềm năng sẵn có cùng với kỳ vọng vào những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành một đô thị hiện đại, văn minh và bền vững.