• BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Theo số liệu của Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng về bạo lực học đường, số vụ việc về tình trạng này có chiều hướng gia tăng trong những năm học vừa qua. Nếu như năm học 2018 - 2019 chỉ xảy ra 1 vụ, năm học 2021 - 2022 không có vụ nào thì mới hơn 2 tháng đầu năm học 2022 – 2023 đã xảy ra 4 vụ, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ một học sinh lớp 9 trên địa bàn huyện Lâm Hà bị đâm tử vong khi đang trên đường đi học về, hay một số học sinh ở TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương bị đánh hội đồng đến nhập viện… Đây là hồi chuông đáng báo động, là nỗi trăn trở của ngành GDĐT, gây lo lắng cho nhiều gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Có thể nhận thấy, tình trạng bạo lực học đường hiện đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày mà hầu hết ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đáng lo hơn khi xảy ra các trường hợp nữ sinh đánh hội đồng, với những hành động thô bạo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có những vụ việc đã lan truyền qua các video, clip trên mạng xã hội do chính các em học sinh quay lại. Các vụ ẩu đả của học sinh khiến dư luận lo ngại, phẫn nộ về sự gia tăng và tính chất côn đồ, hung hãn của hành vi bạo lực học đường, mà nạn nhân thường là một học sinh bị nhóm học sinh đấm đá, cá biệt có vụ dùng mũ bảo hiểm, hung khí… đánh gây thương tích, thậm chí tử vong. Những vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của nạn nhân, gây phức tạp an ninh trật tự tại địa phương.
• THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC BIỆN PHÁP
Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long, để phòng, chống bạo lực học đường, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh. Trong đó, lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em vào các môn học chính khóa, ngoại khoá, các hoạt động Đoàn, Đội, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp… để giáo dục cho học sinh về ý thức xây dựng môi trường văn hóa, trường học thân thiện. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường; giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường…
Cùng với đó, Sở GDĐT đã hướng dẫn các đơn vị cơ sở phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng trong học sinh, chủ động phát hiện, phối hợp xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh xảy ra trong trường học. Các cơ sở giáo dục triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm trao đổi, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong học sinh .
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bạo lực học đường còn chưa được đầu tư nhiều về thời gian, nội dung và hình thức chưa thu hút học sinh. Các cơ sở giáo dục chưa tổ chức được các chuyên đề, các hoạt động trải nghiệm để giáo dục phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Một số gia đình chưa quan tâm đến việc giáo dục con cái nên công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc giáo dục toàn diện học sinh...
“Trong thời gian tới, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn. Đồng thời, tổ chức sân chơi lành mạnh cho học sinh thông qua sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm tạo không khí vui tươi và rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Thực hiện tốt quy chế phối hợp với công an, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhà trường. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh… nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện”, Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho biết.