Lâm Đồng: Thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh

Ngày 20/8, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vắc xin viêm da nổi cục.

img-5018-20240820144254-20240820151237-1724207863.jpg

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học động viên các hộ dân có bò bệnh, chết. Ảnh Báo Lâm Đồng.

Theo đó, Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vắc xin viêm da nổi cục (gọi tắt là Tổ công tác).

Cụ thể, gồm có 12 thành viên do ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm tổ trưởng. Các thành viên bao gồm đại diện Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco), Sở Tài chính, Trung tâm trợ giúp pháp lý, UBND các huyện có bò bị bệnh.

Theo đó, tổ công tác có trách nhiệm rà soát, thống kê, tính toán, xây dựng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và phối hợp với Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò phát bệnh sau khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục tại tỉnh Lâm Đồng theo đúng quy định pháp luật. 

Được biết, việc bồi thường do Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương thực hiện, nhưng Tổ công tác do UBND tỉnh thành lập để hỗ trợ, đảm bảo chính xác và bảo vệ quyền lợi của người dân bị thiệt hại. 

Trước đó, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin NAVET-LPVAC của Công ty Navetco. Kết luận này được đưa ra và báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sau khi căn cứ triệu chứng lâm sàng của bò bị bệnh, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, loại vắc xin nói trên lần đầu tiên tiêm cho đàn bò sữa tại tỉnh này.

Ngoài ra, ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - yêu cầu Cục Thú y khẩn trương tập trung cứu chữa đàn bò, cùng đó xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này cho nông dân.