Lễ khai quang điểm nhãn tượng Đức ông Thi Sách

Ngày 13/5/2025, tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam vừa trang trọng tổ chức Lễ Khai quang điểm nhãn tượng Đức Ông Thi Sách - Đặng Công Đại Vương Đặng Thi Sách.

Tới dự và chứng kiến buổi Lễ, có đại diện của các cơ quan Trung ương và Hà Nội; các Tướng lĩnh, cựu chiến binh Quân đội và Công an; Đại diện Đảng bộ, Chính quyền và bà con nhân dân Mê Linh, cùng bà con Họ Đặng đến từ nhiều vùng miền trên cả nước.

dt3dvh3-1747209447.jpg

Tượng Đức ông Thi Sách.

 

Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, có uy tín trên nhiều lĩnh vực: Nghiên cứu lịch sử, Di sản văn hóa và Văn nghệ dân gian... Đó là Nhà sử học Dương Trung Quốc - Nguyên Đại biểu Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam nhiều khóa, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài - Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT và DL); Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; GS.TS Lê Hồng Lý - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao...

Lễ Khai quang điểm nhãn (hô thần nhập tượng) do Đại đức Thích Nguyên Chân - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kiểm sát, kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Phật giáo Mê Linh và các chư tăng cùng thực hiện.

dt2dvh2-1747209644.jpg
 

Nhà văn Đặng Vương Hưng (Ảnh trên) vinh dự được đảm nhiệm vai trò là người dẫn chương trình trong buổi Lễ.

Danh nhân lịch sử Thi Sách, phu quân của Bà Trưng Trắc, họ tên đầy đủ là Đặng Thi Sách và được nhân dân tôn danh là Đặng Công Đại Vương. Ngài sinh năm 13 (sau công nguyên), có cha là Đặng Tập – dòng dõi Lạc tướng đất Chu Diên, từ thời các Vua Hùng. Là người văn võ song toàn, Đặng Thi Sách đã kết hôn với Trưng Trắc và nuôi chí lớn: đuổi giặc ngoại xâm, cứu nước nhà. Nhưng vào năm 39 (sau công nguyên) ngài đã bị thái thú Tô Định sát hại. Đó cũng là “giọt nước tràn ly”, để Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa “đền nợ nước, trả thù nhà” đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán…

dt5dvh5-1747209797.jpg

Quang cảnh Lễ khai quang điểm nhãn tượng Đức ông Thi Sách. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngay từ năm 1973, hơn nửa thế kỷ trước, Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phú đã tổ chức một Hội thảo khoa học nhằm khẳng định vai trò và vị trí của ngài Đặng Thi Sách trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Các tư liệu lịch sử và truyền thuyết đều có nhắc đến nhân vật Thi Sách, là phu quân của Trưng Trắc, vị nữ lãnh đạo tối cao của cuộc khởi nghĩa: Tại huyện Chu Diên, gia đình ông Đặng Tập, một dòng dõi Lạc tướng nổi tiếng từ thời các Vua Hùng, đã sinh ra người con trai duy nhất là Đặng Thi Sách.

Chứng cứ khoa học về dòng họ Đặng của ngài Thi Sách được thể hiện rõ ràng qua nhiều tư liệu lưu truyền. Ban Quản lý Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ nhiều câu đối cổ, sắc phong của các triều đình phong kiến, do Viện Hán Nôm dịch, khẳng định: ngài Đặng Thi Sách có cha là Đặng Tập, thuộc dòng dõi Lạc tướng đất Chu Diên. Điều này không chỉ được phản ánh trong các sắc phong, mà còn trong câu đối cổ, các nghi thức tế lễ và những hiện vật văn hóa đang được bảo tồn nội dung tại khu di tích.

Trung tướng, TS. Đặng Vũ Sơn (nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ) - Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng thành phố Hà Nội đã thay mặt Thường trực Hội đồng Họ Đặng Việt Nam cảm ơn các đại biểu khách quý và bà con Họ Đặng gần xa, đã nhiệt tình tham dự và ủng hộ, góp phần thành công cho sự kiện nhân văn này.

Sau Lễ “khai quang điểm nhãn”, linh tượng của Đức Ông Thi Sách - Đặng Công Đại Vương Đặng Thi Sách đã được Hội đồng Họ Đặng Việt Nam tổ chức di hành về Đền thờ Họ Đặng Việt Nam tại Bình Định. Nhiều Hội đồng Họ Đặng các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch tổ chức lễ đón rước, khi tượng của Đặng Công Đại Vương đi qua địa phương mình.

Mời xem chùm ảnh sự kiện đính kèm và video clip: https://youtu.be/Ci_n-q37RqA

Hà Nội, 13/5/2025

TTNL