Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương tổng vệ sinh, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ. Đặc biệt là hướng dẫn về xử lý môi trường, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh... phòng chống triệt để dịch bệnh trên vật nuôi, phục hồi sản xuất.
Để hỗ trợ phần nào thiệt hại của người dân, các địa phương có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Cùng đó, xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi, kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư… phù hợp với điều kiện ở địa phương, ông Phạm Kim Đăng cho biết.
Theo TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Thiệt hại sau bão số 3 và mưa lũ cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương đang rất tích cực vào cuộc để khắc phục hậu quả cũng như đồng hành với người dân để sớm khôi phục sản xuất.
Cùng với việc cập nhật nhu cầu cây giống, thuốc, hóa chất… của các địa phương để đề xuất Chính phủ cấp xuất từ dự trữ quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ: tiền mặt, cây giống, con giống, phân bón, thức ăn, hóa chất sát trùng… cùng chung tay với bà con tạo sinh kế sau thiên tai.
Sau bão, người dân đều có tâm lý muốn nhanh chóng ổn định lại sản xuất, tạo sinh kế sớm. Tuy nhiên, nếu việc tái sản xuất không đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh, môi trường… thì càng nguy hiểm. Do đó, các địa phương cần kịp thời hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh, trước khi chăn nuôi trở lại phải thực hiện tổng vệ sinh, sát trùng cẩn thận.
Sau mưa lớn kéo dài, nhiều nơi bị ngập lụt nặng, virus dịch bệnh có thể đã phát tán, lây lan rộng, nhất là tại các địa phương vừa xảy ra dịch. Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, để sớm khôi phục sản xuất an toàn, hiệu quả, một trong những biện pháp bắt buộc là không để dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, nuôi thủy sản khi tái sản xuất.
Đồng hành với người dân trong quá trình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ kịp thời hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, vaccine cho các địa phương, cho người chăn nuôi. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ các loại thuốc, vật tư hóa chất… để cho bà khôi phục sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cuối năm, đặc biệt là cho Tết Nguyên đán, cũng như tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, việc khôi phục sản xuất cần chọn đối tượng vật nuôi phù hợp; chuẩn bị vật tư, thức ăn, vệ sinh môi trường… để sớm đầu tư vào vụ mới, chu kỳ chăn nuôi mới. Thời gian không còn dài, địa phương cần huy động mọi nguồn lực để tranh thủ thời gian phục hồi sản xuất ngay. Cần chuẩn bị kỹ con giống, phương án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Người dân nên tranh thủ thời gian để mua vật tư, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật. Địa phương cần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, đi cùng với đó là hướng dẫn quy trình kỹ thuật.X.V (tổng hợp)