Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” do Cơ sở Hợp tác Tam giác và Nam-Nam (SSTC) của Trung Quốc- IFAD tài trợ, được triển khai tại 4 nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, Dự án đã lựa chọn được 60 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai nhân rộng. Trong đó, Việt Nam đóng góp 42 mô hình sản xuất chế biến nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu… Các mô hình thích ứng này đã được tài liệu hóa dưới dạng sổ tay và video giúp bà con nông dân, THT, các HTX cũng như các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, nhân rộng nhằm thích ứng với BĐKH.
HTX Nhung Lũy ban đầu là một tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên, trong đó có 07 hộ nghèo. Các sản phẩm làm ra chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương và sử dụng cho tiêu dùng của gia đình. Năm 2018, được sự tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, các thành viên đã thống nhất thành lập HTX và đăng ký tham gia vào Chương trình OCOP nhằm phát triển trở thành các sản phẩm hàng hóa. Trong những ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường, HTX Nhung Lũy gặp không ít khó khăn như số lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao do sản xuất thủ công, đường xá xa xôi mà phương tiện vận chuyển chưa có, chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên diện rộng, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng … Nhận định được những khó khăn trên đều có thể khắc phục được, HTX đã mạnh dạn tìm người tư vấn, hướng dẫn và các nguồn hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, nhà màng phơi nắng, trang thiết bị; sản xuất thử nghiệm các sản phẩm; hoàn thiện quy cách, nhãn mác bao bì sản phẩm; xây dựng các kênh bán hàng và tích cực tham gia các cuộc xúc tiến thương mại triển lãm, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh,… Nhờ vậy, các sản phẩm đã hoàn toàn thay đổi so với trước khi thành lập về cả chất lượng và hình thức như có bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, HTX đã tạo được liên kết với các công ty lữ hành, các nhà hàng, nhà nghỉ homestay trong các tuor du lịch hồ Ba Bể để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách. Đối với thị trường ngoài, HTX tiến hành bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội và ký kết hợp đồng tiêu thụ bí xanh thơm cho hệ thống siêu thị VinMart tại Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Đồng Quê, Cầu Giấy (Hà Nội), Công ty TNHH MEVI, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An (Hà Nội)…
Giống bí thơm có thời gian sinh trưởng ngắn (70-75 ngày đã cho thu hoạch), lớp vỏ dày, cứng nên có thể bảo quản được từ 3-6 tháng trong điều kiện thông thường thường để làm rau xanh dự trữ vào mùa mưa bão, mùa khan hiếm rau. HTX sử dụng nhà kính trong sản xuất bí sấy dẻo giúp tiết kiệm năng lượng đồng thời hạn chế tác động của bụi bẩn, mưa đến sản phẩm trong quá trình phơi sấy.
Phụ phẩm trong quá trình chế biến các sản phẩm từ bí thơm được tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Các thành viên của HTX và các hộ nông dân khác trồng bí đều được HTX hướng dẫn và quản lý chặt chẽ trong quá trình trồng, chăm sóc, đảm bảo phân chuồng được ủ bằng chế phẩm IMO, bón phân đúng quy trình, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và hạn chế tác động đến môi trường.
Các ban ngành chức năng và các chương trình, dự án cần hỗ trợ tổ chức sản xuất bí thơm theo tiêu chuẩn VietGAP/hữu cơ thông qua các THT và liên kết với các HKD/HTX/Doanh nghiệp có năng lực sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng của các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trong nước; tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Bí thơm Ba Bể” và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm bí thơm của huyện Ba Bể.