Anh Lê Đức Bắc, chủ vườn lan Phương Bắc tại Suối Hai, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội.
Từ năm 2009 đến nay, với thu nhập của anh và vợ là Phùng Thị Phương Lan, giáo viên Tiểu học, bình quân chỉ từ 17- 22 triệu đồng/tháng, song anh còn làm thêm lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nên kinh tế gia đình cũng có phần khá giả. Tháng 3/2020, anh Bắc bàn với vợ xây dựng vườn phong lan có tổng diện tích 120 m2 trên tầng 2 của gia đình. Nhờ chịu khó tìm học kinh nghiệm từ các nghệ nhân sinh vật cảnh hoa phong lan đi trước và tham dự hội thảo khoa học do Hiệp hội sản xuất kinh doanh hoa lan Việt Nam- AOV tổ chức, gia đình anh đã vận dụng vào sản xuất kinh doanh hoa lan đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành điển hình cho nhiều người trong và ngoài địa phương tham quan, học tập.
Phong Lan Á Hậu tại vườn lan Phương Bắc.
Hiện tại trong vườn tầng của gia đình anh Lê Đức Bắc có tới hơn 900 giò phong lan, với khoảng trên 20 loài lan khác nhau, có những loài đắt tiền như 5 cánh trắng Bào Duy, Ngọc Sơn Cước, Sơn Nữ Sơn La, Bạch Tuyết và nhiều loại khác. Riêng dòng Lan hồng, có Hồng Phù Hoa, Hồng Á Hậu, Hồng Yên Thủy; dòng Lan Kiếm, có Phan Chí và Xanh Huế... Ngoài ra còn nhiều loại hoa lan phổ thông khác. Theo đánh giá của anh Bắc, hiện nay là thời điểm giá phong lan đang rẻ, nhưng vườn hoa phong lan của gia đình anh có giá trị không dưới 30 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư xây dựng nhà vườn với hệ thống tưới tiêu khoa học cũng đã chiếm tới gần 7 tỷ đồng. Điều đáng nói là tất cả số kinh phí trên đều là nguồn tự có của gia đình và từ kinh doanh giao dịch mua bán hoa phong lan mà có. Đó cũng có thể gọi là phần lãi thu lại được qua hơn 2 năm làm kinh tế từ nuôi trồng hoa phong lan của vợ chồng anh.
Phong Lan Bạch Tuyết tại vườn lan Phương Bắc.
Hiện nay nhắc đến vườn lan Phương Bắc ở Suối Hai, khách chơi lan từ nhiều tỉnh thành trong cả nước rất nhiều người biết đến Lê Đức Bắc, anh là một trong những hội viên tích cực của Hội sinh vật cảnh xã Cẩm Lĩnh. Vợ chồng anh ngoài việc làm ăn phát đạt, chăm sóc 3 người con là sinh viên, học sinh các trường Đại học và THPT, THCS học hành tiến bộ, đều là học sinh giỏi, gia đình anh còn giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa mới", gương mẫu đi đầu trong phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua yêu nước khác tại địa phương. Anh Bắc, chị Lan rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, sống chan hòa, tình nghĩa với mọi người, được cán bộ và nhân dân trong và ngoài địa phương tôn trọng, nể phục.
Anh Lê Đức Bắc trao đổi kinh nghiệm chăm sóc hoa phong lan với đồng nghiệp.
Điều đáng mừng là trong số 20/30 hội viên sinh vật cảnh xã Cẩm Lĩnh và những người yêu thích, làm kinh tế từ hoa phong lan trên địa bàn xã Cẩm Lĩnh có tới 80% trường hợp thành công, đó là do mọi người đều có nhận thức tốt, tỉnh táo, làm ăn bằng khả năng thực có của mình, không chạy theo bong bóng thị trường, nên không có trường hợp nào mắc nợ nần thua lỗ. Số người trồng lan chưa hiệu quả chủ yếu là do mua giống lan vào thời kỳ đắt đỏ, hiểu biết về giống cây phong lan còn hạn chế, nên mua nhầm cây giống, hoặc thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cây kém phát triển, bị chết, bị hỏng.
Anh Lê Đức Bắc và giò lan Năm cánh trắng Phú Thọ của gia đình.
Ông Trần Văn Khánh, phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, xã Cẩm Lĩnh đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương đang tích cực đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, kinh doanh, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, trong đó chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng sản phẩm OCOP. Việc phát triển kinh tế từ ngành sinh vật cảnh hoa phong lan, đã và đang làm giàu chính đáng cho nhiều hộ gia đình, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng phát triển và đổi mới.