Theo lời thuật lại của một nhà báo Anh (đảng viên Đảng Cộng sản Anh) sang thăm Việt Nam, khi về nước đã đến trao cho luật sư Loseby hai bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai bức thư: một gửi cho vợ chồng luật sư Loseby và một gửi cho người con gái của ông bà (do Bác Hồ nhờ). Đáp lại thịnh tình đó, ông bà luật sư Loseby đã gửi thư cảm ơn và gửi tặng Hồ Chủ tịch bức ảnh của gia đình.
Ít lâu sau đó, ông bà luật sư Loseby còn nhận được gói quà của Bác Hồ gửi tặng. Đó là một bức tranh thêu chùa Một Cột và một chiếc khay trà bằng sơn mài, kèm theo bức thư trân trọng mời ông bà sang thăm Việt Nam.
Được tin báo gia đình luật sư sang thăm Việt Nam, sáng ngày 26 tháng 01 năm 1960 (28 Tết Nguyên đán, Canh Tý) Bác đã thân chình sang tận sân bay Gia Lâm đón khách. Cùng đi với Bác có ông Cao Hồng lĩnh, Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác và hai người phiên dịch là bà Nguyễn Thị Cúc , một lão thành cách mạng và ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên là Đại sứ Việt Nam tạp Pháp.
Trong khi Bác ngồi đợi ở phòng khách sân bay, thì đoàn tuỳ tùng thay mặt Bác ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ chồng luật sư Loseby và người con gái rượu của ông bà. Vừa bước vào phòng khách, Bác đứng dậy xúc động ôm thắm thiết luật sư Losby, sau hơn 30 năm xa cách, nay hai mái đầu bạc kề bên nhau, khiến mọi người rưng lệ. Ông bà luật sư Loseby và cô con gái Patisia (gọi thân mật là cô Pat) cũng rất cảm động trước sự đón tiếp vô cùng nồng nhiệt mà thân thiết như đón người thân gia đình ruột thịt lâu ngày không gặp.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngoài việc đón cái Tết đặc sắc của dân tộc Việt Nam, ông bà được đại diện nhân dân Hà Nội đến chào mừng và mang “cành đào ngày Tết tươi thắm nhất” đến tặng ông bà, cô con gái Pat yêu quý để tỏ tấm thịnh tình của người dân Việt Nam nói chung và nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng nhằm tri ân gia đình luật sư Loseby, người đã có công ba lần cứu thoát người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh cực kỳ hiểm nguy, đã không chỉ làm đẹp thêm phẩm chất thuỷ chung cao quý của con người Việt Nam mà còn làm ấm lòng những vị khách quý của Bác.
Trong những ngày ở thăm Việt Nam, ông bà còn có những hoạt động đầy ý nghĩa. Bác đưa ông bà đi thăm nhà máy Cơ khí Trung quy mô Hà Nội. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác xin giới thiệu với các cô chú: Đây là luật sư Loseby, ân nhân của Bác. Nếu không có luật sư thì chưa biết Bác sống chết ra sao”. Ông bà còn được mời đi thăm các danh lam thắng cảnh Hà Nội như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Trại Thiếu nhi miền Nam. Đặc biệt Bác mời ông bà đi thăm vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam.
Trong một cuộc nói chuyện với cán bộ công nhân viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, luật sư Loseby tâm sự: “Chủ tịch Hồ Chí Minh có cái biệt tài làm cho mọi người đều cười được từ các em thiếu nhi hôm chúc Tết ở Phủ Chủ tịch, đến các em nhi đồng ở Trại Nhi đồng miền Nam và đến cả các anh em công nhân nhà máy Cơ khí Trung quy mô Hà Nội cũng vậy, Hồ Chủ tịch đều có thể làm cho mọi cười vui”...
“Đến Việt Nam, tôi thấy một điều làm cho tôi đặc biệt quan tâm là mọi người đều vui vẻ, ai cũng có nụ cười trên môi...Nhiều điều tôi mới được thấy lần đầu và vượt quá ý nghĩ của chúng tôi... Tôi có thể kết luận rằng đó là kết quả của cuộc đời hy sinh của Hồ Chủ tịch cho nhân dân Việt Nam”.
Những ngày ở thăm Việt Nam, đi qua quá nhanh, tạm biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạm biệt Hà Nộ, Tạm biệt Việt Nam yêu quý, ông bà luật sư Losby trở lại Hồng Kông. Vừa về đến nhà, ngày 19 tháng 02 năm 1960, luật sư viết thư ngay cho Bác Hồ tỏ lòng cảm ơn Người và về sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng đối với gia đình luật sư trong những ngày ở thăm Việt Nam. Đặc biệt trong thư ông tỏ tấm lòng “Chúng tôi không thể quên được đất nước Việt Nam tươi đẹp và những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của con người Việt Nam và con đường mà tất cả các bạn đã trải qua đã dẹp bỏ mọi dấu vết đau thương của quá khứ... Và Ngài (Bác Hồ) nói rằng “tôi đã cứu sống” Ngài, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt. Về phần tôi thì tôi thấy mình đã được đền đáp hơn nhiều so với ký ức về những ngày ở Việt Nam và những món quà mà tôi được tặng sẽ luôn là vật kỷ niệm về những ngày tuyệt vời đó”.
Trong buổi tiễn đưa gia đình luật sư tại sân bay Gia Lâm, Bác không quên dặn cô con gái yêu của ông bà luật sư “Bao giờ có đám cưới, cháu Pát nhớ cho Bác hay nhé!”.
Bảy năm sau đó luật sư Loseby qua đời, báo Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông (1967) đưa tin luật sư Loseby mất với những dòng chữ thân yêu của gia đình “Xin đừng mang hoa đến viếng, hãy dùng số tiền phúng viếng đó để giúp đỡ người ngèo”.
Được tin vị ân nhân cứu sống mình qua đời, không phải với tư cách Chủ tịch nước và cũng không phải ở cương vị quốc gia, mà như một người thân, một người bạn của gia đình luật sư, vòng hoa gửi kính viếng luật sư của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giản dị với dòng chữ: “Hồ Chí Minh kính viếng”.
Một năm sau đó (1969), Bác kính yêu của chúng ta qua đời, điện chia buồn của gia đình luật sư gửi lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc in đậm dòng chữ: “Được tin Chủ tịch qua đời, xin bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất”, kèm theo chữ ký của phu nhân luật sư và cô con gái.
Trong cuốn nhật ký gia đình luật sư, đoạn nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phu nhân luật sư Loseby nhớ lại: “Những ngày bị giam cầm khổ lắm, nhưng nói chuyện với chúng tôi, Người đều nói rằng: Tương lai cách mạng Việt Nam sẽ thành công, khi tổ chức cho Người rởi khỏi Hồng Kông, chúng tôi chỉ cầu mong cho Người gặp nhiều may mắn”.
Còn bà Patrcia (cô Pat ngày nào) xúc động kể lại “Tôi được nghe kể rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bố mẹ tôi... Bố tôi thường nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người dũng cảm và rất thú vị... Tôi quý trọng Bác Hồ như phụ thân tôi. Từ ngày thơ ấu, tôi đã có trong tim hình ảnh về Bác Hồ”./.