Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý "Bến Tre" cho sản phẩm xoài tứ quý

Tóm tắt

Xoài tứ quý là một trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre. Sản phẩm có chất lượng tốt, cho thu hoạch quanh năm và được thị trường các tỉnh phía Bắc (đặc biệt là Hà Nội” tin dùng. Để cạnh tranh và nâng cao giá trị, sản phẩm cần có dấu hiệu nhận diện trên thị trường. Xây dựng thương hiệu “Xoài tứ quý Bến Tre” thông qua chỉ dẫn địa lý là cách tiếp cận phổ biến trên thế giới và Việt Nam dùng cho những nông sản có chất lượng đặc thù nhờ các điều kiện tự nhiên và kỹ năng của vùng sản xuất. Từ các kết quả điều tra khảo sát vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, phân tích các chỉ tiêu về cảm quan và lý hóa của trái xoài tứ quý trồng tại Bến Tre (đối chứng với Cần Thơ và Tiền Giang), nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và thực hành sản xuất của các vùng trồng, đề tài đã làm rõ được các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo hộ CDĐL cho quả xoài tứ quý của tỉnh Bến Tre, bao gồm: (1) Danh tiếng/uy tín của sản phẩm trên thị trường và trong xã hội; (2) Những đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm; (3) Những yếu tố địa lý tạo ra chất lượng đặc thù của sản phẩm; (4) Vùng sản xuất đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm. Từ kết quả nghiên cứu ngày, Cục SHTT đã công nhận bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm xoài quả của tỉnh Bến Tre theo Quyết định số 5371/QĐ-SHTT ngày 10/11/2022.

1. Đặt vấn đề

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một hình thức bảo hộ thương mại dùng cho những sản phẩm có chất lượng đặc thù nhờ điều kiện tự nhiên và kỹ năng của vùng sản xuất (FAO, 2010)[2]. Xây dựng CDĐL được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm quan và coi là 1 trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với toàn cầu hóa. Việt Nam chính thức bảo hộ CDĐL vào năm 2001 và đến nay đã có 111 CDĐL. Nhiều sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam đã phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường (Barbara Pick, Delphine Marie-Vivien, Dong Bui Kim. 2018)[3].

Xoài là cây ăn quả được trồng tại nhiều vùng sinh thái: đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng (Đỗ Minh Hiền, Nguyễn Thanh Tùng, Huỳnh Văn Vũ. 2006)[4]. Việt Nam có 92.000 ha xoài năm 2017 cho sản lượng 790.000 tấn/năm với các giống thương mại phổ biến như: xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài Xiêm Núm, xoài Bưởi, xoài Cát Bồ, xoài Thanh Ca, xoài Canh Nông, xoài Yên Châu, xoài tứ quý, xoài Úc, xoài Đài Loan. Trong đó, xoài Cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu và xoài Yên Châu là những sản phẩm có chất lượng tốt và đã được bảo hộ CDĐL tại Việt Nam.

Tỉnh Bến Tre có giống xoài tứ quý trồng tập trung tại vùng đất cát ven biển với diện tích gần 400 ha, năng suất trên 30 tấn/ha/năm, cho thu nhập 250-350 triệu đồng/năm/ha. “Xoài tứ quý Bến Tre” có ngoại hình đẹp, chất lượng trái tốt, thu hoạch quanh năm, ít nhiễm sâu bệnh và thời gian lưu trữ lâu. Sản phẩm có giá bán lẻ tại các hệ thống thương mại hiện đại từ 40.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, “Xoài tứ quý Bến Tre” chưa có các dấu hiệu nhận diện trên thị trường làm công cụ cạnh tranh thương mại. Vì vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm xoài tứ quý của tỉnh Bến Tre là cần thiết.  

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

2.1.    Nội dung nghiên cứu

Đề tài tập trung làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm xoài tứ quý của tỉnh Bến Tre, bao gồm: (1) Xác định các yếu tố tạo nên danh tiếng của sản phẩm; (2) Xác định những đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm; (3) Nghiên cứu các yếu tố địa lý tạo ra chất lượng đặc thù của sản phẩm; (4) Xác định khu vực sản xuất đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm xoài tứ quý mang CDĐL “Bến Tre”; (5) Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL.

2.2.    Phương pháp nghiên cứu

Đề tài kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu theo từng nội dung, cụ thể:

- Nghiên cứu chuỗi giá trị để xác định danh tiếng của sản phẩm trên thị trường;

- Chuyên gia để đánh giá chất lượng cảm quan sản phẩm, chuẩn hóa quy định kỹ thuật canh tác xoài tứ quý;

- Điều tra có sự tham gia để xác định các dấu hiệu nhận biết sản phẩm, tổng hợp các thực hành sản xuất tốt;

- Đánh giá chất lượng cảm quan xoài tứ quý (màu sắc, mùi, vị) theo TCVN 9766:2013 - xoài quả tươi; các phân tích lý hóa quả xoài như: Sodium (Na), Acid, Caroten thịt quả, Đường tổng số, Độ chắc thịt quả, Các chỉ tiêu về ATTP... được tiến hành trong phòng thí nghiệm bằng các phương pháp phổ biến; Các chỉ tiêu lý hóa của đất như: pHKCl, Nthủy phân, P2O5 dễ tiêu, K2O dễ tiêu, Mùn tổng số... được tiến hành trong phòng thí nghiệm bằng các phép đo theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn hiện hành áp dụng tại Việt Nam;

- Nghiên cứu so sánh chất lượng xoài tứ quý và các điều kiện địa lý tại Bến Tre với đối chứng tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) và huyện Cái Bè (Tiền Giang);

- Phân tích thống kê để xác định tương quan giữa các yếu tố địa lý với các đặc tính chất lượng đặc thù của xoài tứ quý tại Bến Tre. Kỹ thuật thông tin địa lý (GIS) để khoanh vùng địa lý khu vực mang CDĐL;

- Mô hình quản lý CDĐL được xây dựng dựa trên nguyên tắc kiểm soát các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng và danh tiếng của sản phẩm...  

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Xác định các yếu tố tạo ra danh tiếng của “Xoài tứ quý Bến Tre”

Danh tiếng/uy tín của hàng hóa được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng thông qua mức độ nhận biết và chọn lựa sản phẩm trên thị trường (Luật SHTT, 2005)[5]. Nó còn được thể hiện bằng các yếu tố văn hóa, lịch sử (chính thống hoặc lưu truyền) tạo nên giá trị của sản phẩm (FAO, 2010).

- Về mặt địa lý, Bến Tre được mệnh danh là vùng đất của nhiều loại trái cây nổi tiếng như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng… do nằm ở hạ lưu sông Mekong, nơi có mật độ sông ngòi dày đặc bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên), hàng năm mang theo 1 lượng phù sa rất lớn. Trong đó vùng trồng xoài tứ quý của Bến Tre chịu tác động của 2 nguồn nước ngọt (hệ thống sông Mekong) và mặn (ven biển) nên xoài có vị ngọt đậm và hơi mặn.

- Bến Tre là nơi đầu tiên lai tạo thành công giống xoài tứ quý vào năm 1982 (tác giả giống là một nông dân huyện Chợ Lách). Xoài là cây nhiệt đới thích hợp với loại đất thịt pha cát có tầng hữu hiệu dày (Nguyễn Văn Luật, 2009)[6]. Giống xoài tứ quý đã được nhân rộng sản xuất tại các tỉnh miền Tây và miền Đông đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ có vùng đất cát ven biển nhiễm mặn như Bến Tre mới có chất lượng tốt và năng suất ổn định.

- Việt Nam có nhiều giống xoài được trồng và thương mại phổ biến: xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài Xiêm Núm, xoài Bưởi, xoài Cát Bồ, xoài Thanh Ca, xoài Canh Nông, xoài Yên Châu, xoài tứ quý, xoài Úc, xoài Đài Loan (Thương vụ Việt Nam tại Úc, 2016)[7]. Trong đó, giá trị thương mại của “Xoài tứ quý Bến Tre” chỉ thua kém 2 thương hiệu nổi tiếng là xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu. Gần 95% sản lượng “Xoài tứ quý Bến Tre” tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía Bắc, được tin dùng và trả giá cao hơn tại Hà Nội so với các trái xoài giống của Úc, Đài Loan sản xuất tại Việt Nam (Bảng 1).

Bảng 1. Giá bán lẻ các loại xoài tại thị trường Hà Nội (1.000 đồng/kg)

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-173147-1684751788.png

Nguồn: Điều tra thị trường của Casrad, 2021

 

3.2. Xác định chất lượng đặc thù của sản phẩm xoài tứ quý Bến Tre

Phân tích cảm quan và lý hóa trái xoài tứ quý trồng tại Bến Tre và 2 đối chứng tại huyện Cờ Đỏ - Cần Thơ và huyện Cái Bè - Tiền Giang (Bảng 2), xử lý thống kê với độ tin cậy Anova 95%, xác định được những đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm đăng ký CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre” (Bảng 2).

Bảng 2. Đặc tính khác biệt giữa xoài tứ quý trồng tại Bến Tre và đối chứng

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-173550-1684751788.png

Nguồn: Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ghi chú: Mức độ phân loại theo các mức x/5

- Bề mặt trái: Nhắn, bóng 5; nhẵn 4; nhẵn, có vết đốm 3; Không nhẵn, có vết đốm 2; xù xì 1

- Thịt: Chắc, ít xơ 5; Chắc, ít xơ (Khí có 1/3 chỉ tiêu không đạt) 4; Chắc, ít xơ (Khi có 2/3 chỉ tiêu không đạt) 3; Mềm, có xơ; Nhũn, nhiều sơ 1.

- Vị xoài xanh: ngọt, chua nhẹ 5; Ít ngọt, chua nhẹ 4; không ngọt, chua nhẹ 3, không ngọt, chua 2, không ngọt, rất chua 1.

- Vị xoài chín: ngọt đậm, hơi mặn 5, ngọt không đậm 4, ngọt 3, ngọt nhẹ 2, không ngọt 1.

Kết quả trên cho thấy, xoài tứ quý của Bến Tre có Độ chắc thịt quả cao hơn đối chứng từ 1,9–2,9 N, hàm lượng Sodium (Na) trong thịt quả cao hơn đối chứng từ 0,69–0,9 % có ý nghĩa về mặt thống kê.

3.3. Xác định các yếu tố địa lý quyết định đến chất lượng đặc thù sản phẩm

Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng và kỹ thuật sản xuất xoài tứ quý tại Bến Tre và 2 vùng đối chứng tại huyện Cờ Đỏ - Cần Thơ và huyện Cái Bè - Tiền Giang, rút ra các yếu tố địa lý (tự nhiên và con người) ảnh hưởng đến 1 số đặc tính chất lượng đặc thù của sản phẩm “Xoài tứ quý Bến Tre”, cụ thể như sau:

a)    Ảnh hưởng của các yếu tố thổ nhưỡng

Phân tích các chỉ tiêu lý hóa của đất trồng xoài tứ quý tại Bến Tre và 2 vùng đối chứng Cờ Đỏ - Cần Thơ, Cái Bè - Tiền Giang (Bảng 3).

Bảng 3. Đặc điểm nông hóa đất giữa các vùng trồng xoài tứ quý

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-173557-1684751788.png

Nguồn: Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Về mặt thổ nhưỡng, đất trồng xoài tứ quý tại Bến Tre thuộc nhóm đất cát ven biển nhiễm mặn, khác với 2 vùng đối chứng (Cần Thơ và Tiền Giang) thuộc nhóm đất phù sa chua phèn được bồi hàng năm.

Cây xoài tứ quý của Bến Tre được duy trì và phát triển trên nhóm đất giồng cát ven biển (các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri). Đất có địa hình cao, hình thành từ các vật liệu cát thạch anh và một số khoáng vật khác. Quá trình phong hóa tạo ra tầng mặt có thành phần cơ giới thịt nhẹ, hạt cát (kích cỡ hạt 0,2-2 mm) chiếm 60-70%, đất có độ xốp 16-20%, phản ứng chua ở tầng mặt và trung tính ở các tầng dưới, hàm lượng hữu cơ 0,79-1,2%, mức độ khoáng hóa cao C/N: 5-7, độ phì thấp (N 0,03-0,08%, P2O5 tổng số 0,04-0,08%, P2O5 dễ tiêu 2-4 mg/100g, đặc biệt đất bị nhiễm hưởng mặn. Ảnh hưởng cụ thể của đất trồng đến chất lượng đặc thù của “Xoài tứ quý Bến Tre” như sau:

(1) Cát là thành phần cơ giới chính nên khả năng cung cấp nước cho cây xoài thấp. Vì vậy, hàm lượng H2O trong quả của “xoài tứ quý Bến Tre” thấp, thịt quả trở nên giòn khi xanh và chắc khi chín. Một số vùng trồng cây ăn quả của Việt Nam đã sử dụng kỹ thuật siết gốc, siết cành để giảm hàm lượng H2O trong trái cây ăn quả.

(2) Đất giồng cát ven biển bị nhiễm mặn nên hàm lượng Sodium (Na) xuất hiện trong quả. Vì vậy, thịt quả có vị ngọt đậm pha lẫn mặn nhẹ khi chín.

b)    Ảnh hưởng của kỹ thuật canh tác

Giống xoài tứ quý có đặc điểm sinh học cho trái quanh năm, cùng 1 thời điểm trên cây có cả hoa, quả non và quả chín. Kỹ thuật sản xuất xoài tứ quý giữa Bến Tre và 2 vùng đối chứng (Cần Thơ và Tiền Giang) có sự khác nhau (Bảng 4).

Bảng 4. Một số kỹ thuật sản xuất riêng của vùng xoài tứ quý Bến Tre

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-173604-1684751788.png

Nguồn: Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Điều này góp phần tạo cho sản phẩm của Bến Tre có một số đặc tính khác biệt so với 2 sản phẩm cùng loại của Cần Thơ và Tiền Giang̉, cụ thể:

(1) Tại Bến Tre, định quả sau khi rụng sinh lý 10-15 ngày và chỉ giữ 3-4 trái/cuống (các vùng đối chứng duy trì số quả/cuống một cách tự nhiên). Kỹ thuật này giúp cho trái xoài tứ quý tại Bến Tre to và có độ đồng đều về kích thước cao hơn đối chứng.

(2) Tại Bến Tre, định quả và bao trái được thực hiện cùng thời điểm. Trái được bao từ lúc còn non cho đến khi thu hoạch đã hạn chế sâu bệnh hại (các vùng đối chứng không sử dụng kỹ thuật này). Vì vậy, xoài tứ quý tại Bến Tre có bề mặt nhẵn và bóng hơn so với 2 đối chứng.

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-172506-1684751132.png

(3) Tại Bến Tre, quả xoài được thu hoạch từ 30-40 ngày tính từ khi ra hoa và theo màu sắc của túi bao trái. Vì vậy, mức độ đồng đều về độ chín của xoài tứ quý tại Bến Tre cao hơn so với đối chứng.

3.4. Xác định khu vực địa lý của “Xoài tứ quý Bến Tre”

Từ các lớp bản đồ chuyên đề: (1) Phân vùng chất lượng sản phẩm; (2) Phân vùng các yếu tố địa lý (nông hóa và thổ nhưỡng, kỹ thuật sản xuất), chồng ghép và xác định được khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm mang CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre” (Hình 1), bao gồm các đơn vị hành chính sau:

(1) Huyện Thạnh Phú gồm các xã : Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh;

(2) Huyện Ba Tri: xã Tân Mỹ;

(3) Huyện Bình Đại gồm các xã: Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức và Đại Hòa Lộc.

3.5. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL

CDĐL là một loại tài sản công, gắn liền với khu vực địa lý và phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng đặc thù. Đặc tính khác biệt là lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị của sản phẩm mang CDĐL. Để duy trì niềm tin tiêu dùng, sản phẩm mang CDĐL phải xác thực về chất lượng, quá trình kiểm soát và chứng nhận, khả năng truy xuất nguồn gốc... để không bị giả nhái và lạm dụng khi thương mại. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống quản lý CDĐL phù hợp nhằm duy trì chất lượng và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.

anh-chup-man-hinh-2023-05-22-luc-172512-1684751132.png

Hệ thống quản lý CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre” được xây dựng trên cơ sở ngăn chặn và giảm thiểu các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tên gọi thương mại (vùng trồng, giống, kỹ thuật sẩn xuất, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chất lượng thành phẩm, logo, tem nhãn...). Đồng thời, quản lý CDĐL phải phù hợp với thực tế sản xuất và thương mại hóa sản phẩm (Hình 2). Trong đó, các cơ quan chuyên môn của địa phương (khoa học công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn...) đóng vai trò kiểm soát độc lập và hỗ trợ; nâng cao vai trò chính của các chủ thể kinh tế (doanh nghiệp hoặc HTX) trong kiểm soát vùng nguyên liệu.

4. Kết luận và khuyến nghị

4.1. Kết luận

Từ các kết quả điều tra khảo sát vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, phân tích các chỉ tiêu về cảm quan và lý hóa của trái xoài tứ quý trồng tại Bến Tre (đối chứng với Cần Thơ và Tiền Giang), nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và thực hành sản xuất của các vùng trồng, đề tài đã làm rõ được các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo hộ CDĐL cho quả xoài tứ quý của tỉnh Bến Tre, bao gồm:

- Xoài tứ quý là trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre, có nguồn gốc giống tại huyện Chợ Lách. Danh tiếng và giá trị thương mại của sản phẩm chỉ đứng sau 2 loại xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu nổi tiếng của Việt Nam. Sản phẩm có lợi thế lớn về mùa vụ và được thị trường định vị ở phân khúc giữa.

- Chất lượng cảm quan đặc thù của sản phẩm (thịt quả chắc, vị ngọt đậm và mặn nhẹ), có liên quan đến một số đặc tính lý hóa (độ chắc thịt quả và hàm lượng Sodium cao, khoảng 2%).

- Chất lượng đặc thù của xoài tứ quý tại Bến Tre có quan hệ chặt với đặc điểm thổ nhưỡng, nông hóa (đất cát ven biển nhiễm mặn) và một số thực hành sản xuất của vùng trồng (định quả, bao trái từ lúc quả non đến thu hoạch).

- Vùng sản xuất đảm bảo chất lượng đặc thù của “Xoài tứ quý Bến Tre” chỉ gồm 1 số xã, thị trấn thuộc 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre (Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri)

Các luận cứ khoa học và thức tiễn trên là cơ sở để Cục SHTT bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm xoài quả của tỉnh Bến Tre theo Quyết định số 5371/QĐ-SHTT ngày 10/11/2022.

Để duy trì danh tiếng của sản phẩm, hệ thống quản lý CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre” được xây dựng trên cơ sở phòng ngừa các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng và tên gọi thương mại sản phẩm (vùng trồng, giống, kỹ thuật sẩn xuất, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chất lượng thành phẩm, logo, tem nhãn...) phù hợp với thực tế sản xuất và thương mại hóa.

4.2. Khuyến nghị

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng việc định vị pháp lý (bảo hộ CDĐL) mới chỉ là giai đoạn đầu, quan trọng hơn là định vị thị trường. Một thương hiệu mạnh cần phải có nhãn mác, bao bì tốt và đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để marketing và quảng bá tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển thương hiệu cần gắn với quản trị chuỗi cung và tổ chức mạng lưới phân phối phù hợp. Để giá trị hóa CDĐL “Xoài tứ quý Bến Tre”, khuyến nghị 1 số vấn đề sau:

- Tổ chức vận hành tốt chuỗi cung ứng từ việc chọn lọc và bảo tồn nguồn gen giống xoài tứ quý, phát triển mạng lưới tiêu thụ.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX vùng trồng xoài tứ quý phát triển liên kết với các đại lý tiêu thụ tại thị trường phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội.

- Tăng cường quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, giao tiếp và đối thoại với khách hàng tại các tỉnh miền Bắc (ưu thế cạnh tranh của xoài tứ quý).

- Tiếp tục duy trì các hoạt động quản lý chất lượng và tên thương mại “Xoài tứ quý Bến Tre”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Barbara Pick, Delphine Marie-Vivien, Dong Bui Kim., 2018. The Use of Geographical Indications in Vietnam: A Promising Tool for Socioeconomic Development? In Geographical Indications at the Crossroads of Trade, Development, and Culture. Cambridge University Press.

2) Đỗ Minh Hiền, Nguyễn Thanh Tùng, Huỳnh Văn Vũ, 2006. Phân tích ngành hàng xoài tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. 22 trang.

3) Nguyễn Văn Luật, 2009. Xoài – Giống và kỹ thuật trồng trọt. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội. 67 trangQuốc hội. Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH ngày 25 tháng 6 năm 2019.

4) Thương vụ Việt Nam tại Úc, 2016. Báo cáo nghiên cứu “Thị trường xoài của Úc và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu xoài của Việt Nam vào thị trường này”. Sydney, tháng 6/2016. 62 trang.

5) Vandecandelaere. E, Arfini. F, Belletti. G and Marescotti. A. et al., 2010. Linking people, Place and Products. Second edition, FAO and SINER-GI, 193 pages.

6) Quốc hội, 2005. Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005.

[1] Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp – Viên cây lương thực và cây thực phẩm

[2] Vandecandelaere. E, Arfini. F, Belletti. G and Marescotti. A. et al., 2010. Linking people, Place and Products. Second edition, FAO and SINER-GI, 193 pages.

[3] Barbara Pick, Delphine Marie-Vivien, Dong Bui Kim., 2018. The Use of Geographical Indications in Vietnam: A Promising Tool for Socioeconomic Development? In Geographical Indications at the Crossroads of Trade, Development, and Culture. Cambridge University Press.

[4] Đỗ Minh Hiền, Nguyễn Thanh Tùng, Huỳnh Văn Vũ, 2006. Phân tích ngành hàng xoài tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam. 22 trang.

[5] Quốc hội, 2015. Luật Sở hữu trí tuệ

[6] Nguyễn Văn Luật, 2009. Xoài – Giống và kỹ thuật trồng trọt. Nhà xuất bản nông nghiệp

[7] Thương vụ Việt Nam tại Úc, 2016. Báo cáo nghiên cứu “Thị trường xoài của Úc và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu xoài của Việt Nam vào thị trường này”.