Ngục trung nhật ký, một bảo vật quốc gia

Sau 30 năm hoạt động không biết mệt mỏi ở nước ngoài, tháng 01 năm 1941, Bác về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước nhà.

Tháng 5 năm 1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại hang Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch đã ra Quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh” gọi tắt “Mặt trận Việt Minh”, để có thể đoàn kết đông đảo nhân dân đồng lòng đoàn kết chung sức đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Lúc này hơn bao giờ hết cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của các nước Đồng minh chống phát xít, mà đồng minh gần ta nhất không ai khác là Trung Quốc, mà Bác là người hiểu biết Trung Quốc hơn ai hết, nên được Trung ương Đảng cử đi Trùng Khánh, để kêu gọi sự giúp đỡ của Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch, nhưng bên trong là bí mật đặt quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Tháng 8 năm 1942, Nguyễn Ai Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh (tên Hồ Chí Minh có từ đây), rời Pắc Bó, trở lại Trung Quốc, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh và Phân bộ Quốc tế chống xâm lược của Việt Nam, để tranh thủ sự viện trợ của các nước Đồng minh chống phát xít, trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Lúc lên đường, Nguyễn Ái Quốc mang tấm danh thiếp: ở giữa ghi tên “Hồ Chi Minh”, một bên ghi “Tân văn ký giả” và bên kia ghi “Việt Nam – Hoa kiều”. Đoàn vừa đi được 10 ngày 5 đêm thì đến thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là Đức Bảo), tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Bác và người Trung Quốc anh Dương Đào dẫn đường (nhân vật được Bác ghi trong bài thơ số 116 “Dương Đào ốm nặng”, người dân tộc Choang) bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Chính quyền Tưởng nghi Bác sang là nhằm phá rối tổ chức Việt Nam Cách mang Đồng minh Hội do Trương Công Bội và Nguyễn Hải Thần (Quốc dân Đảng phản động) thành lập. Bác bị bọn chúng trói tay, cổ mang xiềng xích, dẫn giải, đày ải Bác dầm mưa dãi nắng, trèo đèo, lội suối hơn một năm rồng rã, qua gần 30 ngục tối của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, chính quyền Tưởng Giới Thạch mới trả tự do. (Sau khi Bác được ra tù ít lâu, thì Dương Đào cũng được thả, nhưng chưa kịp về quê thì bị chết ở Liễu Châu, do bị lao vì bị tù đày).

Trong thời gian bị cầm tù, B­ác đã sáng tác được 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi vào trong cuốn sổ tay nhỏ, gồm 54 tờ (108 trang) khổ 12,5 x 9,5 cm, được viết trên một mặt, bằng mực Tàu, theo kiểu hàng dọc từ trên xuống, từ phải sang trái, còn 36 trang để trắng.

bia-cua-tap-tho-nhat-ky-trong-tu-1680101136.jpg
Bìa của tập thơ Nhật ký trong tù

Bìa trước ghi 4 chữ Hán: “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù), kèm theo cặp số, biểu thị ngày tháng năm là ngày 29/8/1942 ;10/9/1943 (tập thơ được viết từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943) và 4 câu đề từ:

                                                             Thân thể ở trong lao,

                                                             Tinh thần ở ngoài lao,

                                                              Muốn nên sự nghiệp lớn,

                                                             Tinh thần phải càng cao.  

Phía dưới bìa, vẽ hình hai tay bị xiềng, hai bàn tay nắm chặt lại: biểu hiện một sự căm phẫn tột độ.

Phần ruột cuốn sổ có 47 tờ (94 trang) ghi 133 bài thơ và một bài đề từ. Trong số 134 bài có một bài viết sau khi ra tù: “Mới ra tù tập leo núi”.

Năm 1960, Nhà Xuất bản Văn học (Bộ Văn hoá) cho xuất bản tập “Ngục trung nhật ký”, đã được dịch ra tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới tựa đề “Nhật ký trong tù”, trong đó có cả bài thơ viết sau khi ra tù:

                                                         Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng,

                                                         Bống tối đêm tàn, quét không,

                                                         Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,

                                                         Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

Tập thơ này được phát hành rộng rãi, lan toả và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, được mọi tầng lớp nhân dân cả nước đón đọc và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tác phẩm không chỉ phổ biến sâu rộng trong nước mà còn được giới thiệu ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng và được đánh giá cao. Đặc biệt “Nhật ký trong tù” còn là hiện vật độc bản, một văn bản gốc duy nhất có tại Việt Nam. Vì vậy Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đề nghị chọn hiện vật gốc cuốn “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bảo vật Quốc gia. Ngày  01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ra quyết định công nhận “Ngục trung nhật ký” là bảo vật Quốc gia.

Ngục trung nhật ký” là cuốn nhật ký ghi bằng thơ chữ Hán, kể lại những sự việc xảy ra trong những ngày Bác bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Tập thơ “Ngục trung nhật ký” không phải là một bài thơ trường thiên liên mạch, mà gồm nhiều bài. Mỗi bài nói về một sự việc. Thể điệu thơ có sự thay đổi, nhưng đa phần là thơ thất ngôn tứ tuyệt.

Nhật ký trong tù” là một tác phẩm có giá trị lịch sử to lớn, được sáng tác trong ngục tối, thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của người Cộng sản kiên trung, đồng thời ghi lại chặng đường đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhật ký trong tù” là những vần thơ được rung lên từ trái tim của một con người vĩ đại, trong hoàn cảnh vô cùng đen tối, cái chết cận kê. Đó là hoàn cảnh tù đày, xiềng xích, tra tấn, đánh đập dã man. Con người hoàn toàn mất tự do, Sống chết trong gang tấc. Nhưng tất cả các bài thơ của Bác đều toát lên niềm lạc quan, kiên cường để chiến thắng hoàn cảnh, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng:

                                                               Sự vật vẫn xoay đà định sẵn,

                                                                Hết mưa là nắng lên thôi.

Xét về khía cạnh này, có thể xem “Nhật ký trong tù” như là một bức chân dung tự hoạ của Bác, than dung của Bác trong “Ngục trung nhật ký” là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng, sốt ruột hướng về đất mẹ thân thương, khao khát tự do của người chiến sỹ Cộng sản bất khuất.

Cố nhà thơ Xuân Diệu lúc sinh thời sau khi đọc “Nhật ký trong tù” đã viết: “Nhật ký trong tù, theo tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết cái tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó... Người xưa nói “đối diện đàm tâm”, nghĩa là mặt nhìn mặt, miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy, là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao, đàm tâm được với nhau...Cái hay vô song của tập thơ là chất người Cộng sản Hồ Chí Minh được đào tạo trong lò hun đúc của Lénine, mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Trường”.

trang-53-trang-ket-tap-nguc-trung-nhat-ky-1680101248.jpg
Trang 53, trang kết tập Ngục trung nhật ký 

Nhật ký trong tù” là tập nhật ký bằng thơ, ghi chép rất tỉ mỉ những gì mà Bác Hồ đã chứng kiến, đã trải qua trong thời gian hơn một năm bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch. Vì vậy, tập thơ mang một giá trị hiện thức phê phán rất cao. Tập thơ phản ảnh khá chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù của chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Qua tập thơ, người đọc thấy được những vất vả, gian lao đến khốn cùng của Bác trong chốn ngục tù. Từ cảnh ăn đói, mặc rét, bệnh tật không được chữa chạy cho đến những cuộc di chuyển qua các nhà lao đầy gian nan, khổ ải:

                                                                 Răng rụng một chiếc,

                                                                Tóc bạn thêm mấy phần,

                                                                 Gầy đen như quỷ đói.

Nhật ký trong tù” cũng là bức tranh xã hội Trung Quốc thu nhỏ (từ 1942-1943) dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch. “Nhật ký trong tù” ngoài ghi lại toàn bộ những sự việc mà Bác đã trải qua, đã chứng kiến, Bác còn ghi những quang cảnh mà Bác tận mắt nhìn thấy ở những nơi bị giam cầm, hay bị dẫn giải đi qua: Chuyện bị bắt ở Túc Vinh, sáng, trưa, chiều tối, chuyện về cái cùm, dây trói, cảnh những người tù cở bạc bị chết... Đó là bút pháp tả thực của Bác, đứng ở một góc độ nhất định để diễn tả được mọi sự việc một cách rõ ràng, chính xác. Đó là góc độ của người tù, đã phải nếm trải mọi cực hình tra tấn, cùm kẹp và chứng kiến mọi sự diễn ra trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch.

“Nhật ký trong tù” trước hết cho ta thấy rõ sự bất công, vô lý ở trong nhà tù của chính quyền Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Một lãnh tụ của cách mạng Việt Nam vừa mới qua biên giới đã bị bắt và đưa ngay vào nhà tù, một sự vi phạm pháp luật trắng trợn:                                                                     

                                                               Ta là đại biểu nhân dân Việt Nam,

                                                               Tìm đến Trung Hoa để hội đàm,

                                                               Ai ngờ đất bằng gây sóng gió,

                                                               Phải làm khách quý tại nhà giam.

Tập thơ “Nhật ký trong tù” có nhiều bài thơ ca ngợi thiên nhiên:

                                                                Mặc dù bị trói chân tay,

                                                                Chim ca rộn núi, hương bay ngất trời.

Nhật ký trong tù” bộc lộ khá rõ cốt cách của một chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, của một thi nhân có tấm lòng bác ái rộng mở, một nghệ sỹ lớn của thời đại. Dù tiếp cận ở những thời gian, không gian khác nhau, song bất cứ ai đã đọc tác phẩm cũng phần nào hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một con người vĩ đại, với khát vọng cao đẹp, lớn lao nhất: “độc lập cho dân tộc, tự do cho con người”.

Nhà văn nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược đã viết: “Tập nhật ký trong tù tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi, là một bức tranh tự hoạ hoặc một thiên tự truyện bằng thơ của một nhà cách mạng. Hơn 100 bài thơ đó hầu như mỗi bài đều thể hiện rất giống con người Hồ Chí Minh, một vị lão thành cách mạng, thông thái, ung dung, chất phác mà kiên nghị

Nhật ký trong tù thể hiện tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói tới cái đẹp tâm hồn là nói tới tình cảm, mà trước hết là nói tới tình yêu thương con người của Bác.

Nhà thơ Viễn Ưng Trung Quốc sau khi đọc tác phẩm “Nhật ký trong tù” đã nhận định:“Chúng ta được gặp một tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân và đại dũng... Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó đã toả ra ánh sáng chói ngời, khi đang trong một hoàn cảnh tối tăm. Ánh sáng ấy chính là ánh sáng của tình thương người”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Tính nhân đạo, tình thương đồng bào đó là điều sâu sắc nhất và tốt đẹp nhất ở trong con người Hồ Chủ tịch”.

Giá trị tư tưởng lớn nhất của tập thơ “Nhật ký trong t” chính là tinh thần, khát vọng tự do của người chiến sỹ Cộng sản. Cuốn Nhật ký trong tù bằng thơ này không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá về mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, mà còn là tác phẩm văn học lớn, là bức tranh tự hoạ bằng thơ  của người chiến sỹ Cộng sản Hồ Chí Minh với khát vọng tự do, tinh thần và ý chí gang thép.

Nhật ký trong tù là một trong những tác phẩm văn học có giá trị lịch sử quý giá nhất đối với nền văn học Việt Nam, những tư tưởng trong tác phẩm cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực bền vững của nó. Tất cả chúng ta những thế hệ hôm nay và mai sau có nhiệm vụ tiếp nối những tư tưởng quý giá ấy./.