Nhà thơ Nguyễn Khuyến – đôi điều mọi người ít biết

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến nổi tiếng, sinh năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên nhưng lại sống ở quê nội là làng Vị Hạ, xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Trên kênh youtube “Hà Nội Phố”, vào ngày 15 tháng 6 năm 2023, một chàng trai đất lúa Thái Bình đã chia sẻ với đồng bào cả nước về những trải nghiệm và khám phá mới về nhà thơ. Bài viết tổng hợp một số vấn đề nhiều người chưa biết để thông tin cùng bạn đọc.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Khuyến

Hậu duệ Nguyễn Khuyến đã hé lộ một số bất ngờ về sự thật trong thơ qua di chúc cụ để lại.  Đến thăm ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam của Tam Nguyên Yên Đổ, du khách được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý đang được lưu giữ tại đây.

Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê mẹ thuộc xã Hoàng Xá huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 ở quê nội là xã Yên Đổ tỉnh Hà Nam.

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, cha ông từng đỗ ba khóa tú tài và làm nghề dạy học; bản thân Nguyễn Khuyến thông minh, chăm học và học giỏi. Năm 1864, ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường thi Nam Ðịnh; năm 1871, đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi là “Tam nguyên Yên Ðổ” nghĩa là người đỗ đầu ba kỳ thi của làng xã Yên Đổ.

Thân mẫu Nguyễn Khuyến là cụ Trần Thị Thoan, sinh ra trong một dòng họ có truyền thống khoa cử, ông tổ đời thứ tư của cụ là Hoàng Giáp Trần Hữu Thành (đỗ năm 1586) làm quan đến Chức Đề Hình giám sát Ngự sử đời Vua Mạc Mậu Hợp. Sau khi chồng mất, cụ đã phải tần tảo khuya sớm nuôi dạy con nhỏ và phụng dưỡng mẹ chồng với quyết tâm cao giành cho việc học của Nguyễn Khuyến để thành tài.

Nguyễn Khuyến đã học tới 3 người thầy ở Ý Yên. Người thứ nhất, người đặt nền móng cho đường học vấn của nhà thơ là ông ngoại, cụ đồ Trần Hữu Tập; Người thầy thứ hai là Tiến Sỹ Đốc Học Tỉnh Nam Định Hoàng Kim Chung, người làng Đô Hoàng xã Yên Thành huyện Ý Yên, một người rất giỏi văn chương, được Vua hay Tự Đức từng ngợi khen “Văn chương Nam Định đã tường, Còn e hai tiếng chuông vàng Ý Yên”; Người thứ ba là Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị, một chí sỹ yên nước, người xã Yên Thắng huyện Ý Yên, đã mộ quân xin với triều đình đánh Pháp, song không được chấp thuận; triều đình bắt phải giải giáp binh sỹ vì đã có chủ trương đầu hàng.

Có lẽ vì nặng tình với quê mẹ Ý Yên nên trước khi mất Nguyễn Khuyến đã dặn dò con cháu phải để mộ ông trên đỉnh núi xã Yên Lợi, huyện Ý Yên nhìn về Từ Đường quê nội. Đất Ý Yên là nơi Nguyễn Khuyến đã được sinh ra và gắn cả tuổi thơ với nhà ông ngoại. Đây là nơi có những người thầy hun đúc nên tài năng và nhân cách, nơi có người mẹ gắn với những câu chuyện tâm linh. Đây cũng là nơi lưu giữ phần mộ ông nội, ông ngoại và phần mộ của chính ông trên đỉnh núi Phương Nhi. Mượn lời nhà giáo nghỉ hưu là chắt ngoại của Tam Nguyên Yên Đổ chúng tôi được biết Ý Yên là quê theo nghĩa chôn nhau cắt rốn, còn Yên Đổ chỉ là nơi ở mà thôi!”. Nói như vậy chưa thật khả dĩ, nhưng có thể Ý Yên lại là quê hương của danh nhân văn hóa Nguyễn Khuyến theo mọi nghĩa.

Nguyễn Khuyến làm quan ở nội các Huế, rồi làm Đốc học tỉnh Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, rồi Biện lý Bộ Hộ. Thời gian làm quan, thưc dân xâm lược Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam kỳ và tiến quân ra Bắc. Sống trong bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân, Nguyễn Khuyến không làm gì để thay đổi được thời cuộc nên đã cáo quan về ở ẩn.

Nhà thơ không chỉ là một tâm hồn Việt Nam tiêu biểu mà được coi là một nhân cách trong thời mất nước, con người và dân tộc bị chà đạp, đói rét, lầm than. Về ở ẩn nơi làng quê nhưng ông vẫn giữ được khí tiết, phẩm chất của một người yêu nước chân chính, hòa mình cùng với nhân dân.

nguyen-khuyen-1-1696775745.jpg

Làng Vị Hạ, xã Yên Đổ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, quê hương của Nguyễn Khuyến (Ảnh Quang Chiến)

Nguyễn Khuyến với sự nghiệp văn chương

Những sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm; đáng kể nhất là “Quế Sơn thi tập” với khoảng 200 bài thơ chữ Hán mang tính Đường thi, là đỉnh cao của văn học đương thời. Sáng tác của Tam Nguyên từng bộc bạch tâm sự của mình; viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương, một vùng đồng chiêm nghèo Bắc Bộ và chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội.

Trong thơ văn Nguyễn Khuyến, ba bài Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh đã được bình phẩm rất nhiều, được coi là tiêu biểu cho hồn thơ Nôm và xác lập vị thế là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”

Nhiều người đã khẳng định ba bài thơ này là những bức tranh nên thơ, vẽ đúng điệu hồn của mùa thu làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ẩn trong cảnh thu thanh bình là nỗi u hoài thầm kín về nỗi đau nước mất, nhà tan mà bản thân bất lực, bế tắc. Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thuỷ mặc bằng ngôn từ, diễn tả được thần thái cảnh thu với những hình ảnh đặc trưng: trời xanh, nước trong, lá vàng, khói trắng, ao, nhà, làng, ngõ. Đọc cả ba bài thơ dễ nhận thấy không khí yên ả, dịu êm của làng quê có tự bao đời. Một số nhà thơ đã bàn về khía cạnh này đều hướng đến khẳng định, cái hay là cảnh đẹp làng quê đồng bằng Bắc Bộ mỗi độ thu về và nỗi đau thời thế của tác giả. Có thể nói, với ba bài thơ thu, Nguyễn Khuyến là nhà thơ của những tang thương giày vò, khắc khoải của nỗi đau đời và thế sự.

Mở đầu bài Thu điếu, tác giả đã viết Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Cái ao có bờ bao quanh, con con trong tầm mắt nhìn còn bị vo lại bởi cái lạnh của mùa thu và độ trong veo của làn nước mát. Khí lạnh của mùa thu chợt đến làm cho người đọc có cảm giác chiếc ao bị thu hẹp hơn nhiều cả về giới hạn chiều sâu. Tính chất bé nhỏ của cái ao còn tiếp tục gia tăng bởi câu thứ 2: Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Trạng thái nhỏ hẹp này cũng được xuất hiện ngay từ đầu trong bài Thu ẩm với câu:
Năm gian nhà cỏ thấp le te. Tính chất nhỏ hẹp còn được thể hiện qua không gian của  ngõTrong bài Thu điếu, tác giả đã thể hiện bằng câu Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Còn trong Thu ẩm, ngõ bị chìm trong đêm tối với câu Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè. Độ tối lại một lần nữa thu thêm độ hẹp của con ngõ. Không gian nào cũng tù túng, nhỏ bé! Có thể nói, trạng thái eo hẹp, tăm tối khiến cho cảnh thơ thu Nguyễn Khuyến có sắc thái ảm đạm, tù túng của cảnh một nông thôn nghèo!

Cùng với sự ngột ngạt, tối tăm là trạng thái hư ảo, tàn tạ, thụ động. Ấn tượng này được biểu hiện trong rất nhiều hình ảnh dưới trời xanh. Trong ba bài thơ thu, bài nào cũng có bầu trời xanh ngắt. như trong Thu điếu tác giả viết

 Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Còn trong Thu ẩm là

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

và Thu vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu.

nguyen-khuyen-2-1696775779.jpg

Bức tranh mùa Thu mộc mạc của vùng quê Việt Nam (Ảnh FB Viet Nam que huong toi)

“Vịnh trâu già” bài thơ thể hiện tài năng và khí chất của Nguyễn Khuyến

Mặc dù đã rời quan trường từ mùa thi năm 1892; song, là quan đại thần, lại đỗ Đại Khoa với 3 lần đỗ đầu, từng mang hàm Tổng đốc Tam Tuyên nên Tam Nguyên Yên Đổ luôn được mọi người  nhắc đến với biết bao niềm kính trọng.

Chuyện kể lại rằng, Vào năm 1902, cầu Long Biên (Doumer) được tổ chức lễ khánh thành. Dự lễ có vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng nhiều quan văn võ triều Nguyễn và hàng nghìn cư dân Hà Nội. Ở thời điểm này,mặc dù đã cáo quan về ở ẩn, nhưng vốn là người danh tiếng nên Nguyễn Khuyến vẫn được mời dự. Nhận được chỉ dụ, Tam nguyên phải chống gậy bước ra nơi có lễ cắt băng khánh thành.

Trong đại lễ, toàn dân và bách quan và mọi người phải quỳ lạy, tung hô “vạn tuế”, Riêng Nguyễn Khuyến không quỳ lạy mà chỉ cúi lạy 2 vái. Thấy vậy, Vua Thành Thái không hài lòng, toan xử tội. Nhưng khi nhận ra nhà thơ nổi tiếng Tam nguyên vua đành nén giận. Lễ khánh thành kết thúc, nhà vua vời Nguyễn Khuyến đến gần, bắt phải làm một bài thơ thật hay để hầu vua, tạ tội.

Một thoáng suy nghĩ tìm ý nghĩa từ và câu từ, Tam Nguyên xin phép nhà vua đọc ngay: Một nắm xương khô, một nắm da.

Bao nhiêu cái ách đã từng qua.

Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa.

Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca.

Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh.
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuồng mới.
Ơn đức vua Tề lại được tha.

Mượn tích cổ của Trung Hoa để viết nên bài thơ thể hiện đúng hiện trạng, tâm thế của mình, ốm o tàn tạ như con trâu già chẳng qua cũng bởi đời quan chức nhiều nỗi truân chuyên, tai ách; ta đã chán ngấy những việc như đốt lửa đuôi trâu của Điền Đan và những lời tấu hót xu nịnh như của Ninh Tử. Vì thế mà triều chính không ưa gì cái sự ngay thẳng của ta. Có kẻ muốn giết ta như giết một con trâu già đấy, vua có tha ta thì tha.

Là một bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, hình tượng thơ tinh tế theo luật Đường thi, nhưng hiểu được không dễ, do tác giả sử dụng dày đặc các điển tích và dùng phép ẩn dụ trong toàn bài để nói lên tình thực, cảnh thực vừa để bào chữa lỗi phạm vừa thể hiện chí khí của sỹ phu Bắc Hà những con người mà “uy vũ bất năng khuất”.

Hai câu đề của khổ thơ là hình ảnh về thân hình, thể xác và những nỗi khổ chồng chất của nhà thơ giống như đời của một con trâu già đã nếm trải: Một nắm xương khô một nắm da/ Bao nhiêu cái ách đã từng qua. “Cái ách”, một từ hình tượng diễn tả quá trình gian nan cống hiến được cụ thể ở hai câu thực: Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa/ Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca. Đến đây, những điển tích đã được dùng để nêu bật công trạng và ý chí lớn lao của con trâu. Hai câu luận của bài thơ có tích “Vườn Đào, thôn Hạnh”: Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh/ Tối về thôn Hạnh thở nghi nga. Nói về Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, để ghi nhớ công lao của loài động vật góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, một làng có nhiều cỏ ngon yên bình và tươi đẹp.

Thông qua bốn câu thực và luận Nhà thơ đã dùng các điển tích để truyền một thông điệp rất mạnh mẽ là con trâu dù quê mùa bình dị nhưng hàm chứa những phẩm chất, ý chí lớn lao đã có những cống hiến hữu ích cho xã tắc. Rõ ràng thông điệp ấy dành cho Vua Thành Thái và tầng nghĩa ẩn dụ ở đây chính là Nguyễn Khuyến tự bạch về mình. Trên thực tế ông đã có đóng góp lớn cho việc cải cách bổ nhiệm quan lại, thực hiện chế độ thanh tra cấp nhà nước, xây dựng quân dự bị tại địa phương, chống tham nhũng trong triều Nguyễn.

Hai câu kết, tác giả tiếp tục sử dụng điển tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuông mới. Sau đó, nhà vua bèn ra lệnh tha trâu không giết: Có người toan giết tô chuông mới/ Ơn đức vua Tề lại được tha. Đây là cách nói nhún nhường, nhưng thể hiện được đạo vua tôi, là lời cảnh tỉnh bậc quân vương về cách dùng người phải biết thương yêu trân quý, ghi nhớ công lao của người có công, không vì mục đích nhỏ bé, chi tiết nhỏ của  lễ tiết mà vội vàng phụ bạc, trách tội!

Sự kiện vua Thành Thái miễn tội Nguyễn Khuyến trong Lễ khánh thành cầu Doumer quá ít người nhớ tới, nhưng bài thơ “Vịnh trâu già” vẫn còn lưu truyền mãi mãi. Trước hết đó là bản tự bào chữa thông minh, hóm hỉnh rất đỗi hài hòa, mềm dẻo tình lý và kết cục thắng lợi bằng thơ! Hình ảnh thi sĩ trong bài thơ cũng tự nhiên được khắc họa đầỳ tài năng giúp đời giúp nước và ngùn ngụt khí tiết một Nhà nho

Chắt nội Nhà thơ, Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết thêm“Sở dĩ cụ tôi làm vậy vì bên cạnh vua Thành Thái còn có thứ phi của ông và tên toàn quyền thực dân Paul Doumer. Cụ căm ghét lũ thực dân xâm lược đã rõ, nhưng còn nguyên nhân khác đó là bà Thứ phi vốn đã có hôn ước với ông tôi là Phó bảng Nguyễn Hoan, nhưng ông tôi đã từ chối vì bố của bàthứ phi là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp đã đặt bút ký hòa ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883) có nội dung xác lập quyền bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp trên toàn bộ đất nước Việt Nam”.

Hy vọng những thông tin ít biết sẽ giúp chúng ta có cách nhìn đúng mức về nhân cách của một nhà thơ./.

 

File Tam Nguyên Yên Đổ 10.2023(S)