Nhu cầu thế giới tăng mạnh, một mặt hàng của Việt Nam kim ngạch có thể đạt kỷ lục 4 tỷ USD

TH
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Trong nhóm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3 tỷ USD trở lên trong năm 2021, không thể thiếu sự góp mặt của mặt hàng cà phê. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, tuy giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020.

Cà phê của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil), có mặt hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14 - 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Vicofa cho hay, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Nhu cầu thế giới tăng mạnh, một mặt hàng của Việt Nam kim ngạch có thể đạt kỷ lục 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Trong Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam có 6 nước châu Âu. Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, nhu cầu cà phê đã mở rộng đáng kể ra ngoài các thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Tại châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản dẫn đầu thị trường, tiếp theo là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu đã đưa ra gợi ý về quy mô thị trường cà phê Hoa Kỳ đang tăng trưởng vài năm gần đây và dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, bình quân 6,74% giai đoạn 2020-2027. Nhờ lợi ích sức khỏe liên quan đến cà phê cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường cà phê Hoa Kỳ.

Còn tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê ở thị trường này còn rất lớn.