Những cái chết rình rập từ mặt đất

Sẽ là không ngoa vì khi tôi có mặt ở sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận (1989) những quả đạn cối M79 màu trắng, một đầu thuôn như đầu chày giã cua, đầu kia có cái chong chóng bằng kim loại, còn nằm lăn lóc nơi cống rãnh ngoài sân bay và đặc biệt nhiều ở khu nhà ở mới xây dựng của Xưỡng bảo dưỡng Kỹ thuật e937. Khi bắn hoặc cầm ném, cái chong chóng sẽ quay tít và kéo cái trục của chong chóng quay theo. Đến một độ nhất định, cái trục của chong chóng sẽ chạm vào hạt nổ, và thế là......

Khu vực Kho bom và phía cổng Tăng đi ra xã Đắc Nhơn (gọi là cổng Tăng vì thời Mỹ ngụy ở đây có một đơn vị xe tăng đóng quân bảo vệ sân bay) mìn còn sót lại nhiều. Đã có những cái chết thương tâm hoặc cụt chân do giẫm phải mìn ở khu vực này. Những chú bò đi kiếm cỏ ăn gần khu vực Kho bom cũng bị mìn nổ banh xác.

dt-dvh1-1718635258.jpg
Ảnh sưu tầm trên mạng.

Có buổi chiều tôi đi thể dục và khám phá những quả đồi phía sau sân bay đã nhìn thấy trong một lùm cây có một quả mìn vỏ có khứa như quả dứa. Thời ấy, cứ tới dịp nghỉ hè là vợ tôi cùng hai đứa con nhỏ lại vào đơn vị thăm tôi. Buổi chiều, tôi thường dẫn vợ con đi dạo trên những quả đồi phía sau sân bay với lời căn dặn “Thấy vật bằng kim loại tuyệt đội không được động chạm tới!”. Rất có thể, những vật kim loại ấy là những quả mìn, quả đạn còn sót lại.

Mối nguy hiểm thứ hai là những con rắn Philipin. Loại rắn này được Mỹ ngụy lấy giống từ Philipin về và sau đó thì nhân giống. Chúng chỉ to bằng ngón tay cái, dài chừng 20cm, màu xám hoặc xám vàng với cái đầu hình tam giác. Chúng được Mỹ ngụy nuôi thả vào giữa hai lớp rào kẽm gai xung quanh sân bay để chống đặc công ta. Hai mép chân hàng rào, Mỹ ngụy rải thuốc chống rắn. Khi rắn bò lên, gặp thuốc lại tụt lại. Sau ngày giải phóng (30/4/1975), chúng ta không có thuốc chống rắn nữa. Thế là những con rắn Philipin tự do bò đi tứ tán khắp nơi. Thời tôi mới tới đây thì thường xuyên gặp chúng. Mỗi khi sau cơn mưa, chúng kéo ra ngoài mặt đường để kiếm mồi. Có buổi tối, đạp xe sau khi đi chơi phố về, chỉ một đoạn đường ngắn từ cua tay áo, qua trại bò của e920 đến dốc nhà máy điện mà chúng tôi “tiêu diệt” hàng chục con. Buổi tối, nếu phải đi “giải quyết” cái tứ khoái của loài người, thì vật bất ly thân của chúng tôi là cái đèn pin. Nếu không thì dẫm phải rắn như chơi. Về sau, do chúng tôi tích cực săn lùng chúng, nên rắn ngày càng ít đi.

Mối nguy hiểm thứ ba là rắn xanh (rắn lục). Khi thấy một cây keo với những chùm quả chín đỏ hay cây táo gai với những quả chín vàng, bạn chớ vội lao vào để hái kẻo bị những con rắn xanh nằm vắt vẻo trên cành đớp vào tay đấy. Vì chúng có màu xanh nên khi chúng nằm trên cành lá rất khó phát hiện. Cảnh giác không bao giờ thừa.

Ngoài rắn xanh thì bò cạp và rết ở đây rất sẵn. Nhiều đồng đội đã khóc hu hu vì bị bò cạp và rết cắn. Khí hậu ở đây khô nóng mùa gió chướng và ẩm ướt về mùa mưa nên rất thích hợp cho chúng sinh sản.

Còn mối nguy hiểm nữa tuy không gây chết người nhưng gây cho chúng tôi rất nhiều phiền toái. Đó là cỏ gai ba cạnh. Cây này thân mềm, vỏ ngoài có lông tơ, lá xanh hơi bạc, bò lan trên mặt đất, dài chừng 20-40cm. Chúng phát triển rất nhanh vào mùa mưa và ra hoa năm cánh màu vàng tươi giống hoa của cây lạc (đậu phộng) nhưng nhỏ hơn, sau đậu thành trái nhỏ bằng đầu đũa có ba cạnh. Đến mùa gió chướng, cây héo và chết, còn quả thì cứng chắc lại với ba cạnh sắc nhọn màu hạt dẻ. Gió chướng thổi những quả này bay đi khắp nơi. Nguy hiểm ở chỗ là dù quả nằm ở vị trí nào thì cũng có một cạnh sắc nhọn chọc thẳng lên trời. Nếu bạn đi chân trần mà dẫm phải nó thì những gai sắc nhọn sẽ đâm sâu vào chân bạn. Còn bạn đi xe đạp, xe máy chẳng may đè lên nó thì chỉ còn cách dắt bộ. Nguồn gốc xuất xứ của cây gai ba cạnh thì tôi không rõ, nhưng chúng được Mỹ ngụy trồng dọc theo các bờ rào kẽm gai xung quanh sân bay để chống đặc công ta đột nhập.

Đấy là những mối nguy hiểm mà ai đã từng sống ở đây đều đã phải trải qua. Giờ đây, nó như một kỷ niệm của những người lính một thời gắn bó với mảnh đất này.

H.X.T

Trái tim người lính