Chuyển đổi số, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao hạ tầng hiện đại

Để gắn chuyển đổi số với xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã xây dựng một lộ trình chặt chẽ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Chương Mỹ đề ra Kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao có hạ tầng hiện đại.

Theo đó, 100% số xã của huyện đã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó 3 xã là Thủy Xuân Tiên, Hợp Đồng, Đồng Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Năm 2022, huyện có thêm 02 xã là Quảng Bị và Lam Điền đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ có tổng số 46 chỉ tiêu và 29 nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử được triển khai thực hiện.

Kết quả 26/46 chỉ tiêu đã hoàn thành (đạt 56,5%), 7/46 chỉ tiêu đạt ở mức độ thấp (chiếm 15,2%). Tính đến hết tháng 8/2023 đã có 16/29 nhiệm vụ đã hoàn thành đạt 55,2%, còn 13/29 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện chiếm 44,8%. 

Hiện tại huyện Chương Mỹ đã khai thác, sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ số trong điều hành và sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ nông sản và mua các nguyên liệu, công cụ phục vụ sản xuất.

Đồng bộ, toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, ngân hàng, kho bạc và hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn. Cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.  

Về lĩnh vực y tế, huyện Chương Mỹ đã cung cấp dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; đơn thuốc điện tử. Triển khai nền tảng y tế như quản lý xét nghiệm, tiêm chủng, thông tin y tế cơ sở.

Trong giáo dục, chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảng dạy và học tập. Huyện cũng kết nối Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng lương hưu và trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Huyện Chương Mỹ đã số hóa 3D các công trình kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kết nối, chia sẻ, quảng bá. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng mạng LAN tại huyện và các xã đảm bảo đồng bộ, an toàn, an ninh thông tin; xây dựng bộ phận một cửa hiện đại các cấp. 

z5005669996425-ea23631c1d57871b1d23f26253b89d48-1703426303.jpg
UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, để gắn chuyển đổi số với xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đã xây dựng một lộ trình chặt chẽ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. 

Theo đó, Phòng Văn hoá - Thông tin phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số, kết hợp với xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao có hạ tầng hiện đại để các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. 

Các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của UBND Thành phố, kế hoạch của Huyện ủy và UBND huyện tới toàn thể hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân. Đảo đảm cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tại đơn vị, địa phương hoặc lồng ghép các nội dung liên quan vào kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, địa phương. 

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản pháp quy về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên không gian mạng. Thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực của chuyển đổi số.

Để gắn chuyển đổi số với xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao, huyện xác định việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó để từng bước nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về những tính năng cũng như những lợi ích mang lại từ chuyển đổi số.

---

Bài viết được sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội