Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 54

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 54.

 Hồ Chí Minh coi trọng động lực văn hóa, khoa học, giáo dục trong xây dựng chủ nghĩa xã hội

 Đảng lãnh đạo đúng đắn là hạt nhân trong hệ thống động lực chủ nghĩa xã hội. Động lực chủ nghĩa xã hội còn là sự đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo những nhân tố kìm hãm làm trì trệ động lực chủ nghĩa xã hội: Tham ô, quan liêu, lãng phí. “Đó là giặc nội xâm”.

Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Phải kết hợp nội lực và ngoại lực tạo lên sức mạnh tổng hợp xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngoại lực sẽ phát huy tác dụng khi tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam, chung sống hoà bình để phát triển.

 Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác- Lênin vạch ra 2 con đường: Trực tiếp đi lên chủ nghĩa xã hội từ những nước có trình độ tư bản chủ nghĩa. Con đường thứ 2 là gián tiếp từ những nước trình độ tư bản chủ nghĩa còn thấp đi lên chủ nghĩa xã hội. Những nước này theo Lênin phải có hai điều kiện: Thứ nhất, cách mạng dân tộc dân chủ do một Đảng kiểu mới lãnh đạo và trở thành Đảng cầm quyền, thứ hai được một hay nhiều nước tiên tiến giúp đỡ.

 Quan niệm của Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ ở Việt Nam là thời kỳ quá độ gián tiếp, quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã làm phong phú khái niệm thời kỳ quá độ của chủ nghĩa Mác- Lênin. Hồ Chí Minh nêu nên đặc điểm quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam:

 Đặc điểm 1: Cách mạng Việt Nam kết thúc cách mạng dân chủ chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa không bằng cuộc đảo lộn chính trị giành chính quyền

  Đặc điểm 2: Đặc điểm lớn nhất là Việt Nam từ nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa

  Đặc điểm 3: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa có hoà bình vừa có chiến tranh thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hai cuộc cách mạng này có mối quan hệ khăng khít với nhau. Sáng tạo của Hồ Chí Minh là vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng trong chiến tranh. Bình thường thì chiến tranh kết thúc mới xây dựng.

 Đặc điểm 4: Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thuận lợi và khó khăn. Những nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bao gồm những nội dung sau:

 Xây dựng vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, xây dựng các tiền đề kinh tế chính trị, văn hóa, tư tưởng cho chủ nghĩa xã hội.

 Cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo xây dựng, lấy xây dựng làm trọng tâm, làm chủ chốt lâu dài.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ rất khó khăn phức tạp vì đây là cuộc cách mạng làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, đồng thời giải quyết hàng loạt các mâu thuẫn khác nhau. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn bị các thế lực phản động trong nước và ngoài nước tìm cách phá hoại

 Những nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ quá độ, Hồ Chí Minh xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực: Trong lĩnh vực chính trị, giữ vững phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng không được quan liêu thoái hoá biến chất, mất lòng tin cậy của nhân dân. Củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết để có sức mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế: Xây dựng lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế. Xác lập cơ cấu kinh tế gồm cơ cấu ngành, cơ cấu các thành phần, cơ cấu kinh tế vùng, cơ cấu kinh tế lãnh thổ, cơ cấu kinh tế công, nông, thương nghiệp, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu. Hồ Chí Minh chú ý phát triển đồng đều kinh tế đô thị, kinh tế nông thôn, vùng núi hải đảo nhằm nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước. Hồ Chí Minh chủ trương phát triển cơ cấu nhiều thành phần kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ. Phát triển kinh tế quốc doanh tạo nền tảng cho chủ nghĩa xã hội. Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã thủ công nghiệp. Đối với tư bản tư nhân không xóa bỏ sở hữu của họ đối với tư liệu sản xuất, cải tạo họ bằng nhiều hình thức như tư bản Nhà nước. Hồ Chí Minh chú ý quan hệ phân phối quản lý. Quản lý dựa trên cơ sở hạch toán kinh tế, phân phối theo lao động, khuyến khích chế độ khoán.

 Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với đời sống xã hội. Nhấn mạnh xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đề cao giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Đề cao việc nâng cao dân trí, sử dụng nhân tài.

   Những phương châm biện pháp đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh xác định phương châm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một hiện tượng mang tính quốc tế, cho nên phải quán triệt các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy nhiên phải học tập khảo sát kinh nghiệm của các nước anh em, các nước tiến tiến. Học mà không sao chép máy móc. Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Trung Quốc có thể khác Việt Nam, vì điều kiện cụ thể của các nước khác nhau. Bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải xuất phát từ điều kiện thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng của nhân dân.

  Phương châm xây dựng chủ nghĩa xã hội, dần dần, thận trọng từng bước một, từ thấp lên cao, không nôn nóng chủ quan, xác định bước đi phải căn cứ vào hoàn cảnh khách quan quy định. Công nghiệp hóa phải dựa trên xây dựng và phát triển nông nghiệp.

 Về biện pháp, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo với xây dựng, lấy xây dựng làm chính. Kết hợp xây dựng với bảo vệ. Đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Xây dựng chủ nghĩa xã hội có kế hoạch, có biện pháp và quyết tâm thực hiện các biện pháp đến thắng lợi. Biện pháp phải cơ bản, lâu dài, đem của dân, sức dân, tài dân làm lợi cho dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội trở thành tài sản vô giá của nhân dân, của Đảng ta, là cơ sở lý luận, kim chỉ nam để Đảng và nhân dân ta giữ vững định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy tất cả các nguồn lực, trước hết là nội lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức[1]. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong sạch vững mạnh. Tăng cường giáo dục nhân dân ý thức làm giàu cho đất nước. Hồ Chí Minh căn dặn : Một dân tộc biết cần, biết kiệm là một dân tộc văn minh, tiến bộ; dân tộc đó chắc chắn sẽ thắng được nghèo nàn lạc hậu, ngày càng giàu có về vật chất cao đẹp về tinh thần.

8. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.

 Khái niệm về văn hóa: tháng 8 năm 1943 Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[2].

Như vậy, trong khái niệm văn hóa của Hồ Chí Minh văn hóa bao gồm những giá trị văn hóa tinh thần, giá trị văn hóa vật chất.

 Về xây dựng một nền văn hóa mới, Hồ Chí Minh đưa ra 5 định hướng xây dựng nền văn hóa dân tộc: Xây dựng tâm lý:Tinh thần độc lập tự cường, xây luân lý: Biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi xã hội của nhân dân trong xã hội. Xây dựng chính trị: Dân quyền và xây dựng kinh tế. [3]

   Vai trò của nền văn hóa: Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa là động lực cũng là mục tiêu của cách mạng. Trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc có ba hình thức đấu tranh: Đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng văn hóa và đấu tranh chính trị. Đấu tranh văn hóa chuẩn bị, thúc đẩy đấu tranh chính trị, giác ngộ quần chúng, soi đường cho quần chúng để họ vùng dậy tiến tới đấu tranh chính trị lật đổ chế độ cũ. Văn hóa do vậy là động lực của cách mạng. Hồ Chí Minh viết: Văn hóa soi đường cho nhân dân đi đến độc lập tự cường, tự chủ. Khi quần chúng giác ngộ vùng dậy và như vậy từ sức mạnh tinh thần văn hóa biến thành sức mạnh vật chất. Văn hóa góp phần đào tạo cán bộ, đào tạo con người cho kháng chiến kiến quốc. Văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

 Văn hóa là một mặt trận, người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Văn hóa có vai trò lớn thúc đẩy cách mạng chính trị bùng nổ và thắng lợi. Ngay cả sau khi cách mạng thành công văn hóa vẫn tiếp tục đấu tranh xây dựng xã hội mới. Văn hóa mới đấu tranh xóa đi tàn dư của văn hóa cũ còn lại, xây dựng một nền văn hóa mới của chế độ mới.

 Theo Hồ Chí Minh trong khi xây dựng chế độ mới có 4 vấn đề cần quan tâm: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Vậy văn hóa là một bộ phận hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, thiếu văn hóa thì xã hội không hoàn thiện. Kinh tế, chính trị thúc đẩy văn hóa, ngược lại, văn hóa cũng góp phần thúc đẩy xã hội, kinh tế, chính trị phát triển. Văn hoá cũng là mặt trận góp phần vào cuộc đấu tranh cho kinh tế, chính trị, xã hội. Người làm công tác văn hóa là chiến sĩ phải phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự công nông binh. Phải đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Phải có lập trường tư tưởng đúng và vững. Phải hiểu đuợc có độc lập thì báo chí, văn nghệ mới được tự do. Cho nên người làm công tác văn hóa phải tham gia vào sự nghiệp cách mạng.

 Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa phải phê bình thói xấu, chống tham nhũng, chống quan liêu. Văn hóa phải ca tụng những tấm gương người thật việc thật để giáo dục cho hiện tại và mai sau.

Nhà văn hóa phải góp phần vào việc giao lưu văn hóa với các dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, góp phần đoàn kết giữa các dân tộc đấu tranh cho độc lập hoà bình, tự do hạnh phúc cho loài người. Văn hóa phải phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ dân tộc. Văn hóa phải miêu tả hiện thực cuộc sống nhân dân, phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn, phải viết sao cho phù hợp trình độ của quần chúng nhân dân, làm cho văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước.       

Tính chất và chức năng của văn hóa: Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà theo Hồ Chí Minh bao gồm ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Tính chất dân tộc của văn hóa được Hồ Chí Minh diễn đạt bằng nhiều khái niệm, đặc tính dân tộc, cốt cách dân tộc nói lên đặc trưng, bản chất dân tộc của nền văn hóa. Phải trau dồi cho văn hóa, văn nghệ có tính thuần túy văn hóa Việt Nam, phải lột tả cho hết tinh thần dân tộc, đó là chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, khát vọng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Hồ Chí Minh cho rằng “Nền văn hóa dân tộc mà phát triển đến cực điểm thì tức là đến chỗ thế giới hóa nó, vì lúc bấy giờ văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình và văn hóa của mình sẽ chiếm được vị trí ngang với các nền văn hoá thế giới”[4]. Tính dân tộc của văn hoá thể hiện ở việc giữ dìn, kế thừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước.

 Tính khoa học: Tính khoa học của văn hóa là ở tính hiện đại, tiên tiến, đấu tranh chống những gì trái khoa học, phản tiến bộ, chống chủ nghĩa duy tâm, chống mê tín dị đoan, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha.

 Tính đại chúng của văn hóa thể hiện ở chỗ văn hóa phải phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh viết “Văn hóa phục vụ ai? Cố nhiên chúng ta phải nói là phục vụ công nông binh, tức là phục vụ đại đa số nhân dân”. Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ là những người sáng tạo ra của caỉ vật chất cho xã hội, quần chúng còn là người sáng tác nữa.

 Chức năng văn hóa: Văn hóa bồi dưỡng tư tưởng đúng và những tình cảm cao đẹp, loại bỏ những tư tưởng thấp hèn, quan tâm tư tưởng tình cảm lớn trong đời sống con người, đời sống cộng đồng dân tộc, làm cho ai cũng có lý tưởng cao đẹp, độc lập tự chủ, có tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, vì nuớc quên mình, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng. Văn hóa bồi dưỡng cho nhân dân tình cảm lớn, đó là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, trung thực, chân thành, thủy chung, ghét những thói hư tật xấu, sa đọa, có tình cảm với gia đình, quê hương, bạn bè, anh em, đồng chí. Văn hóa xây đắp niềm tin vào bản thân, lý tưởng, tin nhân dân, tin vào tiền đồ cách mạng.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1]. Bộ Giao dục và Đào tạo. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh. NXB Chính trị quốc gia. H. 2009. Tr. 126.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập ,T, 33, Tr. 431.

[3]. Hồ Chí Minh, Toàn Tâp, T3, Tr. 431.

[4]. Báo Cứu quốc số ra 9-10-1945.