Kỳ 55.
Văn hóa phải mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí cho nhân dân. Nâng cao dân trí để không chỉ nhân dân hưởng thụ văn hoá mà còn sáng tạo văn hóa, hướng vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Văn hóa góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phong cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, hướng con người đến chân thiện mỹ để hoàn thiện bản thân. Đó là những phẩm cách làm nên giá trị con người. Tức là làm cho văn hóa thấm sâu vào ý thức nhân dân, sửa đổi đựơc tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi tới.
Về xây dựng một nền văn hóa mới: Hồ Chí Minh cho rằng phải xây dựng một nền văn hóa giáo dục. Đó là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Nền giáo dục sẽ “Làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nuớc Việt Nam độc lập”[1]. Hệ thống văn hóa giáo dục của Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm phong phú, hoàn chỉnh, định hướng xây dựng một nền giáo dục đúng đắn.
Văn hóa văn nghệ: Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm xây dựng một nền văn nghệ cách mạng. Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Sau khi cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, văn nghệ phải tham gia vào công cuộc bảo vệ xây dựng chế độ mới. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết”[2]. Văn nghệ phải gắn liền với hiện thực đời sống nhân dân. Thực tiễn lao động chiến đấu sinh hoạt của nhân dân là tư liệu vô cùng phong phú cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm trường tôn cùng dân tộc. Để làm được điều đó Hồ Chí Minh yêu cầu văn nghệ sĩ phải hoà mình vào quần chúng, hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn thực tiễn đời sống nhân dân. Vì nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra của cải vật chất tinh thần. Họ còn là những người hưởng hưởng thụ và đánh giá các tác phẩm văn học nghệ thuật một cách trung thực, khách quan và chính xác nhất.
Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của đất nước và của dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”[3]. Hồ Chí Minh định ra tiêu chuẩn một tác phẩm hay: Diễn đạt vừa đủ, nói những điều đáng nói, ai đọc cũng hiểu được và khi đọc xong phải suy ngẫm.
Hồ Chí Minh còn nói tới văn hóa đời sống: Gắn xây dựng nền văn hóa mới với xây dựng đời sống. Văn hóa đời sống là đời sống mới. Đời sống bao gồm đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới, đạo đức mới. Đạo đức mới là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. “Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”, “ Nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”[4]. Lối sống mới theo Hồ Chí Minh là sống có lý tưởng, có đạo đức, lối sống mới là phong cách sống, phong cách làm việc. Phong cách sống là sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn vật chất, chức quyền, danh lợi. Phong cách làm việc là tác phong quần chúng, tác phong tập thể, dân chủ, khoa học. Nếp sống mới là sống văn minh, kế thừa thuần phong mỹ tục của dân tộc, phát triển cái tốt, bổ sung và làm theo cái mới, cái hay. Xây dựng đời sống mới, văn óa đời sống bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình và của cả dân tộc.
9. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức.
Hồ Chí minh quan niệm đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng chính trị quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức, thống nhất giữa chính trị, đạo đức văn hóa nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là nguồn nuôi dưỡng con người, như gốc của cây, nguồn nước của sông suối. Hồ Chí Minh viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[5].
Cách mạng là một sự nghiệp to lớn, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, nhiệm vụ vẻ vang nhưng nặng nề. Vì thế có đạo đức mới làm được cách mạng. Người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cách mạng phải có đạo đức để nhân dân tin yêu, quý trọng vì quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức.
Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức là đạo đức trong hành động. Hồ Chí Minh nói việc thành hay bại là do cán bộ chủ chốt có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chủ nghĩa xã hội có sức hấp dẫn nhân dân không chỉ ở lý tưởng, tự do bình đẳng, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được bảo đảm mà còn ở chỗ đạo đức cao đẹp của người cách mạng.
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng Đảng là đạo đức là văn minh. Đảng phải có đạo đức để làm gương giáo dục cho hàng triệu thế hệ thanh niên, đội ngũ kế cận quyết định tương lai của Việt Nam. Đạo đức là một sức mạnh, một nhân tố thắng lợi của cách mạng, nó ảnh hưởng đến sự phát triến xã hội, biến xã hội cũ thành xã hội mới. Có đạo đức cách mạng khi gặp khó khăn mới không nản chí, khi thất bại mới không rụt rè lùi bước. Đạo đức còn góp phần xây dựng thuần phong mỹ tục cho xã hội mới.
Những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trung với nước hiếu với dân là chuẩn mực đạo đức bao trùm nhất, quan trọng nhất, chi phối các mặt đạo đức khác. Trung hiếu là chuẩn mực đạo đức phong kiến, là quy phạm pháp luật phong kiến. Cũng là truyền thống đạo đức chính trị của Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đưa nội dung mới vào trung hiếu. Đó là trung với nước hiếu với dân, một khái niệm rộng lớn hơn, không chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ như xưa mà nay trung với nước hiếu với dân. Như vậy Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức. Trung với nước thể hiện quan hệ cá nhân với cộng đồng, xã hội, thể hiện trách nhiệm cá nhân với sự nghiệp dựng nước và giữ nứơc. Hồ Chí Minh cho hiếu với dân thì phải thực hiện dân chủ cho nhân dân. Dân phải nắm quyền. Đảng, Nhà nước phải gần dân, thân dân, học hỏi ở dân, hết lòng phục vụ nhân dân, nắm vững dân tình, hiểu rõ nhân tâm, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Có thực hiện trung với nước hiếu với dân mới được dân yêu mến, cách mạng mới thành công.
Chuẩn mực đạo đức thứ hai theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cần, kiệm , liêm , chính, chí công vô tư. Đây là chuẩn mực cụ thể biểu hiện của đạo đức trung với nước hiếu với dân. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh giải thích cần là siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, cố gắng, kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, liêm là trong sạch, không tham lam tiền của địa vị danh tiếng, chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đúng đắn là tà.
Hồ Chí Minh cũng nêu lên mối quan hệ giữa cần, kiệm, liêm, chính trong đó cần, kiệm, liêm là cái gốc của chính. Cần, kiệm, liêm chính vô cùng cần thiết đối với cán bộ đảng viên vì cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền chức mà thiếu lương tâm sẽ đục khoét, có dịp ăn của đút, Không cần, kiệm, liêm, chính sẽ trở nên hủ bại, thành sâu mọt của dân. Cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh tiến bộ của một dân tộc. “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[6],. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc, là cái cần làm người, làm cán bộ, làm việc phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của xã hội hưng thịnh, trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong.
Chuẩn mực tiếp theo về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chí công vô tư, là công bằng, công tâm, không thiên tư, thiên vị, làm việc chỉ nghĩ tới Đảng, vì dân, không nghĩ tới mình trước, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Còn chủ nghĩa cá nhân thì còn nguy hại cho Đảng, cho dân. Vì chủ nghĩa cá nhân là làm hại Đảng, hại dân để có lợi cho mình. Chủ nghĩa cá nhân khác lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân là lợi ích không trái với lợi ích tập thể, không làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của nhân dân. Cho nên đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không làm tổn hại lợi ích cá nhân. “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[7].
Phải thương yêu con người là đạo đức của người cách mạng. Trong “Di chúc”, Hồ Chí Minh chỉ ra phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Chuẩn mực đạo đức thứ tư theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục. Đây là phẩm chất không thể thiếu được của người cách mạng.
Nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chi Minh: Tu dưỡng bền bỉ suốt đời thông qua thực tiễn cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức không phải tự sinh ra. Đạo đức con người do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển, củng cố, “Gian nan rèn luyện mới thành công”, “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Hồ Chí Minh cho rằng rèn luyện đạo đức phải trên tinh thần tự giác, dựa vào lương tâm và dư luận xã hội. Phải cố gắng sửa chữa sai lầm khuyết điểm. Tu dưỡng đạo đức gắn với thực tiễn mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Đạo đức cách mạng không phải tự có. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Nguyên tắc nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Phải rèn luyện 5 đức nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nêu gương về đạo đức là nguyên tắc quan trọng bậc nhất để rèn luyện đạo đức. Nói mà không làm là đạo đức của chủ nghĩa cơ hội, của giai cấp bóc lột. Nói mà không làm sẽ làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước trước nhân dân. Nói đi đôi với làm là đạo đức của người cách mạng, để làm gương cho nhân dân tin tưởng mới có thể hướng dẫn làm theo. “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” là như vậy. Đạo làm gương, phải quán triệt làm gương trong các lĩnh vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhà trường và ở cả gia đình. Cán bộ cách mạng phải nêu cao đạo đức cao cả của mình.
Xây dựng đạo đức mới đi đôi với chống, xây và chống phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Vì trong đời sống ngay trong một con người đều có tốt, xấu, đúng sai, đạo đức và không đạo đức xen kẽ nhau, đối lập nhau. Cho nên xây đạo đức mới đi liền với chống cái xấu xa nhưng vẫn lấy xây làm chính. Lấy gương tốt, người tốt, việc tốt mà giáo dục lẫn nhau.
Đạo đức là yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách, tạo nên gía trị con người. Cho nên con người để hoàn thiện cần tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tu luyện đạo đức đối với mỗi người là cực kỳ quan trọng, đối với thanh niên càng quan trọng vì thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà”[8], người tiếp sức cho thế hệ già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ trẻ trong tường lai. Vì thế Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục đức, tài cho thanh niên. “Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại nhưng cũng không làm lợi gì cho loài người”[9].
Hồ Chí Minh cho rằng việc rèn luyện đạo đức còn tạo nên sức mạnh nội sinh, giúp người ta vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo. Có đạo đức cách mạng, khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không lùi bước, sợ sệt, khi thắng lợi thành công vẫn giữ vững được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, thắng không kiêu, bại không nản là như vậy. Ai giữ được đạo đức là con người cao thượng, bất kể sang hèn, làm to hay làm nhỏ.
Trong thời đại ngày nay, thanh niên phải học tập đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng bức thiết. Chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, cần rất nhiều động lực để hoàn thành, đạo đức chính là động lực của lịch sử. Thanh niên phải phát huy truyền thống ông cha, tu luyện đạo đức để đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, những tiêu cực trong đời sống cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức một bộ phận thanh, thiếu niên, phai mờ lý tưởng cách mạng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp, thờ ơ với sự nghiệp của nhân dân, với sự nghiệp của dân tộc, gục ngã trước những tệ nạn xã hội. Cho nên việc giáo dục thanh, thiếu niên theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng cấp thiết.
(Còn nữa)
CVL
-------------------
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T4, Tr. 8.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T6, Tr. 368.
[3]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T10, Tr. 646-647
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T 5 Tr, 104, 110.
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T5, Tr, 252-253
[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T, 5, Tr 642.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T11, Tr. 557-558.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T5, Tr. 185.
[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T9, Tr, 172. 284.